Công tác giáo dục chính trị ở các đơn vị cơ sở trong quân đội nhân dân Việt Nam luôn giữ vị trí chủ đạo, trực tiếp xây dựng phẩm chất chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng văn hoá, một mặt hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị. Quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục chính trị cho bộ đội là một trong những nhân tố quyết định đến sức mạnh chiến đấu của đơn vị và quân đội. Đồng thời, là cơ sở để các đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho.
Thực tế nhiều năm qua, cấp ủy chỉ huy các cấp ở các đơn vị luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị cho các đối tượng. Vì thế, chất lượng giáo dục chính trị không ngừng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, đơn vị vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, công tác giáo dục chính trị ở đơn vị vẫn còn những hạn chế nhất định: chất lượng chưa đồng đều, chưa toàn diện, chưa thường xuyên; đội ngũ giáo viên giảng dạy chính trị một số còn yếu; hình thức phương pháp giáo dục chưa phong phú và linh hoạt… Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tại đơn vị cơ sở, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị và sức mạnh chiến đấu của quân đội, cấp ủy chỉ huy các cấp cần quân tâm, đầu tư về mọi mặt cho công tác giáo dục chính trị và thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác giáo dục chính trị
Cấp ủy và chỉ huy các cấp là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị, sự vững mạnh của cấp ủy chỉ huy các cấp là nhân tố quan trọng quyết định đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp có thực sự vững mạnh, là tấm gương tiêu biểu về thực hành dân chủ, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội; là hạt nhân đoàn kết trong đơn vị; những tập thể, cá nhân có bản lĩnh và nhạy cảm về chính trị, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình đơn vị, nhất là những biểu hiện diễn biến tư tưởng của cán bộ chiến sĩ, mới có thể tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm một cách có hiệu quả. Thông qua đó chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch, lựa chọn phương pháp hình thức giáo dục phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng và từng nhiệm vụ. Hàng năm, trước mỗi giai đoạn huấn luyện căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ được giao, cấp ủy và chỉ huy đơn vị có chủ trương, biện pháp lãnh đạo; xác định rõ chỉ tiêu nội dung, yêu cầu đạt được. Chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các tổ chức trong đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải toàn diện nhưng phải tập trung vào những vấn đề trọng tâm có tính quyết định, thực hiện đúng phương châm “bám sát thực tiễn cơ sở, hướng về cơ sở, đa dạng các hình thức, phương pháp giáo dục, tăng tính thuyết phục” nhằm bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối của cán bộ, chiến sĩ với Đảng, tổ quốc và nhân dân.
Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chính trị, tích cực đổi mới phương pháp và hình thức giáo dục chính trị tại đơn vị
Đội ngũ giáo viên chính trị ở đơn vị có vị trí, vai trò rất quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị. Thực tiễn cho thấy khi đội ngũ giáo viên có kiến thức, trình độ năng lực sư phạm tốt, phương pháp giảng bài hay, có tính thuyết phục, thì ở đó nhận thức của cán bộ chiến sĩ được nâng cao, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chính trị ở đơn vị phải được tiến hành thường xuyên, có kế hoạch cụ thể, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kiến thức, năng lực sư phạm, phương pháp soạn bài, giảng bài và định hướng tư tưởng trong từng vấn đề của bài giảng. Việc bồi dưỡng giáo viên chính trị có nhiều hình thức như: thông qua các lớp tập huấn tại đơn vị, thông qua dự giảng bài để tổ giáo viên của đơn vị góp ý phát hiện những điểm mạnh, yếu, chỉ ra hướng khắc phục; gửi đi học tại các trường trong và ngoài quân đội… Yêu cầu chung với người giáo viên chính trị ở đơn vị phải thực sự gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực tư duy sáng tạo, có uy tín, tiêu biểu về sự thống nhất về lời nói và việc làm, say mê với công việc; thường xuyên cập nhật những thông tin mới, xử lý và kịp thời truyền đạt đến bộ đội. Đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục chính trị cũng là một yếu tố quan trọng hiện nay. Song, việc đổi mới đó phải phù hợp với nội dung, đối tượng người học thì mới đạt hiệu quả cao. Ngoài các hình thức giảng bài, thảo luận chính trị cần phải đa dạng để tác động đến cán bộ, chiến sĩ như: thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, hoạt động văn hoá nghệ thuật quần chúng, sinh hoạt của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể để giáo dục chính trị; sử dụng các phương tiện thông tin tuyên truyền cổ động (báo chí, bản tin nội bộ, truyền thanh, khẩu hiệu, chiếu phim, bảng tin công cộng…) để thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cho cán bộ chiến sĩ nắm được; sử dụng lực lượng tuyên truyền viên, diễn đàn thanh niên, tổ chức báo công, thông qua đối thoại trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ để vừa giáo dục, vừa lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Sử dụng đa dạng các hình thức phương pháp giáo dục chính trị mới đạt được hiệu quả thiết thực, có chiều sâu và mang tính bền vững.
Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác giáo dục chính trị ở đơn vị
Đội ngũ cán bộ đảng viên trực tiếp hoạt động, công tác ở đơn vị cơ sở, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị cho bộ đội về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội… Sự gương mẫu của cán bộ đảng viên là bài học thực tế sinh động, có tính thuyết phục xây dựng niềm tin của bộ đội với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thực tiễn công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở đã chứng minh: đơn vị nào cán bộ đảng viên gương mẫu, phát huy được vai trò tiên phong, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ kiến thức toàn diện, thương yêu gần gũi bộ đội, ở đó công tác giáo dục chính trị đạt kết quả cao, cán bộ chiến sĩ nhận thức sâu sắc và yên tâm với nhiệm vụ, trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, không có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, niềm tin và không vi phạm kỷ luật. Các tổ chức quần chúng ở đơn vị như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội đồng quân nhân cũng có vai trò quan trọng trong giáo dục chính trị, giải quyết những vấn đề nảy sinh hàng ngày, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, diễn biến tư tưởng của bộ đội, đề xuất lãnh đạo, chỉ huy có biện pháp giải quyết kịp thời. Vì thế, muốn phát huy tốt vai trò của các tổ chức này trong đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của các tổ chức đó mà lựa chọn từng vấn đề và giao cho đoàn thể đó giải quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của họ. Đồng thời, để tránh sự chồng chéo, lấn sân trong công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo chỉ huy phải kết hợp chặt chẽ hoạt động các tổ chức, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị.
Duy trì nghiêm túc chế độ, nền nếp công tác kiểm tra đánh giá nhận thức chính trị, thường xuyên đầu tư trang thiết bị và làm tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở
Công tác kiểm tra đánh giá nhận thức chính trị của cán bộ chiến sĩ được tiến hành thường xuyên sẽ có tác dụng trực tiếp nâng cao ý thức tích cực, tự giác học tập của mọi người. Vì vậy, phải kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất và kiểm tra thường xuyên. Đánh giá đúng trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên, người học, coi đó là một tiêu chuẩn xét khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ các cấp. Đồng thời, khắc phục những mặt yếu trong công tác giáo dục chính trị, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, chấn chỉnh những biểu hiện xem nhẹ, thiếu trách nhiệm trong thực hiện công tác giáo dục chính trị. Thường xuyên quan tâm, bổ sung đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị ngày càng cao ở đơn vị. Đồng thời, làm tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm chỉ rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo quá trình giáo dục chính trị, bảo đảm cho hoạt động giáo dục chính trị tiếp tục có sự phát triển cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam.
Những biện pháp trên đây có quan hệ chặt chẽ với nhau, mỗi biện pháp có vị trí vai trò riêng nhưng đều nhằm mục đích góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tại đơn vị cơ sở trong quân đội. Góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ với sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : VŨ XUÂN CẢNH - TRẦN THỊ THUYẾT