Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang

Trong hơn hai thập kỷ qua, quá trình công nghiệp hóa với hàng loạt những dự án thủy điện đã tác động không nhỏ đến môi trường và quy hoạch dân cư nhiều vùng ở nước ta. Các dự án này được triển khai chủ yếu tại các tỉnh miền núi, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời. Việc di dời, tái định cư phục vụ xây dựng thủy điện vì thế sẽ dẫn đến những thay đổi không nhỏ về sinh kế, phong tục tập quán, cũng như bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Bài viết nghiên cứu về cộng đồng người Dao di dân từ vùng lòng hồ thủy điện Na Hang, tái định cư tại huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa, Tuyên Quang để tìm hiểu những thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao ở vùng tái định cư.

Đồng bào Dao vùng tái định cư trong lễ cấp sắc - Ảnh: tác giả

 

Sau gần 20 năm, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong đó có người Dao tại nơi tái định cư đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, tái định cư với những thay đổi về môi trường tự nhiên và xã hội đã khiến cộng đồng người Dao có thể mất mát, mai một không ít những giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người Dao ở Việt Nam có một kho tàng tri thức phong phú trong sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mấy trăm năm sống gắn bó với rừng, nương tựa vào rừng để tồn tại, người Dao luôn ứng xử hài hòa với tự nhiên. Theo nhận định của TS Trần Hữu Sơn, “sự hài hòa trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao đang bị đe dọa bởi cả sự can thiệp từ ngoài vào đối với các nguồn tài nguyên quan trọng cũng như sự thay đổi trong ứng xử của chính họ. Sự thay đổi đó đã gây nên nhiều hệ quả mà một trong số đó là thiên tai, lũ lụt ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn” (1). Từ nhận định đó, nghiên cứu của TS Trần Hữu Sơn hướng đến việc “xây dựng cơ sở lý luận cho việc nhận thức, khai thác, ứng dụng các tri thức, kinh nghiệm dân gian, các bài học về ứng xử của con người với môi trường tự nhiên vào quá trình hoạch định chiến lược và xây dựng các mô hình phát triển bền vững” (2). Đây chính là tiền đề quan trọng cho nghiên cứu của chúng tôi.

Bối cảnh chuyển đổi môi trường sống từ một chương trình di dân không tự nguyện được coi như một giả thuyết về nguyên nhân của sự thay đổi trong ứng xử của người Dao với môi trường tự nhiên. Sự thay đổi này được xem xét từ những biểu hiện của nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của người Dao với môi trường tự nhiên phản ánh qua các hoạt động sinh kế, hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, qua thực hành tín ngưỡng và các nghi lễ thờ cúng.

1. Chương trình di dân và đặc điểm vùng tái định cư

Dự án xây dựng Thủy điện Tuyên Quang được phê duyệt theo Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 19-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng vốn đầu tư theo dự toán khoảng 7.500 tỷ đồng. Diện tích vùng ngập lòng hồ gần 15.000 km2. Công trình có lượng di dân tái định cư lớn và đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89,8% (gồm Tày: 54,8%; Dao: 29,2%; Mông: 5,8%) tại 75 bản làng thuộc 15 xã của 3 huyện Na Hang (Tuyên Quang), Ba Bể (Bắc Kạn) và Bắc Mê (Hà Giang).

Người Dao di dân từ xã Xuân Tiến, Xuân Tân (Na Hang), tái định cư ở xã Phúc Sơn (Lâm Bình) và xã Trung Hà, Tân Mỹ (Chiêm Hóa). Tại đây, không gian sinh sống của người Dao được bao bọc bởi rừng phòng hộ, núi đá, đồi thấp và đất bãi. Tuy nhiên, núi đá không trồng trọt được; đất rừng đều thuộc quyền quản lý của các nông - lâm trường, khu bảo tồn; đất đồi thấp đã thuộc sở hữu của người Tày sở tại từ lâu; đất ruộng được chia theo định mức; đất bãi thì hộ nào có vốn và nhanh nhạy mới mua được một ít ngay khi chuyển đến. Từ năm 2003-2012, hầu hết các hộ người Dao tái định cư tại xã Phúc Sơn (Lâm Bình), Trung Hà, Tân Mỹ (Chiêm Hóa) chưa được cấp đất rừng, nên việc khai thác tre gỗ (để làm nhà, chuồng trại...), lâm thổ sản, dược liệu để sử dụng hay trao đổi hầu như không có. Thêm vào đó, nguồn nước tưới ruộng và nước sinh hoạt thông thường gặp nhiều khó khăn. Thay vì chọn những sườn đồi theo hướng phù hợp để làm nhà thì nay các thôn được bố trí chủ yếu men theo 2 bên đường cái, đường thôn và đều cách xa nguồn nước. Nói chung, các yếu tố tự nhiên, địa lý - không gian sinh tồn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người Dao tái định cư đã thay đổi về cơ bản.

Đến năm 2013, việc giải quyết đất ở và đất sản xuất cho tất cả các hộ tái định cư cơ bản đã đạt theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ý kiến của các hộ dân, diện tích đất hiện nay rất thấp so với nơi ở cũ. Ngoài việc đất ở và đất sản xuất bị thu hẹp thì việc không có rừng, đất rừng... là thay đổi quan trọng, mang tính bước ngoặt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các hộ Dao. Với người Dao, rừng không chỉ là nơi canh tác nương rẫy, săn bắt hái lượm, chăn thả các loại đại gia súc, rừng còn là môi trường linh thiêng, nơi có miếu thờ thổ địa, vị thần che chở cho dân bản; là không gian thực hành các nghi lễ liên quan đến đời sống tín ngưỡng của cộng đồng... Bên cạnh việc đất đai của các hộ bị thu hẹp, vấn đề sở hữu đất đai cũng có sự thay đổi. Đất lâm nghiệp được giao để khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác thuộc sở hữu chung không được cấp như nơi ở cũ; đất đai và vùng thiên nhiên thuộc phạm vi bản (rừng cấm, bãi chăn thả...) không đáng kể. Giờ đây, nông dân người Dao chủ yếu chỉ canh tác trên số diện tích đất được cấp, ít có khả năng mở rộng. Việc khai thác các nguồn lợi từ đất đai vì thế suy giảm nhiều.

2. Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao vùng tái định cư

Nhận thức và thái độ của người Dao về môi trường tự nhiên

Theo nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng, “Môi trường tự nhiên là một bộ phận trong “môi trường lớn”, là tổng thể các nhân tố tự nhiên xung quanh chúng ta như bầu khí quyển, nước, thực vật, động vật, thổ nhưỡng, nham thạch, khoáng sản, bức xạ mặt trời” (3). Đây là một khái niệm mang tính khoa học và học thuật, được coi là bao quát và đầy đủ khi đặt trong mối quan hệ với đời sống con người cũng như trong nghiên cứu văn hóa.

Với người Dao, môi trường tự nhiên được hiểu là những thứ gần gũi, cụ thể, quan hệ trực tiếp tới đời sống của đồng bào. Nó là không khí, các hiện tượng mưa, gió, sấm, chớp, là đất đai, nguồn nước và rừng. Đất thì có đất làm nhà, đất gieo trồng và chăn thả gia súc. Nước là nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất và cho các loại thức ăn từ sông suối. Rừng đặc biệt quan trọng, là nguồn sống của người Dao. Rừng cho gỗ làm nhà, cho thức ăn, các loại cây thuốc, nguyên liệu nấu rượu… Những tài nguyên này có phần sở hữu riêng, có phần sở hữu chung của cả cộng đồng. Vì vậy, trong truyền thống cũng như hiện tại, người Dao luôn ý thức khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên một cách hợp lý để vừa tận dụng được lợi ích của tự nhiên phục vụ cuộc sống, vừa giữ gìn cho thế hệ mai sau. Tuy nhiên, do những khó khăn của bối cảnh chuyển đổi, với tâm lý là người đến sau, người Dao đã có những thay đổi trong nhận thức về vấn đề sở hữu đối với môi trường tự nhiên. Theo họ, ngoài đất ở, đất sản xuất được giao theo quy định, tất cả rừng, núi, nguồn nước, bãi chăn thả… đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và dân sở tại. Khi không được sở hữu, không được tự do khai thác đồng nghĩa với việc người Dao không được hưởng lợi và cũng không quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ. Nhận thức này sẽ phần nào lý giải những thay đổi trong hành vi ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao vùng tái định cư.

Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao qua hoạt động sinh kế, khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Sinh kế truyền thống của người Dao vốn gắn bó mật thiết với tự nhiên. Đồng bào khai thác và sử dụng nông, lâm sản từ rừng, sông, suối để phục vụ nhu cầu thiết yếu: ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe và trao đổi mua bán. Trước tái định cư, ngoài sản xuất nông nghiệp, các hộ Dao còn có những khoản thu nhập khác do khai thác nhiều sản vật ở mức độ cho phép từ rừng được giao quản lý như: gỗ, tre, nứa, măng, nấm, mật ong, dược liệu, săn bắn muông thú nhỏ; đánh bắt cá trên sông suối. Đây là nguồn thực phẩm chính và những khoản thu nhập đáng kể đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ.

Lâm Bình và Chiêm Hóa là hai huyện miền núi có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn. Tuy sản vật tự nhiên không phong phú như ở Na Hang, nhưng đây cũng là môi trường thuận lợi để người Dao ở Phúc Sơn, Trung Hà vẫn khai thác được một số thức ăn và dược liệu từ rừng (măng, rau rừng, ốc núi, cây thuốc…). Trong quá trình thu hái, người Dao luôn ý thức việc bảo vệ, không khai thác cạn kiệt mà giữ gìn nguồn giống cây, con cho những lần thu hoạch sau. Điểm tái định cư thôn Nà Giàng (xã Tân Mỹ, Chiêm Hóa) có địa hình khá bằng phẳng, chỉ có đồi đất thấp, không có rừng và núi đá. Người Dao tái định cư chỉ khai thác được măng theo mùa, cây vầu và nứa. Ở đây, một số cụ ông vẫn duy trì nghề đan lát các đồ gia dụng bằng nguyên liệu tre, nứa, tuy nhiên chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình, chứ khó có thể đem ra trao đổi rộng rãi để có thêm thu nhập. Tại điểm tái định cư Phiêng Tạ và Noong Cuồng, xã Phúc Sơn, có một con suối chảy qua cánh đồng của bản Câm, vào mùa mưa thường bị lũ lụt, còn mùa khô thì lại cạn nước nên việc đánh bắt cá theo đó cũng hầu như không còn.

Phụ thuộc vào rừng và nguyên liệu tự nhiên, một số nghề khác cũng suy giảm, có nghề đã biến mất như nghề nấu rượu Đao, rượu Báng. Người Dao rất giỏi về thuốc nam và tự chữa được nhiều loại bệnh. Tại các điểm tái định cư, các gia đình vẫn dùng các loại thảo dược nấu nước uống hằng ngày để giải nhiệt, mát gan, tăng cường sức khỏe. Một số gia đình tự lấy lá thuốc dùng cho sản phụ sau sinh và chữa một số bệnh thông thường như đi ngoài, táo bón, mẩn ngứa, đau xương khớp… Khi có người cần, họ có thể lấy thuốc chữa một số bệnh như: bệnh tim, gan, dạ dày, phế quản, tiểu đường, gút, thấp khớp, vô sinh, hiếm muộn... Để chữa những loại bệnh này, một số vị thuốc phải đi lấy ở rừng trên Na Hang. Do nguồn thảo dược hạn chế, còn rất ít gia đình làm nghề lấy thuốc để bán (Phiêng Tạ: 3; Bó Cạu: 1; Bản Ba 2: 1; Nà Giàng: 2).

Hoạt động trao đổi, buôn bán cũng thay đổi nhiều. Tái định cư do nhu cầu đất sản xuất thiếu, việc khai thác tài nguyên rừng, sông suối bị hạn chế; không có điều kiện để duy trì phát triển các nghề thủ công, không có hàng hóa để trao đổi mua bán. Theo ý kiến của nhiều hộ, “ở Na Hang kiếm tiền ít nhưng không phải dùng đến tiền. Đi làm về, mang lưới ra sông là có cá ăn, mọi thứ tự làm ra được như rau rừng, thức ăn… Ở đây cái gì cũng phải mua, ra đến cửa là phải tiêu tiền rồi” (Ông TPT, Phiêng Tạ). Do nguồn lực sinh kế suy giảm, trong khoảng 10 năm đầu tái định cư, người Dao ở Phúc Sơn đã xâm phạm các khu rừng phòng hộ. Họ trực tiếp khai thác gỗ nghiến về làm nhà, để bán hoặc vận chuyển thuê cho chủ gỗ. Năm 2012, giá một chiếc thớt có đường kính 45cm bán được khoảng 250.000 đồng. Riêng công vác từ rừng về nơi tập kết từ 50-100.000 đồng. Người dân biết đây là công việc nguy hiểm, phạm pháp nhưng là nguồn lợi hấp dẫn với nhiều người trong giai đoạn khủng hoảng về sinh kế.

Như vậy, nguồn lực tự nhiên suy giảm cùng với sức ép của sinh kế, người Dao dù không muốn cũng phải tách dần khỏi sự lệ thuộc vào tự nhiên. Những hoạt động khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người Dao cũng có nhiều thay đổi. Mối quan hệ gắn bó giữa con người với tự nhiên vì thế cũng giảm dần sự mật thiết. Điều này phản ánh những ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao một phần phụ thuộc vào thực tế nguồn lợi mà họ được hưởng từ tự nhiên, phần khác liên quan đến vấn đề sở hữu đối với môi trường tự nhiên liên quan trực tiếp tới đời sống của họ.

Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao phản ánh qua tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng

Tin vào vạn vật hữu linh - mọi vật đều có linh hồn, theo quan niệm dân gian người Dao cho rằng mỗi hiện tượng, sự vật trong tự nhiên: mưa, gió, sấm, chớp, mỗi khu rừng, vùng đất, nguồn nước, con sông, con suối, cây cối… đều có các vị thần, loại ma cai quản và trú ngụ. Đây là những nhân vật vô hình, “thế lực vừa có khả năng bảo trợ, vừa có khả năng làm hại con người nếu không được thờ phụng, cung kính” (4). Chính vì thế, người Dao có nhiều nghi lễ thờ cúng liên quan đến các sự vật, hiện tượng tự nhiên.

Trong sinh kế truyền thống của người Dao, trồng trọt cây lương thực và chăn nuôi đóng vai trò chủ đạo. Bởi vậy, các lễ nghi nông nghiệp giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong đời sống tín ngưỡng của họ. Với niềm tin: hàu tía mả tu phú, hàu thin tú lục (hầu hạ cha mẹ thì được phúc, cúng tế thần thánh thì được lộc), người Dao thực hiện nhiều lễ cúng để cầu mong cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, cho năng suất cao. Trước kia, lễ cúng bản Khoi kềm được thực hiện thường niên tại miếu bản. Còn Tống trùng được tổ chức khi mùa màng bị sâu bệnh phá hoại. Một số điểm (Phiêng Tạ, Bó Cạu, Bản Ba) có miếu bản do người Tày sở tại lập ra. Tuy nhiên, người Dao di dân không tham gia cũng không thực hiện các nghi lễ cộng đồng tại đây. Việc cúng Cầu mùa, Tống trùng giờ do các gia đình tự thực hiện tại ruộng nương của mình với nghi thức đơn giản và không phổ biến. Các dòng họ của người Dao trước đây thường tổ chức một số nghi lễ nông nghiệp như: cúng lập thu, cúng mở mùa gieo cấy, cúng tổ tiên dòng họ xin phù hộ mùa màng... Lễ cúng thực hiện tại nhà trưởng họ, các gia đình đóng góp lễ vật và cử một người đại diện đến dự lễ. Đối tượng cầu cúng gồm: ma tổ tiên của dòng họ, thần nông, ma mùa thu. Hiện nay, nghi lễ này cũng do các gia đình tự cúng. Trong gia đình, người Dao vẫn tiến hành các nghi lễ: cúng hồn lúa, cúng ma ruộng, cúng cơm mới… nhưng không thường xuyên. Bên cạnh những nghi lễ nông nghiệp như trên, trước kia, các gia đình người Dao còn thực hiện một số lễ cúng nhỏ liên quan đến việc đi rừng và đánh bắt cá trên sông với mong muốn thu hoạch được nhiều và tránh được vận hạn rủi ro. Tại các điểm tái định cư, do không có rừng, sông suối nên những nghi lễ này cũng không còn được thực hiện.

Rừng - một phần của môi trường tự nhiên, là yếu tố không thể thiếu trong đời sống, văn hóa của người Dao. Đồng bào quan niệm, rừng có các vị thần cai quản núi non, động vật và cây cối. Khi muốn săn bắt, hái lượm… phải xin phép và tạ ơn. Là sở hữu chung của cộng đồng nên việc khai thác và bảo vệ rừng được quy định và giám sát chặt chẽ. Sự thiêng hóa các khu rừng thiêng, rừng cấm chính là một biện pháp để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bền vững của người Dao. Thời gian đầu, ở các điểm tái định cư, người Dao là cư dân đến sau, vấn đề sở hữu đất đai khiến họ nghĩ rừng và các vị thần cai quản ở đó là của cư dân sở tại. Trong khoảng 5 năm, người Dao không thực hiện các nghi lễ thờ cúng liên quan đến rừng và thổ thần. Phải đến khi có những vận hạn xảy đến liên tiếp trong cộng đồng, người Dao mới thực hành các nghi lễ. Cúng giải hạn đầu tiên được tổ chức theo quy mô gia đình, do gia đình làm ăn thất bát, người nhà ốm đau hay tai nạn nhiều. Ở Phiêng Tạ (Phúc Sơn), khi trong thôn có một số người chết vì đuối nước, ngã núi, ốm đau... thì người dân mới bắt đầu tổ chức các lễ cúng cộng đồng. Theo quan niệm dân gian của một số người nguyên nhân của những tai họa này là do người Dao chặt phá rừng (khai thác gỗ nghiến trái phép), phạm vào thần linh, thổ thần. Khoảng từ năm 2010-2012, lễ cúng bản của người Dao ở Phiêng Tạ được tổ chức tương đối lớn. Ngày cúng lễ không được phạm vào ngày kỵ của bất kỳ dòng họ nào trong thôn. Thời gian và địa điểm thực hiện lễ cúng hết sức bí mật, người không có nhiệm vụ thì không được biết. Kinh phí chuẩn bị lễ vật do các gia đình trong thôn cùng đóng góp. Theo lời kể của một số người ở thôn Noong Cuồng (giáp liền với thôn Phiêng Tạ), thì lễ cúng cộng đồng ở thôn Phiêng Tạ do cả thày cúng người Dao và thày cúng người Kinh làm “Thày cúng người Dao làm lễ ở rừng. Thày cúng người Kinh thì dựng rạp, làm lễ ở nhà văn hóa thôn” (ông PDT, thôn Noong Cuồng). Những năm gần đây, việc làm ăn và cuộc sống của người dân trong thôn đã yên ổn, việc cúng cộng đồng chỉ duy trì trong phạm vi một nhóm các hộ, không tổ chức chung cả thôn như trước nữa.

Có thể thấy, khi môi trường tự nhiên không còn tương trợ trực tiếp cho cuộc sống của người Dao, cộng đồng đã lược bớt các nghi lễ thờ cúng tự nhiên. Họ cho rằng, môi trường tự nhiên nếu không thuộc quyền sở hữu của họ thì các vị thần/ ma cũng không thuộc phạm vi thờ phụng của cộng đồng. Chỉ khi gặp vận hạn, sau khi bói tìm ra các ma làm hại (ma rừng, ma gốc cây, ma hang đá, ma sông…) thì người Dao mới mời thầy về làm lễ cúng. Theo các thày cúng người Dao, ma rừng còn gọi là Chúa sơn lâm Dùn phiu miên gồm một đoàn cai quản các khu rừng. Nếu người nào đi rừng mà phạm vào nơi trú ngụ của ma rừng (chặt cây) thì sẽ bị phạt. Lễ cúng ma rừng sẽ phải làm to, gồm cả dê, lợn, gà, vịt.

 Quan niệm này cùng với sức ép về sinh kế đã khiến người Dao tái định cư quên đi sự bảo trợ của các vị thần tự nhiên trong một thời gian. Tuy nhiên, khi đối mặt với các rủi ro, đồng bào lại quay tìm về với các vị thần bảo trợ. Họ tin rằng, họ đã làm điều gì đó khiến cho các vị thần nổi giận và việc thờ phụng thần linh sẽ giúp họ vượt qua được vận hạn. Điều đó cho thấy, dù hoạt động sinh kế dựa vào tự nhiên đang suy giảm thì trong quan niệm của người Dao, thiên nhiên vẫn là một thế lực siêu hình, có thể gây hại hay bảo trợ cho cuộc sống của của họ, tùy vào ứng xử của họ với tự nhiên.

3. Kết luận

Con người sống và tồn tại gắn bó mật thiết với môi trường tự nhiên. Trải qua quá trình sinh tồn, người Dao đã tích lũy và học hỏi được những tri thức và kinh nghiệm quý báu trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên. Bên cạnh các tri thức về bảo vệ tài nguyên đất, rừng, nguồn nước, người Dao còn quan niệm và ứng xử với tự nhiên như với chính con người. Tin rằng mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên đều có linh hồn, người Dao nhận thức cần phải tôn trọng, bảo vệ tự nhiên để có được cuộc sống yên ổn, mùa màng bội thu. Trong bối cảnh tái định cư, với những thay đổi cơ bản về môi trường sống, để thích ứng, tồn tại và phát triển, trước tiên người Dao đã thay đổi phương thức mưu sinh. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những biến đổi trong khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như tín ngưỡng và các nghi lễ nông nghiệp của đồng bào.

Môi trường tự nhiên có vai trò quan trọng đối với thực trạng biến đổi văn hóa nói chung, biến đổi ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao nói riêng nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất. Suy cho cùng, việc thiếu hụt nguồn lực tự nhiên, áp lực về sinh kế, đứt gẫy niềm tin tín ngưỡng... cũng một phần do hoàn cảnh sống, Nhà nước và các bên liên quan cần chú ý hơn đến môi trường tự nhiên, nguồn lực sinh kế và truyền thống văn hóa tộc người trong quy hoạch vùng tái định cư cũng như xây dựng chính sách hỗ trợ tái định cư. Bởi đây là những yếu tố quan trọng, nền tảng của phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến sự thay đổi trong văn hóa ứng xử với tự nhiên của người Dao phải kể đến vai trò của chủ thể văn hóa. Các thực hành tín ngưỡng đã và sẽ tiếp tục được duy trì vì nó cần thiết, có vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày của người Dao. Khi gặp vấn đề lớn, những bất ổn đe dọa tới cuộc sống, sinh kế của cộng đồng thì các nghi lễ cộng đồng sẽ được người Dao thực hành (trường hợp lễ cúng cộng đồng ở thôn Phiêng Tạ). Ngược lại, khi cộng đồng nhận thấy các nghi lễ không còn cần thiết thì họ có thể lược bỏ và lãng quên. Như vậy có nghĩa, chủ thể văn hóa có vai trò quyết định với các hành vi ứng xử của mình với môi trường tự nhiên.

Tóm lại, ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao có những thay đổi đáng kể, một mặt là sự thích ứng của đồng bào với môi trường mới, một mặt là kết quả từ quy hoạch vùng tái định cư và các chính sách hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó, bản thân chủ thể văn hóa cũng có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn thái độ và hành vi ứng xử với môi trường tự nhiên nói chung, các tài nguyên thiên nhiên nói riêng

________________________

1, 2. Trần Hữu Sơn, Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao vùng Tây Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2017, tr.7.

3. Trần Quốc Vượng chủ biên, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2012, tr.27.

4. Nguyễn Ngọc Thanh chủ biên, Tri thức dân gian của dân tộc Dao trong sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.214.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bảo tàng các dân tộc Việt Nam, Văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.

2. Trần Văn Bình (chủ biên), Biến đổi sinh kế và thích ứng văn hóa của cộng đồng người Dao vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang ở nơi tái định cư, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020.

3. Bùi Duy Chiến, Rừng cấm, rừng thiêng gắn với bảo vệ rừng của người Dao vùng Tây Bắc, Tài liệu Hội thảo quốc gia Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước, Bộ VHTTDL Tuyên Quang, 2017.

4. Nịnh Văn Độ (chủ biên), Văn hóa truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở Tuyên Quang, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003.

 

 

Ths. ĐỖ THỊ KIỀU NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;