Một nghề truyền thống gắn với tự nhiên và thể hiện tính cộng đồng

Vùng tái định cư (TĐC) Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là một trong những địa bàn được quy hoạch chính sách của nhà nước khi xây dựng khu Kinh tế Vũng Áng, khu kinh tế cụm cảng lớn nhất Bắc Miền Trung. Đây là vùng đất tái định cư ven biển, mặc dù nằm sát khu công nghiệp Formosa nhưng có một điều đặc biệt là tỷ lệ chuyển đổi cơ cấu ngành nghề rất ít, nói cách khác người dân vẫn giữ ngành nghề truyền thống, đó là ngư nghiệp, mặc dù bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống và đặc biệt là môi trường biển bị ô nhiễm.

1. Ngư nghiệp gắn với điều kiện tự nhiên

Tại địa bàn nghiên cứu tại khu TĐC Kỳ Nam, cho đến nay cộng đồng bị di cư đã từng bước ổn định cuộc sống. Đây là vùng duy nhất khi nhà nước quy hoạch đất đai theo chính sách TĐC được ở giáp biển, địa hình không bằng phẳng, giáp núi kề biển, diện tích đất trồng ít ỏi, khô cằn. Bên cạnh các ngành nghề mưu sinh mới thì kinh tế biển vẫn là nền kinh tế truyền thống chủ đạo của cư dân TĐC Kỳ Nam. Mặc dù những năm qua, môi trưởng biển bị ô nhiễm bởi tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng thật sự nền kinh tế biển đã giữ một vai trò chủ đạo lớn mang ý nghĩa của quốc gia là giữ vững chủ quyền biển đảo. Nó còn mang một ý nghĩa lớn trong tâm thức mỗi người dân TĐC đó chính là cần phải giữ gìn sinh kế truyền thống mà cha ông đã từ ngàn đời xưa để lại, trải qua bao đời nhưng tính chất của nghề này bắt buộc phải phụ thuộc và tồn tại vào điều kiện tự nhiên.

Nghề truyền thống liên quan tới biển

Hiện nay tại khu TĐC Kỳ Nam có khoảng 70% hộ gia đình theo các ngành nghề liên quan tới biển, mặc dù đây là nghề không ổn định nhưng đã đem lại thu nhập chính cho người dân vùng này.

Đặc thù của vùng biển tại Vũng Áng, Kỳ Anh là vùng nước sâu, nhiều thủy hải sản ven bờ nên hầu như các hộ ngư dân đều đi lộng, hiểu theo cách hiểu của người dân nơi đây thì đi lộng là đi đánh bắt gần bờ. Lịch trình đi biển lộng từ chiều hôm trước (khoảng 15h-16h) tới sáng sớm hôm sau mới vào bờ (khoảng 4h-5h sáng), hoặc đi từ sáng tới trưa tùy theo mùa cá. Do vậy, kinh phí đầu tư thuyền bè, trang thiết bị bảo quản không nhiều lắm. Ngoài đánh bắt cá các loại, ở vùng này còn có nghề câu mực, nghề lặn, nghề lái cá cháo (cá khoai)…

Nghề câu mực thường được khai thác bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9 dương lịch hàng năm. Đối tượng được đánh bắt là các loại mực nang, mực ống, mực lá, mực sim…

Mực là loại thủy sản sống ở độ sâu khoảng 30-50m nước biển, sống theo đàn, nhạy cảm với sự biến đổi thất thường của thời tiết và nguồn nước. Mực thường kiếm ăn vào ban đêm, bời vì ban ngày bị nhiệt độ của ánh sáng mặt trời nên mực lặn xuống đáy để tránh nóng. Nghề câu mực cần nhiều kinh nghiệm và nguyên lý. Lưỡi câu gọi là rường, mỗi rường phải trên 10 lưỡi, điều này tùy chọn của người câu. Mồi nhữ câu mực thường là các loại cá tươi, mùi tanh. Vì loại mực ưa ánh sáng nên khi câu ngư dân phải mắc bóng đèn nhiều màu. Vì là vùng nước sâu nên tại địa bàn TĐC Kỳ Nam, nếu không đi tàu thì phương tiện để đánh bắt chủ yếu là chèo thuyền thúng, mỗi thúng từ 2-3 người câu và cách bảo quản mực là ướp lạnh giữ tươi để sáng hôm sau mang về bờ để bán.

Nghề đánh bắt cá cháo (cá khoai) thường được ngư dân khai thác từ tháng 12 âm lịch của năm trước tới tháng 2 âm lịch năm sau. Mùa cá cháo rất ngắn, thời tiết rét nhưng trời yên biển lặng là ngư dân lại ra khơi. Công cụ để đánh bắt cá cháo là lưới, lưới này đặc biệt hơn các loại lưới đánh bắt cá khác. Vì cá cháo là loài sinh vật mềm, da trơn, răng sắc, đầu nhọn nhiều răng cưa nên loại lưới để đánh bắt cá cháo phải đan dày lỗ.

Nghề lặn tại địa bàn TĐC Kỳ Nam khá phát triển, nhưng cơ bản là lặn gần bờ. Nghề này nguy hiểm, nhưng lại mang lại thu nhập cao. Nghề lặn gần bờ để khai thác cua, ốc, tôm, rong biển… với mức thu nhập trung bình khoảng 200.000đ - 300.000đ.

Hiện nay, tại khu vực Kỳ Nam, các nghề truyền thống liên quan tới biển là phương thức mưu sinh chính, không những đem lại thu nhập lớn cho các hộ dân tại địa bàn TĐC Kỳ Nam, mà còn nuôi dưỡng và nảy sinh ra nhiều nghề thủ công khác như nghề làm nước mắm, khô ruốc, khô cá, đan lưới… Nghề đánh bắt thủy hải sản còn là tác nhân thúc đẩy các dịch vụ thương nghiệp, du lịch nhà hàng phát triển. Có những hộ không tham gia đi biển nhưng họ lại mua thủy hải sản tại bến sau đó đưa đi bán tại chợ, tại các cửa hàng hay nhập vào các nhà hàng để kinh doanh du lịch dịch vụ. Ngoài ra, nghề đánh bắt thủy hải sản còn kéo theo nghề đan lưới, nghề cung cấp công cụ, vật liệu như: chì, phao, lưỡi câu…

Nghề nghiệp gắn với điều kiện tự nhiên

Sở dĩ nói rằng ngư nghiệp là một nghề truyền thống gắn với điều kiện tự nhiên, điều đó hoàn toàn có thể khẳng định. Các hình thức đánh bắt hải sản của ngư dân, tất cả đều phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết từng mùa, thủy triều, con nước, kỳ trăng, mây mù đặc biệt là gió bão.

Tùy vào thời tiết từng mùa để ngư dân khai thác các loại thủy hải sản khác nhau. Một số dự đoán của ngư dân khi ra biển: tối trời ngời cá, mù sương lắm cá, hồng trời lắm tôm, chim chết vì dạ, cá chết vì nước… Theo bản năng và thói quen nghề nghiệp đã tôi luyện cho dân làm biển đôi mắt tinh tường, đôi tai rất thính để vừa nhìn trời, nhìn biển, nhìn sao, nhìn trăng, lắng nghe âm thanh tiếng sóng vỗ để dự báo trước điều sắp xảy ra.

Do đặc thù về vị trí địa lý, tại vùng Trung Trung Bộ là cảng nước sâu, không kín gió, sóng to, thời tiết khắc nghiệt mùa hè nắng nóng, mùa đông mưa nhiều, đặc biệt vùng này bị ảnh hưởng nhiều của áp thấp nhiệt đới và bão. Đã có rất nhiều trận bão gây thiệt hại lớn cho ngư dân cả về tính mạng người và tài sản. Cho nên quan niệm của ngư dân của vùng này cho nghề mưu sinh với biển là “hồn treo cột buồm”.

Chính vì phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên cho nên nhận thấy một điều rõ ràng rằng nghề biển là nghề bấp bênh. Khi con thuyền rời bến nếu thuận lợi thì có thu hoạch còn nếu không thuận lợi như biển động, nước chảy mạnh hay không gặp luồng cá thì trở về tay không. Như vậy sẽ kéo theo hệ lụy và ảnh hưởng tới các nghề truyền thống khác.

Tùy vào thời tiết từng mùa để ngư dân khai thác thủy hải sản, hay nói cách khác, thời tiết gắn với nghề nghiệp. Ngư dân vùng vùng biển nói chung, họ hiểu một cách sâu sắc rằng, thời tiết có khi là người rất hào phóng nhưng cũng rất nghiệt ngã, nếu sai phạm nhỏ thôi thì người dân có thể đánh đổi bằng tính mạng giữa biển cả mênh mông. Bởi vậy, trong tâm thức mỗi ngư nghiệp, trước lúc bước chân ra biển họ phải quan sát bầu trời, quan sát mực nước và con nước. Họ nắm vững quy luật của tự nhiên và tự tích lũy, đúc rút kinh nghiệm cho sự tồn sinh của chính mình.

2. Ngư nghiệp thể hiện tính cộng đồng

Ngư ngiệp là một nghề nguy hiểm, để mưu sinh, con người đánh đổi và phó thác tính mạng cho trời đất, số phận. Chính vì vậy, ngành nghề này đòi hỏi ngư dân phải có tính cộng đồng rất cao để chống chọi lại với những yếu tố bất thường của tự nhiên xảy ra bất chợt như thiên tai, gió bão ngoài biển khơi. Hơn nữa tính cộng đồng được thể hiện rõ trong bản chất của công việc, nếu không có tính cộng đồng thì ngư nghiệp không thể tồn tại được bởi lẽ nghề này phải có sức mạnh tập thể mới tồn tại. Hoạt động mưu sinh trên biển đòi hỏi ngư dân phải có các hình thức liên kết để duy trì sản xuất và các hoạt động liên quan.

Biểu hiện của tính cộng đồng được thể hiện đầu tiên qua quan hệ gia đình. Khi người đàn ông là trụ cột trong gia đình đi đánh bắt xa bờ ngoài khơi, ở nhà người vợ và những người con mong ngóng, lo lắng cho sự bình yên của người chồng. Đây là sự trợ lực rất quan trọng về tâm lý, tinh thần cho người đàn ông khi được quan tâm và chia sẻ về nghề nghiệp. Hơn nữa, những thành quả đánh bắt được khi đi biển về, người phụ nữ ra đón thuyền, hỗ trợ và gỡ cá, phân loại mang đi bán. Ở đây, có sự chia sẻ và phân công lao động rõ ràng trong công việc và trong gia đình.

Biểu hiện thứ hai trong tính cộng đồng về dòng họ hay còn gọi là tính cộng đồng về huyết thống. Đây là tính cộng đồng được thể hiện rõ về hình thức và quan hệ sở hữu tài sản. Anh em có thể là hùn vốn để “đậu thuyền chung lưới”, gọi là hội thuyền. Những gia đình trong dòng họ không có điều kiện về vốn, nên cùng nhau góp vốn đóng thuyền, tàu và mua ngư cụ để cùng nhau đánh bắt và sản phẩm thu được sẽ cùng chia nhau. Tùy vào điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình để góp và chia sản phẩm. Đây là hình thức liên kết làm ăn rất phổ biến tại vùng biển TĐC Kỳ Nam, nó tạo ra sự bình đằng, quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ và mang tính cộng đồng cao khi làm việc.

Có những hội thuyền có thể là cùng chung dòng họ, huyết thống hoặc không phải huyết thống mà là hàng xóm láng giềng, bạn bè và những ai có nhu cầu muốn hùn vốn tham gia chung hội.

Ngoài ra tính cộng đồng thể hiện ở vai trò “chủ thuyền - bạn thuyền”, hình thức này được thể hiện theo dạng, một gia đình có đủ tiềm lực tài chính làm chủ một con tàu lớn với đầy đủ ngư cụ, và từ đó kêu gọi những người thân, bạn bè, hàng xóm cùng đi. Hình thức này sẽ được thỏa thuận và phân chia sau thu hoạch sản phẩm theo quy định của địa phương. Thực chất của hình thức này là đi làm thuê, trả công theo thỏa thuận.

Một hình thức nữa là hình thức ké thuyền, sẽ có nhiều cách thể hiện hình thức ké. Có thể người đấy đi làm cho chủ tàu mà không phải trả công vì họ muốn đi để học nghề biển, hình thức này dành cho đa số là tầng lớp thanh niên mới lớn nhưng gia đình không có tàu riêng. Hoặc những người không chuyên nghề, đi cho đỡ “nhớ biển”, đi để rèn luyện sức khỏe. Một hình thức nữa của ké thuyền là đi nhờ tàu ra khơi, đánh bắt hải sản và phải nộp lại phần chi phí về xăng dầu, lương thực thực phẩm cho những ngày đi biển, thường bỏ ra từ 15-30% số tiền của tổng sản phẩm thu được. Với hình thức này là phải đi theo nhóm với nhau, ăn chia sản phẩm theo sự thống nhất từ trước.

Như vậy, tính cộng đồng được thể hiện rất rõ trong các hình thức đánh bắt. Khi ra khơi, tính cộng đồng và sự đoàn kết rất rõ khi cùng làm việc, cùng gánh vác trách nhiệm công việc và quan trọng hơn nữa là cùng chung số phận cho nên đây là cơ sở để đảm bảo tính chặt chẽ niềm tin giữa con người với con người.

3. Kết luận

Mặc dù là cư dân TĐC gắn liền với quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng cư dân TĐC Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn duy trì ngành nghề truyền thống từ ngàn đời xưa để lại. Mặc dù, sinh sống trong một không gian sinh tồn mới và không thuận lợi về nghề biển như trước TĐC, đồng thời đối diện với thách thức là môi trường biển ô nhiễm từ đó mưu sinh ngư nghiệp khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng bám biển, giữ nghề.

Các hình thức khai thác hải sản không những đem lại nguồn kinh tế ổn định, mà còn là sự chi phối tích cực tới mối quan hệ cộng đồng, thể hiện qua mối quan hệ gia đình, dòng họ, huyết thống, xóm giềng. Thể hiện sự đoàn kết, tương trợ, niềm tin giữa con người với con người được nâng lên khi cùng chung số phận lênh đênh trên biển cả.

 

Tác giả: Nguyễn Mai Hương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

;