Ba nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương VII khóa 12 năm 2018 là ba luận điểm mới liên quan đến con người. Bài viết này chỉ nêu phần quan trọng hàng đầu là xây dựng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược kéo dài từ nay đến năm 2045. Nó vừa kế thừa các Nghị quyết, vừa phát triển, bổ sung Nghị quyết V khóa 8, Nghị quyết IX khóa 11-2014, vừa có tính khả thi, chiến lược chính trị - xã hội, chiến lược hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, nền kinh tế tri thức và chiến lược tài nguyên thiên nhiên. Để làm rõ những kiến giải được nêu dưới đây, chúng tôi dùng phép biện chứng: vừa xây vừa chống, vừa điểm vừa diện, vừa cái bên trong và cái bên ngoài… để đạt mục đích: con người là vốn quý nhất, là giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa liên quan tới cán bộ chiến lược - những người có đức, tài, công, là gốc của mọi chính sự.
1. Con người và văn hóa ứng xử với con người
Cái mới nhất của Nghị quyết lần này được đánh giá ở phần đầu: về xây dựng đội ngũ cán bộ. Đó là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người, xây dựng con người, rất khó, phức tạp và hệ trọng. Đối với Marx, lịch sử là quá trình tự giải phóng mình khỏi những cưỡng bức tự nhiên. Cống hiến quan trọng của chủ nghĩa Marx trong văn hóa chính là vấn đề con người. Con người là giá trị cao nhất của văn hóa. Marx nói: “Không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ với tôi”. Ở nước ta, chủ nghĩa Marx-Lenin được phổ biến rất sớm cùng với cuốn Đường kách mệnh (1927) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vai trò con người từ bấy giờ đã được coi là trung tâm của lịch sử, đời sống xã hội. Mục đích của cuốn sách là “ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên, đoàn kết nhau mà làm kách mệnh”, “xác định công nông là gốc của kách mệnh”, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự lãnh đạo của một chính đảng theo học thuyết Marx-Lenin… Từ khi có chế độ mới đến nay (trên 70 năm), quan niệm về con người và chiến lược con người thường gắn liền với văn hóa, được Đảng không ngừng tư duy nhất quán để xây dựng con người phát triển bề rộng lẫn bề sâu, của định lượng lẫn định tính. Từ đại hội Đảng VI, đại hội VII rồi đến đại hội XI, vấn đề con người và văn hóa được đặt ra có hệ thống, tương đối hoàn chỉnh chứng minh một bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng. Tuy nhiên, ngay từ những năm 80 TK XX, việc nghiên cứu con người còn dừng ở tư duy đơn tuyến: quan sát và thấu đạt giá trị con người mới dừng lại ở những đức tính tích cực như ý thức tự cường dân tộc, có tinh thần đoàn kết, lao động chăm chỉ với cường độ cao… nhưng ngại bàn sâu về những yếu kém của người lao động, kể cả cán bộ, trong đó có cán bộ cấp chiến lược. Con người mới được lý giải còn sơ lược… (đó là cái rất khó) còn cái phức tạp được khảo sát mới dừng lại ở con người xã hội, còn con người tâm lý, con người sinh học, con người tâm linh trên các trang viết của các nhà khoa học với cách tư duy còn mờ nhạt. Nghị quyết lần này đề cập đến công tác cán bộ - một lĩnh vực hệ trọng vì nó liên quan đến nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt cấp chiến lược là nhiệm vụ hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng. Vì văn hóa lãnh đạo là đạo trị nước. Người xưa coi đạo trị nước là lý tưởng vì dân, an dân, giữ dân. Nhiều thập kỷ trước đây, Bác Hồ coi 5 phẩm chất đạo đức của cán bộ là trí, tín, nhân, dũng, liêm. Trong đó trí là trí tuệ, trí thức, ánh sáng; trí và tri hỗn hợp là trí thức đa ngành, của phương pháp tư duy thực tiễn, tư duy suy định, tránh xa lối suy nghĩ sáo mòn, lối hành xử kinh nghiệm chủ nghĩa dẫn đến tình trạng bảo thủ, trì trệ. Thành tựu của 30 năm đổi mới là không ai chối cãi được, song ở bình diện tổ chức, xây dựng Đảng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ công chức cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao… lại bị buông lỏng. Sự tha hóa quyền lực, tha hóa lao động là hai hệ quả của nhà nước quan liêu, cồng kềnh do sự vận dụng giáo điều, quan điểm nhấn mạnh một chiều đấu tranh giai cấp trong đào tạo, sử dụng nhân tài. Điều đó hạn chế, thiếu hụt trong quá trình hội tụ và trọng dụng tài năng. Một số không nhỏ cán bộ, đảng viên nhất là những kẻ nằm trong tầng quyền lực lớn, phai nhạt lý tưởng, đạo đức suy đồi, lối sống buông thả do họ đức ít mà ân sủng nhiều, tài ít mà địa vị cao, công nhỏ mà bổng lộc lớn, người xưa coi đó là tam đại họa. Nghị quyết Trung ương IV khóa 9 là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với họ, dư luận lên án, pháp luật ra tay thống trị với sự giám sát của các tổ chức quần chúng. Kế thừa Nghị quyết trên, Nghị quyết VII (khóa 12) coi trọng hàng đầu bốn quyết sách lớn sau đây: xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, chống mọi loại chạy và lợi ích cá nhân theo nhóm; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; mở rộng các hình thức đánh giá về sự hài lòng của dân, về uy tín của cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; ở đây đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, kiên tâm trong phê bình và tự phê bình, một hành vi văn hóa, chứ không vùi dập con người.
2. Vai trò lãnh đạo của cán bộ cấp chiến lược
Nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng và nhà nước là nói đến nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao, uy tín và đội ngũ tri thức tinh hoa. Xã hội nào muốn phát triển bền vững đều phải coi trọng hàng đầu nền tảng tinh thần, tiềm lực kinh tế, phù hợp với lòng dân, chế độ là của dân. Cách hiểu mới về quyền lực của dân, do dân, vì dân trong quan hệ với kỷ cương, phép nước, nhưng trách nhiệm sống còn của dân chủ thì thuộc Đảng cầm quyền, lãnh đạo tầng lớp tinh hoa xã hội. Vai trò lãnh đạo cấp chiến lược cần có ít nhất bốn tố chất phát triển cá nhân người lãnh đạo:
Một là, có uy tín lớn đối với dân tộc mình và loài người tiến bộ. Người xưa nói: “Xử nhân uy bất như xử nhân ái” (người lãnh đạo đối xử để người ta sợ, không bằng để người ta yêu). Một trong nhiều phẩm chất của người lãnh đạo cao được dân trọng, tin yêu là tầm nhìn thời cuộc, kiến văn chuyên ngành và đa ngành, biết phát hiện và dùng người tài để bổ sung nguồn lực con người; phải là người hữu đức, hữu tài, công tâm, mới đủ sức cám dỗ, thu phục được người tài.
Hai là, người lãnh đạo cao là người có nhân cách văn hóa. Nhân cách là một giá trị thuộc phạm trù văn hóa đạo đức - thẩm mỹ, nên mới có nhân cách văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc: thực hiện việc tôn trọng nhân cách là làm cho cái tốt trong con người luôn luôn sinh sôi, nảy nở, cái xấu dần dần được đẩy lùi, làm cho con người trở nên tốt đẹp nhờ giáo dục và tự giáo dục. Người lãnh đạo, dù là ở cấp cao không phải lúc nào cũng làm chủ được bản thân, vì trong tay họ có đủ quyền lực, bộ máy, “phe nhóm” nên dễ sinh ra quan liêu, lộng hành, tưởng không bị ai giám sát, kiểm tra. Nghị quyết Trung ương VII khóa 12 có nhiều đoạn nói đến sự răn đe những hiện tượng tha hóa quyền lực của bộ máy, thực trạng biến chất về tư tưởng và hành vi của cán bộ lãnh đạo, kể cả cấp chiến lược: “yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền… theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm”.
Ba là, nhà lãnh đạo có văn hóa là người được tôi luyện ở bình diện truyền thống, tâm sinh lý như truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng… Đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực của sự phát triển. Không thể có một nhà lãnh đạo lớn mà sinh ra trong một gia đình thiếu nề nếp gia phong. Trong văn hóa phương Đông, tiền nhân thường truyền tụng câu nói của Khổng giáo: tu nhân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Muốn lãnh đạo giỏi đất nước, cán bộ cấp cao phải biết tu tâm dưỡng tính, có nhân cách, tài cao, đức trọng đã đành, mà còn đòi hỏi phải biết tề gia. Gia đình thiếu nền nếp gia phong, con cái học hành chẳng ra gì, lại dính líu tới các tệ nạn xã hội, vợ dựa vào thanh thế của chồng để kinh doanh phi pháp, làm giàu bất chính… thì cán bộ đó “ăn nói” với thiên hạ ra sao, quản lý cấp dưới quyền như thế nào? Nói gì đến uy tín. Mỹ tục, gia phong là sản phẩm của lịch sử, có sự biến đổi do lịch sử chi phối, nhưng dù biến đổi đến đâu thì gia phong là chính gốc của thiên hạ. Người xưa nói: “Gốc thiên hạ ở tại gia đình. Có dạy bảo được người trong gia đình, nhiên hậu mới dạy được người trong nước…” (1).
Bốn là, nhà lãnh đạo đòi hỏi tầm vóc, thể lực - những đặc điểm sinh thể có liên quan tới hoạt động trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người. Cán bộ lãnh đạo mà yếu về thể lực, thiếu sức sống và sáng tạo thì nói gì đến trí tuệ sáng suốt, thời gian đi thực tế, họp hành nhiều; thời gian chữa bệnh chiếm hết các điều kiện để học tập, nghiên cứu. Những thí nghiệm của nhiều nhà y học cho rằng, đại bộ phận các nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học nổi tiếng, nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc… đều xuất thân từ những dòng huyết thống tuyệt đối khỏe mạnh, có truyền thống hiếu học nhiều đời. Đó là chưa nói đến năng lực và năng khiếu ngoại ngữ của nhà lãnh đạo - công cụ giao tiếp hệ trọng, tin cẩn trong quá trình hội nhập quốc tế, trong tư thế ngoại giao.
3. Văn hóa dân chủ và vai trò tham chính của dân
Nghị quyết Trung ương VII khóa 12 - 2018 có nói đến văn hóa dân chủ. Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công tác tham mưu... Điểm nhấn của Nghị quyết là yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; đề ra giải pháp kiểm soát quyền lực… củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Khái niệm văn hóa dân chủ không chỉ bó hẹp trong phạm vi phương tiện, quy chế, mà cuối cùng là mục đích của cách mạng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay từ khi còn ở chiến khu Cao Bằng, để chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tìm diệt được…”. Tư tưởng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều bài nói, bài viết, diễn văn, thư chúc tết, thơ văn của Người từ đó cho đến lúc Người ra đi.
Văn hóa dân chủ ở mỗi khu vực, mọi thời đại có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng tiến bộ hơn cả là vai trò của dân. Nhà triết học thế kỷ ánh sáng ở Pháp, trong tác phẩm Tinh thần của luật pháp do Montesquieu (1689 - 1778) trình bày học thuyết về nhà nước được xây dựng trên cơ sở dân chủ, hiệp thương giữa các giai cấp, thừa nhận dân có quyền nắm chính quyền… nhưng từ đó đến nay lý tưởng của ông về dân chủ trực tiếp vẫn nằm trên giấy. Còn Voltaire (1694 - 1778) coi tư tưởng dân chủ là trung tâm của mọi hoạt động chính trị. Ngày nay ở châu Âu đang xuất hiện khái niệm văn hóa chính trị. Học thuyết chính trị hiện đại khẳng định dân (cá nhân) là yếu tố trung tâm của hệ thống chính trị - một cơ chế đảm bảo quyền tự do, tự nhiên của con người (quyền sống, quyền tự do, hội họp, đi lại, học hành…). Muốn vậy, phải đặt nhà nước dưới sự kiểm soát của xã hội công dân.
Ở phương Đông, cho đến nay, khi Trung Quốc đang đi vào hiện đại hóa với mục tiêu trở thành cường quốc, thì triết học Khổng giáo vừa là vật cản, vừa là giá trị đúng có thể chấp nhận. Trong số các giá trị trường tồn phải kể đến vai trò của dân được ghi trong sách Thượng thư là dân vi bang bản, về sau Mạnh Tử phát triển dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (việc dân là quan trọng nhất, thứ đến là việc của xã hội, và sau cùng là của vua). Tư tưởng tiến bộ đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích theo tinh thần mới: Lợi ích của nhân dân là trước hết, thứ đến là lợi ích của quốc gia, còn lợi ích của nhà vua là không đáng kể. Khổng Tử còn nói: trong ba điều của phép trị nước: túc thực, túc binh, dân tín, thì dân tín là quan trọng nhất. Dân tin sẽ tạo ra thực túc, binh cường. Dân không tin thì thuyền bị đắm, sụp đổ cả vương triều.
Những tư tưởng tiến bộ dù là của nước ngoài, của phương Tây hay phương Đông đều trở thành những cứ liệu để hôm nay chúng ta xây dựng mô hình cơ chế dân chủ, vai trò tham chính của quốc sự ở nước ta. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (cương lĩnh 91) nêu 6 đặc trưng, mà đầu tiên là: do nhân dân làm chủ. Về lý thuyết, vai trò của dân là tương đối rõ, nhưng hiệu quả thì cần bàn thêm để phù hợp với thực tiễn qua từng Đại hội Đảng và kỳ họp Quốc hội. Hiện nay, việc thực thi dân chủ nằm ở bốn khâu: dân chủ bầu cử (Quốc hội, Hội đồng nhân các cấp); dân chủ ra nghị quyết (đại hội Đảng toàn quốc và địa phương); dân chủ quản lý (nội các và chính quyền các cấp trên cơ sở pháp định; dân chủ kiểm tra, giám sát, thanh tra (các cấp từ trung ương đến địa phương). Tất cả bốn khâu này muốn đạt hiệu quả, hợp lòng dân, cần lấy văn hóa ứng xử làm cơ sở, lấy văn hóa nhân văn làm mục đích; yếu tố trí tuệ làm chân lý (thảo luận, tranh biện trong dân, nhất là trong tầng lớp trí thức, tránh cưỡng bức, áp đặt). Làm được như vậy, Đảng và dân tuy hai mà là một, đồng thuận, thống nhất tạo nên sức mạnh trường tồn cho khối đại đoàn kết, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế đương đại.
_______________
1. Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2001, tr.262.
Tác giả: Hồ Sĩ Vịnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018