MÔ HÌNH QUẢN LÝ DI SẢN CHÙA VĨNH NGHIÊM, BẮC GIANG

Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi phát tích tam tổ phái thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. “Với sự hiện diện của ba vị sư tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành quốc đạo, một biểu tượng giá trị tinh thần người Việt; chùa Vĩnh Nghiêm trở thành chốn an cư, kiết hạ, giảng kinh, thuyết pháp, là trụ sở chính thức đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, là một trong những ngôi tổ đình đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” (1). Hiện nay chùa còn lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực: tôn giáo, y học, văn học, triết học, lịch sử, ngôn ngữ..., với 9 đầu sách, là bộ mộc bản gốc của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 - 2 âm lịch hàng năm, phản ánh ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội, đặc biệt là sự sùng bái của nhân dân địa phương đối với các vị tam tổ.

Lựa chọn mô hình quản lý

Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc tôn giáo, gồm các hạng mục công trình: tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện (đây còn gọi là khu tiền đường - tam bảo), nhà tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị, tăng phòng, hành lang, vườn chùa, vườn tháp.

Trong lĩnh vực quản lý di sản hiện nay, các nhà quản lý đưa ra 3 mô hình là: mô hình bảo tồn nguyên trạng, mô hình bảo tồn trên cơ sở kế thừa, mô hình bảo tồn phát triển (còn gọi là quản lý di sản). Việc chọn một mô hình bảo tồn cho bất cứ một loại hình di sản nào hiện nay không phải là một công việc dễ dàng. Để lựa chọn mô hình bảo tồn cho di sản chúng ta phải căn cứ trên những tiêu chí như: mục đích, nguồn lực, tiêu chí, sản phẩm, các chiến lược bảo tồn. Bên cạnh đó, việc khảo sát lấy ý kiến từ các nhà quản lý địa phương, người dân trên địa bàn là công việc quan trọng, cần thiết cho việc lựa chọn mô hình. Đây là công việc thương thảo đầy khó khăn cho việc lựa chọn mô hình quản lý nào đối với một di sản.

Mô hình quản lý bền vững di sản chùa Vĩnh Nghiêm phải tuân theo nguyên tắc đồng thuận giữa chính quyền các cấp, trụ trì chùa, cộng đồng sở tại, cụ thể như sau:

Với tổng thể di tích chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay, mô hình bảo tồn phát triển làm định hướng cho quản lý bền vững di tích. Trước sự biến đổi nhanh chóng của xã hội, nhu cầu tâm linh, nhu cầu du lịch, các nhu cầu khác của người dân, bản thân quy mô chùa Vĩnh Nghiêm hiện tại khó có thể đáp ứng số người dân đến chùa. Vì vậy, di tích cần mở rộng quy mô, không gian nghi lễ là tất yếu. Trên nguyên tắc mở rộng ra phía ngoài chùa, hạn chế sự can thiệp vào các hạng mục di tích hiện tại.

Với di sản mộc bản, cần nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên mộc bản, chọn lựa khía cạnh để khai thác di sản. Ngoài những phần được xuất bản thành sách, các tài liệu nghiên cứu cần hạn chế tối đa sự can thiệp vào mộc bản. Tránh tình trạng coi mộc bản là nguồn lợi để phát triển kinh tế, phải coi việc bảo tồn giá trị là trên hết, khả năng sinh lời ở mức độ hạn chế.

Có thể nói, mộc bản, di tích, văn hóa bản địa có mối liên hệ bền chặt lâu đời, có giá trị văn hóa sâu sắc. Trải qua hàng trăm năm, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được các đời trụ trì, người dân làng La bảo vệ. Có thể nói, mộc bản là trái tim của chùa Vĩnh Nghiêm, là tinh hoa của chư tăng, dân làng nhiều đời. Các yếu tố trên có liên hệ mật thiết tạo thành chỉnh thể văn hóa.

Không chỉ ẩn chứa những giá trị tôn giáo to lớn trong các bộ ván khắc, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn đóng vai trò hạt nhân trong một tổng thể văn hóa. Ngay từ khi mới được khắc, mộc bản luôn được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, giữ vai trò quan trọng đối với chùa Vĩnh Nghiêm cũng như làng La. Mối liên hệ mật thiết giữa mộc bản, di tích, cảnh quan nhân văn xung quanh chùa Vĩnh Nghiêm là điều kiện thuận lợi cho bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Chính vì vậy, muốn giải quyết tốt các vấn đề liên quan, cần giải pháp xây dựng hệ sản phẩm phát triển du lịch, từ đó xác định các điều kiện để thực hiện trong thực tiễn.

Xây dựng hệ sản phẩm du lịch

Từ mối quan hệ trên, trong tương lai, cần xây dựng 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng tương ứng với 3 loại hình có liên hệ mật thiết: mộc bản, di tích, cộng đồng. Bảo tồn, phát triển là quan điểm xuyên suốt, đặt trọng tâm vào việc làm thế nào để di sản phát huy được tác dụng trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó, mộc bản phải gắn liền với di tích tạo nên một tổng thể di sản chùa Vĩnh Nghiêm. Các nhóm sản phẩm du lịch nằm trong tổng thể, trong đó lấy mộc bản là đối tượng đặc trưng cho chuỗi tham quan, vãn cảnh, nghiên cứu của du khách. Các sản phẩm du lịch phải dựa trên quan điểm đó.

Sản phẩm từ mộc bản: dịch, biên tập, chú giải, số hóa mộc bản; tổ chức in các sách về mộc bản; trải nghiệm dập mộc bản theo truyền thống; nghiên cứu mộc bản tại chỗ; xây dựng, trưng bày mộc bản theo chủ đề: kinh phật, chữa bệnh…; thiết kế sản phẩm lưu niệm liên quan đến mộc bản.

Sản phẩm từ di tích: tổ chức cho du khách tham quan chùa hàng ngày; kết nối các tour du lịch trải nghiệm qua chùa Vĩnh Nghiêm; hình thành các lớp tu tập cho các tăng đồ trong, ngoài nước; thưởng thức ẩm thực chùa Vĩnh Nghiêm (cơm chay, bánh…).

Sản phẩm từ cộng đồng: dịch vụ trông giữ, cho thuê xe; dịch vụ xung quanh chùa (đồ lễ, giải khát…); tìm hiểu văn hóa làng La.

Xác định các điều kiện vận hành

Thứ nhất, chùa Vĩnh Nghiêm là quần thể di tích đặc biệt hiếm có. Ở nước ta hiếm có ngôi chùa nào là di tích cấp quốc gia đặc biệt, nơi phát tích, bảo lưu di sản thế giới như chùa Vĩnh Nghiêm. Điều này càng trở nên đặc biệt khi chùa lại tọa lạc sườn phía tây Yên Tử, nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì những đặc điểm trên, xác định các điều kiện vận hành được mô hình, cần có cơ chế chính sách đặc thù dành cho di tích, di sản đặc biệt này. Chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị của mộc bản phải xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Chính sách này đảm bảo sự thông suốt từ Bộ VHTTDL cho đến tỉnh, huyện, xã. Coi chùa Vĩnh Nghiêm là trọng điểm du lịch phía Đông Bắc, có tính tới kết nối với sườn phía Đông Yên Tử.

Thứ hai, đầu tư nhà nước, kêu gọi đầu tư từ cộng đồng (nguồn vốn xã hội hóa) phải được giám sát chặt chẽ, có hiệu quả. Các nguồn đầu tư phải có trọng điểm, phân kỳ đầu tư rõ ràng, có cơ chế vận hành: xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng du lịch như đường vào di tích, xây nhà trưng bày mộc bản, tam quan mới… Bên cạnh đó, giám sát nguồn thu từ du lịch, cộng đồng để tái đầu tư cho di tích, bảo quản di sản. Trong tiến trình này cần chú ý đến phân chia lợi ích đối với các bên liên quan.

Thứ ba, chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay đang có 5 đơn vị trực tiếp quản lý di tích, di sản: sở VHTTDL Bắc Giang, phòng VHTT huyện Yên Dũng, ban quản lý di tích huyện Yên Dũng, ban quản lý di tích xã Trí Yên, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Chính từ thực tiễn có quá nhiều cấp, nhiều đơn vị quản lý dẫn đến sự chồng chéo, hạn chế khi vận hành. Chính vì vậy cần thành lập ban quản lý di tích chùa Vĩnh Nghiêm (bao gồm các thành phần: trụ trì chùa, chính quyền huyện Yên Dũng, sở VHTTDL tỉnh, cộng đồng), từ đó quy định cụ thể về chức danh, nhân lực, phân cấp, phân nhiệm đảm bảo vận hành bộ máy có hiệu quả.

Thứ tư, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là một thực thể văn hóa cần được hỗ trợ, đào sâu nghiên cứu. Mộc bản cần được coi là đối tượng nghiên cứu đặc biệt để hiểu hơn về lịch sử Phật giáo, nền y học dân tộc. Từ đó, khuyến khích các chương trình nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá những giá trị này đến với cộng đồng, nhằm tạo sự quan tâm của cộng đồng để bảo vệ di sản được tốt hơn. Có như vậy mới đưa được những giá trị lớn lao của di sản đến với du khách, người dân một cách bền vững

______________

1. Sở VHTTDL Bắc Giang, Lý lịch di tích chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, tr.4

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : TRẦN VĂN HIẾU

;