Kéo vợ (tiếng Mông là Chang pò nỉa) là tập tục tồn tại từ lâu đời, phổ biến trong hôn nhân của tộc người Mông. Đó là hoạt động của một nhóm người nam thanh niên dùng sức khỏe để bắt một cô gái với mục đích về làm vợ cho một người trong nhóm đó.
Hôn nhân truyền thống của người Mông ngoài tục cưới hỏi do cha mẹ nhờ người làm mai mối, còn có tục kéo vợ. Về bản chất, đây là hành động phản kháng của đôi trai gái đối với cha mẹ hai bên. Vì trước đây hôn nhân của con cái là do cha mẹ sắp đặt, trai gái đến tuổi kết hôn không có quyền quyết định lựa chọn bạn đời. Tục kéo vợ xuất hiện hai trường hợp sau: “Kéo giả” là trường hợp đôi trai gái yêu nhau nhưng không được cha mẹ của một hoặc cả hai bên đồng ý, họ thỏa thuận ngầm với nhau tổ chức kéo vợ, nên khi bị kéo, cô gái chỉ giả vờ giẫy giụa, la hét một cách hình thức, rồi ngoan ngoãn theo chàng trai về nhà; “Kéo thật” thường diễn ra trong hoàn cảnh con trai thích, nhưng con gái không đồng ý, nên chàng trai nhờ anh em, bạn bè giúp kéo hoặc dùng quyền thế để cưỡng ép. Trong trường hợp này, cô gái tìm mọi cách để thoát thân trên đoạn đường đi về nhà chàng trai, nếu để kéo về đến nhà, sẽ bị người nhà chàng trai làm thủ tục “nhập ma cửa” (tiếng Mông là Lử cáy), là nghi thức nhập hồn cô gái vào ma tổ tiên, trở thành người của dòng họ chàng trai. Nghi thức này thường do một người đàn ông là bố hoặc chú, bác của chàng trai tiến hành. Khi cô gái được đưa đến trước cửa nhà chính, người nhà trai sẽ bắt một con gà trống có mào đỏ, đẹp, rồi quay nhiều vòng trên đầu cô gái theo chiều kim đồng hồ (hướng quay vòng ra ngoài cửa, với ý nghĩa gột rửa hồn ma cô gái trước khi vào nhà), vừa quay gà vừa khấn: “Hôm nay là ngày/tháng/năm, dòng họ (đọc tên dòng họ nhà chàng trai) có nhận một cô gái làm thành viên, làm dâu, nhưng không nhận tất cả những gì đi theo cô gái này gồm: hồn ma của dòng họ của cô ấy, cái xấu, cái xúi quẩy, bệnh tật của cô ấy, xua hết ra ngoài”. Rồi tiếp tục cầm gà quay ngược chiều kim đồng hồ (hướng quay vòng vào trong nhà, với ý nghĩa là nhập đón hồn cô gái), vừa quay gà vừa khấn: “Hôm nay là ngày lành, tháng tốt, dòng họ (đọc tên dòng họ nhà chàng trai) đón được cô dâu về, từ nay dòng họ có thêm thành viên mới, cô dâu trở thành người của ta, sau này có bỏ đi đâu thì vẫn là ma của họ này”. Do người Mông rất coi trọng “ma cửa” (theo quan niệm dân gian của đồng bào là thần cai quản, canh giữ, bảo vệ cho gia đình), nên với những cô gái đã bị làm nghi thức “nhập ma cửa”, thì không còn là người của dòng họ bên bố mẹ đẻ nữa, có bỏ về nhà cũng không được bố mẹ chấp nhận và được cộng đồng xem là có một đời chồng.
Để thành vợ chồng chính thức, sau thủ tục kéo về nhà và cúng “nhập ma cửa”, cô gái sẽ ở lại nhà chàng trai đến buổi sáng ngày thứ 3. Trong thời gian này, cô gái chỉ được ra vào nhà bằng cửa phụ, không được bước qua cửa nhà chính. Nhà trai sẽ nhờ người đánh tiếng cho cha mẹ cô gái biết rằng, con gái mình đã bị người nhà dòng họ đó kéo về làm vợ rồi, để yên tâm không phải đi tìm và chuẩn bị tinh thần đến ngày thứ 3 nhà trai sang báo cáo chính thức.
Sau khi kéo vợ về, đến sáng ngày thứ 3, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ chú, bác, cô trong dòng họ, cùng đôi vợ chồng sang nhà gái, khi đi đoàn nhà trai sẽ mang lễ là vài gói thuốc lào để “làm lý” (như miếng trầu của người Kinh), còn chàng rể mang theo đôi gà trống. Khi đến gần nhà gái, thì cặp vợ chồng sẽ vào nhà trước, để báo cáo với bố mẹ vợ. Nếu nhà gái đồng ý với hôn sự, thì sẽ cho chàng trai bước qua cửa chính vào nhà, mổ đôi gà mang theo làm cơm, lúc này chàng rể sẽ báo cho đoàn mình biết nhà gái đã đồng ý để họ vào nhà nói chuyện (nếu không đồng ý, đoàn sẽ trở về luôn). Tiếp đoàn nhà trai gồm có bố, mẹ, ông cậu của dòng họ nhà gái (đã được bố mẹ cô gái nhờ giúp). Lúc này đoàn nhà trai sẽ lấy thuốc lào ra mời ông cậu và bố cô gái hút, rồi đặt vấn đề thỏa thuận lễ thách cưới, bàn ngày giờ tổ chức lễ cưới, sau đó sẽ cùng ăn bữa cơm tại gia đình nhà gái.
Kéo vợ còn xuất hiện tình huống nhà trai không đồng ý với cô dâu do con mình kéo về. Trường hợp này, để đến được với nhau, chàng trai sẽ nhờ chú, bác hay là một người đàn ông đã có gia đình trong dòng họ mình giúp đỡ. Để khi kéo vợ về, thì đến thẳng nhà người đó (không về nhà bố mẹ mình), nhờ họ làm thủ tục “nhập ma cửa”, người Mông có sự cố kết dòng họ rất mạnh mẽ, đồng bào quan niệm “cùng họ, cùng ma” là anh em, có thể chết trong nhà nhau, nên sống là phải giúp đỡ nhau. Cũng có trường hợp cô gái bị “lừa”, trong nhóm thanh niên kéo mình, có người mình thích, nhưng khi đưa về, lại là vợ của người khác. Còn có trường hợp người có vợ rồi, mà tiếp tục kéo thêm vợ về, trong tình huống này, phải được người vợ hiện tại đồng ý cho làm thủ tục “nhập ma cửa”, còn không thì phải thả cô gái đó về.
Tục kéo vợ thường diễn ra vào mùa xuân. Vì đây là thời điểm nông nhàn, mọi người được nghỉ ngơi, khắp nơi tổ chức lễ hội, trai gái vui chơi du xuân, mặc trang phục rất đẹp. Từ ngày mồng 2 Tết âm lịch cho đến khoảng rằm tháng Giêng, các chàng trai người Mông sẽ du xuân khắp nơi, họ đi từ vùng này sang vùng khác để tìm bạn đời. Vì thế vào dịp Tết, các chàng trai chưa vợ thường được chúc: “Năm nay đi chơi xuân có thêm người, có đôi, có cặp”. Độ tuổi của người tham gia tục kéo vợ là thanh niên, nam khoảng từ 16 tuổi, nữ từ 14 tuổi trở lên, là lứa tuổi đã phát triển tâm sinh lý, có tình cảm với người khác giới, biết yêu đương.
Nguyên nhân dẫn đến tục kéo vợ, trước hết là vấn đề kinh tế, do quá nghèo nên nhà trai không đủ tiền của để trả lễ thách cưới cho nhà gái, để được ở bên nhau, cô gái đồng ý cho chàng trai kéo về trước, khi đó giá trị của cô gái sẽ bị giảm xuống. Vì không thể gả cho ai khác nữa, nên lễ thách cưới cũng sẽ giảm đi. Trước đây, lễ thách cưới của người Mông rất cao, thường là 1-2 con trâu/bò, 1 con lợn to, bạc già, gạo, rượu, váy áo... (giá trị tính thành tiền lên đến vài chục triệu thậm chí hàng trăm triệu đồng). Do hôn nhân truyền thống có tính chất “gả bán”, “mua dâu” (tức là với nhà gái là bán con gái, còn với nhà trai là mua người). Có trường hợp kéo vợ về hàng chục năm sau vẫn chưa tổ chức đám cưới, vì nghèo quá, không có tiền trả lễ thách cưới cho nhà gái. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự tồn tại của tục kéo vợ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc Mông. Các bậc cha, mẹ vẫn ngầm đồng ý cho con cái tự ý kéo vợ và tổ chức đám cưới cho đôi trẻ.
Tục kéo vợ đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống người Mông. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lợi dụng tục kéo vợ một số gia đình cường hào, có quyền thế, đã cưỡng ép những cô gái mình ưng để về làm vợ. Thực tế này được phản ánh sâu sắc trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến những thập niên 80 của TK XX, tục kéo vợ vẫn diễn ra phổ biến, nhưng tình trạng lợi dụng quyền thế để cưỡng ép phụ nữ Mông làm vợ hầu như không còn. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nên tục kéo vợ cũng giảm dần. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay, tập tục này vẫn tồn tại trong đời sống tộc người Mông. Gần đây tục kéo vợ tiếp tục được tái hiện trong bộ phim Lặng yên dưới vực sâu của đạo diễn Đào Duy Phúc, dựa trên truyện cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Trong thời gian qua, ở một số địa phương có đồng bào dân tộc Mông, tình trạng kéo vợ có những diễn biến phức tạp, nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải video phản ánh những vụ việc xảy ra, gây nên bức xúc trong dư luận xã hội, mà không có sự can thiệp của các cơ quan, đơn vị quản lý.
Xét từ góc độ văn hóa, kéo vợ là một tập quán hôn nhân trong đồng bào dân tộc thiểu số, chứa đựng những giá trị nhân văn nhất định. Tuy nhiên về mặt quản lý xã hội, kéo vợ là hủ tục trong hôn nhân, trái với quy định luật pháp, vi phạm quyền tự do cá nhân đặc biệt đối với nữ giới. Họ bị cưỡng ép ở với một người chồng mà không có tình cảm, nhưng không thể giải thoát bản thân do niềm tin tâm linh, định kiến xã hội đã trói buộc nhiều cô gái phải chấp nhận cuộc hôn nhân ngoài ý muốn. Bởi họ tin rằng sau thủ tục “nhập ma cửa” là thành ma, thành vợ nhà người ta, nên có người đành chấp nhận ở với người chồng mà không có tình yêu, nhưng cũng có trường hợp cô gái giải thoát minh bằng cách tự vẫn. Tục kéo vợ dẫn đến nhiều hệ lụy như: gia đình không hạnh phúc, nạn tảo hôn, vấn đề bất bình đẳng giới... Đã có những vụ việc, các ngành chức năng lập thành vụ án hình sự và xét xử với các tội danh như bắt cóc phụ nữ, quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên (trường hợp cô dâu chưa đủ 16 tuổi), hoặc vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, do cha mẹ cưới tảo hôn cho con cái, khi cặp vợ chồng chưa đủ tuổi kết hôn.
Để các chàng trai, cô gái Mông bước vào hôn nhân trên cơ sở tự nguyện, xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc bền vững, các bậc làm cha, mẹ người Mông không còn lo lắng mỗi khi con gái của mình du xuân, chơi hội, thiết nghĩ, các cấp, các ngành chức năng, các địa phương nơi có đông đồng bào Mông sinh sống cần có giải pháp can thiệp, vận động xóa bỏ tục kéo vợ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, để người dân nắm được quy định và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, từng bước thay đổi hành vi, từ bỏ tục “kéo vợ” và các hủ tục lạc hậu trong đời sống, cùng chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tiến bộ.