Nét thầm lặng trong sự nghiệp nghệ thuật của Dương Bích Liên

Sự nghiệp nghệ thuật của cố họa sĩ Dương Bích Liên có lẽ nổi bật lên là sự thầm lặng. Thầm lặng trong công cuộc sáng tác nghệ thuật là thế, nhưng tranh của ông lại có tiếng nói rất lớn, tôn vinh ông thành một trong bộ tứ Sáng - Nghiêm - Liên - Phái và đóng góp rất quan trọng cho nền mỹ thuật hiện đại của nước nhà.

Họa sĩ Dương Bích Liên - Ảnh Đỗ Huy

Chàng họa sĩ mang niềm khát khao canh tân

Hướng tới kỷ niệm 100 năm sinh của họa sĩ Dương Bích Liên (17/7/1924 -17/7/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Tọa đàm Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng vào ngày 13/7 vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho biết, sinh thời, Dương Bích Liên không chọn kế thừa sự nghiệp học thuật theo truyền thống gia đình. Thay vào đó, ông một mình theo đuổi con đường nghệ thuật. Từ năm 16 tuổi, ông đã là sinh viên khoa Hội họa của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa cuối cùng 1940 - 1945).

“Giống như hầu hết thanh niên trí thức Hà Nội lớn lên ở thời kỳ “Pháp hóa”, họa sĩ Dương Bích Liên cũng mang nặng nỗi ưu tư, khát khao canh tân và cách mạng”, đó là chia sẻ của họa sĩ Đặng Thị Khuê. “Ông hào hứng tiếp nhận tri thức thẩm mỹ mới và thuần thục trong những thể loại và chất liệu mới, tuy nhiên vẫn không xa rời mạch nguồn thẩm mỹ truyền thống. Có thể nói, Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật, lẫn bút pháp. Pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp Ấn tượng nhẹ nhàng, tranh ông là một cảm hứng lãng mạn, trữ tình của một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ XX. Và ông giữ mãi cái nhìn ấy dẫu hiện thực có nhiều biến thiên. Và cũng chính bởi điều đó đã khiến ông trở thành một biệt lệ trong bộ tứ sau thế hệ bộ tứ Trí - Vân - Lân - Cẩn. 

Hào (sơn dầu) - Nguồn: BST Lê Tấn Trọng Nghĩa

Dương Bích Liên nặng về hoài cảm, là sự chắt lọc của ký ức, là sự thẩm thấu đến nhập tâm của một con người đã coi “cái đẹp là sự cứu rỗi tâm hồn và số phận”. Bởi vậy mà lúc sinh thời, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đã nhận xét: “Nghệ thuật của Dương Bích Liên là một thế giới sang trọng, miên man trí thức”. Lựa chọn tiếng nói im lặng của hội họa làm bản ngã, nhưng ông còn say mê cả triết học, văn học và sân khẩu. Với vốn ngoại ngữ giỏi, ông luôn cập nhật thông tin về thế giới nghệ thuật hiện đại, lấy sách và những người bạn trí thức trẻ thuộc nhiều ngành giới làm bạn tâm giao, tri kỷ.

Cất lên một tiếng nói… thầm lặng

Hai chữ “thầm lặng” khắc họa thật rõ nét sự đóng góp của Dương Bích Liên cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, Dương Bích Liên thích những gì yên tĩnh, ông luôn muốn lui về phía lặng thầm, chứ không đua tranh trước sự ồn ào. Nét thầm lặng trong phong cách sống, trong sự nghiệp nghệ thuật đã tạo nên những khoảng trống được thể hiện khéo léo trong các bức họa. Có thể kể tới những tác phẩm kinh điển như Mùa lúa chín, hay bức Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc… Trong tranh, ta có thể nhìn thấy dòng suối ở tiền cảnh, những tán cây hay khoảng trời hở ra ở phía trên. Những khoảng trống đó nghiêng về tính hiện thực. Thế nhưng, chỉ đến bức Hào, họa sĩ Lê Thiết Cương phải nhận định rằng: “Đây là tác phẩm lớn nhất trong sự nghiệp mỹ thuật của Dương Bích Liên”. Không những lớn nhất theo nghĩa đen, khi tranh có kích thước 147x200cm, mà còn lớn nhất về mặt thẩm mỹ. Bởi vì chỉ ở bức đó, khoảng trống mới được nghiêng về ước lệ. 

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (sơn mài) - Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật VN

Toàn bộ tạo hình của giao thông hào ở dưới mặt đất thiên về đồ họa thẳng. Những mảng màu sáng - tối trong tranh không rõ nét, nặng tính tả thực như những bức khác, mà chỉ gợi lên những sắc thái đậm - nhạt khác nhau. Điểm đáng chú ý trong bức tranh này là hình ảnh những người chiến sĩ hành quân. Nhưng người xem chẳng thể rõ mặt mũi họ ra sao, chỉ có thể thấy được bóng lưng của họ. Hình bóng những người lính cộng hưởng với những khoảng trống trong tranh đã làm toát lên sự im lặng. Nhìn ngắm bức tranh này này, họa sĩ Lê Thiết Cương lại nhớ đến câu của nhạc sĩ Văn Cao: “Bây giờ không còn những tiểng nổ to/Nhưng còn những tiếng rạn vỡ”. Cùng với đó, cái tên của tọa đàm lần này - Ánh chớp thầm lặng lại khiến anh Lê Thiết Cương liên tưởng tới một câu nói của nhà Phật: “Im lặng sấm sét”. 

Về bức tranh Hào, họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ thêm, đáng chú ý trong tranh còn phải kể đến 2 quả tên lửa. Theo ông Dương Bích Liên thì đây là góp ý của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông tếu táo bảo rằng: “2 quả tên lửa của Nguyễn Tuân, chứ không phải của tôi”. Bà Đặng Thị Khuê cũng mong muốn rằng, bằng cách nào đó, tác phẩm Hào sẽ được trưng bày ở bảo tàng, để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận. Bởi khi mới vẽ xong, bức tranh này đã thu hút 6, 7 người thuộc giới văn nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ tới tận nơi để chiêm ngưỡng. Thậm chí, nhà thơ Trần Dần đã làm một bài thơ dài 8 trang, để ca ngợi về vẻ đẹp đặc sắc của bức tranh ấy. 

Mùa lúa chín (sơn dầu) - Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật VN

Năm 1954 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước, khi mà miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng khỏi thực dân Pháp, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong năm trọng đại này, Dương Bích Liên dường như cũng khát khao bày tỏ niềm hy vọng về một tương lai tươi đẹp của quê hương, đất nước. Có điều, ông kiệm lời lắm. Ông bày tỏ niềm hy vọng đó vào 2 bức tranh Chiều vàng Mùa lúa chín. Nước ta vốn là một quốc gia làm nông nghiệp, nên 2 tác phẩm này như tín hiệu cho một mùa màng bội thu, no ấm trong hòa bình của người Việt Nam. “Dương Bích Liên thích sử dụng những khoảng trống để xử lý không gian bức họa. Chính điều đó càng làm cho cảm nhận của chúng ta trở nên sâu sắc hơn”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét. 

Chân dung bà Yến (sơn dầu) - Nguồn: BST Hào Hải

Khiêm nhường và ẩn dật trong đời sống, ông dồn hết năng lượng và nhiệt huyết cho nghệ thuật. Nên ở tranh Dương Bích Liên dù là chất liệu gì, thể loại nào cũng đều mang vẻ đẹp huyền ảo, lãng đãng, cổ kính, vừa gợi cảm, vừa bí ẩn. Tái tạo vẻ đẹp tự nhiên qua “nhãn thức” của riêng mình, ông gửi gắm cả tâm tình trong mối ưu tư da diết. Chính bởi lẽ đó, những khoảng trống trong tranh Dương Bích Liên lại chứa nhiều ý nghĩa nhất khiến người xem khó thoát ra khỏi cảm giác ám ảnh.

Chiều vàng (sơn mài) - Nguồn: BST Hào Hải

Kỷ niệm với Bác Hồ

Họa sĩ Đặng Thị Khuê có nghe một người bạn rất thân với họa sĩ Dương Bích Liên kể lại, họa sĩ Tô Ngọc Vân ban đầu được đề cử lên chiến khu Việt Bắc để vẽ Hồ Chủ tịch. Nhưng ông đã từ chối, và nói rằng, nếu vẽ chân dung Bác Hồ thì phải là Dương Bích Liên, bởi Liên mới có đủ khả năng để vẽ được phong thái của Bác. Năm 1952, Dương Bích Liên được giao trọng trách lên chiến khu Việt Bắc. Trong thời gian ở bên cạnh Bác Hồ, ông có đã có tình cảm thân thiết và luôn coi Bác như cha của mình. Khi ở được một thời gian, Dương Bích Liên xin phép Bác Hồ về nhà lấy tư liệu. Trên đường về, khi đi được 3km, bấy giờ, Bác Hồ mới cho người cưỡi ngựa đuổi theo, để mời Dương Bích Liên trở về chiến khu. Sau đó, Bác đã có buổi tâm sự riêng với Dương Bích Liên. Chính vì tình cảm đặc biệt đó đã truyền cảm Dương Bích Liên sau này hoàn thành xuất sắc tác phẩm BácHồở chiếnkhuViệtBắcvào năm 1980. Tác phẩm được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017.

NGỌC DIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024

;