Dạo chơi Đông Hồ Ấn Nguyệt

 

Hà Tiên là dải đất liền xa xôi cuối cùng phía Tây Nam Tổ quốc, giáp biên giới với Campuchia. Vùng đất này được khai mở và hình thành cách đây hơn 300 năm (1708). Sử cũ xứ Đàng Trong chép: “Năm 1076, đám lưu dân đầu tiên lên đất Hà Tiên… Năm 1708, vào tháng 8 năm Mậu Tý, chúa Nguyễn Phúc Chu thuận phong cho Mạc Cửu, một trong những di thần nhà Minh xin thần phục, cư trú trên đất nước ta làm tổng binh trấn Hà Tiên và đặt tên cho vùng đất này là Hà Tiên trấn”. Từ ấy, miền biên viễn Tây Nam đất nước đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử và cũng nổi tiếng là vùng đất “thơ” với tao đàn Chiêu Anh Các do Tổng đốc Hà Tiên trấn Mạc Thiên Tứ khởi xướng.

Hà Tiên hiện là một thành phố biên giới thuộc tỉnh Kiên Giang, trước 1975 là một tỉnh lỵ. Đây là vùng đất thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình và thổ nhưỡng đặc biệt: nhiều núi đá vôi nhỏ, thấp, nổi lên từng cụm, rải rác giữa đồng bằng ven biển như Hòn Đất, Núi Trầu, Mo So, Bình An, Núi Đèn, Tô Châu…; có bờ biển đẹp với nhiều thắng cảnh nổi tiếng được ngợi ca trong Hà Tiên thập vịnh. Nhiều di tích còn phảng phất dấu ấn thuở tiền nhân ta khai mở đất phương Nam… Trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên thì Đông Hồ Ấn Nguyệt là một thắng cảnh tiêu biểu.

Đông Hồ rộng gần 1.050ha, có vị trí sát chợ Hà Tiên ngày nay.  “Hồ”  là một đoạn phình to của sông Giang Thành trước khi đổ ra vịnh biển Hà Tiên. Thực chất đây là một đầm, phá hay vũng của khúc sông giáp biển nhưng dân gian địa phương đã quen gọi là hồ, vì ở phía thượng nguồn trông ra biển, Đông Hồ bị cặp núi Đại Tô Châu, Tiểu Tô Châu, núi Kim Dữ và núi Bình San vây quanh, che khuất không còn trông thấy cửa biển nên nó trông giống một như một cái hồ.

Nằm cận đông thành phố Hà Tiên, Đông Hồ có chiều dài 5km, rộng gần 2 km, phía hữu ngạn có ngọn Ngũ Hổ, phía tả ngạn là núi Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu giống hình như hai con voi phục, phía đông có sông Giang Thành và phía Tây có sông Hà Tiên đoạn dẫn ra biển. Mặt nước Đông Hồ phẳng lặng giữa bốn bề núi non tạo nên phong cảnh hữu tình, thơ mộng.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức từng giới thiệu hồ này như sau: Ấy là hồ ở trước trấn thự, phía Nam khóa thủy khẩu của hải cảng Hà Tiên chặt chẽ để giữ địa khí, bề ngang 5 trượng, sâu 10 thước ta. Phía Bắc tiếp với hạ lưu sông Vĩnh Tế. Lòng hồ mênh mông rộng 71 trượng, gọi là hồ Hà Tiên, còn gọi là Đông Hồ, vì hồ ở về phía Đông vậy. Giữa hồ có nổi cồn cát non, phía Đông và phía Tây nước sâu trên dưới 5 thước ta, thuyền bè ở sông ở biển đến đậu chen nhau, người buôn tụ hội đông đảo. Cảnh trăng nước mênh mang, trong 10 cảnh ở Hà Tiên đây là cảnh Đông Hồ Ấn Nguyệt (trăng in Đông Hồ).

Cách đây hơn 15 năm, nối hai bờ Đông Hồ là một chiếc cầu phao, bây giờ đã có cầu bê tông kiên cố hoành tráng bắc ngang cửa sông Hà Tiên nên giao thông rất thuận lợi.

Đại Đô Đốc, Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích (con trai của Mạc Cửu quận công) là nguyên soái của Tao Đàn Chiêu Anh Các lừng danh đất phương Nam từng có thơ vịnh cảnh Đông Hồ Ấn Nguyệt như sau:

Một hồ lẻo lẻo tiết thu quang,

Giữa có vầng trăng nổi rỡ ràng.

Đáy nước chân mây in một sắc,

Ả Hằng nàng Tố ló đôi phương.        

Rạng thanh đã hứng thuyền Tô Tử,

Lạnh lẽo càng đau tiếng Nhạc Xương.

Cảnh một mà tình người dễ một        

Kẻ thì ngả ngớn kẻ sầu thương          

Ngày nay, Hà Tiên đã trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng với nhiều danh thắng, di tích làm say đắm lòng người. Đến Hà Tiên, sau một ngày tham quan, đêm về ngồi bên Đông Hồ ngắm trăng, đọc, ngâm mấy vần thơ cổ sẽ là một trải nghiệm để lại trong lòng khách du nhiều cảm xúc lãng mạn khó quên…  Từ TP Hồ Chí Minh về Hà Tiên chừng 350km. Bạn có thể đi nhiều ngả: TP Hồ Chí Minh - Hậu Giang - Hà Tiên. TP Hồ Chí Minh - Rạch Giá- Hà Tiên, TP Hồ Chí Minh - Tri Tôn (An Giang) - Hà Tiên. Các con đường trên đều khá tốt, dễ đi…

 

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;