Văn hóa có vai trò quan trọng trên mọi phương diện của đời sống, là nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI nêu rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong hoạt động kinh doanh, môi trường văn hóa có ý nghĩa quan trọng: “Thứ nhất, môi trường văn hóa có tác dụng điều chỉnh hài hòa đối với vận hành bình thường của nền kinh tế. Các loại giá trị văn hóa không những là cơ sở chỉ đạo động cơ tăng trưởng kinh tế mà còn quy định tính hợp lý của mục tiêu tăng trưởng. Thứ hai, môi trường văn hóa tốt đẹp có thể điều hòa sửa chữa uốn nắn tính hẹp hòi của quan điểm giá trị vì lợi nhuận của kinh tế thị trường. Tăng cường việc xây dựng môi trường văn hóa có thể ngăn chặn được tác động tiêu cực của tinh thần luân lý kinh tế thị trường” (1). Vì thế, cần dùng góc nhìn văn hóa để xem xét và hướng phát triển kinh tế. Đặc biệt, phải coi trọng vai trò của văn hóa, không ngừng nâng cao tỉ trọng văn hóa tinh thần thúc đẩy tiêu dùng thiên về vật chất chuyển hướng sang loại tiêu dùng thiên về khoa học, kỹ thuật, tri thức.
Năm 2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO, các doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu, nhiều cơ hội mở ra nhưng cũng đầy những khó khăn thử thách. Năm 2016, chúng ta cũng đã đàm phán xong hội nghị đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong điều kiện đó, khi các sản phẩm không khác nhau nhiều về chất lượng thì cạnh tranh trên thị trường thực chất là cạnh tranh về sắc thái văn hóa kinh doanh, thương hiệu, chất lượng dịch vụ. Vì vậy, văn hóa kinh doanh trước hết cần phải được thấm đẫm trong các hoạt động của doanh nghiệp vì doanh nghiệp là nơi trực tiếp làm ra sản phẩm, dịch vụ cho xã hội. Hơn bao giờ hết, vấn đề xây dựng và phát triển môi trường văn hóa kinh doanh (MTVHKD) trong các doanh nghiệp Việt Nam đang là một vấn đề hết sức cần thiết.
Tuy vậy, dưới sự vận hành của cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu đã dẫn đến coi nhẹ yếu tố văn hóa, đạo đức trong kinh doanh. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến triết lý kinh doanh, trách nhiệm xã hội, kinh doanh bất hợp pháp, làm hàng giả, trốn lậu thuế, ứng xử thiếu văn hóa, chưa tạo nên sự gắn bó trong nội bộ doanh nghiệp. Những áp lực về kinh tế, chạy theo lợi nhuận… làm ảnh hưởng tới sức khỏe, lợi ích và niềm tin người tiêu dùng.
MTVHKD của Việt Nam đang gặp phải một số rào cản sau:
Sự xuống cấp của đạo đức kinh doanh
Tác động tiêu cực lớn nhất của cơ chế thị trường đến MTVHKD Việt Nam chính là sự chao đảo về hệ thống các giá trị trong mỗi con người Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung. Việt Nam vốn là một nước có nền văn hóa nông nghiệp, với hệ thống các giá trị thiên về tinh thần hơn là vật chất, như thích hòa hiếu, trọng tình, ham danh hơn ham lợi, trọng thể diện… những yếu tố này, một mặt cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước, mặt khác lại giúp cho tôn ti, trật tự trong xã hội được bảo đảm, các giá trị đạo đức ít bị xáo trộn.
Khi bước vào cơ chế thị trường, hoạt động kinh doanh được Nhà nước khuyến khích, một số thương nhân giàu lên nhanh chóng. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi thành công trên thương trường. Điều này đã làm thay đổi những quan niệm truyền thống, những kinh nghiệm của lớp người đi trước bị cho là không còn phù hợp với hoàn cảnh mới. Sự khủng hoảng này là tất yếu khi chúng ta chuyển từ mô hình kinh tế nông nghiệp, tự cung, tự cấp sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong khi những giá trị tinh thần cũ dần bị lãng quên thì vẫn chưa có những giá trị tinh thần mới để lấp vào chỗ trống đó. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến MTVHKD Việt Nam. Thực tế, nhiều doanh nghiệp thành công không phải bằng con đường làm ăn chân chính làm cho một số doanh nghiệp bị mất lòng tin, mặt khác, MTVHKD của Việt Nam chưa ổn định, chưa tạo điều kiện tối đa cho những doanh nhân làm ăn nghiêm chỉnh. Điều này nảy sinh tư tưởng làm ăn gian dối, đánh quả, chụp giật… thậm chí còn có quan niệm rằng, ở Việt Nam chỉ có làm ăn lắt léo mới có thể trụ được trên thương trường. Cách nghĩ như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng đạo đức xã hội và hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.
Xuất thân từ nền kinh tế tiểu nông, một bộ phận người Việt Nam có tầm nhìn thấp, ngắn hạn, hay thay đổi và muốn đi đường tắt thay vì kiên nhẫn chờ đợi kết quả lâu dài. Vì vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài, bối cảnh và môi trường kinh tế Việt Nam thuộc loại “xã hội thiếu chữ tín”. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng, điểm yếu này càng có nguy cơ bộc lộ rõ ràng. Chừng nào các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam còn chưa nhận ra tầm quan trọng của chữ tín trong mọi mối quan hệ thì chúng ta khó có thể lấy được niềm tin của đối tác.
Có nhiều trường hợp, người Việt Nam bị sa vào trạng thái choáng ngợp trước những thành tựu kinh tế của phương Tây, trở nên sùng ngoại thái quá, phủ nhận tất cả những giá trị cổ truyền của dân tộc. Những người này phần đông là thanh niên làm việc cho các công ty nước ngoài và những người kinh doanh bằng viện trợ của người thân từ nước ngoài gửi về. Việc đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc đã làm họ rập theo khuôn mẫu phương Tây trong mọi hành vi. Vì vậy, việc bắt chước thiếu chọn lọc của một nhóm doanh nhân Việt Nam chỉ làm nghèo đi đời sống tinh thần của họ và làm yếu đi bản sắc dân tộc trong văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Một số khác, trong đó có cả các nhà quản lý, vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, hoặc vì không có điều kiện, hay vì không muốn thay đổi, đã trở nên lạc hậu so với bên ngoài. Thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thời kỳ đổi mới, họ dễ bị thua lỗ, bộc lộ nhiều sai sót trong kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Những người này, đã góp phần làm văn hóa kinh doanh Việt Nam kém năng động, chậm hòa đồng trong tiến trình hội nhập, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Cung cách làm ăn nhỏ lẻ, thói quen tùy tiện
Các doanh nghiệp Việt Nam vốn bị yếu thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế do cung cách làm ăn manh mún, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà ít nghĩ đến lợi ích lâu dài. Là thành viên của WTO, chúng ta phải đổi mới tư duy trong làm ăn kinh tế. Không còn kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm mà phải làm một cách bài bản. Người Nhật trước khi làm điều gì họ nghiên cứu kỹ mục tiêu đến 90%, việc điều chỉnh trong khi thực hiện không quá 10%. Còn kinh doanh ở Việt Nam, đa số các hợp đồng được ký kết trên bàn tiệc, sau đó thống nhất với nhau làm, nên khi làm lại điều chỉnh, cuối cùng thay đổi nhiều so với mục tiêu ban đầu. Sự bài bản còn thể hiện ở tính chuyên nghiệp và chấp hành kỷ luật.
Tầm nhìn hạn hẹp, tư duy ngắn hạn
Muốn đạt được những mục tiêu dài hạn, đòi hỏi doanh nhân phải có tầm nhìn xa mang tính chiến lược, xây dựng mục tiêu và có kế hoạch đầu tư thích hợp. Có thể thấy được tầm nhìn của doanh nhân Việt Nam hiện đang ở đâu qua bảng xếp hạng 200 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) vừa công bố, những doanh nghiệp được xem là lớn nhất Việt Nam chỉ gần tương đương với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới, các doanh nghiệp hàng đầu này cũng “phải còn rất lâu nữa mới vươn tới được chuẩn quốc tế”. Năm 2016, chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam lọt TOP 2000 doanh nghiệp trên thế giới là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Vinamilk (2).
Cũng vì thiếu tầm nhìn nên doanh nghiệp không đầu tư vào những vấn đề cốt lõi, lâu dài và lao theo xu hướng ăn xổi, đầu tư cả vào những lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư và lợi ích kinh doanh dài hạn tại Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư mang tính đầu cơ, như kinh doanh bất động sản, chứng khoán mà quên đi các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là sản xuất. Trong sản xuất thì nhỏ lẻ, thường mang tư duy ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược. Sản phẩm làm ra chưa có chất lượng cao, chưa đủ sức cạnh tranh với quốc tế, hiện tượng kinh doanh theo kiểu chụp giật, lừa phỉnh khách hàng vẫn còn nhiều. Hiện tượng vi phạm pháp luật dưới các hình thức khác nhau còn diễn ra, nhất là trốn, lậu thuế.
Thiếu tính liên kết, tính cộng đồng
Doanh nghiệp nước ngoài có sức mạnh, kinh ngiệm kinh doanh và tiềm lực rất lớn, đó là lợi thế để họ chiếm lĩnh toàn cầu. Còn ở Việt Nam, khi vốn liếng chưa nhiều, năng lực cạnh tranh chưa cao thì điều mà chúng ta cần nhất là sự liên kết, đoàn kết. Nhưng thực tế, không ít doanh nghiệp lại không thể cởi mở, liên kết với nhau, thậm chí còn chơi xấu, cạnh tranh không lành mạnh. Báo đài hiện đang nói nhiều về các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cùng đi chào hàng trên thị trường, mỗi doanh nghiệp chào một giá, hệ quả là không những không nâng cao sức cạnh tranh mà còn làm yếu đi vì sự tranh mua, tranh bán, thậm chí hạ uy tín của nhau. Thực tế, vấn đề liên kết doanh nghiệp đã được đặt ra rất nhiều lần ở tất cả các hiệp hội, ngành nghề, tuy nhiên nhiều cơ quan có thẩm quyền cũng không thể can thiệp được trước thói quen cố hữu của rất nhiều doanh nghiệp là mạnh ai nấy làm. Xét về khía cạnh liên kết, hợp tác của các doanh nhân trong quá trình hoạt động kinh doanh để cùng phát triển, tính cộng đồng của doanh nhân Việt Nam còn quá rời rạc và ở mức thấp, thể hiện ngay trong phạm vi một ngành nghề, một địa phương và rộng hơn là trong phạm vi cả nước. Các doanh nhân ít khi tìm được tiếng nói chung, lợi ích chung mang tính sống còn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Chủ trương thành lập những tập đoàn kinh tế còn vấp phải những rào cản nội tại: thông tin của doanh nghiệp thường thiếu độ tin cậy, ảnh hưởng đến việc liên kết ngang; quy định của Nhà nước cho các hoạt động liên kết chưa đầy đủ...
Trong khi tiềm lực tài chính nhỏ, năng lực sản xuất thấp nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn không chịu liên kết với nhau đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty liên doanh, tập đoàn lớn trên thế giới bắt tay nhau chiếm lĩnh thị phần của doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam đã kết hợp với các doanh nghiệp trong nước để tận dụng hình ảnh thương hiệu của họ trong việc thâm nhập thị trường nội địa. Có thể kể đến như trường hợp hãng Pepsi kết hợp với Kinh Đô; các hãng điện tử như Samsung, LG, Toshiba kết hợp với siêu thị Nguyễn Kim. Tại sân nhà, rất nhiều sản phẩm của ta đang bị áp đảo và cạnh tranh gay gắt trước sức mạnh liên kết của các công ty, tập đoàn nước ngoài. Trong điều kiện hiện nay, hợp tác với nhau và với nhà đầu tư nước ngoài là một cách để doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và có tăng sức cạnh tranh. Các khó khăn, rào cản lớn nhất lâu nay vẫn thường được nhắc tới là tiềm lực tài chính, mô hình tổ chức, đội ngũ nhân sự, khả năng sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ.
Thiếu tính công bằng, pháp luật chưa nghiêm
Ở nước ta đặc tính coi trọng quan hệ cá nhân, xu hướng cá nhân hóa các mối quan hệ kinh doanh, ỷ lại vào bảo hộ của nhà nước vẫn tồn tại khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp thành công nhờ vào mối quan hệ rộng hơn là nhờ vào năng lực. Xu hướng dựa vào các mối quan hệ như một chủ bài mạnh hơn cả năng lực, xu hướng nhờ vả, chạy chọt hiện vẫn đang tồn tại ở mức đáng kể. Cám dỗ về đặc quyền, lợi ích cá nhân đang là lực cản rất lớn. Thêm vào đó, thể chế và luật pháp của chúng ta còn nhiều kẽ hở, các vụ trọng án xử chưa thỏa đáng dẫn đến người kinh doanh coi thường pháp luật. Nhiều bộ luật còn chưa đồng bộ dẫn đến doanh nghiệp có thể lách luật để tìm kiếm lợi nhuận. Cuộc đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy công quyền sẽ là một trong những yếu tố có tính quyết định trong việc xóa bỏ tình trạng chạy cửa sau và phục hồi luật chơi đẹp trên thương trường. Đây chính là một khía cạnh của văn hóa kinh doanh ở cấp độ xã hội.
Nhẹ chữ tín
Buôn bán phải giữ chữ tín, đó là văn hóa trong kinh doanh được bắt nguồn từ khi hình thành thị trường. Trong sản xuất kinh doanh, các yếu tố về sản phẩm như số lượng, chất lượng, chủng loại, thời gian hoàn thành và chuyển giao là những chỉ số quan trọng. Chính chữ tín đã làm nên những thương hiệu lớn mạnh và bản thân thương hiệu cũng chính là một thứ hàng hóa. Giữ chữ tín là điều kiện của thành công, sự thất bại đối với doanh nghiệp, doanh nhân không giữ chữ tín là sự thất bại báo trước, thời gian chỉ có thể là sớm hay muộn. Theo nhiều nhà kinh doanh nước ngoài, các nhà kinh doanh Việt Nam không coi trọng chữ tín, hay viện dẫn các lý do khách quan để khước từ việc thực hiện cam kết, gây nhiều phiền toái trong quan hệ với các đối tác nước ngoài. Sản phẩm ban đầu làm ra tốt nhưng khi đã chiếm được lòng tin của khách hàng thì bắt đầu gian dối, cẩu thả. Chừng nào các nhà quản lý và doanh nhân Việt Nam còn chưa nhận ra tầm quan trọng của chữ tín trong mọi mối quan hệ, thì chúng ta còn khó lấy được niềm tin của đối tác. Thậm chí, về lâu dài, sẽ có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Việc không giữ chữ tín cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam đang mất nhiều cơ hội chen chân vào những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ... Ngoài những bất cập, trở ngại trên, trong văn hóa kinh doanh của người Việt Nam, nhiều thói quen, cung cách làm ăn cũ, lạc hậu, tùy tiện vẫn đang tồn tại, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tính sáng tạo, sẵn sàng hợp tác chưa định hình rõ nét. Sự gian dối trong kinh doanh vẫn còn, không ít những doanh nhân thẳng thắn bộc lộ “buôn bán thật thà thì chỉ có ăn cám”, vì thế họ tìm mọi cách trốn lậu, phi pháp, lách luật để làm ăn.
Nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mới chỉ bắt đầu, nền văn hóa kinh doanh đang đứng trước những thuận lợi cũng như thử thách to lớn. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức rõ những điểm mạnh và điểm yếu trong văn hóa kinh doanh, để có thể tích cực, chủ động trong hội nhập, xây dựng nền kinh tế Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Chưa nhận thức được vai trò của văn hóa trong kinh doanh
Do các doanh nghiệp chưa nhận thức được mối quan hệ giữa văn hóa và kinh doanh nên chưa có cái nhìn đúng đắn về sự cần thiết kinh doanh có đạo đức, coi đó là sự sống còn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận và coi đó là mục tiêu duy nhất. Các doanh nghiệp vẫn coi văn hóa và kinh doanh là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt, văn hóa chỉ là cái đuôi của kinh tế mà không thấy được vai trò của văn hóa giúp tạo thương hiệu, giữ vững ổn định và chiến lược lâu dài cho doanh nghiệp. Văn hóa cũng giúp cho doanh nghiệp tạo dựng được thương hiệu và giá trị. Các doanh nhân quá tính toán đến hiệu quả mà quên mất vai trò cốt tử của doanh nghiệp là con người. Hơn thế nữa, trong quan niệm người Việt, con buôn, dân buôn đầy sự miệt thị để nói về nghề kinh doanh. Định kiến coi việc làm giàu bằng kinh doanh là bất chính khiến nhiều người e dè trước quyết định kinh doanh.
Những vấn đề về rào cản chính sách
Theo báo cáo của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 37 luật về đầu tư kinh doanh cần phải được sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật chuyên ngành như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoa học công nghệ, các luật về thuế (3)… gây ra những vướng mắc, rào cản, các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Vấn đề thống nhất và liên thông giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh đang là yêu cầu đòi hỏi bức thiết cần được Chính phủ và các bộ, ngành tập trung giải quyết trong thời gian tới. Việc cải cách thể chế tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp cũng giúp ích nhiều cho doanh nghiệp phải đi chạy chọt, “cửa sau”, làm giảm tính cạnh tranh. Trong thời gian vừa qua đã chứng kiến những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.
Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam khi gia nhập WTO và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay là nguy cơ tụt hậu, hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh thấp. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức rõ những hạn chế, bất cập trong văn hóa kinh doanh Việt Nam, từ đó tìm ra hướng đi cho các doanh nghiệp, doanh nhân để có thể tích cực, chủ động trong hội nhập, đảm bảo xây dựng một nền văn hóa kinh doanh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong TK XXI. Đất nước ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với rất nhiều khó khăn, lúng túng cả về lý luận và thực tiễn. Do vậy, việc xây dựng văn hóa kinh doanh trong bối cảnh hiện nay càng trở nên cấp thiết. Để được xã hội chấp nhận, doanh nghiệp cần chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của mình bằng chính đạo đức kinh hoanh, coi đó là vũ khí cho sự tồn tại trong cạnh tranh và phát triển
___________
1. tapchicongsan.org.vn.
2. vnexpress.net.
3. ncif.gov.vn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018
Tác giả : ĐẶNG THỊ TUYẾT