Trang phục truyền thống người Mạ tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay

Trong bài viết, tác giả tập trung tìm hiểu về trang phục của nam giới và nữ giới người Mạ tỉnh Đồng Nai cùng nhiều trang sức sử dụng trong các lễ hội truyền thống, qua đó thấy được quan niệm về nghệ thuật thẩm mỹ thể hiện qua cách phối hợp màu sắc và hình tượng trang trí trên trang phục.

Các loại sợi tổng hợp trên thị trường được người Mạ mua dùng làm nguyên liệu dệt chủ yếu cho thổ cẩm - Ảnh: Nguyễn Văn Tiến

1. Mở đầu

Người Mạ thuộc tiểu nhóm Bahnaric Nam, nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, hệ Nam Á, có nhiều tên gọi khác nhau như Châu Mạ, Chô Mạ, Chê Mạ, tên thường gọi là Mạ, với các nhóm địa phương như Mạ Ngăn, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung (1).

Theo một số tư liệu, người Mạ từng có Nggar Chau Mạ (vùng lãnh thổ người Mạ). Địa bàn này có ranh giới được ước định về phía Nam là sông La Ngà, phía Bắc là vùng Đức Trọng (Lâm Đồng), phía Đông giáp Bình Thuận, phía Tây giáp Bình Phước ngày nay. Vùng địa bàn người Mạ sinh sống tập trung phần lớn trên cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc, nửa phía Bắc huyện Định Quán và huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, họ sinh sống tập trung ở các huyện Tân Phú, Định Quán phía Bắc tỉnh Đồng Nai và huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Trên địa bàn cư trú lâu năm, người Mạ vẫn bảo tồn được nền văn hóa có bản sắc, phong tục tập quán riêng. Một trong những yếu tố có bản sắc, mang vẻ đẹp truyền thống đó là trang phục truyền thống của người Mạ, được giữ gìn, bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ (2).

Đối với họ, trang phục truyền thống là một phần quan trọng, gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng, góp phần làm nên một nền văn hóa ăn mặc nhiều màu sắc trong bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Trước tháng 8-1945, dựa vào một số ghi chép cho thấy, người Mạ đã biết cách trồng cây bông, xe sợi và sử dụng khung cửi dệt vải thành các sản phẩm như trang phục, tấm chăn, khăn... Trang phục người Mạ được trang trí bằng các hoa văn có đặc trưng riêng, độc đáo và đẹp mắt. Dệt vải là công việc của phụ nữ Mạ với truyền thống lâu đời. Các sản phẩm dệt có giá trị cao, nổi tiếng trong vùng, được trao đổi với các tộc người sống lân cận như người Cơ Ho, Chơ Ro ở tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai trong một thời gian dài.

Thổ cẩm của người Mạ thường gồm các màu chính như: trắng, đen, đỏ, vàng và một số màu khác. Trước đây, thổ cẩm được ngâm nhuộm, qua quá trình xử lý màu công phu từ vỏ hoặc lá các loại cây khai thác trong rừng. Sau những năm 2000, họ thường mua các loại sợi dệt, các loại chỉ đã được nhuộm màu sẵn từ chợ địa phương về dệt thổ cẩm.

2. Trang phục truyền thống nữ giới người Mạ

Hiện nay, trang phục truyền thống người Mạ thường có một số kiểu dáng nhất định gồm có áo và váy. Áo kiểu chữ T hoặc hình chữ nhật (dài 55cm, rộng 44cm), có cổ tròn, đôi khi có biến tấu thêm kiểu cổ tròn xẻ ở giữa đính áo, hoặc cổ tim có viền, tay ngắn hoặc sát nách. Các loại áo này đều mặc theo cách chui đầu, phần chân áo (lai áo) sử dụng trong lễ hội thường trang trí thêm các tua rua cùng màu áo. Hình thức trình bày các hoa văn trang trí trên áo thường được sắp xếp theo chủ ý của người thợ dệt từ trước khâu dệt vải, các mẫu dệt càng sắc sảo chi tiết cân đối thì chứng tỏ tay nghề của người thợ dệt càng lâu năm, có kinh nghiệm và cảm quan thẩm mỹ. Áo sử dụng trong các lễ hội quan trọng như lễ đâm trâu, lễ ăn cơm mới (Durê), lễ cưới… thường là áo có nền màu trắng, trang trí các hoa văn nhiều màu sắc. Hoa văn trang trí là những hình tượng thân quen trong cuộc sống của họ như: chóe rượu cần, hình chim, hình bướm, vảy bụng thằn lằn, cườm chim cu gáy… màu sắc của các hoa văn trang trí được thợ dệt lựa chọn từ trước, khi dệt sợi trên khung cửi, họ sẽ cài sợi dệt vào con thoi tạo hình cho hoa văn trang trí theo ý muốn.

Để mặc áo được ôm sát cơ thể hơn, phụ nữ Mạ đã học hỏi kỹ thuật may chiết ben thân trước và thân sau làm tôn lên dáng vẻ của người mặc thay vì kiểu áo hình chữ nhật suông như trước đây, khắc phục được một số hạn chế của kiểu suông.

Váy phụ nữ Mạ hình chữ nhật như áo, hai đầu mép không dấu sợi dệt, để lộ các tua sợi nhiều màu vừa làm chức năng trang trí cho người mặc. Váy được khâu tay, ráp từ 3-4 tấm vải dệt (dài 160cm, rộng 90cm) tùy theo kích cỡ. Váy được quấn một vòng quanh lưng (bụng), không có cạp váy, khi mặc váy được áo phủ bên trên che đi một phần của váy. Do khung cửi của người Mạ có kích thước hạn chế, khi dệt thường để trên đùi nên không thể dệt được những tấm vải có kích thước rộng, đối với các loại trang phục có kích thước rộng, người Mạ phải ráp nối nhiều tấm vải lại với nhau. Các trang trí trên thân váy được chia thành ba băng ngang đều nhau, mỗi băng có chiều rộng khoảng 30cm, riêng băng hoa văn trang trí ở giữa được trang trí nhiều màu như: xanh lục, lam, đỏ, hồng, tím, vàng trên nền vải chàm đen chủ yếu là hoa văn hình học như: hình thoi (quả trám), đuôi mũi tên, nỏ… cách bố cục các hoa văn này có đặc trưng đối xứng nhau qua trục ngang hoặc trục dọc, lặp lại nhiều lần theo chu kỳ.

Vòng đeo tay: cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên, người Mạ ít dùng các trang sức quý hiếm như vàng, bạc, đá quý… mà chủ yếu dùng trang sức làm bằng đồng, gỗ, chuỗi hạt cườm… Vòng tay không chỉ là đồ trang sức của phụ nữ mà cả nam giới người Mạ cũng có thói quen đeo vòng. Người Mạ quan niệm đeo vòng có thể loại trừ được những điềm xấu có hại đến con người (nó như chiếc bùa hộ mệnh) (3). Vòng đeo tay, chuỗi hạt cườm còn được dùng làm sính lễ trong lễ dạm hỏi của người Mạ.

3. Trang phục truyền thống nam giới người Mạ

Nam giới người Mạ để tóc ngắn hoặc quấn khăn chàm quanh đầu theo lối chữ nhất. Giai đoạn 1980, đa số đàn ông đóng khố, cởi trần hoặc khoác tấm áo màu chàm có các sọc trang trí chéo qua vai. Đến những năm 1990, họ mặc áo chui đầu, xẻ tà, vạt sau dài hơn vạt trước phủ kín phần mông. Áo có các loại áo dài tay, ngắn tay. Trước kia, thủ lĩnh đứng đầu buôn làng thường búi tóc sau gáy, trên đầu có đội khăn có trang trí lông chim, có bộ khiên-giáo kèm theo, khi ra khỏi nhà còn mang theo khăn vắt vai (4).

Khăn vắt chéo vai: được dệt trên nền đen, trang trí nhiều hoa văn bằng chỉ màu xanh lục, trắng, vàng, hồng, có các dạng hình thoi, hình chữ nhật và hình thoi đồng tâm hoa văn hình chữ S, hình con đà điểu, cối giã gạo, hình người chống tay. Hiện nay, nam giới người Mạ chỉ sử dụng khăn trong các lễ hội truyền thống của dân tộc.

Áo: có hai loại và tên gọi khác nhau căn cứ theo mô típ hoa văn trang trí. Loại áo sát nách (dài 76cm, rộng 46cm), nền trắng, cổ tròn, quanh cổ thêu chỉ màu zích zắc, hai bên sườn áo trang trí hai băng hoa văn sọc theo chiều dài của áo, lai áo (vạt áo) có trang trí tua rua, nhiều màu, trên thân áo theo chiều ngang được trang trí các hoa văn hình quả trám, hình nhà sàn, con vượn… và một số hoa văn hình học. Loại áo này ngày nay ít được nam giới sử dụng, thay vào đó là loại áo có tay được trang trí nhiều hoa văn màu sắc hơn.

Loại áo có tay có cùng chiều dài với loại áo sát nách, nền trắng hoặc đen, cổ tròn, lai áo có các sợi tua rua trang trí. Loại áo có tay, nền trắng thường dành cho nam thanh niên người Mạ, cổ áo và lai tay áo được viền có trang trí hoa văn vảy bụng thằn lằn, dọc hai bên sườn áo còn được trang trí bằng các hoa văn hình học. Trên thân trước áo được trang trí thành ba băng ngang. Băng hoa văn hình học li ti hình quả trám, vảy bụng thằn lằn, cườm chim cu gáy. Điểm nhấn của các trang trí này là hoa văn hình người chống tay, hoa văn hình nhà sàn. Loại áo nam giới có tay, nền đen thường giành cho những già làng, nam giới lớn tuổi kiểu dáng và hình thức trang trí tương tự như loại áo nền trắng, tuy nhiên các họa tiết trang trí trên loại áo có tay nền đen nổi bật hơn so với áo có tay nền trắng.

Kiểu dáng trang phục truyền thống người Mạ không có sự thay đổi đáng kể nhiều năm qua. Sự thay đổi đáng kể nhất là cách sử dụng các loại vật liệu và hình thức hoa văn trang trí trên trang phục. Có thể nói, hoa văn trang trí trên trang phục truyền thống dân tộc không chỉ có vai trò làm đẹp, trang trí mà còn thể hiện được lối sống, quan niệm thẩm mỹ, đời sống vật chất cũng như tinh thần, sự giao thoa tiếp biến văn hóa với người Việt có sự tác động không nhỏ đến đề tài trang trí trên trang phục truyền thống người Mạ.

Khố: khố nam giới người Mạ là một khổ vải dệt dài màu chàm hoặc đen, mỗi bên dọc theo thân khố có trang trí bốn đường hoa văn song song, điểm nhấn trên thân khố là các hoa văn màu lục, vàng, trắng dạng hình kỷ hà, ngoài ra còn có các tua rua nhiều màu song song các băng hoa văn kỷ hà làm cho khố bắt mắt hơn. Khố thường dài từ 300cm-400cm, rộng từ 18cm-20cm. Phần chân khố được trang trí bằng các sợi chỉ tua rua cùng màu kéo dài đến giữa cẳng chân.

Trong nghề dệt thổ cẩm của người Mạ, ngoài các sản phẩm dệt như váy, áo, khố… họ còn dệt những tấm vải để địu trẻ em, tấm chăn, tấm choàng lúc đi chơi.

Tấm chăn: loại chăn này chỉ có một lớp vải, được khâu ghép từ 3 tấm vải dệt bằng sợi bông nhuộm chàm đen, dệt cải hoa văn trên nền trắng. Dù là chăn đắp nhưng lại được trang trí rất cầu kỳ với nhiều loại hoa văn như hình con đà điểu, hình người, hình máy bay, vảy trăn, ngôi sao 8 cánh, gợn sóng, cây nấm, con khỉ… Để dệt được một tấm chăn, người phụ nữ phải làm việc liên tục trong cả tháng hoặc lâu hơn. Loại chăn này chỉ dùng cho khách đắp, người nhà chỉ dùng loại chăn cũ cho thấy người Mạ rất mến khách.

Tấm choàng: hình chữ nhật được dệt từ sợi bông nhuộm đen, dệt cải sợi tạo hình hoa văn chạy dọc trên nền trắng, còn hai đầu có tua sợi. Trên tấm choàng ít trang trí hoa văn, thường là hình thoi, răng cưa hoặc các sọc chỉ song song thành từng dải. Tấm choàng được cả nam và nữ giới dùng choàng qua vai hay buộc thắt nút bên sườn lúc đi chơi xa, khi trời lạnh hoặc để đêm ngủ đắp trên bụng, có khi dùng làm tấm địu trẻ em trước bụng.

Trên trang phục truyền thống của người Mạ, các màu trắng, đen và các màu đỏ, vàng là các màu cơ bản. Màu trắng làm nền cho nhiều loại áo của cả nam và nữ, tấm chăn đắp và tấm choàng. Các màu dùng dệt cải sợi tạo hoa văn thường là màu đỏ, vàng trên nền trắng của áo hoặc đen của váy phụ nữ và khố đàn ông. Nếu như màu trắng làm nền cho các loại áo, tấm choàng thì ở các loại váy phụ nữ, khố đàn ông, màu trắng lại là các dải sọc trang trí dọc theo khổ vải. Hiện nay, bảng màu của người Mạ còn có thêm màu xanh lục, lam với nhiều sắc độ đậm nhạt thường phối trên các tấm khăn vắt vai của nam giới, trên váy của phụ nữ và các tấm choàng thể hiện sự phong phú trong cách phối màu trang phục của đồng bào.

Trang phục truyền thống của đàn ông người Mạ đều quấn khố và mặc áo sát nách, kiểu chui đầu. Phụ nữ các tộc người này mặc áo chui đầu, quấn váy quanh eo có kiểu dài qua đầu gối, tới mắt cá chân. Kỹ thuật may ráp hai bên sườn áo và váy mới du nhập vào khi đồng bào có sự giao lưu và tiếp xúc với người Việt. Trang phục thường ngày của đồng bào ít được trang trí hoa văn hơn so với các loại trang phục lễ hội.

Trang phục truyền thống của người Mạ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như thời tiết, khí hậu, môi trường sinh thái, phong tục, tập quán… đã tác động và ảnh hưởng đến chất liệu, loại hình, kiểu dáng trang phục trong suốt quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa.

Các sản phẩm dệt theo kiểu truyền thống yêu cầu người dệt cần phải có nhiều kỹ năng và kỹ thuật để tạo hình sắp đặt hoa văn và phải thực hiện các công đoạn cần thiết từ cán bông, xe sợi, nhuộm sợi... đòi hỏi sự công phu và mất nhiều thời gian và nỗ lực để thuần thục. Tuy nhiên, chỉ có một số người già và lớp người trung niên mới có thể thực hiện các kỹ năng này, trong khi các thế hệ trẻ lại không quan tâm đến và thậm chí từ chối sử dụng các kỹ thuật dệt truyền thống. Điều này dẫn đến suy giảm của nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong cộng đồng người Mạ. Thêm vào đó là các sản phẩm may mặc công nghiệp nhiều mẫu mã, giá cả phải chăng, có tính thời trang… chạy theo xu hướng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Mạ không còn ý thức sử dụng trang phục truyền thống.

Nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của người Mạ là một trong những di sản văn hóa dân gian truyền thống, chi phối rất nhiều đến đời sống của đồng bào. Trong sự vận động và phát triển không ngừng của xã hội con người, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào, bên cạnh sự bảo lưu, gìn giữ những giá trị vốn có cũng đã hình thành nên những yếu tố ảnh hưởng đến trang phục truyền thống. Sự ảnh hưởng đó thể hiện qua nhiều mặt khác nhau như quan niệm thẩm mỹ, ý thức sử dụng trang phục truyền thống, nguyên liệu dệt, sản phẩm và sự tiêu thụ sản phẩm dệt.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông làm thay đổi thị hiếu, nhu cầu mặc của người Mạ, thợ dệt tộc người Mạ đã sáng tạo ra nhiều mẫu hoa văn, kiểu dáng mới cho trang phục. Các sản phẩm thổ cẩm ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều loại phụ kiện kèm theo y phục. Bên cạnh các loại y phục như áo, váy, khố, tấm choàng, tấm địu trẻ em… người Mạ còn dệt một số mặt hàng thổ cẩm mới như khăn trải bàn, túi xách, ví, cặp sách, mũ, tấm rèm cửa, áo gối… được giới thiệu, trưng bày hoặc bán tại một số gian hàng lưu niệm.

Trang phục hiện nay của nhóm người Mạ ở các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng và người Mạ ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai gần như đã thay đổi trong cách ăn mặc, nhiều biến đổi trong việc sử dụng màu sắc. Màu trắng trên chiếc áo truyền thống không xuất hiện phổ biến trong các lễ hội của buôn làng người Mạ mà thay vào đó là các trang phục sử dụng nhiều màu sặc sỡ.

Nghề dệt thổ cẩm hiện nay ở Đồng Nai, Lâm Đồng đang dần mai một, mặc dù có những chính sách hỗ trợ cho người dân như xây dựng các làng nghề, mở các lớp dạy nghề dệt truyền thống, bao tiêu đầu ra thổ cẩm… nhưng hiệu quả không cao, chưa thực sự tác động sâu rộng đến ý thức và hành động của họ. Người Mạ hiện nay không còn sản xuất những nguyên liệu cho nghề dệt truyền thống như trước đây nữa, mà lại dùng nguyên liệu có sẵn trên thị trường, gây ra nguy cơ mất đi kiến thức và kỹ năng cần thiết. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng về tình trạng này và tìm giải pháp để bảo vệ và phát triển các nghề truyền thống, đồng thời tận dụng cơ hội và thách thức của xã hội hiện đại để tiếp tục phát triển các mặt tích cực trong sự vận động và biến đổi của xã hội.

4. Kết luận

Trang phục truyền thống người Mạ dù có sự giao thoa ảnh hưởng của các loại trang phục tân thời và có những sự thay đổi về kiểu dáng, màu sắc hay chất liệu sử dụng, song hầu hết ý thức bảo tồn văn hóa trong trang phục luôn được đồng bào gìn giữ qua nhiều thế hệ khác nhau. Trang phục truyền thống của họ không chỉ là để mặc mà còn mang nhiều giá trị về cội nguồn, địa vị xã hội, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan và phong cách thẩm mỹ, trang trí. Hình tượng nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống là những hình ảnh đẹp, tự nhiên và quen thuộc, được chắt lọc và truyền tải một cách khéo léo thành những hoa văn, họa tiết làm tăng sức sống cho người mặc. Có thể thấy rằng, trang phục truyền thống các tộc người là một trong những biểu hiện cho “cái đẹp”, cho ý thức thẩm mỹ mà người phụ nữ chính là chủ nhân của những bộ trang phục ấy có thể thể hiện một cách trọn vẹn và hoàn mỹ nhất. Đó không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là cả một thế giới lung linh, đôi khi huyền bí, chứa đựng những giá trị do con người sáng tạo ra.

Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam đặt ra những thách thức cho cả cộng đồng các dân tộc, từ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước đến các cơ quan địa phương, từ cá nhân đến hộ gia đình… Những giải pháp bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đã được triển khai và đạt được hiệu quả nhất định, trong đó những hoạt động giúp nâng cao nhận thức của các tộc người trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống và nghề dệt thổ cẩm là một trong những việc có ý nghĩa thiết thực và cấp bách.

_________________

1. Bùi Thiết, 54 dân tộc Việt Nam và các tên gọi khác, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2004.

2. Trần Quang Phúc, Việt Nam 54 dân tộc anh em, Nxb Đồng Nai, Biên Hòa, 2013, tr.130.

3, 4. Đỗ Thị Hòa (chủ biên), Trang phục các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, tr.163, 164.

Tài liệu tham khảo

1. Jean Boulbet, Xứ người Mạ lãnh thổ của thần linh, Đỗ Văn Anh dịch, Nxb Đồng Nai, Biên Hòa, 1999, tr.23-50.

2. Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng, Văn hóa người Mạ, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013, tr.61-64.

 

Ths NGUYỄN VĂN TIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;