Kế thừa, phát triển chèo truyền thống trong xây dựng cốt truyện "Bài ca giữ nước"

Cốt truyện đóng vai trò then chốt trong văn học tự sự và tác phẩm sân khấu, như một nhà phê bình đã nói: “Không có cốt truyện tức là không có chuyện, thì không có gì mà kể”. Như vậy, giá trị nội tại của cốt truyện nằm ở chỗ khả năng dung chứa hàng loạt sự việc và hành động của con người với quá trình phát triển tâm lý, tính cách trong những mối liên hệ qua lại với nhau ở một khung cảnh hay giai đoạn xã hội nào đó. Qua đó, bức tranh chân thực, đa sắc, đa thanh về cuộc sống được phản ánh, bộc lộ rõ nét và sinh động. Trong tài sản vô giá của văn học nghệ thuật Cách mạng Việt Nam, bộ ba chèo Bài ca giữ nước của cố NSND Tào Mạt luôn có một vị thế trang trọng bởi vẻ đẹp trọn vẹn, sáng ngời của tầm vóc tư tưởng quyện hòa với chất hào hoa, lịch lãm, tính chỉnh thể thống nhất trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện.

“Có tích mới dịch nên trò” nên bất cứ người sáng tác chèo khi bắt tay viết một kịch bản thì mối quan tâm đầu tiên và xuyên suốt quá trình sáng tạo là xây dựng cốt truyện. Cùng lấy cơ sở cốt truyện là những mâu thuẫn trong cuộc sống nhưng xây dựng cốt truyện trong kịch bản sân khấu kịch nói rất khác với xây dựng cốt truyện trong kịch bản chèo. Sự khác nhau ấy do phương thức phản ánh hiện thực và phương pháp sáng tác của mỗi thể loại quy định, chi phối. Phương thức phản ánh hiện thực của sân khấu kịch nói là tả chân (tả thực) còn phương thức phản ánh hiện thực của sân khấu chèo là tả ý. Phương pháp sáng tác của chèo là phương pháp sáng tác huyền thoại - dân gian nên cốt truyện trong kịch bản chèo có những đặc điểm riêng. Tác giả Trần Việt Ngữ cho rằng các tích chèo (cốt truyện trong kịch bản chèo), có ba đặc điểm cơ bản: các tích chèo là những câu chuyện hoàn chỉnh, khi xem xong khán giả có thể kể lại dễ dàng; đều mang kết thúc có hậu, với tính khuynh hướng rõ ràng; thường là những tấm gương tốt hay xấu về đạo đức, mang tính khuyên giáo, được đông đảo người xem tán thưởng, đồng tình (1).

Tác giả Trần Đình Ngôn đã bổ sung thêm hai đặc điểm nữa, đó là: các tích chèo phải là những câu chuyện có tính kỳ trong sự kiện tình tiết hay trong tính cách nhân vật; phải là những chuyện mà các sự kiện tình tiết, nhân vật có thể diễn lại bằng phương pháp nghệ thuật của chèo, nghĩa là bằng hình thức kịch hát, với những nguyên tắc, thủ pháp tự sự, ước lệ, cách điệu, mô hình hóa, đặc biệt, có thể tạo nên tiếng cười. Cũng theo Trần Đình Ngôn, “phải có đủ năm đặc điểm kể trên, cốt truyện mới có thể dựng nên thành kịch bản chèo và vở diễn chèo” (2).

 Bộ ba chèo Bài ca giữ nước của tác giả Tào Mạt đã hội tụ đủ đầy, thỏa mãn được năm điều kiện cần có của cốt truyện chèo truyền thống; hơn thế, các cốt truyện đã được tác giả tìm tòi, khai thác và trau chuốt một cách kỹ lưỡng, tài hoa để khi được thể hiện trên sàn diễn, qua nghệ thuật diễn kể của người nghệ sĩ với những phương thức và thủ pháp nghệ thuật của nghệ thuật chèo truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại thì trở nên lung linh, huyền ảo, có sức hấp dẫn lạ thường. Tuân thủ nguyên tắc lấy yếu tố tự sự làm chủ đạo trong toàn bộ tác phẩm, NSND Tào Mạt đã khéo léo làm cho chất tự sự tỏa rộng, ngấm sâu vào từng tình tiết, từng tuyến cốt truyện nhỏ của vở diễn. Đồng thời, yếu tố tự sự ấy có quá trình phát triển logic, đạt đến trình độ tổng hợp, hòa quyện một cách nhuần nhuyễn với các yếu tố kịch trữ tình.

Biểu hiện của việc Tào Mạt kế thừa nguyên tắc tự sự của chèo truyền thống trước hết nằm ở cấu trúc tổng thể của bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước và trong từng vở. Toàn bộ bộ ba vở chèo này là một câu chuyện lịch sử qua hai đời vua (từ Lý Thánh Tông đến Lý Nhân Tông), các sự kiện được kể theo trật tự thời gian, từ tập đầu cho đến tập cuối có sự tiếp nối liên hoàn. Có thể xem tập một (Lý Thánh Tông chọn người tài) như màn “giáo đầu” của một vở chèo lớn là Bài ca giữ nước, trong đó, việc giới thiệu các nhân vật, sự kiện như là nguyên cớ dẫn dắt tới các sự kiện ở các tập tiếp theo. Trong tập đầu này, câu chuyện kể khá đơn giản, mới có nhân vật và sự kiện, yếu tố kịch tính (xung đột) chưa rõ nét; câu chuyện kể bắt đầu từ sự kiện vua Lý Thánh Tông đến thăm chùa Dâu, tình cờ gặp cô thôn nữ tên Gái, hát hay, đối đáp giỏi, thể hiện một trí tuệ thông minh khác lạ, vậy nên nhà vua “đón nàng về làm bầu bạn lo việc nhà, việc nước” (3). Cũng trong tập này, chuyện còn kể về xuất xứ, thân phận của anh Hề Hoạn, nguyên nhân anh Hề được hoàng hậu đưa vào cung; xuất hiện trong câu chuyện kể còn có nhiều nhân vật và sự kiện khác nữa, như: Hoàng hậu Thượng Dương, quan Thái sư Lý Đạo Thành, quan Thái úy Lý Thường Kiệt, lái buôn Tống, cô Trinh - những nhân vật và sự việc chính, sẽ là các yếu tố quan trọng trong câu chuyện tiếp theo ở tập hai.

Bước sang tập hai, Ỷ Lan coi việc nước, câu chuyện tiếp tục kể về cuộc sống của cô Gái ở chùa Dâu, nay đã là Hoàng phi Ỷ Lan, dù xuất thân từ tầng lớp thường dân, nhưng giỏi việc nước, đảm việc nhà, tài đức vẹn toàn. Trong tập này, kịch tính đã nâng lên, với sự xuất hiện và diễn biến dồn dập của các sự kiện: Hoàng phi Ỷ Lan đi trừng trị bọn tham quan, lột mũ áo quan Tri châu; trong khi đó ở nhà Thị Lộc theo lệnh của hoàng hậu Thượng Dương làm phép yểm bùa để vu oan cho Ỷ Lan có ý định hại vua, rồi Thị Lộc tự tử; nhà vua đi dẹp loạn ở miền trong ra, giao quyền cho Hoàng phi Ỷ Lan xét xử những kẻ phản nghịch làm điều ác; Ỷ Lan tha tội cho hoàng hậu.

Tập ba vừa là sự tiếp nối của câu chuyện của hai tập trước, vừa có sự phát triển về cốt truyện, mở rộng nhân vật trung tâm, tư tưởng chủ đạo được đề cao trong tập này là “đạo làm Vua”. Câu chuyện chủ yếu kể về nhân vật Lý Nhân Tông học đạo làm vua từ mẹ (hoàng Thái hậu Ỷ Lan), từ những người dân lao động lương thiện như: hai chú cháu Mục Thận, Ngọc Hoa, cô cung nữ, Diệu Tính, Hề Già... Ở tập ba, kịch tính tiếp tục được đẩy lên và đạt tới đỉnh điểm ở màn Chôn hề gây chấn động nhân tâm...

Ở bộ ba chèo Bài ca giữ nước, tác giả Tào Mạt cho thấy yếu tố tự sự không chỉ đơn giản là kể chuyện mà trong câu chuyện ấy, các sự kiện chủ chốt đã xuyên suốt ba vở, trong đó, phải kể đến là có những sự kiện có thật trong lịch sử, một số sự kiện là hư cấu nghệ thuật.

Về thực chất, cấu trúc tự sự của bộ ba chèo Bài ca giữ nước thể hiện rõ nét nhất ở chỗ đây là câu chuyện kể về số phận nhân vật, cụ thể là về các nhân vật Ỷ Lan, Hề Hoạn - Hề Già và Lý Thường Kiệt. Ba nhân vật này xuất hiện xuyên suốt cả ba vở, là trung tâm của các sự kiện, có số phận đặc biệt, có tính cách nổi bật, có sự ảnh hưởng rất lớn tới diễn biến các sự kiện kịch. Và trên hết, họ là các nhân tố chuyển tải chủ đề tư tưởng của tác phẩm, là nơi tác giả Tào Mạt đã gửi gắm tất cả tư tưởng, tình cảm và ước vọng.

Trong bộ ba chèo Bài ca giữ nước, bên cạnh tính tự sự là chủ đạo, còn có tính trữ tình và tính kịch khá rõ nét. Điều này cho thấy, tác giả Tào Mạt đã kế thừa trọn vẹn nguyên tắc tự sự của nghệ thuật chèo truyền thống. Nhưng trong khi kế thừa những nguyên tắc nghệ thuật của các thế hệ đi trước, với tài năng của mình, Tào Mạt đã làm sâu sắc hơn, nổi bật hơn và quán triệt hơn ở toàn bộ các bộ phận, các chi tiết, các thành phần trong vở diễn. Chính vì thế, người xem có cảm nhận bộ ba chèo Bài ca giữ nước rất mới, rất hiện đại nhưng lại rất chèo, rất đúng với cái tinh túy, hồn phách của chất chèo truyền thống.

Cần thấy, chất tự sự trữ tình không chỉ nằm ở cốt truyện, ở cách tác giả kể chuyện trong ba vở chèo liên hoàn, mà chất tự sự trữ tình còn nằm trong nhiều câu nói, lời hát của nhân vật. Điển hình như trong vở Ỷ Lan coi việc nước (Nhiếp chính Ỷ Lan), tác giả Tào Mạt đã để cho Hoàng phi Ỷ Lan có riêng một cảnh khá dài để bộc bạch nỗi lòng đầy những ưu tư... Đó là lúc Hoàng Phi Ỷ Lan mới đi dẹp loạn ở phía Bắc về, nghe tin mình bị vu oan là bỏ bùa yểm vua, Thị Lộc sợ tội nên đã tự vẫn, trong khi đó, nhà vua lại đang đưa quân đi đánh giặc ở miền trong... Đó là cảnh vào đêm trên ngọc điện, Ỷ Lan trong tâm trạng mong ngóng nhà vua về để “phán xử phân minh”, lòng buồn trước nỗi oan vô cớ vận vào mình, nghĩ về nỗi khổ của người làm vua, tơ lòng bối rối... nhưng bằng sự kiên trung như nhất, Hoàng phi vẫn khẳng định sự trong sạch của mình như “nước hồ trong vắt”, vẫn một lòng tin tưởng vào chữ nhân, chữ nghĩa... (4).

Cái tính kịch của bộ ba chèo Bài ca giữ nước có chiều hướng gia tăng qua mỗi vở diễn, từ tập một đến tập ba. Về sự gia tăng xung đột kịch qua các tập, có thể thấy có nhiều nét tương đồng với vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Đây là những xung đột trong từng sự kiện, hay trong một vài tính cách nhân vật, chứ không phải là thứ xung đột xuyên suốt, quán xuyến toàn vở như kiểu xung đột của vở kịch nói.

Yếu tố hiện đại trong cách xây dựng cốt truyện của bộ ba chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt phản ánh một đặc điểm chung của các vở chèo hiện đại, đó là vở chèo có kịch bản hoàn chỉnh, cố định, không có chỗ cho nghệ thuật ứng diễn của diễn viên như trong các vở chèo cổ. Đây là một sự thay đổi rất lớn trong quá trình phát triển của chèo từ truyền thống đến hiện đại. Chúng ta đều biết, kịch bản của một ở chèo xưa thực chất chỉ là thân trò, tích trò, khi đem diễn ở sân đình, dựa trên cái thân trò ấy, các nghệ sĩ chèo dân gian với khả năng sáng tạo tài tình, đã vận dụng nghệ thuật ứng diễn trong quá trình ra vai, mới có được một vở chèo hoàn chỉnh, một đêm diễn hoàn chỉnh. Tính tích diễn và tính ứng diễn là hai đặc tính có liên quan mật thiết với nhau trong nghệ thuật chèo truyền thống.

Trở lại với vấn đề cốt truyện, bộ ba chèo Bài ca giữ nước gồm ba vở: Lý Thánh Tông chọn người tài, Ỷ Lan coi việc nước, Lý Nhân Tông học làm vua có nội dung liên hoàn nối tiếp nhau, phản ánh một giai đoạn lịch sử nhiều biến cố, đầy kịch tính, thuộc triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Toàn bộ nội dung của ba vở làm nên một câu chuyện kể hoàn chỉnh có mở đầu, có kết thúc, các sự kiện diễn ra theo trình tự thời gian, càng về sau tính xung đột kịch càng tăng, tạo nên sức hấp dẫn, sức lan tỏa ngày càng lớn... Có được sức hút ấy là nhờ vào tài khéo “sắp trò” của tác giả và tài năng diễn kể của các nghệ sĩ sắm vai... Kế thừa tính tự sự trữ tình của nghệ thuật xây dựng cốt truyện chèo truyền thống - nghệ thuật kể chuyện có sự gia tăng tính kịch kết hợp với yếu tố hiện đại trong bộ ba chèo Bài ca giữ nước, NSND Tào Mạt đã mở ra một lối đi mới, một cách thức mới, một dấu ấn rất riêng trong nghệ thuật sáng tạo tác phẩm chèo, đồng thời đánh thức được hồn quê trong cõi sâu tiềm thức mỗi con người trong nhịp sống hiện đại. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu sâu sắc văn hóa Việt Nam, tình yêu bộ môn nghệ thuật chèo cháy bỏng của người nghệ sĩ tài hoa Tào Mạt. Sức gợi, tiếng vọng sau câu chữ, sau tích chuyện, sau lời ca mãi ngân vang trong lòng người yêu chèo Tào Mạt nói riêng và chèo Việt Nam nói chung. Nói theo cách nói của Lê Đạt, tự bản thân nghệ thuật xây dựng cốt truyện tài hoa, thần tình trong bộ ba chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt đã bầu ông trở thành nhà soạn giả chèo hàng đầu Việt Nam TK XX.

_______________

1. Trần Việt Ngữ, Cách viết một vở chèo, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1994.

2. Trần Đình Ngôn, Nghệ thuật viết chèo, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2008, tr.51.

3. Tào Mạt, Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2003.

4. Tuyển tập Chèo cổ, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 1990, tr.379-380.

5. Trần Việt Ngữ - Hoàng Kiều, Bước đầu tìm hiểu tiếng cười trong chèo cổ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Nga

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018

 

;