Bắc Ninh là vùng đất có lịch sử từ hàng ngàn năm, thu hút khá nhiều cư dân các vùng khác đến khai phá, tụ cư, hình thành họ tộc, cùng nhau dựng nước và giữ nước qua các giai đoạn lịch sử. Nghiên cứu về sự ra đời và định hình chức năng nhà thờ họ cũng là những bàn luận về lịch sử, văn hóa Kinh Bắc qua quá trình hình thành những dòng họ và đóng góp của các dòng họ đối với lịch sử địa phương và nước nhà. Nhà thờ họ là cơ sở thực hành tín ngưỡng thờ cùng tổ tiên, qua đó nhà thờ họ mang trên mình những chức năng văn hóa cơ bản trong văn hóa dòng họ như: tâm linh, giáo dục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…
Ban thờ chính của nhà thờ họ chi 1 dòng họ Nguyễn Phúc Xuyên, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh - Ảnh: tác giả
Nhà thờ họ là một thực thể văn hóa có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội. Để nghiên cứu những giá trị văn hóa của loại hình di tích đặc biệt này, tác giả đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học, trong đó, việc lựa chọn lý thuyết chức năng là phương pháp được ưu tiên hàng đầu. Lý thuyết chức năng (functionism) nói đến sự ổn định của một hệ thống mà trong đó những bộ phận này có liên hệ với nhau, cùng nhau vận hành để tạo nên cái toàn bộ, tạo sự ổn định cho cả hệ thống. Các lý thuyết chức năng, vùng văn hóa, biến đổi văn hóa..., tạo thành khung lý thuyết góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu chức năng nhà thờ họ ở Bắc Ninh trên phương diện giá trị lịch sử, văn hóa. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin đưa ra một số luận bàn về chức năng nhà thờ họ ở Bắc Ninh như sau:
Chức năng tâm linh
Trước tiên, nhà thờ họ là nơi thực hành tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt nói chung và người Việt ở tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, cội nguồn mà gần nhất là những người sinh thành ra mình. Tục ngữ có câu: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển”, ví như công sinh thành giáo dưỡng của cha mẹ lớn vô cùng, không chỉ khi cha mẹ còn sống con cái phải thể hiện đạo hiếu, mà sau khi cha mẹ “khuất núi” tình cảm thiêng liêng ấy được con cháu thể hiện qua việc thờ cúng: “tôn khi sống, thờ khi chết”.
Xuất phát từ nhu cầu tâm linh của người dân, muốn ghi nhớ tưởng niệm đối với cha mẹ và những người trong họ đã khuất, việc xây dựng, tôn tạo nhà thờ của dòng họ cũng được mọi người dân chú trọng để bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dòng họ. Nhiều nhà thờ họ có quy mô lớn, có niên đại hàng trăm năm, làm nơi thờ tự, quanh năm được con cháu hương khói, tổ chức lễ bái. Nhà thờ họ Nguyễn ở Hương Mạc (Từ Sơn) là loại hình nhà thờ riêng biệt, bên trong là không gian thờ tự gồm: tiền tế, ống muống, bài trí nhiều đồ thờ tự giống như bài trí không gian những di tích tôn giáo trong vùng.
Trong đạo lý thờ cúng tổ tiên của người Việt với quan niệm “ngũ đại mai thần chủ”, tức là trong gia đình thờ tổ tiên chỉ đến 5 đời, đời thứ 5 trở về trước chôn bài vị, đưa lên bàn thờ ở nhà thờ họ, họ tộc sẽ giỗ chạp họ (dồn tất cả ngày giỗ vào một ngày cuối năm) trong ngày giỗ bách tổ (nhiều vị tổ). Tuy nhiên, khi nghiên cứu đến văn hóa tâm linh ở nhà thờ họ thì ở những nhà thờ đại tôn thường thấy thờ tới 15-18 đời (nhà thờ họ Ngô ở Đáp Cầu). Một số dòng họ lớn, ngoài nhà thờ tổ họ còn phân chia nhà thờ họ theo chi, ngành như ở nhà thờ Nguyễn Phúc Xuyên ở Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, mỗi người con trai của cụ Nguyễn Phúc Xuyên được phân chia một phần đất ở trong làng để thờ gia tiên.
Những năm gần đây, nhà thờ họ không những là nơi thường được các thành viên trong họ đến cúng lễ mà có cả trường hợp một số người nước ngoài gốc Việt đã tìm về đất nước nhận họ hàng và thắp hương tại nhà thờ họ. Việt Nam và Cao Ly xưa (nay là Hàn Quốc và Triều Tiên) đã có quan hệ huyết thống và thiên di. Từ đầu TK XX trở lại đây, đã có 6 lần người Hàn Quốc về Việt Nam tìm họ hàng, chắp nối lai lịch huyết thống. Trong số đó, có con cháu của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tại Hàn Quốc. Con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc cũng tìm về nguồn cội họ Lý Việt Nam, thắp hương cho nhà thờ đại tông tại Đền Đô, Bắc Ninh…
Theo quan niệm văn hóa của người Việt nói chung và ở Bắc Ninh nói riêng, việc đánh giá một gia đình, họ tộc có biểu hiện tốt đẹp, giàu truyền thống người ta nhìn nhận qua bề mặt: nếp nhà, ruộng vườn, cơ sở sản xuất, nhà thờ họ, mồ mả… Tất cả những giá trị di sản đó được tạo dựng từ truyền thống gia đình. Tuy nhiên, những dòng họ danh gia, khoa bảng ở Bắc Ninh được xã hội nhìn nhận từ nguồn gốc dòng họ, cơ sở tâm linh (nhà thờ họ). Khi nguồn gốc rõ ràng, vững chãi và hiển vinh thì mới tạo ra truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng tộc.
Theo xu thế hiện nay, nhiều gia đình, dòng họ trùng tu, tôn tạo hoặc xây mới nhà thờ họ (nhà thờ họ Trần Danh - Đại Lai, Gia Bình), một số dòng họ phục dựng, chắp nối gia phả, kết nối các chi họ trong nước tìm về cội nguồn…, đó cũng là biểu hiện của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được lưu truyền từ lâu đời.
Chức năng giáo dục
Ở Bắc Ninh, truyền thống văn hóa dòng tộc được hình thành cùng với quá trình lịch sử của vùng đất Kinh Bắc giàu truyền thống. Những chuẩn mực về hệ giá trị văn hóa gia đình, dòng tộc ở Bắc Ninh thể hiện qua gia phong bao gồm: gia lễ, gia giáo, gia phả.
Cuộc sống xã hội hiện đại, ở góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện mai một. Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập vào các gia đình, làm giá trị văn hóa gia đình dễ bị suy giảm, không còn giữ được nếp sống truyền thống, gia phong của gia tộc. Việc khôi phục dòng họ, nhà thờ họ và lo toan việc họ có tác dụng xây dựng gia đình văn hóa mới với những tác dụng quan trọng như sau:
Trước tiên là phát huy truyền thống của việc họ. Dòng họ Đàm Thận ở Hương Mạc là dòng họ khoa bảng dưới triều Lê - Trịnh, trong dòng tộc đặt ra học điền, tổ chức lễ thọ, tổ chức lễ tương tế giúp đỡ người có kinh tế khó khăn trong dòng họ; đặt ra các giải thưởng khuyến khích con cháu học giỏi, lên lớp, lên cấp, hoàn thành nghĩa vụ quân sự; giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo, giúp đỡ người tàn tật, ốm đau... Giáo dục truyền thống dòng họ còn thể hiện trong việc nhiều dòng họ xây dựng từ đường, nhà thờ họ, trùng tu đình miếu, thiết lập văn chỉ... Nhưng trước hết là giáo dục thế hệ trẻ phải nối tiếp truyền thống hiếu học của tiền nhân.
Theo gia phả họ Ngô, thủy tổ họ Ngô ở Vọng Nguyệt, liên tiếp 5 đời trong vòng gần 200 năm đều có người đỗ đại khoa. Nghiên cứu 82 tấm bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám chúng ta có thể thấy được rất nhiều dòng họ có truyền thống khoa bảng và trong số đó có dòng họ Ngô ở Vọng Nguyệt, Yên Phong, Bắc Ninh - dòng họ tiêu biểu quê hương kinh Bắc với 5 vị đỗ đại khoa. Nhà sử học Phan Huy Chú từng ca ngợi rằng: “Làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô kể từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng đời Hồng Đức, rồi năm đời đỗ Tiến sĩ liên tiếp thực là xưa nay hiếm có”.
Bảng ghi công đức xây dựng công trình nhà bia trong đền thờ nhà thờ họ Nguyễn ở Kim Đôi, Quế Võ, Bắc Ninh - Ảnh: tác giả
Với những công trạng lẫy lừng của các bậc tiền nhân trong dòng tộc, con cháu luôn tự hào và kế thừa gia phong của dòng tộc để phát triển dòng họ: Gần đây dòng họ Đàm Thận có GS vật lý Đàm Trung Đồn, GS dược học Đàm Trung Bảo, GS,TS vật lý Đàm Thanh Sơn hiện đang giảng dạy tại trường đại học danh tiếng ở Chicago (Mỹ)…
Ở nước ta, vai trò của việc viết và để lại gia phả cũng là một cách khuyến khích con cháu tự hào về họ tộc. Gia phả có mặt tích cực là kết nối dòng họ, từ đó xây dựng và phát triển những truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Ở nhà thờ họ Ngô Đáp Cầu, ngoài gia phả tộc phả được dòng họ ghi chép đầy đủ 18 đời, tại nhà thờ dòng còn cho đắp cây gia phả tại mảng tường ngoài hiên trước tiền tế. Việc dựng cây gia phả và công khai cho các con cháu luôn được tiếp cận với cây gia phả sẽ dễ dàng hiểu hơn về vai vế của mình trong họ tộc.
Nhà thờ họ Nguyễn ở làng Kim Đôi xã Kinh Chân, thành phố Bắc Ninh có 7 đời liên tiếp đỗ khoa bảng, dòng họ có tới 14 TS và được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều nhà Lê. Tại nhà thờ cũng lập lên thế phả của dòng họ khắc trên văn bia bằng chữ quốc ngữ trưng bày ngay tiền tế của nhà thờ họ. Con cháu dễ dàng tiếp cận được với di sản văn hóa của dòng họ.
Nhà thờ họ còn là nơi vinh danh truyền thống thượng võ của dòng họ. Điển hình là các dòng họ võ tướng, làm quan trong triều đình nhiều thế hệ, được dân làng thờ ở đền, ví dụ như dòng họ Nguyễn Đức ở thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Trong dòng họ có đến 18 vị Quận công. Dòng họ Nguyễn Khắc thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cũng là dòng họ truyền thống làm quan võ. Con em trong họ cũng thường xuyên được các thế hệ đi trước cổ vũ việc phát huy truyền thống cha ông.
Chức năng sinh hoạt văn hóa, xã hội cộng đồng
Nhà thờ họ là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dòng họ ở mỗi địa phương, trong đó có các hoạt động liên quan đến việc vinh danh, khuyến học, khuyến tài những con cháu trong dòng họ khi đạt được những thành tích cao trong công việc và cuộc sống. Dưới thời phong kiến, đó là trường hợp các Nho sinh - sĩ tử tham dự những kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình khi đạt được thành tích cao, đỗ đạt sẽ “vinh quy bái tổ” về làng xã. Người đó sẽ được cả làng, cả tổng, cả dòng họ và gia đình chào đón. Hoặc những mệnh quan của triều đình phong kiến do có công trạng được Vua ban, phong thưởng tước vị, bổng lộc… khi trở về quê bái yết quê hương, gia tộc, sẽ được các họ tộc sẽ tổ chức đón tiếp trọng vọng, vinh danh người con của quê hương, gia tộc tại nhà thờ của họ tộc.
Ngày nay, những người con của quê hương gia tộc tham gia công tác xã hội, đảm nhận các vị trí khác nhau trong bộ máy quản lý nhà nước… khi có thành tích cao, được các cơ quan Đảng và chính quyền nhà nước khen thưởng những thành tích xuất sắc như phong danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân (công an, quân đội), Anh hùng lao động; được giao những chức vụ trọng trách cao hơn trong bộ máy chính quyền các cấp; những nhà khoa học đỗ đạt các học hàm, học vị…, thì hầu như đều về quê “báo tiệp” với quê hương, gia tộc. Đây cũng là dịp các gia đình, họ tộc mở hội ăn mừng, vinh danh con cháu đỗ đạt, chúc mừng những người thành đạt, tự hào với nội tộc, vẻ vang với quê hương và các dòng tộc khác trong làng xã.
Dòng họ Ngô ở phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh hiện có hơn 300 người là cử nhân; 53 người trên Đại học, trong đó 5 người là GS; PGS,TS; 18 TS; 30 ThS, là cán bộ khoa học đang phục vụ cho Nhà nước, cũng như đang sinh sống làm việc ở nước ngoài.
Trong các dòng tộc, việc vinh danh, ghi danh “bảng vàng bia đá” trong mỗi dịp như vậy vừa giữ gìn truyền thống tốt đẹp, lưu danh con cháu đỗ đạt, có thành tích, vừa nhắc nhở, khuyến khích, truyền niềm tin, củng cố hy vọng… cho con cháu trong dòng họ cố gắng phấn đấu, nỗ lực để đạt được nhiều thành tích xứng đáng với cha ông.
Những ngôi nhà thờ họ cũng là nơi diễn ra sinh hoạt cộng đồng của nhiều thế hệ con cháu trong dòng tộc. Dưới thời phong kiến, một số nhà thờ họ có truyền thống khoa bảng còn được dùng làm trường học chốn hương thôn. Thày đồ làng hoặc những vị quan của triều đình với phương châm “tiến vi quan - thoái vi sư” (Khi trai trẻ thì phấn đấu làm quan trong triều - Khi về già thì lui về quê dạy học) có thể sử dụng nhà thờ họ làm “trường” dạy học cho con cháu trong dòng tộc và con em các gia đình khác trong làng xã.
Mỗi dịp lễ Tết, hội hè hoặc khi có dịp anh em được về quê gặp nhau trong các sự kiện của quê hương, gia tộc sẽ là những dịp để anh em con cháu “chi dưới - ngành trên” giao lưu, trò chuyện, học tập rút kinh nghiệm hoặc phối hợp, hợp tác hỗ trợ nhau trong cuộc sống, trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại các nhà thờ họ có thể diễn ra các cuộc họp bàn để hỗ trợ con cháu khi chẳng may gặp khó khăn, hoạn nạn. Sự chia sẻ, đồng sức, đồng lòng của mọi người trong dòng tộc vừa là củng cố niềm tin, vừa là những trợ giúp quý báu về tinh thần, vật chất cho con cháu trong họ tộc mỗi khi gặp khó khăn.
Nhà thờ họ được dùng để con cháu trong họ tụ hội những dịp lễ Tết, cũng là nơi để các họ tộc trong hương thôn giao lưu kết nối giữa các dòng họ trong làng trong xã. Khi các gia đình, dòng họ này có tin vui hay có “việc họ - việc làng” sẽ được diễn ra tại nhà thờ của các dòng họ hoặc tại chốn đình chung của làng xã tùy tính chất và quy mô của sự kiện. Ví dụ, ở nhà thờ họ Ngô ở Đáp Cầu, vào mỗi dịp giỗ Tổ họ (ngày 7-3 âm lịch), có hàng trăm con cháu ở mọi nơi trở về tham dự, trong đó có nhiều người thành đạt về nhà thờ họ để báo cáo công trạng, thành tích, đồng thời cũng là dịp để con cháu đưa bạn bè, đối tác làm ăn về dự lễ giỗ Tổ họ và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chia sẻ cuộc sống, giao lưu hát quan họ (chơi quan họ).
Kinh tế thị trường phát triển đã khiến cho nhà thờ họ ngày càng trở thành trung tâm giao lưu, liên kết họ tộc để cùng nhau phát triển kinh tế, trau dồi truyền thống. Nhiều nhà thờ họ được trùng tu, xây mới khang trang. Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề lịch sử để lại như tranh chấp, lấn chiếm đất của nhà thờ họ của một vài gia đình trong họ. Việc đóng góp quá nhiều cho việc xây dựng nhà thờ họ, việc lạm dụng nhà thờ họ vi phạm chính sách nhà nước… cần phải có sự điều chỉnh.
Trong tương lai, vai trò tích cực của nhà thờ họ vẫn được phát huy, vì nhà thờ họ sẽ luôn là nơi để các dòng họ tưởng nhớ đến tổ tiên, nơi thực hành các nghi lễ, phong tục đẹp của một dòng họ, một dân tộc.
Một số hình thức hoạt động của dòng họ như thành lập Hội đồng gia tộc, viết lịch sử dòng họ, gia tộc, lưu giữ những giá trị văn hóa dòng họ, những hiện vật, bảo vật của dòng họ cũng là những việc làm cần thiết. Chức năng của nhà thờ họ cũng cần có sự điều chỉnh và hòa đồng với hoạt động giữa các nhà thờ họ khác trong làng xã, đất nước.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Trọng Am, Văn hóa dòng họ Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2011.
2. Toan Ánh, Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ Tết, hội hè, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000.
3. Toan Ánh, Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
4. Bronislaw Malinowski, Ma thuật khoa học và tôn giáo - Những vấn đề nhân học tôn giáo, Tạp chí Xưa và Nay, 2006, tr.147-213.
PHẠM LÊ TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023