Kể từ Nghị quyết 05 khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cho tới nay, các nghệ sĩ ngành sân khấu nói chung, các tác giả, đạo diễn, diễn viên nói riêng, ít ai quan tâm tới các xu hướng vận động của văn học nghệ thuật Việt Nam. Năm 1997, nghệ thuật sân khấu Việt Nam bắt đầu thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa theo yêu cầu của Đảng. Tuy nhiên, mô hình xã hội hóa cho đến thời điểm hiện nay, ở nhiều sân khấu lại đi theo những con đường khác so với thời điểm ban đầu.
Năm 2006, tại TP.HCM, đã diễn ra Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa - Thông tin và Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP.HCM tổ chức. Thông qua 23 vở của 16 đơn vị tham gia liên hoan này, các nhà quản lý, lý luận và các nghệ sĩ hồ hởi vui mừng vì liên hoan thành công rực rỡ. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã khẳng định đây là mô hình xã hội hóa có phương thức hoạt động hữu hiệu, làm nên những vở diễn phù hợp với thẩm mỹ của công chúng, thích nghi tốt với cơ chế thị trường. Nhưng hơn 10 năm sau, mô hình xã hội hóa ấy, theo nhận định của các nhà quản lý, lý luận, sân khấu dường như chỉ mang tính chất giải trí, bỏ qua mọi tiêu chí nhân bản, nhận thức, giáo dục.
Trong khi đó, ở Hà Nội, kể từ năm 1997 đến nay, các đơn vị nghệ thuật công lập vẫn chưa có ý thức xã hội hóa. Chỉ một số nhà hát tổ chức vài hoạt động tiếp cận với các doanh nghiệp, công ty, các tổ chức xã hội để xin tiền tài trợ. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn chưa có luật xã hội hóa sân khấu, chưa có chính sách cụ thể mang tính pháp quy về mối quan hệ qua lại giữa nhà kinh doanh với các nghệ sĩ trong xã hội hóa sân khấu. Do đó, việc làm của một số đơn vị nghệ thuật công lập ở Hà Nội vừa qua thiếu chiến lược, khoa học, hiệu quả…
Nhìn chung, giai đoạn 1997 trở lại đây, nghệ thuật sân khấu Việt Nam có hai khuynh hướng hoạt động cơ bản. Thứ nhất, đó là sân khấu bao cấp bởi Nhà nước, sân khấu được Nhà nước chăm lo toàn diện từ người nghệ sĩ đến sáng tạo tác phẩm và biểu diễn trước công chúng. Nghệ thuật của mô hình sân khấu này mang khuynh hướng: chính thống, chuyên nghiệp, hiện đại, hoành tráng, bề thế và phục vụ chính trị, phò chính trừ tà. Thứ hai, đó là sân khấu xã hội hóa, sân khấu bầu chủ, tự chủ, tự tồn tại theo khuynh hướng tư nhân hóa, mang tính thương mại, giải trí, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khán giả nhưng khó có tác phẩm đỉnh cao.
Từ khi có Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định tiến trình cho các đơn vị nghệ thuật hướng tới tự chủ, ngoài mô hình sân khấu xã hội hóa - tư nhân, ở Việt Nam, các đơn vị công lập đang có khuynh hướng phân hóa mạnh mẽ. Các đơn vị đã năng động tìm cách khắc phục thực trạng vắng khán giả, thích ứng dần với mô hình sân khấu tự chủ bằng nhiều cách. Diễn phục vụ lễ hội, các sự kiện lớn của đất nước, tỉnh, thành phố, các địa phương, các gia đình theo những hợp đồng thỏa thuận. Diễn phục vụ học sinh, sinh viên các vở diễn, trích đoạn thuộc đề tài lịch sử, chuyển thể, phóng tác từ các tác phẩm văn học nghệ thuật đang được giảng dạy trong nhà trường. Diễn phục vụ các cơ quan, tổ chức theo các đề tài phòng chống tệ nạn xã hội, chống bạo lực gia đình, những tấm gương người tốt-việc tốt… hay diễn phục vụ khách du lịch nước ngoài theo hợp đồng thỏa thuận.
Nhờ có những hoạt động này, các nghệ sĩ được nhiều khán giả biết đến, thu nhập cũng tăng lên. Nhưng những hoạt động đó vẫn chỉ là những hình thức nhỏ lẻ, làm cho các đơn vị công lập thiếu tính chiến lược, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp, không xác định được một đối tượng khán giả cụ thể nào cho sáng tạo chính thống. Dần dần, trở thành một mô hình sân khấu theo khuynh hướng dịch vụ, chạy theo cung cầu nhất thời, cho khán giả tạp mỹ.
Nghiên cứu khuynh hướng mới này, có thể thấy nghệ thuật sân khấu Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ. Trong thời kỳ quá độ, các đơn vị nghệ thuật sân khấu vừa có yếu tố bao cấp, vừa có yếu tố tự chủ; vừa phục vụ chính trị, vừa đáp ứng yêu cầu của khán giả, khiến những sáng tạo của nghệ sĩ bị phân thân giữa nghệ thuật với thương mại.
Cũng thông qua diễn biến của thời kỳ quá độ này, xu thế của sân khấu Việt Nam tương lai sẽ tự chủ theo quy luật: sản xuất - tiêu thụ - lợi nhuận của khán giả có tiền với nghệ sĩ tài năng - ngôi sao trong thương trường. Khuynh hướng này đã mang theo thông điệp: sân khấu bao cấp đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, sân khấu tự chủ đã thay thế với những nguyên lý thẩm mỹ, sáng tạo, vận hành… hoàn toàn mới. Từ đó, tạo nên mỗi đơn vị sân khấu là một đơn vị kinh doanh, mỗi nghệ sĩ là một nhà doanh nhân của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) với tinh thần: khuyến khích mọi tìm tòi, thử nghiệm các phương pháp, phong cách sáng tạo, hướng văn nghệ vào phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc. Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lăn mình vào tìm tòi nhiều hình thức mới. Trong những tìm tòi đó, các nghệ sĩ đã vô thức từ bỏ phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, đi vào hình thức mới gọi là phi hiện thực.
Có thể kể đến như: Vở chèo Người chiến sĩ năm xưa (Nhà hát Chèo Quân đội) nói về một đơn vị đặc công ở chiến trường miền Nam. Sự kiện thứ nhất xảy ra khi Hai Lục Bình đội trưởng và Bảy Tân đội phó quyết định cách tiêu diệt tên ác ôn, nhưng Sáu Thành (người ngoài Đảng) không tán thành và Sáu Thành cùng Năm Bèo tự đem quân đi đánh theo cách của mình. Cuối cùng, Sáu Thành thắng trận, còn Hai Lục Bình bị thương mất một chân, phải về tuyến sau điều trị, để Bảy Tân lên thay chức chỉ huy. Sự kiện thứ hai, Bí thư Tỉnh ủy đến phổ biến về Hội nghị Paris và quyết định không được nổ súng. Sáu Thành phản đối và sự thật Sáu Thành lại đúng. Sự kiện thứ ba, Bảy Tân yêu Diệu Hương không được, đã quyết định cho Năm Bèo giết Diệu Hương với lý do cô là gián điệp của địch. Cuối cùng, Năm Bèo hy sinh trong trận phục kích của địch để cứu Hương sống. Sự kiện thứ tư, hòa bình, Bảy Tân làm Trưởng ban dự án khu công nghiệp. Sáu Thành đã nghỉ hưu, cùng đồng đội ngăn lại vì nơi đây có nhiều di hài của đồng đội. Cuối cùng, tòa án mở ra, xử Sáu Thành chống đối Nhà nước. Sáu Thành được đồng đội bảo vệ… Vở chèo đã phê phán Bảy Tân là loại cán bộ xấu xa, nhỏ nhen, ích kỉ, biến chất và ca ngợi Sáu Thành như một anh hùng ngoài Đảng.
Vở kịch Dưới cát là nước (Nhà hát Kịch Quân đội) kể về bà Nậy 30 năm sống ở một vùng đất Quảng Bình không có chính quyền, anh em, bạn bè, xóm làng… để tìm và trả thù ông Lủi. Kẻ chỉ vì cố săn một con thỏ lúc đói khổ mà phóng hỏa phá kho hàng nhà bà và đốt cháy chồng bà... Kẻ làm cho Gió - người con gái 30 năm không quan hệ xã hội với ai, vẫn tắm truồng, yêu Lủi - kẻ giết cha mình, vì chẳng có người đàn ông nào khác. Vở kịch gửi đến thông điệp: xóa bỏ hận thù để yêu thương. Tính nhân văn ở đây đã phi lịch sử, làm khán giả khó hiểu. Ở Quảng Bình, nơi nào mà 30 năm qua không hề có âm hưởng của công cuộc đổi mới, của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và có những con người như Nậy, Gió sống biệt lập với thế giới con người?
Nghiên cứu những vở diễn theo khuynh hướng phi hiện thực trên, có thể thấy các vở diễn đều có chung đặc điểm là: thiếu tính lôgic, chân thực của cuộc sống hiện thực. Có đơn vị đặc công nào của Quân đội Nhân dân Việt Nam lại tồn tại một Sáu Thành không phục tùng cấp trên, không tuân theo Nghị quyết của Đảng về trận đánh và tự đem quân đi chiến đấu theo cách riêng của mình?
Nhìn chung, khuynh hướng phi hiện thực này, tuy trái ngược với phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng đã đi vào số phận cá nhân, đề cao cái tôi cá nhân, làm khán giả cảm thấy thỏa mãn, giải tỏa những bức xúc tiêu cực đang xảy ra hàng ngày của cơ chế thị trường… Khuynh hướng phi hiện thực đang có chiều gia tăng, ngày càng chiếm lĩnh chủ đạo trong sáng tạo của nghệ thuật sân khấu tự chủ Việt Nam.
Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, dù là cơ chế bao cấp hay tự chủ, cũng đều xuất phát từ nguồn lực chất lượng cao của nghệ sĩ. Trước đây, dưới thời bao cấp, nguồn nhân lực chất lượng cao của nghệ thuật sân khấu Việt Nam là các nhà quản lý, tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa… Giờ đây, nghệ thuật sân khấu tự chủ, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là ai với tiêu chí chuẩn mực nào? Bởi những danh hiệu của nghệ thuật sân khấu bao cấp đã không còn khả năng đảm bảo cho nền sân khấu Việt Nam được nữa, mà ngày càng rơi vào tình trạng thừa vở yếu, thiếu vở hay, vắng khán giả trầm trọng.
Văn học nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng bao giờ cũng là hư cấu, giả định, phi thực. Nhưng chúng chỉ là phương tiện cần thiết cho nghệ sĩ phản ánh hiện thực được chân thực. Chân thực là nguyên tắc tối cao của sáng tạo, cũng là thước đo tài năng của nghệ sĩ. Như sự thực không có việc vua Quang Trung gửi cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân, không có tấm vóc đại hồng nào dành cho việc may áo Trạng nguyên để thành lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch báo hoàng ân” của Trần Quốc Toản…, nhưng nhà viết kịch Trúc Đường đã hư cấu, giả định như thế và được khán giả cảm thấy rất chân thực như có trong đời thực.
Khuynh hướng sáng tạo trong văn học nghệ thuật theo phong cách phi hiện thực không đáng bàn, vì nó thuộc quyền tự do sáng tác của nghệ sĩ. Nhưng cái chính là tính nhân văn của văn học nghệ thuật không thể phi hiện thực!
Tác giả: Trần Trí Trắc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019