Jataka hay Truyện tiền thân của Đức Phật, được kiết tập dưới hình thức kinh điển Phật giáo. Sự ảnh hưởng, truyền bá của Jataka lan tỏa sâu rộng trên phạm vi thế giới. Jataka thuộc hệ thống kinh điển Phật giáo, phát triển ở cả hai hệ phái Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Nếu Bắc tông chỉ chấp nhận đây là những câu chuyện về tiền thân Đức Phật thì Nam tông lại công nhận nó là một bộ phận của Kinh tạng. Số lượng 547 mẫu điển truyện kể dân gian được các đệ tử của Đức Phật tập hợp, biên soạn, hoàn thiện qua nhiều thế kỷ là minh chứng cho tầm quan trọng của Jataka trong công cuộc truyền bá Phật giáo.
Đề cao trí tuệ, thân gần bậc thiện tri thức
Luận tạng đưa ra nhiều định nghĩa về Jataka, nổi bật như: “Jakata là nhân việc hiện tại mà nói về việc quá khứ” (1). “Phần trình bày về thế tôn trong đời quá khứ, thực hành hạnh Bồ tát, thực hành hạnh khó thực hành, đó gọi là bổn sinh” (2). Jataka là minh họa sinh động cho những chiêm nghiệm thâm sâu về quy luật tự nhiên, về sự vô thường của kiếp nhân sinh, những chuyển biến hướng thiện trong hành trình giác ngộ Phật pháp. Từ góc nhìn Jataka, qua bốn chủ đề chủ đạo, cuộc sống an vui sẽ được lý giải từ sự ứng dụng của hành trình tu đạo.
Không chỉ Jataka mà toàn bộ hệ thống kinh điển Phật giáo đều khuyến khích con người phát huy trí tuệ, thân gần bậc thiện tri thức, bởi đây chính là một điều kiện để thiết lập nên hệ thống đạo đức Phật giáo.
Jataka số 46 kể rằng: “Người làm vườn nhờ khỉ chúa tưới nước cho cây non trong vườn. Nó muốn làm tốt cả hai việc: tưới cây và tiết kiệm nước nên dặn đàn khỉ trước khi tưới, phải nhổ cây lên xem. Cây rễ nhiều thì tưới nhiều nước và ngược lại. Bồ tát đi ngang, thấy lạ, rồi biết được sự chỉ dẫn của khỉ chúa. Ngài cảm thán: “Ôi! Những kẻ ngu si vô trí, dầu muốn làm điều tốt, lại làm điều có hại” (3). Qua đó cho thấy con người thiếu hiểu biết, trí tuệ thấp kém sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Rõ ràng là khỉ chúa rất nhiệt thành, sẵn lòng giúp đỡ, nhưng vì thiếu kỹ năng nên lòng tốt lại trở thành tai họa.
Thân gần với bậc thiện tri thức là quan hệ cần thiết lập trong cuộc sống, Jataka số 33 giảng giải rất thuyết phục: “Trong một kiếp luân hồi, tiền thân đức Phật là con chim cút đầu đàn. Một gã thợ săn biết giả giọng chim nên đã tìm được tổ chim. Nhiều con chim sa lưới. Chim cút đầu đàn nghĩ cách thoát thân, mỗi con chim sẽ chui đầu vào một mắt lưới, cả đàn hợp sức nhấc bổng tấm lưới bay lên rồi thoát ra ngoài từ cửa lưới bên dưới. Đàn chim nhiều lần thoát nguy. Nhưng một ngày, chúng mâu thuẫn bất hòa. Chim đầu đàn nhận thấy hiểm họa bị tiêu diệt vì mất đoàn kết. Nó thuyết phục đàn chim di cư đến nơi an toàn. Số con chim ở lại vẫn tiếp tục tranh cãi. Kết cục là chúng bị tóm gọn khi đang cãi nhau” (4) Bồ tát, chim cút đầu đàn, chính là một bậc đại hiền, trí tuệ mẫn tiệp. Câu chuyện đã minh chứng cho chủ đề sự kết thân, làm theo lời bậc hiền giả.
Nếu năng lực tư duy, trí tuệ thấp kém, con người sẽ không có được lựa chọn tốt hay định hướng đúng trong cuộc sống. Bằng sự dẫn dắt của trí tuệ và một trái tim vị tha bao dung, hãy mở lòng cho đi để nhận về niềm vui sống.
Trách nhiệm với cuộc sống
Nhận thức trách nhiệm đối với cuộc sống là vấn đề cốt yếu, bởi nó đề cập đến mọi phương diện sống từ trách nhiệm với bản thân, với gia đình thân quyến đến các mối quan hệ xã hội của con người. Trong hành trì tu đạo của mình, Đức Phật không cầu hạnh phúc cho riêng mình mà quyết chí từ bỏ ngai vàng, gia đình để cầu tìm an lạc, giải thoát cho chúng sinh. Đức Phật từ bỏ để rồi tìm được tinh hoa Tứ diệu đế, đưa chúng sinh đến cõi niết bàn an vui, cực lạc.
Nổi bật trong những bài học xử thế của Jataka là bổn phận hiếu kính cha mẹ, đạo nghĩa vợ chồng, tình bạn chân thành, sự bình đẳng không kỳ thị đối với phận người thấp kém.
Những câu chuyện về lòng hiếu thảo trong Jataka được coi là điển mẫu giáo dục nhân cách. Jataka số 222 là một minh chứng: “Hai anh em khỉ nuôi khỉ mẹ bị mù. Chúng tìm nơi trú ngụ an toàn cho khỉ mẹ. Hằng ngày, chúng kiếm trái cây ngon nhờ gửi về nhưng khỉ mẹ không nhận được. Về thăm, thấy khỉ mẹ gầy ốm tiều tụy, anh em khỉ vô cùng xót thương. Chúng bỏ đàn về phụng dưỡng mẹ. Một ngày, có gã thợ săn đi ngang, giương cung bắn khỉ mẹ. Hai anh em khỉ xin được thế mạng thay mẹ. Nhưng gã thợ săn bội tín đã bắn chết cả 3 mẹ con khỉ. Nhân quả nhãn tiền, vợ con gã bị sét đánh chết tại nhà. Còn gã cũng không thoát khỏi báo ứng, bị một cây cột rơi xuống, vỡ đầu” (5). Cái chết của hai anh em khỉ thể hiện đức hạnh cao nhất của nhà Phật là phẩm bố thí, sẵn sàng hy sinh thân mạng để bảo toàn mạng sống của đấng sinh thành.
Những câu chuyện tiền kiếp, xâu chuỗi trong Jataka số 536 cho một bài học: hãy suy ngẫm thấu đáo về sự vị kỷ, cá nhân, bởi đây sẽ là nguyên cớ của bất hòa, chia rẽ, là mầm mống của tự hủy diệt. Hai bộ tộc Sakya và Kolya sử dụng chung nước dòng sông Rohini. Việc tranh chấp xảy ra khi lúa trổ bông vào mùa nắng hạn. Bên nào cũng muốn giành nguồn nước, rồi từ tranh cãi dẫn đến xung đột quân sự. Đức Phật nhập định, thấy được diễn tiến câu chuyện, Ngài xuất hiện và hỏi: “Nước sông vô giá hay mạng người vô giá?”. Rồi Ngài kể năm câu chuyện tiền thân để khẳng định giá trị của sự đoàn kết. Từ lời răn dạy, giáo huấn của Đức Phật, hai bộ tộc đã hòa hợp. Họ tặng Đức Phật 500 vị quý tộc. Từ đó, tăng đoàn của Ngài có thêm 500 vị tỳ kheo (6).
Với Jataka số 95, đạo vợ chồng, nghĩa phu thê được đặt trong niềm tin chính pháp: “Biết vua Thiện Kiến sắp lâm chung, hoàng hậu khuyên vua nên suy nghĩ về triều đình, vương quốc. Nhưng vua muốn định tâm để quy tiên, không mong cầu điều gì. Vua khuyên hoàng hậu, quần thần chớ sầu muộn vì mọi sự trong cuộc đời đều giả tạm vô thường. Hãy nhận chân được sự vô thường để không đắm chìm trong đau khổ, hướng đến niềm tin chính pháp” (7).
Có thể coi Jataka số 121 là một điển mẫu về tình bạn. Thước đo tình bạn được thiết lập từ các chuẩn mực: tôn trọng, chân thành, không phân biệt đối xử, không kỳ thị sang hèn và khả năng bảo vệ tình bạn: “Trong một kiếp, Bồ tát là thần cỏ lau trong vườn thượng uyển, chứng kiến sự việc cây mơ ước được vua ưa thích. Vào lúc cột trụ gỗ của lâu đài lâu ngày bị mục, vua truyền thợ mộc tìm cột gỗ mới thay thế. Cây mơ ước được chọn. Thợ mộc khấn trình nữ thần trú ngụ trong cây, xin hạ đốn. Nữ thần buồn khóc, không muốn rời đi. Bồ tát xuất hiện, khuyên nữ thần bình tâm. Ngài hóa thành con tắc kè nằm sẵn trong thân cây. Khi thợ mộc chặt cây, tắc kè bò ra. Thấy vậy, họ cho rằng thân cây mục rỗng nên không chặt nữa. Thoát nạn, nữ thần cây cảm thán trí thông minh của Bồ tát” (8).
Thấu thị chân lý vạn vật
Triết lý Phật đã chỉ ra rằng sinh, trụ, dị, diệt là quy luật sinh tồn của vạn vật. Tất cả đều là giả hợp tan hoại, nếu không chấp nhận sự thật đó thì phải nhận lấy đau khổ. Nhưng phàm là người, ai cũng tham sống, sợ chết, muốn giàu sang, khỏe mạnh, hạnh phúc. Vì những tham muốn, mong cầu này mà con người chấp nhận đánh mất thân mạng. Jataka số 447 là một ví dụ: “Gia tộc Hộ Pháp có truyền thống hành trì mười thiện đạo. Kiếp ấy, Bồ tát tái sinh làm con Hộ Pháp. Bồ tát được cha gửi đến học một vị thày nổi tiếng. Cậu trở thành huynh trưởng của hơn 500 đồng môn. Đột nhiên, con trai của thày bị chết. Mọi người đều xót thương, còn Bồ tát thì rất thản nhiên, vì trong gia tộc của cậu, chưa bao giờ có người chết trẻ. Vị thày muốn tìm hiểu chuyện kỳ lạ này nên đã cầm khúc xương con dê rừng đến gặp cha của Bồ tát. Đưa khúc xương ra, ông cho hay Bồ tát đã chết. Vị phú hộ khẳng định con trai đang sống bình thường, giải thích: gia tộc ông có niềm tin sâu sắc vào luật nhân quả khi làm những việc phước thiện nên sống thọ, chưa từng có người chết trẻ” (9).
Thấu thị bản chất vạn vật, vượt thoát được tham muốn vật chất, tiết chế được ái dục để không đọa vào ác nghiệp, Jataka số 85 được kể: “Đoàn lữ hành của Bồ tát đang đi vào một khu rừng. Bồ tát cảnh báo, khu rừng này có nhiều trái cây độc, chỉ nên ăn những trái cây quen thuộc, không ăn quả lạ. Khi ra khỏi rừng, họ thấy một cây kimpakka rất giống cây xoài, trĩu đầy những quả chín ngọt. Nhiều người không cưỡng được sự thèm muốn đã liều ăn trái cây lạ này và đã chết” (10).
Bi quan không phải là thái độ sống của tín đồ Phật giáo, hiểu rõ luật nhân quả là nhận chân được quy luật tự nhiên, sẽ tự tin, chủ động hơn trong mọi tình huống, hoàn cảnh sống. Vì thế khổ đau hay hạnh phúc là ở quyết định tự thân mỗi con người.
Kiên định lập trường, buông bỏ
Kiên định với mục đích sống, không bị sai khiến bởi dục vọng, tỉnh táo với những quyết định liên quan đến mạng người là câu chuyện trong Jataka số 120: “Vua xứ Ba la nại ban cho hoàng hậu một ước nguyện. Hoàng hậu ước chỉ riêng mình được sủng ái. Biên thùy có loạn, vua phải ra trận. Hoàng hậu đồng ý ở lại kinh thành, với điều kiện: sau mỗi dặm đường, vua phải gửi một chàng trai trẻ về vấn an. 64 chàng trai được gửi về cho hoàng hậu. Họ đều bị ép làm người tình của bà. Bồ tát gặp hoàng hậu báo tin thắng trận, trước sắc diện của Ngài, hoàng hậu nổi ham muốn dục tình. Bị Bồ tát cự tuyệt, hoàng hậu tức giận, dùng khổ nhục kế vu oan Ngài. Bồ tát làm rõ sự tình. Vua hạ lệnh chém đầu đám gian phu dâm phụ. Bồ tát từ bi, xin vua tha tội chết cho họ bằng những lý lẽ thuyết phục. Vậy nên, chỉ cần lời nói của bậc tài trí có thể giúp kẻ ngu thoát khỏi cái chết” (11).
Tuy nhiên, lập trường phải kiên định, phải thiết lập trên nền tảng chính kiến, không phải là sự độc đoán, bảo thủ. Có thể thấy rõ hơn điều này trong Jataka số 43: “Một tu sĩ khổ hạnh bị mất mạng bởi con rắn độc do chính mình nuôi cắn chết. Mặc dù trước đó, ông đã được bạn đồng tu khuyên can nhưng vẫn bảo thủ, cố chấp không chịu nghe. Hậu quả là thiệt mạng” (12).
Nếu buông bỏ là hướng nội thì chấp thủ là hướng ra thế giới bên ngoài. Chấp thủ sẽ dẫn đưa đến tham, sân, si. Buông bỏ lại đưa chúng ta về với nguồn chân hạnh phúc. Buông bỏ chỉ diễn ra khi ta hiểu được giá trị sống, sống có trách nhiệm. Hãy bắt đầu sự kiên định lập trường, buông bỏ bằng sự bao dung, lương thiện, luyện tập để điều này trở thành phẩm hạnh. Cảnh giới niết bàn là điểm dừng cuối cùng của một hành trình sống tự tại, an nhiên.
Hướng đến một cuộc sống an vui, buông bỏ tham, sân, si để đạt đến một thiên đường trần gian không còn chấp niệm, đau khổ là mục đích khai hóa của Đức Phật đặt ra trong Jataka..
________________
1. Hiệp hội kinh điển điện tử Phật giáo Trung Hoa, Thành Thật Luận, quyển 1, tr.245.
2. Hiệp hội kinh điển điện tử Phật giáo Trung Hoa, Du Già Sư Địa Luận, quyển 33, tr.418.
3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, 12, Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ, tập 3, Nxb Tôn giáo, 2015.
7. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ, tập 6, Nxb Tôn giáo, 2015.
11. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ, tập 5, Nxb Tôn giáo, 2015.
Tác giả: Thích Nữ Trung Mẫn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019