Kinh nghiệm phát huy nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân ở một số quốc gia Đông Nam Á

Một trong sáu giải pháp đột phá để phát triển đất nước được Đại hội XII xác định là thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Điều này thực chất là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm lợi cho dân. Trước kia sức dân, của dân làm lợi cho đế quốc, nay đem làm lợi cho dân” (1). Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, muốn xây dựng và phát triển đất nước không có cách nào khác là phải huy động và phát huy mọi nguồn lực trong nhân dân. Một số nước ở Đông Nam Á đã vận dụng thành công chân lý đó và tạo ra những thần kỳ, kỳ tích trong quá trình phát triển. Do đó, Việt Nam cũng cần nắm vững nguyên lý này và tham khảo kinh nghiệm của các nước trong quá trình thu hút, phát huy các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực từ trong nhân dân.

Nguồn lực hiểu theo nghĩa chung nhất là tổng hợp các yếu tố, các quá trình (tự nhiên xã hội, vật chất tinh thần, kinh tế, chính trị văn hoá…) đã và sẽ tạo nên năng lực, sức mạnh thúc đẩy quá trình phát triển. Tùy vào từng góc độ tiếp cận, người ta có thể chia thành nhiều loại nguồn lực khác nhau như nguồn lực bên trong, nguồn lực bên ngoài, nguồn lực vật chất, nguồn lực tinh thần, nguồn lực con người và các nguồn lực ngoài con người… Trong đó, có thể kể đến một số nguồn lực cơ bản cho sự phát triển như nguồn lực tự nhiên (tài nguyên, vị trí địa lý), nguồn lực về kết cấu hạ tầng, nguồn lực vốn, nguồn lực con người (đặc biệt là trí tuệ, sức sáng tạo, văn hóa)…

Một số quốc gia ở Đông Nam Á đã tận dụng mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để đạt được nhiều kỳ tích trong quá trình phát triển. Cách đây trên 150 năm, Singapore được biết đến là một làng chài nhỏ bé, dân cư thưa thớt, tài nguyên nghèo nàn, nơi trú ngụ của những tên cướp biển nhưng đã nhanh chóng bứt phá vươn lên hóa rồng và trở thành hình mẫu phát triển đáng kinh ngạc. Cùng với Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc, Singapore trở thành một trong bốn con hổ thành công ở châu Á. Năm 1996, Singapore được tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp vào danh sách các quốc gia phát triển nhất thế giới. Thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm của Singapore tăng từ 400 USD (năm 1959) lên 56.532 USD/người vào năm 2012, đạt mức cao nhất thế giới. Singapore còn được xếp thứ hạng cao trong số các quốc gia có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới hiện nay. Malaysia, Thái Lan cũng là những quốc gia đã có nhiều thành tích nổi bật trong quá trình phát triển, vươn lên trở thành những quốc gia phát triển ở khu vực Đông Nam Á.

Sự thành công của Singapore, Malaysia, Thái Lan trong quá trình phát triển một phần là do biết thu hút và sử dụng khá thành công các nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển đất nước, đặc biệt là vốn và các khoản tài trợ từ của Mỹ trong chiến tranh ở Đông Dương, các đơn đặt hàng… đồng thời, luôn chú trọng thực hiện chính sách mở cửa để thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Tuy vậy, bài học thành công quan trọng nhất của các nước nêu trên là do phát huy nguồn lực trong nước, từ trong nhân dân. Dưới đây, chúng tôi xin được giới thiệu vắn tắt một số kinh nghiệm thành công của một số quốc gia phát triển ở khu vực Đông Nam Á.

1. Xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách hợp lý để bồi dưỡng, phát huy nguồn lực trí tuệ, sức sáng tạo của người dân

Singapore đã khai thác, phát huy mọi nguồn lực trong nước để phát triển, trong đó có vị trí địa lý rất thuận lợi của mình. Singapore đã biết tận dụng lợi thế của một cảng biển nước sâu nằm trên vị trí chiến lược ở ngã tư châu Á, cửa ngõ Đông Nam Á. Singapore được coi là trung tâm thương mại - tài chính của khu vực, hệ thống hạ tầng cơ sở, thông tin liên lạc hiện đại. Nhưng quan trọng hơn, quốc gia này biết bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người cho sự phát triển đất nước. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết Singapore là “một đất nước tạo nên bởi các công dân” chứ không phải “một đất nước có các công dân”, có nghĩa là chính những công dân Singapore hội tụ đầy đủ các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực, là chủ thể tạo nên sự thần kỳ của đất nước Singapore. Cùng với Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng đã biết bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người vào sự phát triển đất nước. Chiến lược nâng cao nguồn vốn con người của các quốc gia này là tăng chi cho giáo dục, giảm tỷ lệ sinh và nâng cao thu nhập. Các quốc gia này đã bồi dưỡng nguồn lực con người bằng cách tập trung chi tiêu cho giáo dục ở các cấp thấp, trước tiên bằng phổ cập giáo dục tiểu học, sau đó tiến hành mở rộng giáo dục trung học cơ sở. Cùng với đó, tỷ lệ sinh giảm và tăng trưởng kinh tế nhanh cho thấy ngay cả khi tỷ trọng đầu tư cho giáo dục trong GDP không thay đổi, các nguồn lực theo đầu trẻ vẫn nhiều hơn. Thực tế, tốc độ đầu tư cho giáo dục của Singapore vượt qua tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm trong nước, từ năm 1960 đến năm 1990, tốc độ tăng trưởng GDP của Singpore tăng 13,3 lần trong khi chi tiêu cho sự nghiệp giáo dục tăng 15,6 lần, trong khi đó, từ năm 1996 đến 1989, tỷ lệ dân số dưới 14 tuổi ở Singapore giảm từ 44% xuống 14% (2). Các chính sách giáo dục đã tạo ra một cơ sở nguồn vốn nhân lực rộng lớn thiên về kỹ thuật rất phù hợp với phát triển kinh tế nhanh.

Chính sách phát triển nguồn lực con người của Singapore là “kiến thức toàn cầu, bản sắc quốc gia” nhằm đào tạo công dân Singapore có đủ trình độ làm việc trong môi trường quốc tế, đồng thời vẫn duy trì được bản sắc quốc gia, ngoài kiến thức kỹ năng cần thiết còn trang bị những giá trị và định hướng làm nên bản sắc con người Singapore. Để tạo ra những công dân có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, Singapore đã tiến hành cải cách giáo dục phổ thông, chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chung bên cạnh tiếng mẹ đẻ được giảng dạy trong nhà trường để tăng cường khả năng tiếp cận của Singapore với thế giới. Trong nội dung giáo dục, Singapore tăng cường giảng dạy các môn khoa học - kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và đào tạo lại một cách liên tục, mở rộng hệ thống trường dạy nghề công nghiệp và trường đại học công nghệ. Thành lập quỹ phát triễn kỹ năng vào những năm 80, các xí nghiệp, công ty đóng góp 2% thu nhập hàng tháng tài trợ cho các công nhân có thu nhập thấp trong các xí nghiệp học thêm hoặc đào tạo lại, từ đó các nhân tố con người không ngừng được bồi dưỡng. Từ năm 1997 trở lại đây, Singapore thực thi tầm nhìn chiến lược “Thinking School, Learning Nation” (nhà trường tư duy, quốc gia học tập) như một định hướng đổi mới giáo dục bao gồm hai thành tố: nhà trường trở thành nơi phát huy tư duy sáng tạo, tinh thần say mê học tập suốt đời và hun đúc tinh thần phục vụ đất nước; học tập trở thành văn hóa quốc gia, sự sáng tạo và đổi mới trở thành giá trị dân tộc. Để xây dựng xã hội học tập, Chính phủ đã mở hệ thống thư viện xuống tận khu phố, tuyên truyền văn hóa đọc cho dân cư, vì vậy bất cứ chỗ nào người dân cũng có thể đọc sách, báo miễn phí, kết quả là mọi người dân có thể tự tư duy, mở mang kiến thức.

Lý Quang Diệu từng khẳng định: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Chính sách giáo dục đề cao tính thực tiễn, tính sáng tạo, mong muốn thử nghiệm mọi thứ đã giúp cho các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó thúc đẩy đất nước phát triển.

Không chỉ quan tâm bồi dưỡng nguồn lực con người mà quan trọng hơn là cần phải có những chính sách phát huy nguồn lực đó. Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách về việc làm, đảm bảo mọi công dân đều có việc làm nhằm phát huy các tiềm năng, trí tuệ của mình. Việc thống nhất chương trình giảng dạy trong cả nước ở Singapore vừa tạo bản sắc quốc gia vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho mọi người học. Để đảm bảo phát huy nguồn lực con người, Singapore luôn coi trọng xây dựng chính sách việc làm hợp lý, đảm bảo thị trường lao động hoạt động tốt. Chính nhờ thực hiện tốt chính sách việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở Singapore thấp, nguồn lực con người được phát huy, khai thác ở mức tối đa. Tỷ lệ thất nghiệp chiếm 13,5% năm 1959 giảm xuống 10% năm 1965 và đạt mức an toàn là 4,5% vào năm 1973, hiện nay chỉ còn 3,4% (3).

Để khai thác, phát huy nguồn lực con người, các quốc gia phát triển ở Đông Nam Á còn chú ý đến các chính sách giải phóng phụ nữ và những nhóm xã hội yếu thế. Chính sách xã hội, chính trị và kinh tế luôn chú trọng tạo điều kiện cho phụ nữ được công bằng về cơ hội và thành tựu với nam giới. Họ đã xây dựng được một lực lượng lao động nữ chuyên nghiệp mà 50 năm trước quốc đảo này không hề có, qua đó góp phần làm tăng lực lượng lao động vốn ít ỏi của Singapore lên gấp đôi bằng cách thực hiện chính sách hạn chế bất bình đẳng giới vốn đang kìm hãm phụ nữ.

Singapore, Thái Lan, Malaysia đã sớm nhận thấy vai trò quan trọng của chính sách đối với việc phát huy nguồn lực con người, đặc biệt là trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân. Lý Quang Diệu nói rằng: “Vì chính sách an sinh xã hội ở châu Âu quá hào phóng nên người lao động không tích cực làm việc và nền kinh tế của họ trở nên trì trệ” (4). Vì vậy, Singapore không chấp nhận thực hiện chính sách phúc lợi xã hội trong trợ cấp thất nghiệp, nhằm mục đích loại bỏ tư tưởng dựa dẫm, lười biếng và chây ỳ trong lao động. Nhà nước phải xây dựng các chính sách tạo mọi điều kiện để công dân có việc làm và thu nhập, khuyến khích họ lao động một cách tích cực và hiệu quả. Singapore kiên trì truyền thống Kaizen (hoàn thiện liên tục) để liên tục đổi mới, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh. Năm 2004, VIAT - một tổ chức phi lợi nhuận đã được thành lập với 15 thành viên sáng lập bao gồm nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp của Singapore như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin, Bộ Viễn thông, Nghệ thuật, Bộ Ngoại giao, Ban phát triển kinh tế Singapore… Mục tiêu chiến lược của VIAT là cung cấp những mô hình, quy trình, công cụ cũng như các chương trình đào tạo cho phép Singapore và các doanh nghiệp của mình thực thi những cải tiến giá trị sáng tạo trong các khu vực công, tư và ở mỗi cá nhân, nhằm tạo ra những bước đi đột phá trong tương lai. Ngay cả nhân viên Chính phủ cũng luôn được khuyến khích sáng tạo chứ không phải làm theo những phép tắc, quy định cứng nhắc. Việc triển khai VIAT đã cho thấy một ví dụ sinh động về tầm nhìn chiến lược rất đáng học tập của quốc gia này trong việc phát huy sức sáng tạo của con người.

Trong việc phát huy nguồn lực con người vào mục đích phát triển đất nước, các quốc gia không chỉ chú ý đến trí tuệ, sức sáng tạo của công dân mà còn phát huy cả tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của người dân vào phát triển đất nước. Theo Ratha Niyna (5) được tuyên bố ngày 24-6-1939 thì một người dân Thái được gọi là yêu nước, cần phải thực hiện tốt những việc sau: ăn thức ăn do người Thái chế biến từ sản phẩm của Thái Lan, mặc quần áo do người Thái may, giúp đỡ lần nhau trong hoạt động công thương nghiệp, tiến hành kinh doanh bằng con đường thật thà và danh dự. Việc khuyến khích người Thái yêu nước thực hiện những điều này góp phần mở rộng thị trường nội địa của hàng hóa Thái Lan, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

2. Có những chính sách hiệu quả để huy động nguồn vốn từ trong nhân dân

Bên cạnh việc có chiến lược, chính sách quan tâm phát huy, khai thác nguồn lực con người, một số quốc gia ở Đông Nam Á còn thực hiện hiệu quả chính sách thu hút và phát huy nguồn vốn từ trong nhân dân. Theo tính toán, chênh lệch về tốc độ tăng trưởng giữa HPAEs (gồm các nước là Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan) và Mỹ La tinh có tới 34% là do mức đầu tư cao hơn và 38% là do tỷ lệ đi học cao hơn (6). Ở các quốc gia này, tỷ lệ đầu tư cao luôn đạt trung bình trên 20% GDP (7). Singapore có tỷ lệ tiết kiệm tư nhân trong GDP tăng từ 5,5% giai đoạn 1974 -1984 lên 18,5%, trong gian đoạn 1981 - 1990, tiết kiệm tư nhân tăng từ 22,6% lên 24%. Tỷ lệ tiết kiệm công cộng trong GDP của Malaysia tăng từ 3,2% giai đoạn 1961 -1980 lên 10,3% trong giai đoạn 1981 - 1990 (8). Các quốc gia này đã thu hút được nguồn vốn đầu tư tư nhân rất mạnh mẽ vì Chính phủ điều tiết một cách cẩn trọng các tổ chức tiết kiệm và bảo vệ người gửi trước sự đổ bể của ngân hàng. Chính vì vậy, người dân yên tâm gửi tiền tiết kiệm vào các tổ chức tài chính, qua đó tạo vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Ngoài ra, để thu hút tiền vốn trong nhân dân, Singapore còn thực hiện chính sách tiết kiệm bắt buộc. Quỹ dự phòng tiết kiệm trung ương (CPF) được thành lập năm 1955, mỗi công dân Singapore có thu nhập bằng lương phải nộp khoản tiền bằng 20 -30% thu nhập hàng tháng vào CPF. Những người gửi tiền vào quỹ này sẽ được nhận cả gốc lẫn lãi một lần sau khi về hưu. Khi ốm đau, có công việc lớn có thể rút ra một phần khoản tiền này. Chính sách cưỡng bức tiết kiệm đã làm cho chỉ số tích lũy tăng cao. Đầu năm 1960 là 0 thì đến những năm 1970-1980, tỷ lệ tiết kiệm tư bản nội địa bình quân hàng năm khoảng 30 - 35% thu nhập nội địa. Chính sách thực hành tiết kiệm mang ý nghĩa là một hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội toàn diện, đồng thời nó còn có ý nghĩa tạo nguồn vốn đầu tư cho phát triển đất nước và góp phần điều tiết tiền tệ trong nước.

3. Xây dựng thể chế chính trị công bằng, minh bạch và bộ máy nhà nước trong sạch để phát huy mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân

Một hệ thống luật pháp công bằng, minh bạch và bộ máy nhà nước làm việc hiệu quả, trong sạch, không tham nhũng là những yếu tố quan trọng để phát huy nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân. Sự cạnh tranh bình đẳng, tự do là điều kiện, cơ sở cho mọi người được phát huy hết tài năng, nguồn lực của mình. Sự cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành viên trong xã hội chỉ có được khi hệ thống luật pháp công bằng, minh bạch và được thực hiện nghiêm túc. Ở Singapore, để tạo ra cán bộ công chức giỏi, quốc gia này đã thực hiện chế độ thi tuyển, đãi ngộ đề bạt công bằng dựa trên tài năng thực sự và hiệu quả công việc. Số thí sinh dự tuyển thường gấp 5 lần số chỉ tiêu tuyển dụng. Để thu hút người tài trong bộ máy nhà nước, chế độ đãi ngộ rất cao và cạnh tranh với khu vực tư nhân. Đặc biệt, để cán bộ công chức nhà nước không tham nhũng, Singapore thực hiện các hình phạt rất nghiêm khắc. Bất cứ một vụ tham nhũng lớn, nhỏ đều bị phạt bằng việc đuổi ra khỏi cơ quan nhà nước và không được hưởng lương hưu. Thêm vào đó, những công chức nhà nước bị đuổi sẽ không được khu vực tư nhân tiếp nhập. Cái giá phải trả cho việc tham nhũng quá lớn khiến người dân không dám đánh đổi. Đối với các công ty tư nhân, các công ty đưa hối lộ trong quá trình giao dịch sẽ bị xử nặng hơn và cơ quan điều tra chống tham nhũng sẽ có quyền chấm dứt ngay các dự án, hợp đồng đang thực hiện. Nhờ quy chế rõ ràng được lập ra, mọi thành viên trong xã hội chỉ việc tập trung phát huy mọi nguồn lực vào việc cạnh tranh thị trường mà không phải bận tâm về việc cầu cạnh, xin sự ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ.

Việc tạo ra một bộ máy nhà nước có năng lực và liêm khiết còn là cơ sở để các chính sách phát huy nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân mà các quốc gia này ban hành được thực hiện một cách hiệu quả. Theo Lý Quang Diệu, nếu lực lượng lao động của Singapore hay những vị trí cốt yếu trong cơ quan Chính phủ là những nhân tài thì bất cứ chính sách nào cũng có thể hoàn thành với kết quả vĩ đại. Vì vậy, để các chính sách phát huy nguồn lực trong nước được thực thi với kết quả tốt nhất thì bộ máy nhà nước phải là những người tài.

Nguồn lực để phát triển đất nước có những nguồn lực là có sẵn, có những nguồn lực cần phải tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng. Tuy nhiên, để các nguồn lực này tạo ra lực đẩy cho sự phát triển đất nước thì phải có một hệ thống các chính sách để phát huy nó, biến tiềm năng thành hiện thực. Trong các nguồn lực đó, nguồn lực con người được cấu thành bởi nhiều yếu tố như thể lực, trí tuệ, thẩm lý, đạo đức… là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó bộ phận sáng giá nhất, có ý nghĩa quyết định nhất đến chất lượng của nguồn lực con người chính là nguồn lực trí tuệ. Nguồn lực trí tuệ trở thành nguồn lực mạnh mẽ hướng dẫn hoạt động sáng tạo của con người, nhằm cải tạo tự nhiên có hiệu quả hơn và thúc đẩy xã hội phát triển ở trình độ cao hơn. Một số quốc gia ở Đông Nam Á đã tạo ra những bước nhảy vọt, kỳ tích trong phát triển bởi họ đã biết khai thác hiệu quả nguồn nội lực cũng như ngoại lực, đặc biệt là phát huy nguồn lực trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân. Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, việc tham khảo kinh nghiệm của nước khác là việc làm cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

_______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr.61.

2, 6, 7, 8. Trung tâm Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, Sự thần kỳ Đông Á, tăng trưởng kinh tế và chính sách công cộng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.311, 94, 27, 332.

3. Dương Văn Quảng, Singapore đặc thù và giải pháp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007.

4. Tom Plate, Đối thoại với Lý Quang Diệu, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2013, tr.63.

5. Tuyên ngôn về chủ nghĩa dân tộc.

 

Tác giả: Nguyễn Tiến Thư - Hà Thị Thùy Dương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 - 2018

 

;