Từ một diễn viên của Đoàn chèo Tả Ngạn (tiền thân của Nhà hát Chèo Hải Phòng), với tâm huyết của một người tha thiết yêu chèo, Trần Đình Ngôn đã học tập, rèn luyện, trở thành tác giả nổi tiếng của ngành chèo. Không chỉ thành công trong lĩnh vực kịch bản, Trần Đình Ngôn còn tham gia vào các lĩnh vực chuyên môn khác như đạo diễn, nghiên cứu lý luận, phê bình. Nhiều công trình nghiên cứu của ông như: Kịch bản chèo từ dân gian đến bác học: Đường trường phải chiều, Đường trường chông chênh, Nghệ thuật biểu diễn chèo truyền thống, Nghệ thuật viết chèo, Những nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật chèo, Tào Mạt với chèo... đã góp phần quan trọng vào hệ thống lý luận nghệ thuật chèo.
Nắm chắc kiến thức lý luận, am hiểu nghệ thuật chèo đã mang lại cho Trần Đình Ngôn nhiều thành công trong hoạt động thực tiễn. Đến nay, với hơn 100 kịch bản chèo được dàn dựng, Trần Đình Ngôn đã trở thành người sáng tác và nhận được nhiều giải thưởng nhất về kịch bản chèo. Bằng những đóng góp của mình, năm 2007, tác giả Trần Đình Ngôn được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước và năm 2018, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Phần thưởng này là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với đóng góp của ông cho xã hội, đồng thời cũng là sự khẳng định hướng đi đúng đắn của Trần Đình Ngôn trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Các kịch bản chèo của Trần Đình Ngôn cho thấy, quá trình sáng tác của ông chia thành những giai đoạn sau:
Giai đoạn từ 1962-1980
Đây có thể được xem là giai đoạn khởi đầu sự nghiệp sáng tác của Trần Đình Ngôn. Năm 1963, Trần Đình Ngôn cho ra đời tác phẩm đầu tay là vở chèo Chị Dậu, được chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Tác phẩm không gây được tiếng vang, nhưng đã giúp Trần Đình Ngôn, định hướng đúng đắn cho việc học tập, nghiên cứu để rồi có được những bước đi một cách bài bản, thông qua các tác phẩm: Con gà chân chì, Tấm vóc đại hồng, Người Dao xuống núi, Lam Sơn tụ nghĩa, Hận tình biển cả... Đặc biệt, trong hai năm 1969 và 1970, Trần Đình Ngôn đã chuyển thể thành công vở Tấm vóc đại hồng (từ kịch bản của Trúc Đường) và Người Dao xuống núi (phỏng tác từ vở kịch nói Người anh hùng đất Thanh Y của Nguyễn Khắc Dực). Hai vở chèo này tham dự hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn miền Bắc năm 1970, đều gây được tiếng vang và đạt huy chương bạc.
Qua giai đoạn sáng tác theo phương thức phỏng tác, Trần Đình Ngôn đi sâu vào khai thác từ các mảng đề tài dân gian, lịch sử, danh nhân, dã sử và đề tài hiện đại. Thời kỳ này, ngòi bút của Trần Đình Ngôn đã có phần sắc sảo, đi vào những sự kiện, nhân vật của lịch sử dân tộc, những câu chuyện, vấn đề, trăn trở đang hiện diện trong đời sống đương đại. Sự nỗ lực lao động nghệ thuật đã mang đến cho ông những thành công đáng kể ở một loạt các vở diễn: Lam Sơn tụ nghĩa (1971), Đoàn chèo Hải Phòng, Đoàn chèo Thái Bình dựng biểu diễn; Một tấm lòng son (1971), Sở Văn hóa Hải Phòng xuất bản năm 1971; Ni cô Đàm Vân (1976), Đoàn Chèo Hải Phòng, Đoàn Chèo Hải Hưng, Đoàn Chèo Thái Bình, Đoàn Chèo Bắc Giang dựng biểu diễn…
Giai đoạn từ 1981-1995
Từ năm 1981-1995, Trần Đình Ngôn sáng tác khoảng 20 kịch bản với nhiều mảng đề tài từ dân gian, lịch sử, cho đến đề tài hiện đại. Dù ở mảng đề tài nào, Trần Đình Ngôn đều gặt hái được những thành công qua các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chèo toàn quốc. Tiếng hát Trương Chi (1981) là một kịch bản tiêu biểu của ông trong giai đoạn này. Ban đầu, kịch bản này được tác giả sáng tác cho kịch nói, Đoàn kịch Hà Nam Ninh dựng năm 1982. Năm 1998, tác giả chuyển thể sang chèo, được Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam tổ chức dàn dựng ghi hình, phát sóng (đạo diễn Chu Tuấn Nghĩa), năm 2008, Nhà hát Chèo Hà Tây dàn dựng (đạo diễn Lê Tuấn), năm 2019, Nhà hát Chèo Hải Dương dựng, tham dự Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc tại Bắc Giang (đạo diễn NSƯT Lê Tuấn Cường). Sau đó là vở Dòng lệ Tố Như được tác giả viết năm 1981 khi làm đạo diễn cho Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh.
Trong chuyến thăm bảo tàng Nguyễn Du và quê hương Tiên Điền, ngày 23-6-1981, Trần Đình Ngôn đã đặt bút sáng tác kịch bản Dòng lệ Tố Như. Vở chèo được Nxb Sân khấu xuất bản năm 1990; năm 1992, Đoàn kịch dân ca Nghệ Tĩnh dàn dựng, năm 2016, Nhà Hát Chèo Việt Nam dàn dựng. Toàn bộ vở diễn nói lên cuộc bể dâu của thi hào Nguyễn Du khi ông làm quan và những ngày đi sứ, phải chứng kiến những cảnh đời trái ngang, cơ cực và diễn tả cảm xúc trước Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân để rồi Nguyễn Du đã viết kiệt tác Truyện Kiều bất hủ. Cũng trong giai đoạn này, Trần Đình Ngôn còn sáng tác một số vở tiêu biểu như Lời sấm truyền từ quán Trung Tân (Đoàn chèo Hải phòng dàn dựng, Huy chương Bạc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, 1995); Duyên nợ ba sinh (Giải Nhì cuộc thi kịch bản của Bộ VHTT và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, năm 1994; Đoàn Chèo Bắc Thái dàn dựng được tặng huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995... Kịch bản được Nxb Văn học chọn in trong Tổng tập Văn học Việt Nam thế kỷ XX, 2007).
Lời sấm truyền từ quán Trung Tân là câu chuyện kể về cuộc đời đầy sóng gió của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ lúc đi thi đỗ đạt làm quan dưới triều nhà Mạc, sự kiện dâng sớ đòi chém 18 kẻ lộng thần, đến khi về ẩn cư tại Bạch Vân am. Vở chèo ca ngợi tài năng, nhân cách của con người khảng khái công, tư, hết lòng vì dân vì nước, nhưng lại không đủ thế lực để làm những việc chính đáng nhằm giữ vững nền thái bình thịnh trị.
Kịch bản Duyên nợ ba sinh được Trần Đình Ngôn phỏng theo truyện Nữ thần Vân Cát trong Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm. Nội dung vở chèo kể về chuyện tình chung thủy của chàng thư sinh Hoàng Lương với tiên nữ Quỳnh Nga. Lấp lánh sau câu chuyện như thực, như ảo là một tình yêu, một khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc đời thường nơi trần thế, dù phải trả giá bằng mấy kiếp người.
Giai đoạn sáng tác từ 1996-2015
Từ 1996-2015, Trần Đình Ngôn sáng tác trên 30 kịch bản, có thể nhận định rằng, thành công và hạn chế qua những vở trước cùng sự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu sâu về đặc trưng thể loại đã đem lại cho ông cách nhìn sâu sắc về nghệ thuật chèo truyền thống. Một số kịch bản tiêu biểu trong giai đoạn này như: Quả cau vàng, Trần Anh Tông, Trê cóc tranh con, Côn Sơn Hiền Sĩ, Những vần thơ thép.
Quả cau vàng được Trần Đình Ngôn viết năm 1996, trên cơ sở phóng tác theo truyện dân gian Nàng công chúa câm. Vở chèo được Đài truyền hình Việt Nam tổ chức dàn dựng, ghi hình và phát sóng năm 1996. Vở diễn được tặng Huy chương vàng trong Liên hoan Băng hình nghệ thuật toàn quốc; năm 1997, Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng và biểu diễn; năm 2016, Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc dựng, tham dự Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc tại Ninh Bình.
Quả cau vàng là một trong số vở đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả qua những lớp trò Ấm Phệ với người hầu, được tác giả kế thừa lớp hề theo thày trong chèo truyền thống, bên cạnh đó là những lớp người bán rượu, tên chăn ngỗng… Vở chèo cho thấy, tác giả đã kế thừa tinh thần lạc quan, tư duy lãng mạn, tính hài hước và sự phê phán nhẹ nhàng của chèo truyền thống.
Năm 1997, Trần Đình Ngôn viết vở chèo Trần Anh Tông cho Đoàn Chèo Nam Định dựng, vở đạt Huy chương vàng Hội diễn chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Nam Định năm 2000. Vở chèo được sáng tác dựa trên sự kiện ghi trong chính sử. Những hư cấu nghệ thuật của tác giả đã đắp thêm cho cấu trúc của vở chèo, nhằm làm sáng tỏ chủ đề, khiến người xem dễ dàng tiếp nhận bài học lịch sử rút ra từ vở diễn. Tác giả đã đề cập đến vấn đề quốc gia đại sự một cách tinh tế, nhẹ nhàng. Vở chèo đề cao nhân cách của vị vua trẻ luôn biết kế thừa truyền thống của liệt tổ, liệt tông, đồng thời cũng ca ngợi tài văn thao lược của nho sinh Đoàn Nhữ Hài. Để có được thành công trên, tác giả đã kế thừa nguyên tắc, tự sự, bút pháp tả ý, vận dụng kết hợp các yếu tố kỳ hóa, lãng mạn hóa, ước lệ và gia tăng tính xung đột kịch.
Vở Trê cóc tranh con được tác giả viết năm 2002, dựa theo truyện ngụ ngôn trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Vở diễn kể lại câu truyện trê nhận vơ đàn nòng nọc con nhà cóc là con mình, khiến cho cóc phải kiện lên quan để giành lại con.
Tác giả viết vở Trê cóc tranh con với một thông điệp: đất nước ta đang trên đường đi tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, chúng ta phải đấu tranh chống lại tệ nạn tham nhũng, lối sống vụ lợi ích kỷ dẫn tới những hành động lừa gạt, dối trá, thậm chí nhẫn tâm, tàn ác, chà đạp lên công lý và nhân phẩm con người. Trê cóc tranh con là vở chèo ngụ ngôn đầu tiên của tác giả, kế thừa phương pháp sáng tạo dựa trên chất liệu của những vở chèo truyền thống như: cấu trúc lớp trò, ngôn ngữ văn chương, xử lý làn điệu, tính kỳ hóa, hài hước hóa, huyền thoại hóa… mang lại ấn tương tốt cho khán giả. Những lớp diễn trên bờ, dưới nước được tác giả khắc họa một cách sinh động, tạo nên những lớp trò thú vị, làm thỏa mãn người xem.
Kịch bản Những vần thơ thép được tác giả viết năm 2005 (Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, đoạt Giải thưởng xuất sắc nhất Hội diễn chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005, tác giả được tặng Giải thưởng xuất sắc nhất). Chất thép trong thơ của Hồ Chủ tịch đã tạo cảm hứng để tác giả Trần Đình Ngôn viết nên vở chèo Những vần thơ thép, vở diễn đã để lại dấu ấn lớn trong sự nghiệp cầm bút của ông. Chủ đề tư tưởng vở diễn ca ngợi ý trí cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những ngày tháng bị giam cầm dưới chế độ Tưởng Giới Thạch, tuy thân thể bị giam cầm, nhưng với một ý chí thép, tinh thần lạc quan, tâm hồn thi sĩ, Người đã viết nên những vần thơ bất hủ, thấm đẫm tình người, tình đời, hết lòng vì nước vì dân. Những vần thơ thép được viết theo nguyên tắc tự sự của chèo truyền thống. Tác giả không chia màn lớp mà chia thành từng đoạn. Không gian sân khấu của mỗi đoạn được quy định một cách đại thể, không miêu tả chi tiết, để mở rộng thủ pháp ước lệ của nghệ thuật chèo.
Vở chèo Côn Sơn hiền sĩ được Trần Đình Ngôn viết năm 2006, theo đặt hàng của tỉnh Hải Dương. Vở chèo ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 560 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Vở diễn kể về những biến cố trước và sau khi Nguyễn Trãi về trí sĩ tại Côn Sơn. Bắt đầu từ việc ông can gián vua Lê Thái Tông cùng các quan trong việc chế định lễ nhạc đã tạo nên sự ghen ghét đố kị; việc vào cung, ở lại trong cung của Nguyễn Thị Lộ; rồi cuộc ghé thăm Côn Sơn, nghỉ tại Lệ Chi Viên của vua Lê… cho đến lúc Nguyễn Trãi phải bước lên đoạn đầu đài. Vở diễn ca ngợi tấm lòng khẳng khái, trí tuệ uyên bác, tài năng siêu việt, nhân cách cao đẹp, tận tụy suốt đời, hết lòng vì dân, vì nước của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Như vậy, trong thời gian từ 1996 đến 2015, Trần Đình Ngôn viết khoảng 30 vở diễn, thời điểm này là thời điểm tác giả viết sung sức nhất, ngòi bút đã đạt đến độ tinh tế nhất, qua cả một quá trình dài cầm bút từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Thành tựu của tác giả được khẳng định qua những liên hoan, hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc bằng những giải thưởng Huy chương vàng, bạc, Giải xuất sắc nhất các cuộc thi. Trần Đình Ngôn đã trung thành nguyên tắc kế thừa và biến đổi phương pháp sáng tác chèo truyền thống cho những tác phẩm của mình.
Qua một số sáng tác của Trần Đình Ngôn trong những giai đoạn trên cho thấy, tác giả đã sáng tác trên tinh thần kế thừa và biến đổi truyền thống. Từ cấu trúc kịch bản, ngôn ngữ văn chương, xung đột kịch đến các nhân vật của vở Dòng lệ Tố Như đều được tác giả Trần Đình Ngôn tuân thủ phương pháp tự sự của chèo truyền thống. Các lớp diễn được bố cục tương đối chặt chẽ, ngôn ngữ văn chương giàu chất thơ, làn điệu được kế thừa và biến đổi tinh tế, phù hợp với từng nhân vật của vở diễn. Tính kịch trong vở diễn được phát huy. Chủ đề tư tưởng được thể hiện rõ. Phương pháp sáng tác kế thừa và biến đổi được thể hiện rõ nét, tính kỳ được phát huy trong các lớp diễn.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, tác giả cũng có những hạn chế nhất định. Có vở, tác giả quá lạm vào văn chương nên tính kịch còn bị xem nhẹ, đối thoại còn dài, thiếu hành động sân khấu. Việc đặt làn điệu cho nhân vật còn hạn chế, đôi chỗ thoại chay còn nhiều, thiếu chất thơ. Vở Tiếng hát Trương Chi mặc dù đã tạo được cảm xúc sâu lắng, nhưng vẫn chưa thực sự thuyết phục về cấu trúc nội dung khi tác giả để cho Trương Chi vì không được hát mà tự trẫm mình xuống đáy sông. Mặt khác, ngôn ngữ văn chương của vở diễn còn nặng về văn xuôi, thiếu chất thơ. Bên cạnh đó, làn điệu truyền thống sử dụng trong vở này cũng chưa thực sự hiệu quả. Nhân vật Hoàng Công Tử không có một bài hát chèo nào, có những đoạn phải xử lý ca khúc (tác giả phải đề dẫn là sáng tác ngoài). Điệu hát cho từng nhân vật chưa thực đắc địa.
Vì tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp tự sự trong sáng tác cho nên ở cảnh kết vở chèo Côn Sơn hiền sĩ, sự kiện kịch đáng phải được diễn ra thì tác giả lại dùng vài lời dẫn để kết vở, trong khi sự kiện kết thúc là rất quan trọng đối với chủ đề của vở diễn.
Có thể nói, với hơn 100 vở chèo được sáng tác qua các thời kỳ, mặc dù còn những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, nhưng không thể phủ nhận một điều, Trần Đình Ngôn đã làm nên dấu ấn nghệ thuật và khẳng định được vị trí cao trong nền nghệ thuật chèo Việt Nam.
Tác giả: Lê Tuấn Cường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020