Hôn nhân là cơ sở tạo lập gia đình và hình thành nên các tế bào xã hội. Gia đình tiến bộ, hạnh phúc tạo nên tính bền vững, ổn định của xã hội. Với đại đa số người Việt Nam, hôn nhân và gia đình là giá trị quan trọng, luôn cần được bảo vệ, dung dưỡng. Vậy chất lượng hôn nhân và gia đình hiện nay ra sao? bị tác động/ ảnh hưởng bởi những yếu tố gì? giải pháp nào để nâng cao chất lượng, tạo chất kết dính bền vững cho hôn nhân, giúp tăng sức đề kháng, đứng vững trước những tác động xấu trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu.
Đặt vấn đề
Trong hơn mười năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi của hôn nhân, gia đình ở Việt Nam. Những thay đổi đó chủ yếu xuất phát từ những thay đổi về kinh tế - xã hội và điều kiện sống ở nước ta trước tác động của quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Thực tế, giai đoạn hiện nay, hôn nhân và gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức: sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, công nghệ số hóa, công nghệ truyền thông với các thiết bị hiện đại, mạng xã hội…), sự toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa, những tác động của cơ chế thị trường… Trên phương diện tích cực, quá trình này tạo nên sự độc lập về kinh tế cho cả vợ và chồng; thay đổi vai trò giới, vị thế người vợ tăng; hôn nhân tự do, tự nguyện; sự độc lập của thế hệ trẻ cao; mức sinh thấp; quan hệ trong gia đình bình đẳng, dân chủ... Gia đình Việt Nam đã chủ động thay đổi để phù hợp với những biến đổi kinh tế - xã hội và văn hóa trong quá trình phát triển của đất nước. Những thay đổi này là tiến bộ, tất yếu và không thể cưỡng lại của nhân loại trong quá trình phát triển. Nhưng mặt khác, sự phát triển đó cũng đem đến nhiều mặt trái, tác động tiêu cực: quan hệ vợ chồng, gia đình lỏng lẻo; sự gia tăng về tình trạng ngoại tình, tỷ lệ ly hôn cao; chung sống trước khi kết hôn; những bi kịch, thảm án gia đình; người già cô đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc; trẻ em sống ích kỷ, ưa hưởng thụ, học đòi; nạn bạo hành trong gia đình; xâm hại tình dục… ngày càng gia tăng… Những giá trị truyền thống trong quan hệ vợ chồng, gia đình như đạo đức, tình yêu, lòng chung thủy bị coi nhẹ. Sức ép từ cuộc sống hiện đại (công việc căng thẳng, không ổn định, di chuyển nhiều…) khiến hôn nhân trở nên khó khăn, ngột ngạt với một số người. Mặt khác, những cơ hội để khám phá và phát huy năng lực cá nhân ngày càng mở rộng dẫn đến việc nhiều người mải mê theo đuổi sự nghiệp mà quên mất sự chia sẻ, quan tâm đến những người thân, làm cho chất lượng đời sống hôn nhân và gia đình giảm sút. Theo nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước, những thay đổi về hôn nhân và gia đình được cho là có quan hệ chặt chẽ với quá trình hiện đại hóa.
Chất lượng hôn nhân là một khái niệm khó xác định, đa chiều, thể hiện mức hoàn thiện, khả năng thỏa mãn nhu cầu của cả vợ và chồng trong mối quan hệ, là cảm giác hài lòng với sự gắn kết đó. Chất lượng hôn nhân bao gồm những trải nghiệm tốt đẹp, sự yêu thương, chăm sóc, hài lòng với cuộc sống hôn nhân và cả những trải nghiệm tiêu cực như: sự mẫu thuẫn, chán nản, xung đột trong hôn nhân. Thông thường, nói đến chất lượng hôn nhân là muốn nói đến sự thỏa mãn của cả vợ và chồng trên mọi phương diện cuộc sống, khả năng đáp ứng được những nhu cầu về người bạn đời của bản thân mỗi người, cũng như sự hài lòng, hạnh phúc, sự gần gũi/ hỗ trợ tình cảm, sự tương tác trong hôn nhân, chia sẻ hoạt động cùng nhau. Theo quan điểm của người viết, nói một cách chung nhất, chất lượng hôn nhân là cảm giác hài lòng (hạnh phúc) hay thỏa mãn mọi vấn đề trong cuộc sống vợ chồng.
Nền tảng của đời sống hôn nhân là sự bình yên trong tâm hồn mỗi người để cùng nuôi dạy con cái; là vợ chồng chăm sóc nhau, tự hào, thỏa mãn với sự trưởng thành của các con lúc tuổi già. Đó là những nhu cầu thường xuyên, là hạnh phúc, đích đến đích thực của nhiều thế hệ. Vì thế, chất lượng hôn nhân có thể được nhìn nhận bởi các điểm: an toàn, thoải mái trong cuộc sống vợ chồng; sung túc về kinh tế; vợ chồng bình đẳng, sống có trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau; chung thủy; hai bên luôn chia sẻ, quan tâm chăm sóc, yêu thương nhau; được phát triển về phương diện cá nhân; hạnh phúc tinh thần; tự do tham gia vào đời sống xã hội; tự do thể hiện bản thân, sở thích, mong muốn cá nhân…
Để đạt được tất cả các điểm trên là rất khó, bởi chất lượng hôn nhân luôn thường trực bị ảnh hưởng bởi phần lớn các yếu tố xảy ra trong chính cuộc sống hôn nhân như: sự khác biệt về giới, độ dài của cuộc hôn nhân, con cái, điều kiện kinh tế, sự mất cân bằng về tình dục, tác động của các phương tiện giải trí, truyền thông… Vì vậy, muốn có một hôn nhân chất lượng cần phải có các biện pháp khắc phục những vấn đề đó.
Các biện pháp giúp nâng cao chất lượng hôn nhân
Dung hòa sự khác biệt về giới
Khi kết hôn, mỗi người đều tự điều chỉnh cá tính, bổ sung những khiếm khuyết, cống hiến cho nhau tạo nên sự hòa hợp. Thực tế, lối sống, suy nghĩ và sự khác biệt trong tính cách của vợ - chồng sẽ bộc lộ rõ hơn khi bước vào hôn nhân, bởi lúc này mọi thứ đều buộc cả hai phải cùng lo lắng, quan tâm như: vấn đề kinh tế, nuôi dạy con, đối xử với cả hai gia đình nội - ngoại và các vấn đề xã hội... Vì vậy, đây chính là những thử thách đòi hỏi sự điều chỉnh cá tính, cái tôi giữa các cặp vợ chồng.
Trong tình yêu hay hôn nhân, không thể nói ai phải phụ thuộc ai, ai quan trọng hơn ai, ai có công nhiều hơn ai mà mỗi người có sự chuyển hóa, thay đổi cho nhau về vị trí, vai trò trong những quan hệ cụ thể. Tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng, mỗi thành viên đều có trách nhiệm, nghĩa vụ vun đắp cho tổ ấm của mình ngày càng hoàn thiện và vững chắc.
Lựa chọn người bạn đời phù hợp để giữ gìn hạnh phúc bền lâu
Chất lượng hôn nhân sẽ bị giảm sút hoặc gia tăng theo thời gian bởi nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống và cách xử lý khác nhau giữa các cặp vợ chồng. Hạnh phúc gia đình là thứ nhìn không thấy, nhưng vừa là tinh thần, vừa là vật chất cụ thể, lựa chọn được người bạn đời phù hợp về lối sống, tư tưởng, quan điểm và trách nhiệm trong hôn nhân giúp các cặp đôi dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ cảm thấy không hạnh phúc ngay sau khi kết hôn, bởi họ không nhận thấy nhiều khác biệt trong suy nghĩ của mình với đối phương. Vì vậy, trước khi kết hôn, trong quá trình tìm hiểu yêu đương, hai người phải tìm hiểu thật kỹ xem hệ thống giá trị của hai người có hợp nhau hay không: gia đình truyền thống hay gia đình hiện đại; có suy nghĩ ở riêng sau khi kết hôn hay ở chung với bố mẹ… Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hay đổ vỡ đều có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Vì vậy, cần chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng đối mặt với những vấn đề sẽ xảy ra trong cuộc sống hôn nhân.
Đảm bảo sự bình đẳng, độc lập trong kinh tế
Điều kiện kinh tế có tác động không nhỏ đến đời sống của các cặp vợ chồng và chất lượng hôn nhân của họ. Ít áp lực về vấn đề kinh tế giúp làm gia tăng hạnh phúc gia đình, đồng thời làm giảm xung đột, mâu thuẫn các vấn đề xấu xảy ra trong hôn nhân và xu hướng ly hôn. Đặc biệt, đối với những cặp vợ chồng phải đối mặt với thất nghiệp, hay những công việc nặng nhọc, chiếm nhiều thời gian, thu nhập thấp, chất lượng hôn nhân cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Để đảm bảo yếu tố kinh tế ít gây ảnh hưởng đến chất lượng hôn nhân, các cặp vợ chồng cần biết cân đối chi tiêu, chia sẻ gánh nặng vật chất cùng nhau, động viên nhau khi gặp khó khăn. Đồng thời, các cặp vợ chồng cũng nên cùng nhau dành ra một “quỹ dự phòng” để tránh những trường hợp xấu bất ngờ xảy ra như: ốm đau, thất nghiệp đột xuất… gây áp lực tâm lý và buồn phiền, lo lắng.
Khắc phục vấn đề tình dục trong hôn nhân
Sự hài lòng trong đời sống tình dục của vợ và chồng có ảnh hưởng tới chất lượng hôn nhân. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự thỏa mãn về tình dục sẽ làm gia tăng chất lượng hôn nhân và thúc đẩy sự ổn định của hôn nhân theo thời gian. Có thể nói, tình dục trong hôn nhân không chỉ liên quan đến chức năng duy trì nòi giống mà nó còn là chất xúc tác, thứ gia vị quan trọng khiến cho các vợ chồng đi đến cam kết chung sống lâu dài với nhau. Thực tế, nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ là do không có sự hòa hợp về tình dục trong đời sống vợ chồng. Theo nghiên cứu quốc gia về gia đình mới nhất ở Việt Nam, tỷ lệ các cặp ly hôn do ngoại tình chiếm 25,9%, đứng thứ hai trong những lý do dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.
TS Geoff Hackett, một chuyên gia hàng đầu trong tình dục học và cựu Chủ tịch Hiệp hội tình dục học Anh (BSSM), phát biểu: “Tất cả mọi bằng chứng đều khẳng định rằng một đời sống tình dục năng động sẽ giúp các cặp vợ chồng gắn bó chặt chẽ hơn. Nó cải thiện sự thân mật, tái bảo đảm, đủ để cho hai bên cùng hoàn thành thứ họ muốn và cần thiết. Thật khó để tìm ra bằng chứng nghiên cứu, nhưng những cuộc khảo sát đã chứng minh một thực tế rằng việc thiếu tình dục trong quan hệ là nhân tố hàng đầu của sự đổ vỡ hôn nhân. Nó cũng đã chứng minh rằng các cặp vợ chồng nhất là nam giới sẽ sống lâu hơn, hạnh phúc hơn nếu họ duy trì một mối quan hệ yêu đương nồng nàn và bền bỉ. Và cũng không hề có sự hoài nghi khi một đời sống tình dục lành mạnh lại là một trong những nhân tố quan trọng nhất làm nên một cuộc hôn nhân thịnh vượng và thành công” (1).
Đời sống tình dục của các cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong cuộc sống như: nuôi dạy con cái; áp lực lớn từ công việc, gia đình; hoặc vấn đề về tài chính; sức khỏe; khoảng cách địa lý… Vì vậy, để giải tỏa căng thẳng và hiểu nhau hơn, vợ chồng cần nói chuyện, chia sẻ thẳng thắn để giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn không đáng có.
Nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong hôn nhân
Khi đã kết hôn, hai người đã có ràng buộc nhau về mặt pháp lý, nên mỗi người cần có trách nhiệm vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Hai người cần trở thành chỗ dựa cho nhau cả về vật chất và tinh thần, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và những khó khăn xảy ra trong cuộc sống, bởi “một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”. Khi đã quyết định kết hôn, nghĩa là mỗi người đã chấp nhận gắn kết phần còn lại của cuộc đời mình với nửa kia để cùng nhau bù đắp những thiếu sót và hoàn thiện bản thân.
Khái niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đối với thời đại hiện nay đã không còn nguyên giá trị. Vì thực tế cho thấy, phụ nữ ngày nay đã có khả năng gánh vác vấn đề tài chính trong gia đình rất tốt và có vị trí quan trọng trong các hoạt động xã hội. Ngược lại, đàn ông nội trợ, chăm sóc gia đình cũng không có gì lạ. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi người ngày càng bình đẳng, không phân định trong các vấn đề của đời sống hôn nhân. Quan trọng, cả vợ và chồng cảm thấy được sẻ chia, họ biết được người bạn đời của mình có trách nhiệm đối với hạnh phúc gia đình. Cách đơn giản nhất để thể hiện tình yêu thương với đối phương là qua cử chỉ quan tâm, chăm sóc hằng ngày. Những điều đơn giản, nhỏ bé nhưng đóng vai trò lớn trong cuộc sống hôn nhân. Sự quan tâm không chỉ thể hiện qua lời nói mà phải thể hiện qua hành động. Hạnh phúc giống như hạt mầm, cần phải chăm sóc, vun xới hằng ngày thì mới sống và đâm chồi nảy lộc… Có điều kiện kinh tế nhưng thiếu đi sự tôn trọng, sẻ chia thì hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn và bền vững.
Đặc biệt, hiện nay, công nghệ thông tin - truyền thông đang phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng đến chất lượng hôn nhân theo nhiều cách thức. Việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội một cách thường xuyên và thiếu chọn lọc dẫn đến gia tăng xung đột và tác động tiêu cực đến nhận thức, tâm lý của chủ thể hôn nhân. Nhiều sự nghi ngờ, mất lòng tin, ghen tuông xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ/chất lượng hôn nhân và có thể dẫn đến ly hôn.
“Theo một nghiên cứu mới công bố trên mạng Computers in Human Behavior, thời gian đăng các bài viết và chát với bạn bè trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể làm hỏng một cuộc hôn nhân. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở những tiểu bang nước Mỹ, nơi có 20% dân số sử dụng Facebook, tỷ lệ ly hôn cao hơn trung bình khoảng 2%. Khi kiểm tra dữ liệu từ một nghiên cứu năm 2011 của các cặp vợ chồng từ 18 đến 39 tuổi, họ phát hiện ra rằng những người không sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cảm thấy hạnh phúc với hôn nhân hơn những người sử dụng là 11,4%” (2). Vì vậy, các cặp vợ chồng cần biết tiết chế, sử dụng mạng xã hội một cách có ích và có chọn lọc thông tin để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Chất lượng của một cuộc hôn nhân, một gia đình êm ấm, hòa thuận không phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất nào. Vì thế, mỗi thành viên cần tự giác đóng góp trách nhiệm của mình để vun đắp hạnh phúc gia đình ngày càng hoàn thiện và vững chắc hơn.
_________________
1. Nguyễn Thanh Hải, Tầm quan trọng của tình dục trong đời sống hôn nhân, suckhoedoisong.vn, 1-5-2017.
2. Nguyễn Lân Dũng, Bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình, đăng trong Kỷ yếu hội thảo Xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại do Bộ VHTTDL tổ chức, Hà Nội, 2017.
Tác giả: PGS, TS Bùi Thanh Thủy - Ths Vũ Thị Hồng Tứ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021