Cho đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (BTMTVN) là bảo tàng chuyên ngành nghệ thuật duy nhất ở nước ta được xếp hạng bảo tàng cấp quốc gia. Phần lớn số lượng tác phẩm trong sưu tập của bảo tàng là hiện vật gốc, độc bản, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, bao gồm các hiện vật mỹ thuật từ cổ đại cho đến các sáng tác đương đại. Trong đó, phải kể đến 9 hiện vật đã được đưa vào danh sách Bảo vật Quốc gia từ năm 2012 đến nay. Vậy làm thế nào để BTMTVN thực sự trở thành điểm hút công chúng, khách du lịch trong, ngoài nước, là nơi lan tỏa, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của dân tộc? Bài viết đề cập đến những giải pháp trong việc phát huy giá trị của các tác phẩm mỹ thuật trong hệ thống trưng bày từ thời kỳ cận - hiện đại cho đến nay (gọi tắt là các tác phẩm mỹ thuật) tại bảo tàng.
Qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, sưu tầm, BTMTVN hiện đang lưu giữ gần 20.000 hiện vật mỹ thuật có giá trị, phản ánh sự phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc, tinh hoa dân tộc của mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền sử cho đến nay (1).
Tòa nhà trưng bày chính của bảo tàng dành để giới thiệu thường xuyên khoảng 2.000 hiện vật mỹ thuật, trong đó có 513 hiện vật thuộc các giai đoạn từ cận đại cho đến nay, bao gồm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, với đa dạng chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa, giấy, đồng, gỗ, chất liệu tổng hợp. Trong số 9 hiện vật của bảo tàng được công nhận là bảo vật quốc gia, có 6 tác phẩm tranh sơn dầu, sơn mài thuộc các giai đoạn này, khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của riêng từng tác phẩm cũng như của cả hệ thống sưu tập, trưng bày của bảo tàng.
Các tác phẩm sáng tác từ thời cận đại đến năm 1954 được trưng bày theo tiến trình lịch sử, bắt đầu từ giai đoạn đầu TK XX đến trước 1945 với 60 tác phẩm. Tiếp đó là phòng trưng bày sáng tác mỹ thuật giai đoạn kháng chiến 1945-1954 với 37 tác phẩm. Phòng chuyên đề về mỹ thuật Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới đến nay có 26 tác phẩm. Song song với trưng bày theo giai đoạn là các phòng trưng bày theo chất liệu sáng tác, bao gồm tranh sơn dầu (56 bức); tranh lụa (90 bức); tranh sơn mài, sơn khắc (110 bức); tranh giấy (105 bức); tranh cổ động (30 bức). 43 tác phẩm điêu khắc được trưng bày xen kẽ ở các không gian trong phòng và dọc hành lang tòa nhà.
Bên cạnh hệ thống trưng bày thường xuyên (hay còn gọi là trưng bày tĩnh), BTMTVN còn có hệ thống trưng bày chuyên đề, bao gồm các triển lãm do bảo tàng trực tiếp tổ chức hoặc do đối tác trong và ngoài nước phối kết hợp thực hiện. Ngoài ra, để mở rộng việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm, bảo tàng còn có hình thức trưng bày hiện vật lưu động ở các địa phương trong nước và một số nơi ở nước ngoài. Không gian sáng tạo cho trẻ em được triển khai ở bảo tàng từ năm 2011, với hình thức trải nghiệm các loại hình nghệ thuật hiện có trong sưu tập của bảo tàng cùng hoạt động thực hành nghệ thuật và trưng bày, tọa đàm...
BTMTVN là nơi khách tham quan có thể thưởng thức và trải nghiệm vẻ đẹp của các loại hình nghệ thuật thị giác. Qua đó, công chúng có thể tiếp nhận được những thông tin, kiến thức khoa học, lịch sử, văn hóa, xã hội và mỹ thuật. Thêm vào đó, bảo tàng tọa lạc ở một khu vực được coi là “miếng đất vàng” của Thủ đô Hà Nội: ngay phía sau di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám và kế bên Viện Goethe Hà Nội - một trung tâm giao lưu văn hóa với nước Đức. Với hai ưu thế lớn về nội dung trưng bày và địa điểm, BTMTVN có nhiều tiềm năng để trở thành một địa chỉ hấp dẫn khách tham quan.
Phát huy giá trị của các tác phẩm mỹ thuật
Ngoài việc nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và bảo quản, BTMTVN phát huy giá trị của di sản đến công chúng. Thông qua triển lãm, trưng bày và các hoạt động giáo dục, bảo tàng tạo cơ hội cho người xem nâng cao nhận thức, học tập, trải nghiệm ngôn ngữ các tác phẩm mỹ thuật, làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Qua đó, bảo tàng góp phần giáo dục ý thức dân tộc, niềm tự hào về những giá trị di sản văn hóa mà cha ông ta đã sáng tạo và trao truyền cho các thế hệ.
Khái quát về hiện trạng hệ thống trưng bày các tác phẩm mỹ thuật
Đến nay, hệ thống trưng bày của BTMTVN đã qua nhiều lần được điều chỉnh, thay đổi. Vị trí, tên các phòng và hệ thống trưng bày đã có sự điều chỉnh, kết hợp trưng bày tác phẩm theo tiến trình lịch sử cùng trưng bày chuyên đề, phù hợp với loại hình bảo tàng lịch sử mỹ thuật. Cách nối tiếp không gian các phòng khá hợp lý.
Tuy nhiên, nội dung trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật tạo hình từ cận đại đến đương đại chưa liền mạch về tiến trình lịch sử. Lịch sử mỹ thuật tạo hình cận - hiện đại Việt Nam được khởi đầu từ phòng tranh tượng nửa đầu TK XX, chủ yếu giới thiệu các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945). Nối tiếp sau đó là phòng tranh mỹ thuật kháng chiến, giai đoạn 1945-1954. Các phòng trưng bày còn lại được trình bày theo chất liệu, trong đó đan xen sáng tác thuộc nhiều giai đoạn lịch sử, từ cận đại đến đương đại. Đến phòng trưng bày tác phẩm từ thời kỳ Đổi mới đến nay, các tác phẩm được giới thiệu theo tiến trình lịch sử. Như vậy, giai đoạn 1954-1975 và giai đoạn hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội từ 1975-1985 chưa được thể hiện rõ ràng trong hệ thống tác phẩm trưng bày tại bảo tàng. Mặc dù các tác phẩm mỹ thuật của những giai đoạn này khá đa dạng nhưng lại được trưng bày theo chất liệu. Số lượng tác phẩm của bảo tàng phong phú nhưng cách trưng bày chưa thể hiện được đặc thù, tiến trình phát triển của lịch sử mỹ thuật cũng như của từng chất liệu… Tại phòng tranh sơn mài, các tác phẩm được trưng bày quá gần nhau, mật độ dày đặc, trong khi đó phòng trưng bày giai đoạn 1945-1954 lại sơ sài, chủ yếu là ký họa, chưa phản ánh được sự phong phú, hiện thực hào hùng của mỹ thuật giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Cách bố trí tác phẩm còn dàn trải, chưa tạo được điểm nhấn ở từng không gian trưng bày, không chú trọng làm nổi bật các yếu tố như tác giả điển hình của từng giai đoạn; các sự kiện theo chủ đề, nội dung hay những đóng góp, tìm tòi về chất liệu ở từng phòng trưng bày.
Tại phòng trưng bày tác phẩm giai đoạn từ thời kỳ Đổi mới đến nay, số lượng hiện vật còn ít, chưa đa dạng về phong cách, chưa đại diện để phản ánh những thay đổi của mỹ thuật giai đoạn này, cũng có rất ít (1 tác phẩm) thuộc các loại hình nghệ thuật đương đại như sắp đặt, video art… Đặc biệt, hệ thống tượng salon (tượng tròn) trong bảo tàng còn quá ít, sơ sài, chỉ với 43 tác phẩm, không phản ánh được sự hình thành, phát triển của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. 43 tác phẩm này không có không gian riêng mà thường được đặt xen kẽ trong các phòng trưng bày hội họa, hoặc bày dọc hành lang, khiến cho ở một số nơi, tác phẩm điêu khắc và hội họa che khuất điểm nhìn, không gian của nhau.
Nhìn chung, hệ thống trưng bày tác phẩm mỹ thuật ở BTMTVN còn bị hạn chế bởi không gian, ánh sáng. Phần giới thiệu chung về từng giai đoạn hay chất liệu cũng như hồ sơ hiện vật, tác phẩm còn sơ sài, chưa được thường xuyên cập nhật.
Bên cạnh không gian nội thất, không gian cảnh quan bảo tàng cũng là nơi có thể quảng bá mỹ thuật đất nước thông qua việc bố trí trưng bày những tác phẩm điêu khắc ngoài trời, thể hiện mối quan hệ của kiến trúc và điêu khắc, tạo sự hấp dẫn thu hút ấn tượng thị giác về một bảo tàng mỹ thuật quốc gia. Bảo tàng cần khai thác thêm nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị, tạo một không gian nghệ thuật cảnh quan ngoài trời.
BTMTVN tuy có nhiều hiện vật đẹp, giá trị nhưng chúng cần được tạo dựng thêm đời sống phong phú thông qua hệ thống hồ sơ hiện vật cùng phần thuyết minh hấp dẫn. Thuyết minh bảo tàng là một hoạt động khoa học và nghệ thuật, có tác dụng tạo dựng đời sống riêng của tác phẩm. Điều này phụ thuộc nhiều vào công tác nghiên cứu, sưu tầm, trình độ, khả năng của thuyết minh viên. Tuy nhiên, bảo tàng cần có sự phân loại đối tượng, nhu cầu khách tham quan để xây dựng sản phẩm thuyết minh phù hợp. Với khách phổ thông, thuyết minh viên có thể giới thiệu nét đặc trưng của các hiện vật, qua đó khái quát được lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Còn với khách tham quan, học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu chuyên sâu, nội dung giới thiệu cần kỹ hơn, vừa quảng bá được giá trị di sản, vừa tạo được thiện cảm, ấn tượng sâu sắc với người xem. Như vậy, công tác sưu tập, trưng bày, thuyết minh và hồ sơ hiện vật của BTMTVN cần liên tục được cập nhật, bổ sung và dần hoàn thiện. Đặc biệt cần có kế hoạch sưu tập, làm phong phú, dày dặn hơn bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật giai đoạn từ thời kỳ Đổi mới trở về sau và các loại hình nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Phát huy giá trị hệ thống trưng bày các tác phẩm mỹ thuật qua sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại
Hiệu quả quảng bá, ấn tượng thị giác của người xem sẽ tăng thêm rất nhiều đối với hiện vật trưng bày của bảo tàng nếu có sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại. Hiện tại, BTMTVN vẫn duy trì một hình thức giới thiệu truyền thống là thuyết minh của hướng dẫn viên. Nhiều bảo tàng trên thế giới hiện đã hạn chế việc sử dụng các thuyết minh viên trực tiếp, thay vào đó là hệ thống thuyết minh tự động, đa ngôn ngữ. Du khách có thể lựa chọn nội dung chứ không phải đi xem tất cả. Do đó, với đặc thù của BTMTVN, cần tính toán hình thức thuyết minh viên cho phù hợp, không nên là lựa chọn duy nhất, mà cần có sự kết hợp với hệ thống thuyết minh tự động.
Ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số đang ngày càng chứng tỏ tính ưu việt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy còn nhiều mới mẻ, nhưng có không ít bảo tàng, di tích đã triển khai thực hiện, góp phần tăng sức hút cho điểm đến của khách tham quan. Có thể kể đến Bảo tàng Hà Nội với nhiều chương trình ứng dụng công nghệ đa chiều, tương tác trong trưng bày như ở các triển lãm nghệ thuật đa phương tiện Bùi Xuân Phái với Hà Nội; Tranh dân gian Hàng Trống... Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội áp dụng phần mềm hướng dẫn tham quan trên điện thoại di động. Nhiều di sản trong phố cổ Hà Nội ứng dụng công nghệ ảnh 360 độ, đem đến cho du khách cơ hội tìm hiểu về các di tích, công trình nghệ thuật kiến trúc trước khi tham quan thực tế... (2). Ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động trưng bày, triển lãm tại nhiều bảo tàng, di tích tại Hà Nội đã tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn, cuốn hút công chúng. Đây là một trong những giải pháp mà các bảo tàng tại Hà Nội chú trọng đầu tư trong thời gian tới, nhằm tăng cường quảng bá, cung cấp nhiều hơn những cơ hội khám phá di sản thông qua các ứng dụng công nghệ...
Việc số hóa di sản của bảo tàng sẽ là bước đi quan trọng, vừa góp phần lưu giữ hình ảnh, tư liệu, vừa mang di sản đến gần hơn với công chúng. Tại Việt Nam, từ năm 2013, việc số hóa điểm di tích, tương tác 3D đầu tiên đã được ứng dụng để giới thiệu trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Chương trình ứng dụng công nghệ dễ sử dụng với thiết bị cầm tay thông minh; công nghệ thực tế ảo, tăng cường hiệu quả truyền tải những thông điệp, ý nghĩa của vật trưng bày đến người xem. Công nghệ quét và in 3D cũng được sử dụng rộng rãi hơn trong công việc phục chế hiện vật cổ, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và chế tác sản phẩm lưu niệm. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã và đang góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, trưng bày, phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật một cách hiệu quả hơn, BTMTVN sẽ có kế hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp. Hiện, BTMTVN đang xây dựng hệ thống thuyết minh tự động tích hợp trong phần mền ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật thông qua hoạt động giáo dục
Bảo tàng cần chủ động, tăng cường liên kết với các trường học, cơ sở đào tạo nhằm phát huy giá trị bảo tàng thông qua giáo dục di sản. Bảo tàng cần xây dựng các chương trình tham quan có định hướng dành cho nhà trường, cho học sinh với tài liệu thuyết minh và lộ trình tham quan phù hợp cho từng đối tượng và lứa tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, bảo tàng có thể nghiên cứu xây dựng chương trình tham quan dành cho gia đình, tài liệu giúp bố mẹ hướng dẫn con cái tham quan và vui chơi trong bảo tàng; xây dựng phòng khám phá nghệ thuật và các hình thức khám phá tại chỗ, phù hợp từng không gian trưng bày; xây dựng chương trình giáo dục về di sản nghệ thuật, như in tranh Đông Hồ, thực hành các chất liệu vẽ tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh giấy, in khắc gỗ, in độc bản…
Bảo tàng cũng cần tổ chức các hoạt động tương tác, mở khu hội họa, điêu khắc trải nghiệm, không chỉ với học sinh phổ thông mà mở rộng với nhiều đối tượng, lứa tuổi. Nhu cầu của khách tham quan hiện nay không chỉ đến xem, nhìn, nghe mà còn muốn được hòa mình vào hoạt động trải nghiệm. Đây cũng là cách để giúp họ có được sự hứng thú thực sự và chủ động tìm hiểu sâu hơn về mỹ thuật Việt Nam. Việc được trực tiếp tiếp cận với di sản mỹ thuật và các tác phẩm mỹ thuật giúp người xem lưu giữ được thông tin về chúng lâu dài hơn. Với đặc thù của bảo tàng nghệ thuật thị giác, BTMTVN sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo đối với người thưởng thức. Bảo tàng vì thế không đơn giản chỉ là nơi lưu giữ lại quá khứ, mà chính là cội nguồn để tạo ra nguồn cảm hứng cho các thế hệ tương lai.
Phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật thông qua hoạt động dịch vụ
Hiện nay, khách tham quan không chỉ đến bảo tàng để thụ hưởng sản phẩm mà còn với tư cách là chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa mới. BTMTVN cần chủ động nghiên cứu, tổ chức các loại dịch vụ tương thích nhằm thu hút đông đảo công chúng tới tham quan. Cần đa dạng hóa các loại hình, hoạt động, dịch vụ bổ trợ của bảo tàng, như cửa hàng lưu niệm, thiết kế và sản xuất các sản phẩm lưu niệm gắn với đặc trưng của bảo tàng; xây dựng các hình tượng, biểu tượng độc đáo mang thương hiệu của riêng bảo tàng. Cần có nhận thức mới về cửa hàng lưu niệm: đó là nơi để giới thiệu các mặt hàng có liên quan tới các hiện vật trưng bày. Những món quà lưu niệm có thương hiệu sẽ nhắc nhở người xem về triển lãm, về các tác phẩm, hiện vật họ đã xem, từ đó, giúp họ có mối liên hệ thân thiết hơn đối với bảo tàng. Cửa hàng lưu niệm vừa là nơi tiếp nối giáo dục văn hóa, nghệ thuật, vừa mang lại lợi nhuận cho bảo tàng. Dĩ nhiên, hàng hóa được bán tại các cửa hàng lưu niệm này phải gắn với trưng bày của bảo tàng, phải đạt chất lượng cao, thích ứng với các nhu cầu kỷ niệm khác nhau. Uy tín của cửa hàng lưu niệm trong bảo tàng cũng chính là thương hiệu của bảo tàng.
Phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật thông qua hoạt động quảng bá
Trong xu thế hiện nay, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm giới thiệu rộng rãi thông tin của bảo tàng đến với công chúng là điều tất yếu. Nhu cầu và thị hiếu hưởng thụ văn hóa của công chúng ngày càng cao, bắt buộc bảo tàng phải đa dạng các sản phẩm dịch vụ để kịp đáp ứng và không lạc hậu trước thời cuộc.
Việc truyền thông về BTMTVN trên nhiều hình thức cũng là một cách giúp quảng bá, kéo khách du lịch đến với bảo tàng. Từ năm 2017, BTMTVN đã khai trương trang thông tin trực tuyến vnfam.vn với phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, bảo tàng cần mở rộng hơn việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh hoạt động của mình với nhiều hình thức, như phối hợp với Tổng cục Du lịch làm tờ rơi, sách ảnh giới thiệu về bảo tàng, về hiện vật bảo tàng theo chủ đề, nội dung, chất liệu hay hình thức; kết nối và chủ động cung cấp thông tin với cơ quan báo chí. BTMTVN nên tăng cường sự phối hợp với các bảo tàng khác để xây dựng mạng lưới quảng bá hình ảnh chung cho hệ thống bảo tàng trên cả nước, đặc biệt tăng cường sự gắn kết giữa bảo tàng nghệ thuật trong khu vực và trên thế giới.
Để phát huy tốt hơn nữa giá trị của di sản nghệ thuật, song song với việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, cần chú trọng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trưng bày tại BTMTVN, đặc biệt với bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật tạo hình từ cận đại đến đương đại. Muốn vậy, bảo tàng trước tiên cần chuẩn bị tốt điều kiện, cơ sở vật chất cho công tác trưng bày; đa dạng hóa hoạt động trưng bày, đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, kênh tìm hiểu, trải nghiệm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Bảo tàng cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, tăng cường các hoạt động phối hợp, hỗ trợ giữa các bảo tàng để nâng cấp hoạt động, nâng cao thương hiệu…
Trong giai đoạn hiện nay, BTMTVN cần chủ động xây dựng mô hình bảo tàng thông minh với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ, mang đến những cảm nhận tối ưu nhất cho người xem khi khám phá các giá trị nghệ thuật của quá khứ cũng như hiện tại được lưu giữ tại bảo tàng. Cùng với đó, bảo tàng hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng phục vụ bằng chuỗi cửa hàng lưu niệm với những sản phẩm giàu bản sắc, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách trải nghiệm. Làm tốt công tác trưng bày, đưa công chúng đến với bảo tàng chính là đã phát huy tốt giá trị di sản của BTMTVN trong đời sống xã hội hôm nay.
_______________
1. BTMTVN chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1966 nhưng trước đó, cơ quan này có 4 năm để chuẩn bị mọi khâu công tác, từ sửa chữa, cải tạo tòa nhà trưng bày đến công tác nghiên cứu, sưu tập hiện vật mỹ thuật cổ và các tác phẩm mỹ thuật. Nguồn thông tin: phần giới thiệu về BTMTVN trên trang tin trực tuyến vnfam.vn.
2. Thanh Thủy, Tăng sức sống cho bảo tàng, hanoimoi.com.vn, ngày 18-8-2019.
Tác giả: Đặng Thị Phong Lan - Nguyễn Anh Minh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020