Đông Anh (Hà Nội) là một trong những vùng đất cổ, với bề dày về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng đáng tự hào. Là vùng đất có những nét riêng, có vị trí trọng yếu, mối quan hệ mật thiết về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục trong lịch sử với Thăng Long, giữ vai trò đặc biệt trong lịch sử phát triển của dân tộc; nơi đây có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với 413 di tích, 93 lễ hội cùng các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống độc đáo:
Hệ thống di tích
Trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có 413 di tích (255 di tích tín ngưỡng, 123 di tích tôn giáo, 25 di tích cách mạng cùng 10 loại hình khác), 134 di tích đã được xếp hạng, trong đó có: 1 cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt, 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 70 di tích xếp hạng cấp thành phố.
Từ TK III TCN, Thục Phán An Dương Vương thống nhất Âu Việt, Lạc Việt, lập ra nước Âu Lạc, dời đô về Cổ Loa. Cổ Loa, nay là Đông Anh, trở thành một tổ hợp kinh thành - quân thành - thị thành đầu tiên của dân tộc, một trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa đầu tiên của nước ta, từ cách đây 2300 năm. Các đợt khai quật khảo cổ học tại khu vực Cổ Loa đã phát hiện nhiều di vật quý như: trống đồng, lưỡi cày đồng, thạp gốm, lò đúc đồng, khuôn đúc mũi tên đồng... đặc biệt là kho mũi tên đồng chứng minh cho truyền thuyết nỏ thần Cổ Loa với nhiều huyền thoại về cuộc kháng chiến chống xâm lăng của vua An Dương Vương TK III TCN còn lưu giữ như: làng Quậy, vườn thuyền Ao Mắm, Ngự Xạ Đài, gò Cột Cờ, gò Đống Chuông, xóm Gà, xóm Vang, xóm Lan Trì... Vùng đất Mai Lâm, trước là Hoa Lâm Trang, sau đổi thành Hoa Lâm Viên ở ven sông Đuống, là nơi sinh ra vua Lý Công Uẩn. Các nguồn lịch sử ít nhiều phôi pha, di tích thì đã trở thành phế tích, tư liệu khan hiếm; do vậy, việc ứng xử bảo tồn hợp lý cho các di tích như: Hoa Lâm, cói Thái Đường, Bãi đá sập, lăng của tôn thất dòng họ Lý tại Đông Anh vẫn còn là những điểm cần được quan tâm (1).
Các di tích ở Đông Anh ra đời chủ yếu vào thời Hậu Lê, trải qua triều Nguyễn được trùng tu, tồn tại đến ngày nay, có tuổi đời ít nhất hàng trăm năm. Mỗi di tích là một công trình kiến trúc nghệ thuật được sáng tạo bởi bàn tay, khối óc của người nghệ nhân xưa. Nhiều di tích mang hai phong cách nghệ thuật khác nhau của hai hiệp thợ, tạo nên sự khác biệt nhưng đăng đối một cách hài hòa trong không gian thiêng của kiến trúc cổ người Việt, khiến người thưởng ngoạn thoải mái, không khiên cưỡng, không nhàm chán. Bên cạnh Cổ Loa, Đông Anh có quần thể di tích đền Sái - đình Nhội, đền thờ Hoàng giáp Lê Tuấn Mậu. Đây là cụm di tích có liên quan mật thiết với Cổ Loa. Truyền thuyết về núi Thất Diệu có tinh gà trắng đêm đêm quấy nhiễu, khiến thành Cổ Loa cứ xây xong lại đổ, rồi xuất hiện thánh Huyền Thiên Trấn Vũ diệt tinh gà trắng giúp vua Thục xây xong thành ốc mãi đi vào tâm khảm của mỗi người dân Đông Anh. Cụm di tích với lối kiến trúc độc đáo trong một không gian thiêng lại được gắn với lễ hội có một không hai ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, hội rước vua giả. Cụm di tích Đào Thục còn gắn với nghệ thuật múa rối nước dân gian cổ truyền với ông tổ nghề Đào Đăng Khiêm có từ hơn 400 năm về trước. Vùng đất năm làng Giỗ, ba làng Quậy của xã Liên Hà, đất làng Dộc của Dục Tú, vùng tổng cói của Đông Hội, Mai Lâm, vùng Xuân Nộn, Tiên Dương… còn lưu giữ những di tích cổ kính có giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Đặc biệt, ở đình Thạc Quả, xã Dục Tú, đình Lỗ Giao, xã Việt Hùng còn lưu lại kiến trúc các mảng chạm dân gian với chủ đề: tiên cưỡi rồng, tượng Phật hoa sen, vũ nữ nhảy múa, nhạc công thổi sáo, tứ linh, tứ quý… mang phong cách nghệ thuật thời Mạc TK XVI. Về giá trị sử liệu học, văn bản học, các di tích còn giữ được số lượng nhiều bia đá thời Lê - Nguyễn như: chùa Chài, đình Vân Điềm, chùa Thượng Lão, chùa Tiên Hội, đình Lương Quy, đền Sái, di tích Cổ Loa, chùa Đào Thục… Di tích ở các xã Tàm Xá, Đông Hội, Mai Lâm, Xuân Nộn, Dục Tú, Liên Hà, Cổ Loa, Xuân Canh còn giữ được số lượng lớn các sắc phong của các triều đại.
Tồn tại song hành với lịch sử, các di tích cách mạng kháng chiến tại Đông Anh đã ghi dấu ấn vẻ vang của quân, dân Đông Anh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầu TK XX, cùng hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Hệ thống di tích cách mạng ATK của Trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa (1941 - 1945) như: làng Chài, làng Bỏi, làng Ngọc Giang, gốc gạo Ba Đê, bến xe Vạn Lộc, làng Sằn... đều là những cơ sở cách mạng đáng tin cậy, đã từng nuôi dưỡng, giúp đỡ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, đội công tác ATK của Trung ương. Các di tích liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp phải kể đến pháo đài Xuân Canh, Xuân Tảo đã nã những phát súng đầu tiên mở màn những ngày toàn quốc kháng chiến. Địa đạo - làng kháng chiến Nam Hồng với hệ thống giao thông hầm xuyên lòng đất, hệ thống hào lũy, hầm chông làm kinh hoàng giặc Pháp. Hệ thống di tích lưu niệm trên địa bàn huyện còn phải kể đến những di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đông Anh. Từ năm 1957 - 1965, Bác đã 6 lần về Đông Anh ở các địa danh: công trường hàn khẩu đê Mai Lâm, thôn Lỗ Khê, Kính Nỗ, Tiên Hội, Lễ Pháp, đền thượng tại khu di tích Cổ Loa, đơn vị pháo phòng không tại thôn Du Nội... (2)
Ngoài ra, còn một di tích khá quen thuộc với giới văn đàn đó là nơi sinh trưởng, hoạt động của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố tại làng Lộc Hà, xã Mai Lâm. Nơi đây, Ngô Tất Tố đã viết các tác phẩm nổi tiếng đã ra đời như: Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng, cùng các tác phẩm được dịch từ chữ Hán như: Kinh Dịch, Cẩm Hương đình, các bài văn, bài báo cách mạng...
Hệ thống lễ hội
Đông Anh hiện có 93 lễ hội, trong đó, 2 lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện là lễ hội đền An Dương Vương, lễ hội Đền Sái. Các lễ hội của Đông Anh thường tập trung vào hai mùa mà công việc đồng áng rảnh rỗi nhất là mùa xuân và mùa thu. Vào những dịp này, lễ hội diễn ra với mật độ cao, trong đó, mùa xuân tại huyện Đông Anh diễn ra 82 lễ hội, mùa thu có 3 lễ hội, mùa đông có 8 lễ hội.
Lễ hội Đền An Dương Vương với phần lễ trang nghiêm trong tiếng trầm hùng của trống, chiêng, là đám rước hoành tráng với bát xã kéo dài suốt một quãng đường dài. Hội làng Thụy Hà với lễ rước nồi hương ông tổ 8 dòng họ, có sự tham gia của các dòng tộc trong làng để ai cũng tự hào về tổ tiên sinh thành, về quê hương nơi mình sinh ra.
Một số lễ hội ở Đông Anh có gắn với các trò chơi dân gian độc đáo như: hội cướp cầu làng Viên Nội với lễ rước ông quả, diễn ra tưng bừng, náo nhiệt. Hội Đình Lương Quy (xã Xuân Nộn) với tục rước bệu, nổi lửa nấu cơm thi, làm sống lại không khí khẩn trương, náo nức chuẩn bị cho quân theo Thánh Gióng đi đánh giặc. Hội đình Xuân Nộn với màn thi kéo rắn mang tính trí tuệ cao. Một số lễ hội có hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc khác như: hội đình Đường Yên có tục kén rể, lễ hội tái diễn lại toàn cảnh Đức Thánh Bà thử tài các chàng trai để kén rể cho con gái, các màn thi thử tài sôi động, hấp dẫn, thu hút hàng trăm lượt người tham dự; hội Đền Sái với tục rước vua giả, là lễ hội độc đáo nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Địa bàn huyện với nhiều xã nằm ở vùng ven sông Hồng, sông Đuống, mang đặc thù của cư dân nông nghiệp, nên có tục rước nước tắm Thánh.
Nghệ thuật truyền thống
Đông Anh cũng nổi tiếng với nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống độc đáo như: múa rối nước Đào Thục, ca trù Lỗ Khê, tuồng, chèo, cải lương...
Phường múa rối nước Đào Thục - Thụy Lâm xuất hiện từ thời Hậu Lê, vào niên hiệu Vĩnh Hựu đời vua Lê Ý Tông, tại trang Đào Xá (nay là Đào Thục, Thụy Lâm). Ở đây có cụ Nguyễn Đăng Vinh, tự là Phúc Khiêm, vốn là quan nội giám triều Hậu Lê, sau khi trở về quê hương, do yêu nghệ thuật múa rối nước, ông đã dồn hết tâm huyết truyền nghề, đem nghệ thuật rối nước dạy cho dân làng, trở thành một nghề truyền thống độc đáo của người dân Đào Xá xưa, Đào Thục ngày nay. Vì có công lớn nên dân làng đề nghị triều đình Hậu Lê phong thần, lập bia đá năm 1735. Hằng năm, vào ngày giỗ của ông, dân làng lại tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị tổ nghề. Múa rối nước Đào Thục ở Thụy Lâm với tuổi nghề gần 300 năm tồn tại, phát triển. Cho đến ngày nay, phường vẫn còn giữ được khá nhiều tích trò múa rối nước cổ, mỗi tiết mục đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như tích trò: Trâu đi cày, Trâu chui ống, Lên võng xuống ngựa, Tễu bắt ác; nhiều tích trò mới như: Tráng sĩ đánh hổ, Thạch Sanh, Hà Nội 12 ngày đêm đánh B52…
Nghệ thuật hát ca trù ở Lỗ Khê được hình thành, phát triển khoảng gần 600 năm về trước. Vào năm 1426, Đinh Dự là con trai đầu của tướng quân Đinh Lễ cùng vợ là Mẫn Đường Hoa đã sáng tạo ra giáo phường Lỗ Khê chuyên hát phục vụ cung đình. Bên cạnh đó, Đinh Dự cùng Mẫn Đường Hoa còn thành lập nhiều giáo phường khác, được thờ làm tổ nghề ca trù. Sau khi ông bà Đinh Dự mất, vua Lê Thái Tổ đã triệu các quản giáp giáo phường về kinh đô nhận mỹ tự sinh từ tự điển (điển lễ thờ cúng), giao cho giáo phường Lỗ Khê trách nhiệm lập nhà thờ để thờ phụng ông bà Đinh Dự. Cứ vào mùa xuân thì mở hội cầu phúc, các họ xã gần đều về lễ tổ.
Về nghệ thuật tuồng cổ truyền thống huyện Đông Anh nổi tiếng với nhiều phường tuồng cổ còn gọi là tuồng dân gian được phân bố ở các xã: Cổ Loa, Xuân Nộn, Thuỵ Lâm, Dục Tú, Việt Hùng, Liên Hà. Cho tới thời điểm hiện tại, phần lớn các câu lạc bộ tuồng đồng ấu đã không còn tồn tại, chỉ còn câu lạc bộ tuồng đồng ấu Đường Yên, Xuân Nộn hoạt động theo thời vụ; nguyên nhân là do các nghệ nhân theo nghề đã quá già, không còn tâm sức để duy trì, lớp trẻ kế cận không còn, bởi vậy nghệ thuật tuồng cổ những nơi đó hoàn toàn bị mai một. Những người có thể còn truyền được nghề cũng còn rất ít, nếu không thể khai thác, phát huy tối đa nguồn di sản sống ấy, có thể sau vài năm nữa, nghệ thuật tuồng cổ truyền thống nơi đây chỉ là ký ức một thời.
Đông Anh cũng là một trong những vùng quê nổi tiếng với nghệ thuật chèo. Tuy nhiên, những nghệ nhân có thể truyền nghề không còn nhiều, đặc biệt là đội ngũ nhạc công truyền thống đang già hóa nhanh, không có lớp trẻ để truyền nghề.
Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn huyện, thời gian tới, Đông Anh đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí để đưa huyện trở thành quận vào năm 2020, chính điều đó đang có tác động mạnh mẽ đối với hệ thống di sản văn hóa của huyện. Bởi vậy, nhà quản lý văn hóa tại huyện cần có giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nơi đây trong quá trình đô thị hóa; cần nhìn nhận lại cách ứng xử đối với di sản văn hóa trong xu hướng biến đổi văn hóa giai đoạn chuyển đổi từ làng quê truyền thống thành đô thị hiện đại như ngày nay.
____________
1. Huyện ủy HĐND, UBND huyện Đông Anh, Đông Anh với nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2010.
2. Phòng VHTT huyện Đông Anh, Báo cáo tổng kết công tác quản lý di tích từ năm 2001 - 2018, Đông Anh.
Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019