Đặc điểm nhân vật phản diện trong kịch Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là một nhà hoạt động sân khấu, một cây bút giàu sức chiến đấu, triết lý thời sự mang tầm thời đại. Nếu nói văn là người, thì Lưu Quang Vũ chính là người nghệ sĩ sáng tác nên những vai chính diện trong tác phẩm của mình, đấu tranh đến kiệt sức với cái xấu - cái phản diện đang hoành hành trong thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh. Tác phẩm của Lưu Quang Vũ thể hiện tình yêu nước sâu đậm, đấu tranh khoan nhượng với cái phản diện vốn chưa bao giờ có thể loại trừ. Nhớ về Lưu Quang Vũ, người ta nhớ đến một thời vàng son của sân khấu kịch những năm 1980, một thời kỳ lịch sử dân tộc đang trên mặt trận đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Giải quyết những mâu thuẫn xã hội cũ để có một xã hội mới phát triển, tiến bộ hơn sau giải phóng 1975. Nhân vật chính diện được thể hiện một cách rõ ràng. Đồng thời, những nhân vật phản diện cũng được khắc họa độc đáo, sâu sắc.

Cảnh trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt
Ảnh Nhà hát Tuổi Trẻ

Nhân vật là người đóng vai trò chủ thể trong câu chuyện, sự việc để chuyển tải tư tưởng tác giả trong các tác phẩm nghệ thuật. Trong thể loại tự sự, kịch để bao quát được những phạm vi hiện thực lớn lao, để khắc họa cụ thể, sinh động những loại người trong xã hội, không thể thiếu vai trò của nhân vật.

Xét về vị trí và vai trò, nhân vật trong tổ chức tác phẩm có thể phân loại thành nhân vật chính, nhân vật phụ. Xét về tác động của nhân vật đối với xã hội, nhân vật trong tổ chức tác phẩm gồm nhân vật tích cực, nhân vật tiêu cực hay nhân vật chính diện, nhân vật phản diện. Chính diện là mặt chính, mặt ngay ở phía trước; mặt tốt, có nhiều yếu tố tích cực nêu lên để khẳng định, ca ngợi trong tác phẩm văn học, nghệ thuật; trái với phản diện. Phản diện là mặt sau; mặt xấu, có nhiều yếu tố tiêu cực nêu lên để phê phán, đả kích trong tác phẩm văn học, nghệ thuật; trái với chính diện. Nhân vật chính diện là nhân vật được tác giả xây dựng với mục đích khẳng định, ngợi ca những mặt tích cực. Nhân vật phản diện là nhân vật được xây dựng nhằm mục đích phê phán, phủ định. Với nhân vật trong kịch của kịch gia có những thi pháp - kịch pháp riêng để cấu trúc nên một tác phẩm. Song, kịch cũng không thể tách ra những quy ước về nhân vật, tạo nên xung đột - cái cốt yếu để tạo dựng nên kịch. Kịch là thể loại văn học phản ánh những vấn đề của cuộc sống bằng hành động. Thông qua hành động, nhà viết kịch bộc lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Nhân vật trong kịch hành động qua những cử chỉ, hành vi và qua ngôn ngữ.

Nếu phân loại nhân vật theo phương diện tác động của nó tới xã hội ta vẫn có thể có hai tuyến chính: nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Trong hai tuyến nhân vật đó còn có thể chia ra thành tuyến nhân vật chính và nhân vật phụ. Thông qua hành động của nhân vật, chúng ta hiểu được nội dung cốt lõi của vở kịch.

Nhân vật phản diện trong kịch lưu Quang Vũ có một số đặc điểm sau:     

Thứ nhất, đó là nhân vật sẵn sàng từ bỏ những giá trị đạo đức truyền thống và làm băng hoại các giá trị ấy vì đồng tiền. Hồn Trương Ba (Hồn Trương Ba da hàng thịt) trở thành cái Thiện, cái Nghĩa giữa muôn trùng lọc lừa, xảo trá của đời: từ con trai mình đến lí trưởng cùng trương tuần, đến cái xác béo bở của hàng thịt (cũng là biểu trưng cho những xô bồ, phàm tục). Và, “thân xác này là của anh hàng thịt, vậy thì ngươi là anh hàng thịt!” - Trương Ba chính nghĩa đành chịu kiếp sống anh hàng thịt bất nghĩa. Những nhân vật chính diện trở nên yếu đuối, bất lực trước xã hội, nơi những chủ nhân thật sự là anh đồ tể sống lại trong thân xác phù hợp với hắn; là lũ quan chức tham nhũng vô liêm sĩ - ăn hối lộ trơ tráo và thuần thục; là anh con trai của Trương Ba thấm nhuần phép tồn tại ở đời này - “có tiền mua tiên cũng được”. Anh ta làm ra được đồng tiền và tự cho mình cái quyền sừng sộ, thậm chí lên án cách sống thanh khiết của bố mình.

Điệp khúc “Ông không phải bố tôi” cứ lặp đi lặp không dưới hai mươi lần trong một vở kịch, không đơn giản là một câu khẳng định của kẻ bội nghĩa. Nhân vật phản diện đã công kích vào chính bố mình, làm bố y từ cố gắng phản bác để níu giữ tình phụ tử đi đến buông xuôi bất lực trước oan trái. Cần phải nói thêm rằng, chính ông Ưng đã từng quay lưng với vợ hiền, con thơ để bảo tồn quyền vị. Đến lượt con ông, hắn cũng sẵn sàng đẩy cha ra khỏi cửa khi nắm được cái danh quyền ấy!

Thứ hai, là những nhân vật sống lạc hậu, tụt hậu nhưng sợ và ghét thay đổi. Ta dễ dàng nhận ra đó là những Nguyễn Chính, Trần Khắc trong Tôi và chúng ta với câu cửa miệng: “dựa trên văn bản nào mà đồng chí dám…” và họ sẽ nói “sửa đổi những nguyên tắc không phải là việc của đồng chí hay của tôi mà là của... cấp trên”. Họ sẽ thảng thốt khi bị động chạm đến chút quyền lợi cá nhân, dè dặt vì sợ là người bị liệt vào kẻ vác tù và… Họ như mọt sách, mọt văn bản, chỉ thị nhưng mù thực tiễn, mù chủ kiến trong thực tiễn.

Thứ ba, họ là đại diện của nạn quan liêu, ô dù. Một chi tiết khá đắt trong Nguồn sáng trong đời là cảnh một anh lác đi chữa bệnh. Anh ta đem đầy đủ những thứ cần thiết để lót tay y, bác sĩ. Khi bị từ chối thẳng thừng việc hối lộ, anh ta ngạc nhiên đến độ lảm nhảm: “Không phải mất gì mà lại khỏi được lác cơ đấy!”. Cách đề cập gián tiếp này xem ra hiệu lực: lớp nhân vật không nêu tên, không lộ mặt mà vẫn sừng sững hiện ra trước mắt độc giả. Những kẻ làm việc vì dân mà nhũng nhiễu dân, những quan chức thăng tiến nhờ chạy vạy, đút lótTrong Lời thề thứ chín, dù không cần một nhân vật cụ thể sắm vai mà vẫn được ngầm hiểu: Tất cả mọi người trong vở dường như không tin nổi có một quan chức thanh bạch như cha của Hiếu - không lạm dụng của công, xe công, không cậy chức bao bọc cho Hiếu được miễn nghĩa vụ, hay dù thương, hiểu tâm tính hiền lành của con mình nhưng vẫn cam tâm để con bị bắt vì phạm tội. Ở Hồn Trương Ba da hàng thịt, dạng quan liêu này được thể hiện quá rõ ràng: Nam Tào, Bắc Đẩu chẳng thèm soi xét từng tội trạng để cho người nào đáng về chầu Diêm Vương mà cứ thế gạch bừa - sống chết mặt bay - để kịp dự tiệc cung đình. Ngay đến trần gian, tên lý trưởng ở làng Trương Ba khi nhận được 100 quan cũng xuê xoa cho chuyện hồn - xác Hàng Thịt - Trương Ba ở nhầm chỗ. Cùng với hồn Trương Ba, Đế Thích cũng chối bỏ thiên đường, tự nguyện nhận lấy thân phận con người phải chết. Bởi tiên thánh trên thiên đình đều đầy rẫy tội lỗi: Nam Tào, Bắc Đẩu làm việc qua quýt, quan liêu; Ngọc Hoàng thì chẳng đi sâu sát dân tình. Cái phản diện đang lộng quyền làm ý nghĩa đích thực cuộc đời người bị mai một thảm hại, làm sự bất tử trở thành hình phạt nặng nề và đáng sợ hơn cái chết đối với những tâm hồn cao khiết.

Thứ tư, những con người quá cứng nhắc với luận điểm “xóa sạch quyền lợi cá nhân”. Đã có một thời kì mà quyền lợi cá nhân bị phủ định sạch trơn. Con người trong xã hội mới - xã hội chủ nghĩa - không còn phải lăn xả ngoài chiến trường nhưng vẫn tiếp tục cống hiến, tiếp tục hi sinh đến triệt tiêu cái lợi mang tính đơn lẻ. Nhưng khốn khổ thay, cái lí thuyết tốt đẹp ấy không dễ dàng áp dụng vào đời thực. Vì vậy mới sinh ra chuyện mấy anh lính hành nghề giựt dộc (Lời thề thứ chín); các công nhân trong xí nghiệp Quyết Thắng lén lút làm việc ngoài để tăng thu nhập (Tôi và chúng ta). Ông Ưng trong Ông không phải bố tôi dường như đã từng quá nguyên tắc như thế khi vì công việc mà nỡ ruồng rẫy vợ con. Hay Thành trong Nguồn sáng trong đời đến tình yêu vốn lãng mạn cũng bị anh đưa vào thành điều khoản thô thiển, để rồi phải suốt đời đơn côi. Tuy nhiên, cái cứng nhắc của nhân vật như anh Thành vẫn đáng thương hơn đáng trách. Họ vốn sinh ra không dám nghĩ cho bản thân mình.

Thứ năm, những nhân vật chính diện mang yếu tố phản diện. Như đã phân tích ở trên, cũng là quy luật cuộc sống con người: không phải nhân vật chính diện nào cũng đều mang trong nó toàn điều chính diện. Vẫn còn đó những người lương thiện nhưng cái nhìn còn thiển cận trong Nguồn sáng trong đời: thân nhân người chết vì sùng những giá trị tâm linh với những luật lệ nghiêm ngặt trong việc cấm xâm phạm đến thi thể người chết. Lưu Quang Vũ đã cho nhân vật kết luận: chúng ta lo bảo vệ người chết chu đáo hơn cho người sống thì phải. Hoặc căn bệnh ảo tưởng như Toàn - ảo tưởng về khả năng chính mình có phải chỉ là căn bệnh của riêng những người mù lòa như anh. Đã có một thời chúng ta luôn ảo tưởng về thành quả của mình. Chúng ta có nói đến khuyết điểm khi đánh giá thành quả công việc nhưng chỉ là qua loa, sơ sài. Chúng ta nói đến sai phạm của mọi người, của chính chúng ta một cách dè dặt như sợ làm tổn thương một người mù vẫn chuyên cần sáng tác “nghệ thuật không lối thoát”.

Phải chăng Lưu Quang Vũ không chủ ý xây dựng nhân vật phản diện trong suốt 50 kịch bản của mình? Nhưng nó vẫn là kịch, là xung đột vì nó vẫn chứa đựng những mâu thuẫn nội hàm lẫn ngoại diên của nó. Chính vì lẽ đó mà Điều không thể mất là vở kịch gây xúc động dư luận đến ngày nay. Một dạng xung đột tương tự trong Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng - xung đột giữa những cái chính diện - xung đột giữa cái thiện và cái mỹ, cái mỹ bị lên án gây gắt vì gián tiếp tạo nên bi thương cho dân Việt thời Lê sơ (1428-1527).

Sinh thời Lưu Quang Vũ bất mãn với nhiều điều, lên án gay gắt nhiều thứ và có không ít người e ngại trước một kẻ “mạnh miệng, mạnh tay” với tiêu cực như ông. Lưu Quang Vũ chỉ muốn mọi thứ bụi bẩn phải được tẩy gội, cái đáng nói là bụi đã trở thành ghét rỉ khó có thể một sớm, một chiều loại bỏ. Vì vậy, hầu hết kịch của Quang Vũ là nói về cái phản diện, cái cần loại bỏ chứ không là nhân vật phản diện - tức con người cần loại bỏ. Tác phẩm của Lưu Quang Vũ đánh dấu một thời kỳ lịch sử, chính trị nhạy cảm của đất nước với những con người trong “xã hội đã đánh mất niềm tin cũ vào những giá trị siêu nhân loại và chưa tìm được cái gì thay thế nó”.

 

Tác giả: Đinh Thị Vũ Trinh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

;