Kiên Giang: Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP

Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là giải pháp cần thiết, cấp bách nhằm sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

 

Một “Việt Nam thu nhỏ”

Kiên Giang được du khách biết đến như một “Việt Nam thu nhỏ” bởi thiên nhiên ưu đãi nhiều danh thắng thơ mộng, hấp dẫn; hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ đặc điểm sinh thái, lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội. Đây là nguồn tài nguyên nhân văn có giá trị như một bảo tàng lịch sử sống động về một vùng đất ở phía Tây Nam của Tổ quốc, nơi giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, vì thế Kiên Giang có một kho tàng di sản văn hóa rất phong phú và đa dạng thể hiện qua các lĩnh vực ẩm thực, văn hóa - nghệ thuật, lễ hội, làng nghề truyền thống, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật,...

Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và đấu tranh cách mạng, Kiên Giang tự hào mang trong mình một quần thể di tích đa dạng và đầy sức thu hút với trên 160 di tích được phân bố ở khắp các huyện, thành phố, tập trung nhiều nhất ở Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc, U Minh Thượng, trong đó có 56 di tích được xếp hạng với 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh; có 38 di tích loại hình lịch sử, 7 di tích loại hình kiến trúc nghệ thuật, 9 di tích loại hình danh lam thắng cảnh và 2 di tích loại hình khảo cổ học. Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú, đặc sắc với nhiều loại hình như: Lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công, tiếng nói, chữ viết các dân tộc, ngữ văn dân gian, tri thức dân gian,... là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá đóng góp vào kho tàng chung của văn hóa miền Tây Nam Bộ.

Kiên Giang có nhiều lễ hội mang đậm tín ngưỡng của cộng đồng dân cư nên thu hút được nhiều người tham dự và là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống có giá trị du lịch, tiêu biểu: Nghề nắn nồi, đan bàng Phú Mỹ, đan lục bình, chế biến nước mắm, trồng tiêu, rượu sim, rượu nếp, nghề nuôi trồng, chế tác và mua bán ngọc trai Phú Quốc; dệt chiếu Tà Niên,... làm đa dạng các sản phẩm hàng hóa, mua sắm quà lưu niệm, mang nét đặc trưng của vùng đất Kiên Giang. Hạ tầng ngành Du lịch Kiên Giang đã thu hút hơn 300 dự án đầu tư phát triển trên lĩnh vực du lịch, tổng số vốn đăng ký hơn 334.000 tỷ đồng. Nhiều dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng và đẳng cấp quốc tế đã được đưa vào khai thác. Các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, điểm du lịch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư được triển khai mạnh mẽ với nhiều sự kiện,... góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang đến du khách trong và ngoài nước.

Với những lợi thế vốn có, du lịch phát triển mạnh mẽ từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan du lịch ước đạt 8.780.484 lượt, trong đó khách quốc tế 713.291 lượt, tổng thu từ du lịch đạt 21.947,9 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành Du lịch gặp nhiều khó khăn, vẫn có những dấu hiệu hồi phục tích cực với tổng lượt khách đến tham quan du lịch ước 5.206.720 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 184.953 lượt khách. Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 7.867 tỷ đồng.

Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực luôn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

 

Tỉnh Kiên Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, lên 2.458 USD năm 2020. Tổng thu ngân sách năm 2020 đạt 49.807 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm 2015 và đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

 

Phát huy giá trị bản địa, tiềm lực nội tại của địa phương

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt kết quả tích cực. Đến cuối năm 2020, Kiên Giang đã công nhận 79/117 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, giai đoạn 2016 - 2020 là 9,78%, năm 2019 là 2,69%, năm 2020 giảm còn 1,91%. Năm 2020, tỉnh công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 - 4 sao đối với 18 sản phẩm của 11 chủ thể, trong đó, có 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 8 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đây là những sản phẩm thuộc 6 ngành hàng, gồm: Nhóm thực phẩm thô, sơ chế 3 sản phẩm; nhóm thực phẩm chế biến 3 sản phẩm; nhóm gia vị 3 sản phẩm; ngành đồ uống 3 sản phẩm; ngành thảo dược 01 sản phẩm và ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí 5 sản phẩm.

Nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, tỉnh Kiên Giang xác định việc phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là cần thiết để khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch tại nông thôn, tận dụng ưu thế từ Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, kết nối các bên liên quan tạo thành mô hình chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác được lợi thế  địa phương, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị để “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sẽ đánh giá, cấp giấy công nhận, phát triển ít nhất 120 sản phẩm mới và hiện có, bình quân 8 sản phẩm/huyện, thành phố/năm đạt 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 5 sao cấp tỉnh.

Đến năm 2025, có 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành trực tiếp Chương trình OCOP và 100% nhà quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh. Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP sẽ phát huy giá trị bản địa, sức mạnh và tiềm lực nội tại của địa phương, tăng cường liên kết đảm bảo có sự liên kết ngang và dọc, liên kết nội tại trong cộng đồng và liên kết với các chủ thể tham gia trực tiếp và gián tiếp vào hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, các cấp cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, cơ quan học thuật, truyền thông nhằm huy động các nguồn lực, ưu thế hiệu quả phát huy sức mạnh cộng đồng và đẩy mạnh vai trò làm chủ của cộng đồng.

Đồng thời, dựa trên đặc thù tiềm năng du lịch, các sản phẩm OCOP địa phương, đảm bảo hài hòa giữa tính mới, tính khả thi và tính ứng dụng, sáng tạo trên nền tảng phát triển bền vững vì mục tiêu bảo tồn tốt các nguồn tài nguyên hiện hữu và phát triển các sản phẩm mới, sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm đặc thù cung cấp ra thị trường đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, đặc biệt là hướng tới đạt các tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở các mức cao, đạt được sự hài lòng của du khách, khách hàng, kéo dài thời gian du lịch, tăng doanh thu và đảm bảo tính bền vững trong tương lai.

 

TRƯƠNG ANH SÁNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;