Sự phát triển của các khu công nghiệp (KCN) đã mang lại nhiều tác động tích cực trong tạo việc làm, thu hút một lực lượng lao động với quy mô lớn, trong đó có lao động nữ, góp phần hình thành, phát triển gia đình công nhân trong các KCN. Điều này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội cần quan tâm, giải quyết về đời sống kinh tế - xã hội nói chung cũng như vấn đề đời sống và hôn nhân nói riêng của nữ công nhân tại các KCN hiện nay.
Theo báo cáo từ Vụ Quản lý khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2020, Việt Nam có 335 KCN được thành lập. Trong đó, có 260 KCN đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 75,7%; tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động tại các KCN ngày càng lớn. Trong tổng số hơn 3 triệu lao động, tỉ lệ lao động nữ thường chiếm trên 60%; đặc biệt, ở một số ngành công nghiệp đặc thù như da giày, dệt may, chế biến thủy sản, tỉ lệ lao động này còn chiếm tới 80% - 90%.
Tuy nhiên, nữ công nhân ở các KCN đã và đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những bất cập trong vấn đề tiền lương, đời sống văn hóa tinh thần, điều kiện hôn nhân, gia đình, chăm sóc con, sức khỏe sinh sản… Đa phần lao động nữ ở các KCN có tuổi đời khá trẻ (từ 18 - 24 tuổi và hầu hết dưới 35 tuổi); trình độ chuyên môn, kỹ thuật còn hạn chế và phải thuê nhà trọ (khoảng trên 55%); tiền lương, thu nhập thực tế của đa số lao động nữ ở các KCN hiện nay còn khá thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống và các chi phí cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày. Về cơ bản, tiền lương trung bình (làm việc đủ giờ theo quy định) của lao động nữ ở các KCN trong khoảng 4,5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Vì thế, để đảm bảo cuộc sống, họ phải làm thêm giờ để tăng thu nhập, khiến họ hầu như không có thời gian dành cho các hoạt động văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khỏe tái tạo sức lao động…
Các chính sách hỗ trợ cho lao động nữ của doanh nghiệp còn rất hạn chế cả về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, đến đãi ngộ... Việc thực thi các chính sách pháp luật về lao động nữ tại các KCN còn nhiều vấn đề và chưa thực sự đi vào cuộc sống; sự phối, kết hợp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội địa phương với liên đoàn lao động, công đoàn, chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách xã hội cho lao động nữ cũng còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ do những xung đột nhất định về lợi ích giữa chủ doanh nghiệp với người lao động.
Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp là lợi nhuận. Việc người dùng lao động sử dụng tối đa sức lao động của người lao động mà chỉ muốn chi trả cho họ khoản chi phí thấp nhất có thể là điều thường xảy ra trong thực tiễn. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động như: nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể dục thể thao, nơi trông giữ trẻ, mẫu giáo... lại không được doanh nghiệp quan tâm hoặc bỏ qua. Hơn nữa, đa số lao động nữ KCN chưa nắm được các quy định của chính sách pháp luật và phần lớn đến từ các vùng nông thôn, trình độ tay nghề còn hạn chế, chủ yếu làm việc thủ công nên khi tìm được công việc có thu nhập đã được coi là một sự may mắn, dẫn đến tình trạng cam chịu, chấp nhận làm việc khi chủ doanh nghiệp chưa áp dụng, thực thi các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định.
Từ thực trạng đời sống và hôn nhân của công nhân nữ tại các KCN của nước ta, đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần quan tâm giải quyết như: việc làm, nhà ở, thu nhập, môi trường lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điều kiện hôn nhân, gia đình, chăm sóc con cái, sức khỏe sinh sản và các chính sách xã hội khác cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Trong đó, trọng tâm gồm:
Một là, vấn đề giải quyết việc làm và thu nhập của nữ công nhân ở các KCN
Nhiều ngành nghề trong các doanh nghiệp ở KCN nước ta như: dệt may, chế biến lương thực - thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử… thường có xu hướng sử dụng lao động giản đơn, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo. Đây là cơ hội cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ từ các vùng nông thôn tới tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động ở một độ tuổi nhất định và thường sa thải sau một thời gian làm việc do sự đòi hỏi về cường độ làm việc cao và sức khỏe tốt. Những công việc do lao động nữ đảm nhiệm thường tốn nhiều thời gian, công việc lặp đi lặp lại một cách máy móc, buồn tẻ, tăng ca, tăng giờ nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe… Cùng với đó, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài gây ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ ốm đau, thai sản; chất lượng khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản chưa được tốt... Một số doanh nghiệp chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm, chăm lo đến đời sống của công nhân, nhất là lao động nữ; không hỗ trợ chi phí cho lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo… Thực trạng này đã và đang là bài toán đặt ra đòi hỏi sự can thiệp sâu sắc và mạnh mẽ với các giải pháp tổng thể của các cơ quan chức năng để bảo đảm việc làm và thu nhập cho nữ công nhân ở các KCN hiện nay.
Hai là, vấn đề lựa chọn bạn đời của nữ công nhân ở các KCN
Do những áp lực trong công việc, tăng ca, tăng giờ liên tục đã và đang là rào cản to lớn trong việc tìm bạn đời đối với nữ công nhân ở các KCN. Hơn nữa, với nhiều công nhân nữ, do điều kiện kinh tế không đảm bảo, hầu hết các KCN lại chưa có quy hoạch đồng bộ về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động nên đã dẫn đến hình thành tâm lý lo lắng, yêu rồi nhưng không dám cưới, cưới rồi không dám có con, có con rồi không dám sinh thêm. Tình yêu, hôn nhân là quyền tự thân, quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân mỗi con người, thế nhưng khát khao hết sức bình dị đó lại trở thành mơ ước khó thực hiện, xa vời với nhiều công nhân nữ tại các KCN ở nước ta hiện nay. Vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần có biện pháp quan tâm và tạo điều kiện để các nữ công nhân tại KCN có thể xây dựng quan hệ tình yêu, hôn nhân và gia đình; phải coi đây là vấn đề đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà nước cần ưu tiên bảo đảm nguồn nhân lực hài hòa giữa các ngành nghề, tránh hiện tượng chênh lệch giới tính giữa các KCN.
Ba là, gắn kết vợ chồng gia đình công nhân
Khi có sự chia sẻ, giữa vợ và chồng sẽ có sự thấu hiểu, cuộc sống hôn nhân bền chặt hơn. Để gắn kết gia đình công nhân, cần đảm bảo các yếu tố: cùng nhau tham gia một hoạt động; tạo dựng của cải và quản lý tài sản; cùng lên kế hoạch cho các hoạt động gia đình; chia sẻ suy nghĩ, động viên nhau; tôn trọng sở thích; ghi nhận những đóng góp trong gìn giữ hạnh phúc gia đình…
Tuy nhiên, thực tế có không ít các hiện tượng tiêu cực trong quan hệ vợ chồng công nhân như: biểu hiện phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới; nạn bạo lực gia đình; việc vợ chồng ly hôn, ly thân ngày càng phổ biến... Điều này đòi hỏi cần có các chính sách quan tâm hợp lý từ các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết, nhất là về vấn đề thời gian để nữ công nhân có thể vừa tái sản xuất sức lao động, vừa có thể chăm sóc gia đình.
Bốn là, điều kiện chăm sóc con cái của nữ công nhân
Một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là việc dành thời gian và điều kiện kinh tế chăm sóc con cái của nữ công nhân ở các KCN chưa được đảm bảo. Do điều kiện kinh tế khó khăn, cường độ lao động lớn, thường xuyên phải tăng ca, tăng giờ làm việc trong dây chuyền liên tục nên đa số nữ công nhân ở các KCN ít có thời gian quan tâm nuôi dạy con cái. Ở một số gia đình, công nhân không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi con nên phải gửi con về quê nhờ ông bà, người thân trông giúp. Bên cạnh đó, kỹ năng giáo dục, chăm sóc con trẻ của nữ công nhân chủ yếu dựa trên kinh nghiệm được truyền lại mà ít có sự tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy là trẻ em ở các gia đình công nhân hầu như chưa được bảo vệ đúng mức và đầy đủ. Do vậy, bên cạnh việc quan tâm nâng cao đời sống vật chất, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, tăng cường nhận thức cho nữ công nhân ở các KCN về kỹ năng chăm sóc và bảo vệ con cái.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Ban Nữ công, Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay, Đề tài khoa học cấp Bộ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mã số XH/TLĐ.2015.04, 2016.
2. Ban Nữ công, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và Báo cáo 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ - TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội, 2017.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Thủy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020