Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Hiện nay, khi thế giới đang tiến bước mạnh mẽ vào kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là cụm từ rất phổ biến trên các diễn đàn xã hội. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dưới tác động của CMCN 4.0, khi vấn đề kinh tế toàn cầu và các quốc gia đang được bàn thảo hết sức sôi nổi thì lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dường như còn rất ít được quan tâm, được đề cập một cách khá mờ nhạt hoặc bị bỏ ngỏ. Trong quỹ đạo của CMCN 4.0 đang thâm nhập và ảnh hưởng tới Việt Nam, các làng nghề thủ công truyền thống với tư cách là một bộ phận của văn hóa Việt Nam được các chuyên gia đánh giá sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, tăng năng suất, tăng trưởng kinh tế làng nghề một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết nếu biết chủ động đón nhận, tận dụng những yếu tố phù hợp được mang đến từ cuộc cách mạng này như: ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu trong quy trình sản xuất của làng nghề. Song, bên cạnh đó cũng sẽ là những thách thức đặt ra cho các làng nghề - một số vấn đề văn hóa xã hội có thể nảy sinh như là những hệ quả nhãn tiền.

1. Một số yếu tố của CMCN 4.0 có khả năng thâm nhập các làng nghề truyền thống

Tự động hóa trong sản xuất

Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất về sự tác động của CMCN 4.0 tới các làng nghề, ngành nghề thủ công truyền thống trong tương lai không xa chính là sự thâm nhập nhanh chóng của một loạt công nghệ mới và việc áp dụng chúng vào sản xuất, theo đó một số quy trình sản xuất mới có thể xuất hiện. Cụ thể, các loại máy móc hiện đại có thể thay thế lao động thủ công thực hiện nhiều công đoạn.

Dựa trên thực tế hiện nay cộng đồng làng nghề đã và đang được tiếp cận khá dễ dàng với thế giới kỹ thuật số như điện thoại di động, internet và nhiều dịch vụ công nghệ tiện ích khác (dịch vụ hỗ trợ khách hàng có thể thay thế con người trả lời điện thoại, email, đặt lịch làm việc…), nhiều chuyên gia dự báo rằng nếu biết tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin thì việc số hóa kiểm soát và truyền thông nhằm gia tăng tính kết nối giữa các khâu trong chu trình sản xuất của làng nghề là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Đặc biệt, công nghệ cảm biến thông minh có thể hỗ trợ việc kết nối các máy móc hay tự động ngắt các thiết bị nếu xảy ra bất cứ một vấn đề nào (chất lượng, sự an toàn…) trong chu trình sản xuất đã được chuẩn hóa.

Hiện đại hóa và tự động hóa trong quy trình chế tác, sản xuất sản phẩm ở các làng nghề thủ công truyền thống có khả năng tạo ra những năng suất và giá trị mới. Đó trước hết là sự nhảy vọt về năng suất lao động cao gấp nhiều lần so với lối làm thủ công trước đây, là năng lực tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn có thể đáp ứng được đơn đặt hàng bất kể số lượng sản phẩm là bao nhiêu. Và đặc biệt, những tác động từ CMCN 4.0 sẽ mang đến những lợi ích quan trọng cho cộng đồng làng nghề như: việc thay thế người lao động bằng máy móc có thể đem lại sự an toàn nhờ giảm thiểu được các nguy cơ, rủi ro về sức khỏe khi hạn chế tối đa lượng tiếp xúc với khói bụi và hóa chất trong sản xuất; thu nhập tăng thêm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, cùng với việc được tiếp cận ngày càng dễ dàng với công nghệ kỹ thuật số, một bộ phận dân làng nghề có thêm cơ hội tận hưởng sản phẩm, dịch vụ hiện đại làm tăng hiệu quả và niềm vui sống như lướt web giải trí, đặt mua hàng hóa online, thanh toán trực tuyến…

Đó là những điều không thể có trong nền sản xuất cổ truyền trước đây ở các làng nghề.

Chất liệu,vật liệu mới

Thực tế hiện nay, nguyên liệu là một trong những khía cạnh biến đổi nhanh và đa dạng nhất ở các làng nghề truyền thống. Ở trường hợp các làng nghề sơn mài truyền thống, chúng ta đã từng chứng kiến hàng loạt nguyên vật liệu mới thay thế cho các chất liệu trước đây trong quá trình chế tác nhằm đáp ứng những đơn đặt hàng lớn cũng như thị hiếu thẩm mỹ mới của khách hàng, và đặc biệt là nhằm đối phó với tình trạng cạn kiệt nguồn nguyên liệu tự nhiên đang ngày càng trầm trọng: sơn ta chuyển sang sơn Nhật, sơn điều; cốt, vóc bằng gỗ, tre nứa chuyển sang các vật liệu khác như giấy, gốm sứ, nhựa composite..; các chất phụ gia tự nhiên được thay thế bởi các loại hóa chất… Như vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong tương lai các ngành nghề truyền thống tiếp nhận thêm những vật liệu mới đến từ CMCN 4.0. Xét ở một khía cạnh nào đó, đây là sự năng động cần thiết của các làng nghề bởi sự tìm tòi, cải tiến công nghệ sản xuất trong cơ chế thị trường là một trong những yêu cầu cần phải có để duy trì hoạt động của ngành nghề, làng nghề, nhất là trước những ảnh hưởng, tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới.

Thị trường mở rộng không biên giới

Ứng dụng những tiện ích của khoa học công nghệ từ CMCN 4.0, một thị trường mới sẽ được mở ra, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ chưa từng thấy của làng nghề.Với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của kỹ thuật số, hoạt động kinh doanh của người thợ thủ công sẽ khác trước rất nhiều. Theo đó, quan niệm về mua bán, giao dịch sẽ mở hơn, không đơn thuần chỉ là sự tiếp xúc trực tiếp giữa người thợ với khách hàng.Khoảng cách địa lý cũng sẽ không còn là rào cản, bởi đã có sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Mặc dù có thể chưa có nhiều kiến thức và thực sự thông thạo về lĩnh vực này, song một bộ phận chủ xưởng năng động có thể nhận thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng cáo, bán sản phẩm là hết sức cần thiết và đem lại nhiều lợi ích cho họ. Vì lẽ đó, họ không ngần ngại đầu tư các thiết bị công nghệ như máy tính xách tay, ipad, điện thoại thông minh để kết nối internet, thực hiện marketing online với việc đưa hình ảnh làng nghề cùng sản phẩm lên các website, diễn đàn để quảng bá và giao dịch. Công nghệ kết nối vạn vật trong cho phép thống kê, lưu trữ mọi thông tin về thị trường, khách hàng cùng những vấn đề có liên quan… một cách nhanh chóng và chính xác. Đây chính là những yếu tố quan trọng tác động đến hoạt động sản xuất, thúc đẩy sự đổi mới, phát triển làng nghề. Nhờ sự tiện ích của công nghệ hiện đại, thay vì sản xuất theo lối thụ động, ngồi nhà chờ việc như trước đây của các ông thợ cả, những nghệ nhân - ông chủ trẻ có đầu óc kinh doanh, năng động có thể tìm kiếm đối tác khách hàng, thị trường mọi lúc, mọi nơi, qua đó thiết lập và mở rộng mạng lưới quan hệ kinh doanh không chỉ ở trong nước mà còn có khả năng vươn ra thị trường toàn cầu trong tương lai không xa.

Số hóa tri thức

Một trong những mối lo ngại thường trực ở các làng nghề thủ công truyền thống là việc các thế hệ nghệ nhân cao tuổi khi qua đời sẽ mang theo những bí quyết, tinh hoa nghề nghiệp, và do vậy nếu đội ngũ kế cận không được quan tâm đào tạo bài bản thì một ngành nghề truyền thống nào đó có thể nhanh chóng bị mai một, thất truyền. Nay, trong bối cảnh CMCN 4.0 với một trong những nội dung cốt lõi của lĩnh vực kỹ thuật số là big data (dữ liệu lớn) chúng ta dường như có cơ hội khắc phục khó khăn nói trên một cách khá hoàn hảo nhờ công nghệ số hóa tri thức, tư liệu hóa các kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác sản phẩm của các ngành nghề, làng nghề. Đó là sự hoán đổi từ sự “lưu” bằng trí nhớ của nghệ nhân vốn bị giới hạn bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan sang các thiết bị số hóa với lưu lượng dữ liệu khổng lồ. Ứng dụng thành công công nghệ này hứa hẹn chúng ta sẽ một kho tư liệu đồ sộ về các ngành nghề thủ công và đặc biệt là có thể bảo vệ chúng một cách bền vững trước thách thức của thời gian, phục vụ đắc lực hoạt động nghiên cứu cũng như việc truyền dạy nghề cho nhiều thế hệ.

Nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm

Mẫu mã các sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam hứa hẹn có nhiều cơ hội để cải thiện theo hướng chất lượng tốt hơn, phong phú, đa dạng hơn khi lĩnh vực thiết kế đồ họa cũng giống như nhiều ngành nghề khác chắc chắn sẽ có sự thay đổi toàn diện về phương thức sản xuất nhờ ứng dụng các phần mềm chuyên dụng mới từ CMCN 4.0: nếu trước đây công nghệ photoshop đã từng được coi là chuyên nghiệp trong thiết kế, thì giờ đây từ cấu hình phần cứng đến phần mềm, các ứng dụng sẽ có khả năng hỗ trợ tối ưu theo cách biến hóa, linh hoạt cho việc thiết kế, chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh chỉ trong một thao tác kích chạm; từ vô số dữ liệu sẵn có trên internet, chỉ cần cung cấp ảnh và nội dung ngay lập tức đã có thể cho ra sản phẩm mới... Ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế mẫu mã sẽ góp phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam.

2. Những vấn đề văn hóa xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0

Hệ giá trị mới của làng nghề

Bản chất của những biến đổi nó ở các làng nghề truyền thống trước tác động của CMCN4.0 có thể xem chính là sự điều chỉnh lại hệ giá trị cổ truyền để các làng nghề truyền thống có thể duy trì tồn tại trong bối cảnh mới. Trước sự tiến bộ của khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, sự du nhập của nhiều yếu tố mới là không tránh khỏi. Cái mới thâm nhập vào trong tất cả các khía cạnh của hoạt động sản xuất ở các làng nghề. Đó là:sự tự động hóa trong sản xuất; vật liệu mới có xu hướng thay thế cho các chất liệu truyền thống; việc thiết lập và củng cố các mối quan hệ xã hội của thế hệ nghệ nhân - doanh nhân có tiếng nói với giao dịch thương mại qua mạng internet kết nối toàn cầu mọi lúc, mọi nơi; đó là lối sống kiểu đô thị ngày càng rõ nét do sự xuất hiện phổ biến của các loại hình dịch vụ và hình thức giải trí - đặc biệt là các thiết bị số hiện đại chưa từng có trước đây ở các làng quê. Có thể nói, hệ giá trị mới này đang và sẽ tạo nên sắc thái văn hóa mới mẻ vừa truyền thống vừa hiện đại của các làng nghề thủ công truyền thống trong hiện tại và tương lai.

Nguồn lao động chất lượng cao

Áp dụng thành tựu của CMCN 4.0, nhiều khâu sản xuất sẽ được tự động hóa thay thế cho lao động thủ công, song đi cùng với đó, để có thể làm chủ được những cỗ máy hiện đại thì yêu cầu về kỹ năng, trình độ của người lao động sẽ đòi hỏi cao hơn nhiều so với nền sản xuất thủ công truyền thống. Đương nhiên khi đó nếu người lao động không nâng cao được năng lực, kỹ năng một cách nhanh chóng để thích ứng kịp thời với sự thay đổi của công nghệ và sản xuất thì nguy cơ bị loại khỏi thị trường lao động ở các làng nghề là không thể tránh khỏi. Rõ ràng, với Việt Nam và đặc biệt là các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn thì đây là một thách thức rất lớn khi đại đa số lao động vẫn còn ở trình độ giản đơn, thói quen thụ động chờ việc, đợi ai đó sai khiến, ra lệnh của người đi làm thuê vẫn là đặc tính cố hữu bấy lâu nay trong đội ngũ lao động phổ thông ở các làng nghề.

Sự mờ nhạt của các khái niệm bản sắc, dấu ấn cá nhân, truyền thống

Một trong những đặc tính rất quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cho các sản phẩm thủ công truyền thống so với các sản phẩm công nghiệp là không có sự đồng nhất tuyệt đối trong tất cả sản phẩm, tức là mỗi sản phẩm (ngay cả khi được chế tác bởi cùng một nghệ nhân) dù ít hay nhiều vẫn mang trong nó sự khác biệt so với các sản phẩm cùng chủng loại khác, nó làm nênphần hồn của mỗi sản phẩm thủ công.Điều này được quy định bởi nhiều yếu tố như: chế tác bằng tay, trình độ nghề, óc thẩm mỹ, tâm lý của người chế tác... Tuy nhiên, trong thời kỳ CMCN 4.0, những sản phẩm được tạo tác hoàn toàn thủ công bằng những ngón nghề, bí quyết riêng của từng thợ nghề trong nền sản xuất truyền thống ấy có thể nhường chỗ cho các sản phẩm hàng loạt với độ chính xác cao và đồng đều về mẫu mã, chất lượng do sự can thiệp của công nghệ máy móc vào quy trình sản xuất. Điều này có thể làm mờ đi bản sắc cá nhân của mỗi nghệ nhânvốn được kết tinh trong từng sản phẩm, và như vậy, nghệ nhân sẽ đứng ở đâu, vai trò của họ sẽ như thế nào trong công cuộc đổi mới ở các làng nghề thời CMCN 4.0 là vấn đề văn hóa được cảnh báo. Mặt khác, chúng ta vẫn bàn đến ba tiêu chí quan trọng nhất để định danh nghề thủ công truyền thống: sử dụng chất liệu truyền thống, chế tác sản phẩm bằng kỹ thuật thủ công truyền thống và được kế tục truyền thống. Song, khi các ngành nghề thủ công hiện nay và trong tương lai không còn tuân theo một trong những tiêu chí này nữa thì các danh xưng nghề truyền thống, làng nghề truyền thống và nghệ nhân truyền thống có lẽ nên được cân nhắc, điều chỉnh lại cho phù hợp với bối cảnh mới. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù cho các yếu tố hiện đại có thể thâm nhập sâu đến mức độ nào thì vai trò của nghệ nhân trong hành trình giữ lửa cho mỗi nghề, làng nghề thủ công truyền thống vẫn không thể bị xem nhẹ cũng như không thể thay thế được bằng máy móc. Đơn giản bởi lẽ phần hồn - yếu tố quyết định tạo nên dấu ấn, bản sắc trong mỗi sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam -chỉ có thể được thực hiện bởi yếu tố con người chứ không thể là những cỗ máy tự động vô hồn, vô cảm.

Thất nghiệp dẫn đến những bất ổn xã hội

Dưới tác động của những đột phá về công nghệ, máy móc tự động tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng dôi dư nhân lực, một một bộ phận không nhỏ lao động thủ công sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, đó là cảnh báo nhãn tiền cho các làng nghề thủ công truyền thống trong thời gian sắp tới. Tự động hóa thay thế cho lao động thủ công trong quy trình chế tác sản phẩm, mặt khác, nhu cầu về lao động có tay nghề cao để có thể làm chủ vận hành máy móc sẽ ngày càng tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc những người có trình độ học vấn và tay nghề thấp đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Tiếc là, hiện tượng này đang rất phổ biến ở hầu khắp các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, bởi xuất phát điểm của các làng nghề đều là vùng nông thôn và thợ thủ công thực chất là nông dân.Trong bối cảnhCMCN 4.0 ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ, các chuyên gia cho rằng trong tương lai tài năng sẽ thay thế cho vốn để trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất của sản xuất (3). Dự báo này hoàn toàn có lý với các làng nghề thủ công truyền thống ở nước ta hiện nay, theo đó lao động làng nghề sẽ có sự phân tách thành: lao động có kỹ năng thấp - giá rẻ và lao động có kỹ năng cao - lương cao.

Có một hiện tượng tưởng chừng khá phi lý song đó lại là sự thật, đó là: công nghệ là một trong những nguyên nhân làm cho thu nhập của một bộ phận lao động thủ công ở các làng nghề không gia tăng, thậm chí đang có xu hướng giảm đi. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về tay nghề và việc làm sẽ tạo ra áp lực tâm lý ngày càng lớn cho người lao động khi họ cảm thấy thất vọng và luôn sợ hãi trước một tương lai không hề tươi sáng cho bản thân mình và con cái. Cùng với đó, con người dường như ít có thời gian quan tâm và chăm sóc các nhu cầu tinh thần, dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống.Vấn nạn thất nghiệp còn có thể kéo theo nhiều tệ nạn như trộm cắp, nghiện ngập, cờ bạc…Rõ ràng, những bất ổn về kinh tế sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống của cộng đồng làng nghề và rất có thể hệ lụy của sự gia tăng căng thẳng xã hội sẽ là mầm mống cho những bất ổn về chính trị.

Phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng

Một trong những mặt trái của CMCN 4.0 trong quá trình tác động tới các làng nghề truyền thống là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng do sự phân hóa khắc nghiệt trong lao động và thu nhập - một hiện tượng vốn đã manh nha xuất hiện ở các làng nghề trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Trong tương lai, đó có thể là sự phân hóa ngày càng rõ nét và gay gắt giữa một bên là số ít ông chủ có tiềm lực kinh tế và lao động có trình độ và lương cao đi cùng với mối quan hệ xã hội khá rộng rãi, có tiếng nói và ảnh hưởng không chỉ ở làng nghề mà đôi khi còn vượt ra khỏi phạm vi địa phương,với một bên là đại đa số thợ nghề trình độ thấp giá rẻ trong vai trò người làm thuê.

Cần thừa nhận rằng, sự phân hóa giàu nghèo ở các làng nghề từ quá trình biến đổi dưới tác động của những yếu tố công nghệ mới là hiện tượng mà ở một góc độ nào đó có thể coi là tất yếu trong sự phát triển của các làng nghề. Nó thực sự là một nhân tố mới góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, chính sự phân hóa giàu nghèo cũng đã góp phần khơi dậy tính năng động xã hội trong con người ở nhiều nhóm xã hội cũng như kích thích sự sáng tạo, tìm kiếm và khai thác cơ may, vận hội để phát triển vượt lên ở mỗi người thợ. Môi trường cạnh tranh quyết liệt ấy sẽ sàng lọc và tuyển chọn được những thành viên vượt trội, tạo động lực cho sự phát triển của ngành nghề, và đây chính là điều kiện cần thiết để duy trì các làng nghề, ngành nghề truyền thống trong thời đại CMCN 4.0.

Tuy nhiên, ở góc độ khác thì sự phân hóa giàu nghèo ở các làng nghề cũng sẽ bao hàm cả những yếu tố tiêu cực. Trước hết, phân hóa giàu nghèo góp phần tạo nên sự đa dạng trong lối sống mà ở đó sự phổ biến của lối sống tiêu dùng xa hoa, chơi trội, thích thể hiện, đề cao quá mức tiện nghi vật chất trong một bộ phận dân cư khá giả ở các làng nghề có khả năng ảnh hưởng xấu tới các nhóm dân cư khác. Ở các làng nghề hiện nay, thay vì đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, các hộ sản xuất lại có xu hướng thu mình theo kiểu nhà nào biết nhà nấy, mạnh ai nấy làm. Có thể nói, sự xuất hiện các yếu tố tiêu cực như chủ nghĩa cục bộ, địa phương, sự lên ngôi chủ nghĩa cá nhân vị kỷ biểu hiện trong lối sống, trong cách ứng xử giữa người với người khiến cho không thể có được sự liên kết ngay trong bản thân cộng đồng làm nghề sẽ là một trở lực rất lớn cho sự đi lên của các làng nghề trong một bối cảnh cần sự gắn kết hơn bao giờ hết ở thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Vấn đề môi trường

Một bộ phận không nhỏ các làng nghề truyền thống ở Việt Nam trước đây vốn đã tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, nay từ những sự thay đổi trong sản xuất dưới tác động của công nghệ mới: tự động hóa và sản xuất hàng loạt với năng suất cao, đa dạng hóa nguyên vật liệu chế tác... có thể khiến cho tình trạng ô nhiễm nặng nề hơn, bao gồm cả nguồn nước, không khí và đặc biệt là tiếng ồn. Chắc chắn, vấn đề môi trường có nguy cơ sẽ trở thành tiêu điểm ở các làng nghề, mà nếu không có các giải pháp kịp thời thì sự tổn thất đối với cộng đồng làng nghề và toàn xã hội sẽ ngày càng lớn, thậm chí vượt xa lợi ích kinh tế mà Cách mạng 4.0 có thể mang lại.

3. Thay lời kết

Thế giới đang chuyển mình theo xu thế phát triển của CMCN 4.0 và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế ấy. Chúng ta đang đứng trước cuộc thay đổi lớn lao, không chỉ làm biến đổi nền kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Các làng nghề thủ công truyền thống chính là “thế giới nhỏ” trong bối cảnh chung ấy của đất nước và toàn cầu.

Để tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp mới với các làng nghề thủ công truyền thống, chúng ta - toàn xã hội, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng làng nghề và từng cá nhân cần phải nhận thức rõ bản chất và đặc điểm của cuộc cách mạng này để tìm ra các biện pháp ứng phó, trong đó quan trọng hàng đầu là xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp theo tư duy mới, sáng tạo mới, đặc biệt là việc xây dựng chiến lược phát triển văn hóa song song với các chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhằm đưa các làng nghề có bước đột phá trong sự phát triểntổng thể một cách bền vững.

Trong quá trình đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế làng nghề cần nhìn nhận đúng vai trò của làng nghề như một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam, là những biểu hiện, minh chứng cụ thể và rõ nét cho bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, nếu phát triển làng nghề trong bối cảnh Cách mạng 4.0 mà lãng quên hay xa rời những giá trị văn hóa truyền thống thì đồng nghĩa với việc sẽ làm mất đi bản sắc, đánh mất chính mình, trở thành cái bóng của dân tộc khác trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đầy sôi động. Mặc dù vậy, cần thừa nhận rằng, việc các làng nghề thủ công truyền thống một mặt có ý thức gìn giữ hệ giá trị truyền thống của làng nghề song mặt khác lại chủ động, tích cực tiếp nhận và ứng dụng những giá trị mới phù hợp, năng động trước yêu cầu của thời đại Cách mạng công nghiệp mới chính là một cơ sở quan trọng để các làng nghề phát triển bền vững trong tương lai. Và, để hành trình này đi đến thành công thì sự bền bỉ và nỗ lực tự thân của mỗi cộng đồng làng nghề là chưa đủ mà ở đó đòi hỏi phải có sự ủng hộ, chung taycủa Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thắng, Báo cáo khoa học Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam, Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hà Nội, 2017. 

2. Bộ Công thương, Kỷ yếu Diễn đàn cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội, 2017.

3. Đăng Khoa, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Việt Nam đang “đứng” ở đâu?, nguồn: viettimes.vn, truy cập ngày 14-5-2018.

4. Bùi Thị Ngọc Lan, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam, nguồn: lyluanchinhtri.vn, truy cập ngày 14-5-2018.

5. langnghevietnam.vn

 

Tác giả: Nguyễn Thị Lan Hương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 - 2018

 

;