NÂNG CAO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG VÀ HỖ TRỢ THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP

1. Thách thức từ năng suất lao động thấp

Năng suất lao động là tiêu chí quan trọng đánh giá sức mạnh của một nền kinh tế. Theo báo cáo vĩ mô về năng suất lao động Việt Nam thời kỳ 1992 - 2015 của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năng suất của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu đồng một người, tăng 6,42% so với năm 2014. Tính chung giai đoạn 1992 - 2014, năng suất lao động tính theo sức mua tương đương của Việt Nam tăng trung bình 4,64%, là mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên do xuất phát điểm rất thấp, nên cho dù có tốc độ tăng cao nhất, năng xuất lao động của Việt Nam vẫn bị các nước khu vực bỏ xa. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 15 người Việt Nam có năng suất lao động bằng một người Singapore năm 2013. Nếu giữ tốc độ này, phải mất hơn 60 năm, Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore. Tương tự, một người Hàn Quốc cũng có năng suất lao động bằng 7 người Việt cộng lại. Mức năng suất lao động của nước ta cũng bị Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… bỏ xa.

Như vậy, người Việt Nam dù chăm chỉ, tốc độ tăng năng suất cao nhất Đông Nam Á nhưng vẫn mãi nghèo. CIEM nhận định: “Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và tăng chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực có năng suất thấp, phương tiện sản xuất chậm đổi mới, chất lượng lao động thấp và môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh”. Cơ quan này cho rằng, trong khi đổi mới sáng tạo là động lực không có giới hạn của tăng trưởng, là chìa khóa giúp một số nước Đông Á vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, công nghệ và sáng tạo vẫn là vùng trũng nhất (có xếp hạng thấp nhất), kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

CIEM dẫn báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014 - 2015, Việt Nam được xếp hạng chung là 68, trong khi các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều. Cụ thể năng lực hấp thụ công nghệ Việt Nam xếp thứ 121, chuyển giao công nghệ từ FDI số 93, độ sâu của chuỗi giá trị là 112, mức độ phức tạp của quy trình sản xuất xếp thứ 116, chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học số 96, giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông ở vị trí 96.

Nghiên cứu của CIEM còn cho thấy số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có xu hướng tăng chậm lại. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn ngày càng lớn. Tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và lớn giảm mạnh và liên tục từ 7,88% năm 2004 xuống còn 4% năm 2013. Việc các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chậm phát triển lên thành các doanh nghiệp vừa và lớn là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất tăng chậm.

Năm 2013, thu nhập của lao động trong doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ bằng 70% thu nhập của lao động trong doanh nghiệp vừa. Hiện nay tỷ trọng việc làm trong các doanh nghiệp vừa và lớn đang giảm dần. Nếu tiếp tục xu hướng này thì sẽ làm chậm quá trình tăng năng suất lao động của Việt Nam.

Chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực có nhiều vấn đề nan giải khi những ngành công nghệ cao, kỹ thuật, chế tạo đem lại năng suất cao lại chưa thể đáp ứng. Kết quả điều tra lao động việc làm giai đoạn 2010 - 2014 cho thấy, tỷ lệ người thất nghiệp đã qua đào tạo tăng từ 18,6% năm 2010 lên 40% năm 2014. Việt Nam có tỉ lệ dân số vàng vào năm 2007 nhưng chỉ đến năm 2011 đã giao thoa, đến 2030 sẽ cân bằng già - trẻ. Đến năm 2035, Việt Nam thuộc các quốc gia có dân số già.

2. Những tiềm năng và hạn chế của thanh niên

Theo quy định của Luật Thanh niên, thanh niên là những công dân có độ tuổi từ 16 - 30. Đến hết năm 2011, dân số thanh niên của nước ta là 25.328.073 người, chiếm 28,9% dân số cả nước. Trong đó nam thanh niên chiếm 50,6% và nữ thanh niên chiếm 49,4% tổng số thanh niên (1).

Bình quân giai đoạn 2007 - 2015, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động, bổ sung nguồn nhân lực cho xã hội. Đây là nguồn lực dồi dào nhưng cũng là thách thức của nền kinh tế trong việc tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động này. Gần đây số thanh niên thiếu việc làm đang dần tăng lên. Trong khu vực nhà nước và tập thể số việc làm ngày càng hạn chế. Thanh niên đang phải tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế tư nhân hoặc tự tạo việc làm cho mình. Quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã làm tăng lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng và giảm dần lực lượng lao động nông thôn.

Kết quả điều tra lao động và việc làm hàng năm cho thấy, số thanh niên tham gia hoạt động kinh tế có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao hơn so với lực lượng lao động chung của toàn quốc. Lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật toàn quốc năm 2011 là 15,6 % nhưng tỷ lệ thanh niên tham gia hoạt động kinh tế có chuyên môn kỹ thuật vẫn còn ở mức thấp và không có xu hướng tăng. Thực trạng này tạo ra những rào cản đối với thanh niên trong tham gia các ngành nghề có đòi hỏi cao về tay nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thực tế nhiều công ty đầu tư nước ngoài đã gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động chất lượng cao tại Việt Nam, đặc biệt là đối tượng lao động trẻ còn nhiều tiềm năng và khả năng đóng góp (2).

Nhìn chung, chất lượng của nguồn nhân lực trẻ nước ta gần đây có những chuyển biến tích cực nhưng chưa theo kịp với yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Theo đánh giá từ các chuyên gia nước ngoài, chất lượng nguồn nhân lực trong đó có nhân lực trẻ Việt Nam hiện còn yếu, kém về kỹ năng. Theo bà Nicola Connolly - Tổng giám đốc AdecoVN, chủ tịch Ủy ban Nguồn nhân lực Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam: “Trên 65% lao động tại Việt Nam không có kỹ năng và trên 75% lao động từ 20-24 tuổi không có kỹ năng hoặc kỹ năng kém. Trong các nước ASEAN, Việt Nam xếp ở nửa dưới về phát triển nguồn nhân lực” (3).

Về chất lượng, lao động nước ta được biết đến với những bất lợi thể hiện ở ba không: không nghề, không ngoại ngữ và không tác phong công nghiệp. Một nghiên cứu của Văn phòng Trung ương Đoàn năm 2015 cho thấy một tỷ lệ rất cao thanh niên nói rằng họ đã biết sử dụng ngoại ngữ và vi tính. Nhưng trên thực tế, số lượng người biết thành thạo ngoại ngữ và máy vi tính là rất thấp.

Sức khỏe của lao động nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế, chỉ đủ làm công việc ở các ngành nghề như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, làm việc trong các nhà máy còn các công việc như đi biển, xây dựng thì chưa đạt yêu cầu. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2010 của Bộ Y tế, chiều cao của thanh niên Việt Nam ở nhóm 22 - 26 tuổi cho cả nam và nữ, với mức đạt được trung bình của nam là 1,64m (tương đương 5ft5in), nữ là 1,54m (tương đương 5ft11/2 in). Nhịp độ phát triển về chiều cao thân thể của thanh niên Việt Nam trong 35 năm qua cao hơn chút ít, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản thì tầm vóc thân thể của thanh niên nước ta còn thua kém.

Nguyên nhân chính là do chưa tận dụng triệt để được thời kỳ phát triển về thể lực, tầm vóc sau một thời gian dài kinh tế khó khăn chuyển đổi từ thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Tình trạng yếu kém về thể chất của thanh niên Việt Nam khó có thể chuyển biến nhanh do tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi và suy dinh dưỡng thể nhẹ giảm cân của trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta hiện nay còn ở mức cao và Việt Nam là một trong 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao trên toàn cầu (4).

Hiện nay, các ngành sản xuất, dịch vụ của Việt Nam đều đang đối mặt với vấn đề chất lượng lao động trẻ, bao gồm cả kỹ năng và tinh thần làm việc. Có thể thấy, trong nhiều năm qua, tỷ lệ thất nghiệp luôn thấp nhất ở mảng lao động không đòi hỏi bằng cấp và tay nghề cao như: như công nhân xây dựng, may mặc, giày da, công nhân vệ sinh…; tuy nhiên, lại đặc biệt cao ở nhóm lao động có trình độ học vấn, bao gồm: sinh viên, cử nhân, kỹ sư, thậm chí cả thạc sĩ… Đây thực sự là một mâu thuẫn khi nhóm người trẻ được đào tạo kỹ càng và bài bản từ 3 - 5 năm lại không có việc làm sau khi tốt nghiệp (5).

Thực tế trên cho thấy những yếu điểm đáng kể của thanh niên Việt Nam trong tham gia phát triển kinh tế. Nếu không cải thiện được kỹ năng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chắc chắn sẽ không có sự bứt phá trong chuyển dịch lao động, thanh niên sẽ không bắt kịp những cơ hội trong phát triển và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

3. Thực trạng thanh niên tham gia khởi nghiệp

Tỷ lệ khởi nghiệp trong tổng dân số Việt Nam chỉ khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 12%. Không chỉ thiếu kinh nghiệm, để bắt tay vào kinh doanh các bạn trẻ phải đối mặt với vô số khó khăn mà trong đó không ít khó khăn bắt nguồn từ thể chế kinh tế, chính sách quản lý, thủ tục hành chính…(6).

Hiện thanh niên khởi nghiệp tại Việt Nam dựa chủ yếu vào vốn của mình, vốn vay bạn bè, các tổ chức tín dụng. Ở các nước phát triển, khi người ta có ý tưởng, các quỹ đầu tư tài chính sẽ thẩm định và phân tích, sau đó dành khoản hỗ trợ tài chính để biến những phát kiến, sáng tạo đó thành tiền, sản phẩm, thành doanh nghiệp. Còn tại Việt Nam, người sáng tạo, phát triển ý tưởng kinh doanh sản phẩm và dịch vụ phải đau đầu với mọi vấn đề từ vốn, gia nhập thị trường và xây dựng quảng bá sản phẩm…

Tuy nhiên, các mô hình khởi nghiệp chỉ tập trung ở một số lĩnh vực dễ gia nhập thị trường. Hoạt động giàu tính đam mê nhưng thiếu kiến thức cơ bản, cần thiết cho khởi nghiệp, trong đó có kỹ năng quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, dự báo rủi ro… Nhất là khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho khởi nghiệp. Đặc biệt khi nước ta tham gia vào các hiệp định quốc tế đặt ra cho các hoạt động khởi nghiệp những yêu cầu cao hơn và thách thức mới.

Không chỉ lo lắng về kinh phí đầu tư, thanh niên tham gia khởi nghiệp còn băn khoăn đầu ra cho sản phẩm. Ngay như trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhiều nghiên cứu, sáng chế tồn kho rồi dần dần bị quên vào dĩ vãng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này nằm ở chỗ, hầu hết người nghiên cứu và sáng chế giỏi về kỹ thuật chứ không giỏi lĩnh vực kinh doanh. Với tinh thần cống hiến cao thanh niên không ngừng nghiên cứu và phát triển. Nhưng để thành công trong khởi nghiệp thanh niên cần va chạm với thực tế, mà cụ thể là doanh nghiệp để sản phẩm có giá trị thực tiễn cao, dần dần tiến đến thương mại hóa cho sản phẩm.

Khảo sát của nhóm giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho thấy 78,6 - 84% sinh viên trên địa bàn thành phố cho biết có mong muốn khởi nghiệp. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh viên khởi nghiệp kinh doanh thực tế sau 1 - 2 năm tốt nghiệp chỉ còn từ 3 - 5%. Sở dĩ có tình trạng trên là do chưa có chuyên ngành đào tạo khởi nghiệp và các khóa học về khởi nghiệp, các hoạt động ngoại khóa về ý tưởng kinh doanh và khởi nghiệp còn hạn chế và mới chỉ mang tính phong trào. Mức độ liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn thấp nên sinh viên ít có cơ hội thâm nhập thực tiễn hoạt động kinh doanh.

Theo báo cáo chỉ số doanh nhân toàn cầu năm 2014, 67% người Việt Nam được khảo sát cho rằng khởi nghiệp là một lựa chọn nghề nghiệp tốt (thấp hơn Philippines, Indonesia, Thái Lan). Việt Nam xếp hạng cao nhất khu vực về lo sợ thất bại trong khởi nghiệp (56,7%). Cảm nhận năng lực khởi nghiệp của thanh niên thấp hơn so với lứa tuổi trung niên. Tỉ lệ thành lập doanh nghiệp ở độ tuổi 18-34 chỉ có 12%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 32% ở nhóm tuổi 35-63. Thực trạng đó đang đặt ra nhiều rào cản đối với khởi nghiệp của thanh niên.

4. Một số giải pháp nâng cao năng suất lao động và hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên

Từ những thuận lợi, khó khăn trên, để góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực trẻ và hỗ trợ khởi nghiệp thanh niên, cần triển khai một số giải pháp:

Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển thanh niên trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về thanh niên.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng bồi dưỡng năng lực làm việc độc lập, sáng tạo; kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, khả năng lập thân, lập nghiệp, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất và nghề nghiệp, các giá trị văn hóa truyền thống cho thanh niên.

Phát triển các chương trình, hình thức giáo dục thường xuyên, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm mở rộng các hình thức học tập trong đó có cả hình thức giáo dục từ xa cho thanh niên nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người.

Quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho thanh, thiếu nhi. Tăng cường đầu tư đổi mới hoạt động thể chất và phong trào thể dục thể thao ở địa bàn dân cư, trong các trường chuyên nghiệp, phổ thông nhằm tạo điều kiện cho thanh thiếu niên tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thể chất và đời sống tinh thần lành mạnh.

Đưa khởi nghiệp thanh niên vào chương trình nghị sự của Chính phủ, bộ ngành có liên quan; Đoàn, Hội Sinh viên và các địa phương. Mở chuyên ngành đào tạo quản trị khởi nghiệp, các khóa học khởi nghiệp tại các trường đại học.

Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; phát triển các thể chế chuyên biệt, đặc thù để hỗ trợ khởi nghiệp, các chương trình khởi nghiệp, nhất là các quỹ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các văn phòng tư vấn và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh thuận lợi và giúp giảm chi phí (vốn, thông tin, kế toán, địa điểm mặt bằng, thủ tục...). Các hiệp hội, địa phương và ngành cũng cần mở rộng các cuộc giao lưu và đào tạo, thi khởi nghiệp trên toàn quốc; tìm các nhà đầu tư tài trợ cho những dự án có tính khả thi; thành lập Quỹ khởi nghiệp kết hợp vốn tư nhân và Chính phủ…

Thanh niên là nguồn nhân lực dồi dào, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên trước những yêu cầu đổi mới hội nhập, thanh niên Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về thể lực, sức khỏe, kỹ năng, khả năng, năng suất lao động, đặc biệt là tư duy và hành động tham gia khởi nghiệp. Hỗ trợ thanh niên trong tham gia phát triển đang cần nhiều hơn những cơ chế, chính sách đồng bộ, kết nối thanh niên với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phát huy những tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của họ. Đảng, Nhà nước và xã hội cần có sự quan tâm và đầu tư hơn nữa cho sự phát triển của thế hệ trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, việc làm, lập thân, lập nghiệp, coi đó là nền tảng đầu tư bền vững cho sự phát triển của đất nước.

_____________

1. Tổng quan tình hình công tác Đoàn và phong trào thanh niên 2007 - 2012, Văn phòng Trung ương Đoàn,  2012.

2. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục thống kê, Kết quả điều tra lao động việc làm 2007- 2011.

3. Báo Công thương, ngày 29 - 10 - 2011.

4. Báo cáo của Bộ Y tế từ năm 2001 - 2010.

5. Baodansinh.vn

6. Baotintuc.vn

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : NGUYỄN PHÚ TRƯỜNG

;