LỜI CA TRONG LÝ HUẾ

Lời ca là bộ phận không thể thiếu trong chỉnh thể thống nhất của bài dân ca. Tuy nhiên, do tác động của điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử… mà mỗi vùng/ miền, tộc người lại có quan điểm thẩm mỹ âm nhạc khác nhau. Các nghệ sĩ dân gian Thừa Thiên Huế đã thể hiện sự độc đáo của các điệu lý thông qua cách thức lựa chọn lời ca.

1. Cấu trúc lời ca

Khi bàn tới lời của bài dân ca, các nhà nghiên cứu như Tô Ngọc Thanh, Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Đăng Hòe, Phạm Phúc Minh… đều thống nhất, lời ca trong dân ca gồm hai bộ phận, đó là: một thể thơ và các từ phụ. Từ phụ là những từ có nghĩa hoặc không có nghĩa, nhưng không thuộc hệ thống cấu trúc chính của câu thơ. Theo cách lý giải này thì từ phụ không thuộc phần lời của các bài dân ca.

Nhạc sĩ Tô Vũ lại có quan niệm thoáng hơn, ông tách toàn bộ lời ca của bài dân ca thành hai phần: văn học và lời ca. Phần văn học là nội dung cụ thể của một câu thơ, đoạn thơ thuộc một dạng thơ. Phần lời ca (tức là lời để hát lên theo giai điệu âm nhạc) gồm cả phần văn học và từ phụ. Chính xác hơn, phần lời ca bao gồm cả câu thơ, thể thơ nguyên dạng và các từ phụ có nghĩa hoặc không có nghĩa.

Chúng tôi nghiêng về quan niệm của nhạc sĩ Tô Vũ, nếu nhìn trên phương diện âm nhạc, nó có tính hợp lý hơn. Nhưng, ở đây cũng nên chú ý thêm rằng, trong ngôn ngữ Việt Nam có rất nhiều từ phụ không mang nghĩa, ví dụ như các hư từ. Mỗi vùng miền, thậm chí ở từng làng quê lại có những hư từ mang đặc tính riêng. Mặc dù có tính độc lập tương đối so với ngôn ngữ nói, nhưng “những hư từ đó rất cần cho câu nói, lời nói để biểu đạt sắc thái tình cảm” (1). Đặc biệt, đối với dân ca, hư từ là một thành tố không thể thiếu, có vai trò kết nối các từ của thể thơ làm hoàn chỉnh giai điệu âm nhạc. Như vậy, nếu nhìn vào tổng thể một bài dân ca, thì từ hư từ cũng trở thành thực từ và có vai trò quan trọng không kém các từ có trong thể thơ được sử dụng làm lời ca.

Từ việc lĩnh hội những nhận định của các nhà nghiên cứu, một lần nữa chúng tôi thống nhất rằng, lời ca trong lý Huế bao gồm cả phần văn học và phần từ phụ. Chính từ phụ là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc riêng của lý Huế. Chúng tôi lấy bài Lý nam xang, Lý hoài nam làm ví dụ:

Bài Lý nam xang: lời 1, phần văn học gồm câu thơ:

Làm người phải có ngũ luân

Nếu như thiếu một mười phân thẹn thuồng

Các từ phụ gồm: “A luân ngũ luân a luân, bằng tình a ơi a mười phần u xang ú xáng u liu phàn mười phân mười phân thẹn thuồng”.

Lời 2, phần văn học gồm:

Giàu nghèo chỉ một giấc mơ

Sang giàu rồi lại bần cơ sự thường

Các từ phụ không trong cấu trúc của câu thơ gồm: “A mơ giấc mơ a mơ, tình như a ơi a bần cơ bần cơ u xang u xáng u lưu phàn bần cơ bần cơ sự thường”.

Như vậy, trong bài Lý nam xang phần văn học với hai cặp thơ 6/8 gồm 28 từ, thì phần từ phụ có 54 từ. Lời ca hoàn chỉnh của bài Lý nam xang như sau:

Lời 1: “Làm người phải có a luân ngũ luân a luân ngũ luân. Nếu bằng tình như thiếu một a ơi a mười phần mười phân thẹn thuồng u xang u xáng u liu phàn mười phân mười phân thẹn thuồng”.

Lời 2: “Giàu nghèo chỉ một a mơ giấc mơ a mơ giấc mơ. Sang giàu tình như rồi lại a ơi a bần cơ bần cơ sự thường u xang xu xáng u liu phàn bần cơ bần cơ sự thường”.

Bài Lý hoài nam, phần văn học chỉ gồm một cặp thơ 6/8, cả thảy có 14 từ:

Chiều chiều dắt bạn qua đèo

Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni

Các từ phụ không trong cấu trúc của câu thơ gồm: “Ơ dắt ơ bạn ơ đèo, tà là đèo qua đèo, chim kêu tình kêu, úy óa chi rứa, chi rứa, ơi hỡi vượn trèo vượn trèo tà là ni, tà là ni bên ni ơi hỡi vượn trèo, trèo bên ni”.

Các từ không nằm trong cấu trúc của câu thơ là 42 từ gần gấp 3 lần số từ trong câu thơ chính. Toàn bộ lời ca trong bài gồm các từ sau: “Chiều chiều dắt bạn ơ dắt ơ bạn ơ đèo qua đèo (tà là) đèo qua đèo. Chim kêu, chim kêu tình kêu bên nớ, úy ỏa chi rứa, chi rứa. Ơi hỡi vượn trèo, vượn trèo tà là ni bên ni tà là ni bên ni ơi hỡi vượn trèo, trèo bên ni”.

Từ hình thức của hai ví dụ trên, có thể thấy, lời ca trong các bài lý Huế có sự đan xen giữa các từ chính và các từ phụ. Trong đó từ phụ chiếm số lượng lớn hơn. Điều đó minh chứng cho sự sáng tạo trong tư duy sáng tác của các nghệ sĩ dân gian Huế.

2. Thể thơ trong lý Huế

“Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời ca của các bài dân ca đã tước bỏ đi tiếng đệm, tiếng láy” (2). Như vậy, phần văn học của lời ca trong lý Huế được coi là ca dao. Các bài ca dao chủ yếu sử dụng thể thơ sáu tám và sáu tám biến thể.

Chiều chiều dắt bạn qua đèo

Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni

 (Lý hoài nam)

Non cao ai đắp nên cao

Bể sâu nhờ bởi ai đào nên sâu

 (Lý tình tang)

Ngoài ra, nhiều bài cũng sử dụng thể thơ này như: Lý tiểu khúc, Lý ta lý, Lý giao duyên

Phần văn học trong lời ca của lý Huế còn dùng thể thơ tự do, thể thất ngôn biến thể:

Mẹ thương con mỏi mòn đôi mắt

Thiếp nhớ chàng ruột thắt héo hon

Ơi chàng chàng ơi

Chi mà tệ rứa chàng

Chi mà bạc bạc lắm chàng

              (Lý vọng phu)

Ngoài ra còn có bài: Lý giao duyên, Lý bốn cửa quyền… cũng sử dụng các thể thơ như trên. Thực ra cách sử dụng các dạng thơ để làm phần văn học của lời ca không phải là đặc điểm riêng của lý Huế. Với lý Huế, các nghệ sĩ có thể vận dụng bất kỳ thể thơ nào làm lời, tất nhiên phải chú ý cách vận dụng sao cho phù hợp với giai điệu của bài lý. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Dương Bích Hà cho rằng: “Một chừng mực nào đấy, nội dung và hình thức của lý Huế đã có sự ổn định nhất định, sự thống nhất gắn bó giữa lời và nhạc. Ví dụ các điệu Lý năm canh, Lý bốn cửa quyền, Lý tử vi, Lý ngựa ô… rất hiếm hát bằng những câu thơ có nội dung khác” (3).

Chúng tôi cho rằng, sự bó bện khó tách rời giữa lời thơ và giai điệu trong một số bài mà cũng trên giai điệu ấy người ta khó có thể đặt lời ca khác vào đấy để thành một bài mới. Sự định vị lời nào bài đấy như Dương Bích Hà nhận xét, cũng là một trong những đặc điểm đáng quan tâm của lý Huế.

3. Nội dung văn học trong lời ca

Trong lý Huế, nội dung lời ca là những cung bậc tình cảm vô cùng đa dạng về đời sống tình cảm của con người, về cảnh đẹp thiên nhiên và đất trời Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, trong sự đa tầng về các cung bậc tình cảm đó, thì điểm nhấn vẫn tập trung vào thân phận người phụ nữ. Đó là những lời tự sự của người phụ nữ sống dưới chế độ phong kiến luôn khát vọng về tình yêu, thậm chí sẵn sàng chấp nhận vô điều kiện những thiệt thòi để được yêu:

Thương ai nên phải đi đêm

Bổ ba keo thịch, đất mềm không đau

 (Lời khác của bài Lý hoài namDương Bích Hà sưu tầm) (4).

Hay:

Đi mô cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp theo

 (Lời khác của bài Lý tình tangDương Bích Hà sưu tầm) (5).

Có một chút gì đó chờ đợi trong hoài vọng và cũng có một chút hoài mong trong khắc khoải:

Cách phá Tam Giang em sang không đặng

Ngoắt với ơi chàng nghĩa ngặng còn đây

 (Lý giao duyên) (6).

Hoặc:

Lòng thương quân tử không khuây

Hái rau quyển nhĩ sao đầy giỏ nghiêng

 (Lời khác của Lý nam giangDương Bích Hà sưu tầm) (7).

Nỗi khát vọng về tình yêu cho dù là tiếng nói cất lên từ một phía, nó không chỉ là nỗi niềm của người phụ nữ/ thiếu nữ nơi thôn giã, mà ngay chốn lầu hoa khuê các, tình cảm của các thôn nữ cũng khắc khoải, nhớ mong và cũng có chút hờn ghen như vậy:

      Tử vi dầu dãi nắng sương

Huê cam, huê quýt biết thương huê nào?

     Anh thương huê mận huê đào

Còn bông hoa cúc biết vào tay ai

     Ơi này ai thắm chớ phai

Tưởng như hoa lài mà lại thơm lâu

    Người ơi chớ phụ hoa ngâu

Tham nơi phú quý đi hầu mẫu đơn

Và:

Em tìm anh trăm giận trăm hờn

Ước sao cho gặp hỏi lòng sao thay?

     Có thương thì xích lại đây

Đừng còn mơ ước nước mây trên đèo

     Trên đèo hòn đá cheo leo

Khác nào nỗi mẹ khóc nghèo phận con

     Tìm anh khắp cả núi non

 (Lý tử vi - Dương Bích Hà sưu tầm) (8).

Nhà nghiên cứu Dương Bích Hà viết: “Dường như lý Huế sinh ra là để giải tỏa cái khát vọng vươn tới hạnh phúc vẹn tròn, mà trong một ý nghĩa nào đó cũng là cái chân - thiện - mỹ giữa cõi trần ai” (9). Chúng tôi cho rằng, nhận xét trên có phần đúng, nhưng chưa đủ. Đúng là lý Huế sinh ra để giải tỏa cái khát vọng của người phụ nữ, nhưng cái khát vọng đó vẫn có cái gì của sự buồn tủi, bứt rứt, thậm chí có màu sắc của sự u ám. Vấn đề này có lẽ do nhiều yêu tố tác động như lịch sử, chế độ xã hội, cách thức giáo dục… cũng như những quan niệm về vài trò, thân phận và tâm thế của người phụ nữ trong xã hội xưa. Nếu so sánh phần văn học trong lời của các bài dân ca thì phần nào thấy rõ điều đó. Chúng tôi xin đưa ra một vài ví dụ trong dân ca quan họ Bắc Ninh để so sánh:

Mồng năm chợ Ó

Em có muốn đi

Quan họ đồn về

Hội vui lắm lắm

Chưa kịp đi tắm

Chưa kịp gội đầu

Giầu chửa kịp têm

Cau chưa kịp bổ

Miếng long miến xổ

Miếng lại quên vôi

Người có yêu em

Người ra cầm lấy

                    (Mồng năm chợ Ó) (10).

Ở một bài khác:

Yêu nhau tháo nhẫn chuyền tay

Về nhà nói dối qua cầu nhẫn rơi.

                              (Cổ Kiêu) (11).

Hay:

Trèo lên trái núi, càng trèo càng cao

Áo may anh hai mặc tựa hình tiên sa.

Thêu khuy đột khuyết năm tà đột bằng tay

Ngón tay tháp bút, trên đầu anh ba cài trâm.

                                (Trèo lên trái núi) (12).

Trong khi ở lý Huế:

              Ơi chàng chàng ơi

           Chi mà tệ tệ rứa chàng

        Chi mà bạc bạc lắm chàng

      Phụ tình phàng duyên chi mấy

Thiếp trông chàng mà chẳng thấy chàng đâu

           Ơi người tình nhơn ơi

                               (Lý vọng phu) (13).

Hay:

      Canh một thơ thẩn ra vào

Chờ trăng trăng xế chờ ba (hoa) ba tàn

     Canh hai thắp ngọn đèn loan

Chờ người quân tử thở than đôi lời

     Canh ba sương nhuộm cành mai

Bóng trăng em ngỡ bóng ai mơ màng

      Canh tư xích cửa then vàng

 Một mình vò võ đêm trăng xế lần

     Canh năm mơ mẩn tâm thần

Đêm tàn, trăng lụi, rạng đông lên rồi

                                (Lý dạ khúc) (14).

Hai kinh đô lớn, cho dù đời sống xã hội đều chịu trực tiếp những quy định ngặt nghèo của chế độ phong kiến, quan niệm về tam tòng tứ đức là một trong những điều bắt buộc đối với phụ nữ, nhưng rõ ràng người phụ nữ Kinh Bắc có phần “bứt phá” hơn so với phụ nữ Thừa Thiên Huế. Họ luôn vươn ra khỏi những định chế ngặt nghèo để sẵn sàng chủ động trong tình yêu: Yêu nhau tháo nhẫn chuyền tay/ Về nhà nói dối qua cầu nhẫn rơi, chứ không phải năm canh vo võ trông chờ. Rõ ràng tâm thế của người phụ nữ Kinh Bắc khác hơn, điều này nếu được nghe cả giai điệu âm nhạc thì sẽ thấy rõ hơn vấn đề chúng tôi vừa đề cập. Có lẽ sự yếu đuối, e ấp, dằn lòng, cam chịu những thiệt thòi về tình cảm, lại là điểm nổi trội trong phần văn học của lời ca lý Huế. Đây là đặc điểm khá quan trọng, nếu không nắm bắt được, thì khi thể hiện một số bài lý Huế sẽ không đúng với tính chất âm nhạc.

Không chỉ thể hiện tình cảm riêng tư, mà lý Huế còn đề cập tới cảnh thiên nhiên nơi đây. Tuy số lượng bài bản lý Huế không nhiều, nhưng phong cảnh thiên nhiên hiện lên trong phần văn học của lời ca cũng đủ cho người nghe hình dung về những địa danh nổi tiếng, với món ngon vật lạ của vùng đất thần kinh này, đó là:

Nhắc đến thèm thêm miếng nem An Cựu

Ngon ngọt chua dòn với chén rượu Phủ Cam…

Bánh khóa Đông Ba, bún bò Gia Hội

Cơm hến bên cồn quen lối tìm nhau…

Nhớ Truồi có dâu, nhớ cau Nam Phổ

Nhớ đóa hoa hường lục bộ xinh xinh

Nhớ chợ Bảo Vinh ghe mành tấp nập

Nhớ dáng con đò đồn lính tập sang ngang.

 (Lý giao duyên) (15).

Dẫu là ai, gái hay trai, già hay trẻ khi là con của Thừa Thiên Huế, khi đi xa vẫn nhớ quê hương đến nao lòng:

            Đi đâu cũng nhớ quê mình

Nhớ sông hương gió mát, nhớ non bình trăng treo.

 (Lý tình tang) (16).

Hay:

Nhớ dòng Hương Giang những đêm dài cô tịch

Nhớ điệu nam bình tiếng phách nhịp khoan thai.

 (giao duyên) (17).

 Nếu thơ (ca dao) là tiếng nói sâu kín thể hiện những cung bậc tình cảm từ cõi lòng người dân, khi nó không đứng độc lập mà trở thành một thành tố của thể loại lý, thì tiếng nói ấy càng được thể hiện sâu sắc hơn. Giai điệu âm nhạc chắp cánh cho lời thơ bay xa và khi đó người hát càng thể hiện được tâm trạng của họ trước một không gian cụ thể.

____________

1. Dương Viết Á, Theo dòng âm thanh cái đẹp sải cánh, Nhạc viện Hà Nội - Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 1995, tr.13.

2. Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, tập 2, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973, tr.303.

3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 13, 14, 15, 16, 17. Dương Bích Hà, Lý Huế, Nxb Âm nhạc, Viện Âm nhạc, tr.95, 89, 89, 89, 89, 91, 90, 230, 227, 94, 93, 94.

10, 11, 12. Hồng Thao, 300 bài dân ca quan họ Bắc Ninh, Viện Âm nhạc, 2002, tr.45, 55, 109, 158.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : NGUYỄN HOÀNG TỊNH UYÊN

;