1. Giá trị, hệ giá trị và hệ giá trị văn hóa Việt Nam
Giá trị là một phạm trù chỉ tính có ích, có ý nghĩa của những sự vật, hiện tượng tự nhiên hay xã hội có khả năng thỏa mãn nhu cầu, phục vụ lợi ích của con người. Có thể phân loại giá trị theo nhiều cách khác nhau: giá trị thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống và lợi ích của con người như môi trường sống, nguồn tài nguyên, phong cảnh; giá trị văn hóa do lịch sử toàn thế giới hay của một số quốc gia tạo ra như thiết chế giáo dục, y tế, công trình kiến trúc, tác phẩm văn học nghệ thuật… hoặc giá trị vật chất là đối tượng của lợi ích, nhu cầu cuộc sống; những giá trị tinh thần như lý tưởng, quan niệm, niềm tin, truyền thống; giá trị xã hội như: tự do, bình đẳng, công bằng, dân chủ; giá trị nhận thức như: chân lý, giá trị đạo đức như điều thiện, giá trị thẩm mỹ như cái đẹp…(1). Mỗi hình thái kinh tế xã hội cụ thể trong lịch sử có một hệ thống và thang bậc giá trị nhất định, được xã hội công nhận, có tác dụng định hướng cho hoạt động của cả xã hội, từng tập thể hay cá nhân. Việc mỗi cá nhân tiếp thu và vận dụng hệ thống giá trị ấy vào cuộc sống hàng ngày là điều kiện để hình thành nhân cách cá nhân, duy trì trật tự, kỷ cương xã hội. Giá trị cũng là phạm trù kinh tế nói lên thuộc tính của hàng hóa do lao động kết tinh trong hàng hóa quy định, có thể phân chia thành những loại giá trị khác nhau như: giá trị sử dụng, giá trị thặng dư, giá trị tiền tệ…
Có quan điểm cho rằng, từ thời cổ đại, các nhà triết học phương Tây đã có những nghiên cứu về giá trị, đồng thời các nhà tư tưởng phương Đông (Khổng Tử, Lão Tử) cũng đề cập đến nội dung thuộc về giá trị (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín…). Từ đầu TK XX, ở châu Âu xuất hiện một trào lưu nghiên cứu những vấn đề liên quan đến giá trị và bộ môn giá trị học ra đời. Từ đó cũng xuất hiện những cách tiếp cận khác nhau và những quan niệm khác nhau về giá trị. W.Windelband cho rằng mọi giá trị đều là những mục đích tự thân, người ta hướng tới nó chính vì bản thân nó chứ không phải vì lợi ích vật chất hay vì sự thỏa mãn cảm tính, giá trị không phải là hiện thực mà là lý tưởng. Richcơt quan niệm giá trị không phải là cái có thực, cũng không phải là cái không có thực, không phải là cái khách quan cũng không phải là cái chủ quan, mà chỉ là cái có ý nghĩa. M. Scheler cho rằng con người cảm nhận giá trị qua trực giác chứ không lý giải giá trị qua trí tuệ. Mặc dù các quan điểm khác nhau, nhưng họ đều thống nhất khẳng định có một lĩnh vực các giá trị đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, pháp luật, văn hóa... khác với hiện thực và độc lập với hiện thực, chúng là những mục đích tự thân, đóng vai trò làm chuẩn mực cho hoạt động sống của con người và quyết định sự phát triển của xã hội.
Ở Việt Nam, giá trị cũng là một đề tài thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau. Theo Trần Ngọc Thêm, giá trị là phẩm chất của khách thể được bộc lộ trong một hệ tọa độ C - K - T (chủ thể - không gian - thời gian), cụ thể trong đó phẩm chất của khách thể (là sự vật, hiện tượng…) được khúc xạ qua sự đánh giá của chủ thể (là con người) xét trong quan hệ giữa chủ thể với khách thể và giữa các khách thể với nhau (2).
Theo Phùng Hữu Phú, thế giới giá trị phong phú và rộng lớn, bao chứa các mối quan hệ của con người với tự nhiên, với xã hội, kỹ thuật, lao động, kinh tế và với hệ thống chính trị. Đó là cơ sở lý luận để chúng ta nghiên cứu những giá trị văn hóa (3).
Chúng tôi cho rằng, giá trị là cái tiềm ẩn trong các sự vật, hiện tượng xung quanh con người và nó chỉ trở thành hiện thực khi con người cảm nhận được nó, nhận thấy nó là cần thiết, có khả năng đáp ứng nhu cầu nào đó của con người trong quá trình tồn tại và phát triển. Giá trị là cái tốt đẹp, thiêng liêng, cao quý, là cơ sở, nền tảng để con người xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh. Giá trị vừa là cái ước mơ, vừa là cái định hướng và lý tưởng mà con người hướng tới và nó chỉ trở thành hiện thực khi được con người vận dụng vào cuộc sống thông qua những giá trị chuẩn mực của con người.
Mặt đối lập của giá trị là phản giá trị. Mặc dù phản giá trị luôn luôn được xem là những cái xấu, cái không tốt, nhưng nó luôn song hành cùng giá trị và sẵn sàng xâm nhập vào cuộc sống xã hội khi có điều kiện. Do vậy, mỗi cá nhân và nhất là những người có trách nhiệm trong gia đình và ngoài xã hội muốn xây dựng được gia đình và xã hội tốt đẹp thì cần phải đồng thời tiến hành bảo vệ, tôn vinh, phát hiện, củng cố và ủng hộ những giá trị truyền thống, giá trị mới. Cùng với đó là phải thường xuyên, kiên quyết đấu tranh, phê phán những cái phản giá trị, không cho nó có điều kiện phát triển.
Chúng ta có thể trình bày cấu trúc của giá trị và hệ giá trị theo sơ đồ sau:
Có ý kiến cho rằng những giá trị định hướng được phần đông cá nhân tán thành sẽ trở thành hệ giá trị định hướng chung cho toàn xã hội (4). Có ý kiến khác xem hệ giá trị (hay bảng giá trị) được hiểu là khái niệm dùng để chỉ một tập hợp các giá trị, được thể hiện dưới dạng các phẩm chất, các nguyên tắc, các lý tưởng và cả các triết lý… định hướng cho hoạt động của một công ty, một hãng, một doanh nghiệp, một viện nghiên cứu, một trường đại học… (5). Và hệ giá trị với nghĩa là bảng giá trị lý tưởng, chính thống, chủ yếu hay cơ bản của một dân tộc - quốc gia hay một vùng văn hóa được dùng ít phổ biến hơn (6).
Theo chúng tôi, hệ giá trị không phải chỉ là những giá trị định hướng được phần đông cá nhân tán thành, cũng không phải là một tập hợp ngẫu nhiên các giá trị, mà đó là một hệ thống các giá trị được sắp xếp theo một trật tự nhất định, thể hiện quan niệm, nhận thức, nhu cầu, mục đích của một cộng đồng xã hội trong hoàn cảnh nhất định. Trong hệ giá trị có những giá trị trung tâm (cốt lõi, quan trọng, hạt nhân…) làm trụ cột cho cả hệ giá trị và bao trùm một số giá trị khác, tạo thành hệ giá trị làm rường cột cho sự phát triển xã hội.
Ở mỗi quốc gia, dân tộc, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, chỉ tồn tại một hệ giá trị chính thống. Trong hệ giá trị đó bao gồm 2 nhóm giá trị, đó là những giá trị chung, bao quát toàn xã hội và những giá trị đặc thù cho từng nhóm đối tượng khác nhau. Khi xã hội đồng thuận cao và thịnh trị thì hệ giá trị chính thống có tầm ảnh hưởng rộng lớn, chi phối toàn xã hội; ngược lại, khi ở cùng một giai đoạn lịch sử xuất hiện những hệ giá trị không chính thống khác hoặc đối lập với hệ giá trị chính thống là dấu hiệu cảnh báo những mâu thuẫn xã hội đã tồn tại. Đó là những mầm mống của sự bất ổn xã hội ở một dạng nào đó, nếu không được quan tâm giải quyết tận gốc và kịp thời.
Có ý kiến phân chia văn hóa thành cấu trúc chiều sâu và cấu trúc bề mặt. Trong đó cấu trúc chiều sâu bao gồm hệ giá trị (hằng số), còn cấu trúc bề mặt bao gồm hệ thống ký hiệu (biến số). Chúng tôi cho rằng, hệ giá trị không phải là hằng số (cái không đổi), mà hệ giá trị cũng biến đổi dưới sự tác động của ngoại cảnh, thông qua sự nhận định, đánh giá, lựa chọn của con người. Cái hằng số không biến đổi ở đây chính là cái vỏ ngôn ngữ của giá trị (đạo đức, trung, hiếu…) còn nội hàm (những tiêu chí, chuẩn mực) của nó không thể bất biến trước sự tác động của cuộc sống, bởi vì hệ giá trị là sản phẩm của lịch sử do con người sáng tạo ra.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể suy ra hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một tổng thể hệ thống những quan niệm, khát vọng, đòi hỏi về nhân cách của một con người trong tổng hòa những mối quan hệ với tự nhiên và xã hội để xác lập một trật tự tương đối làm cơ sở và động lực thúc đẩy xã hội tiến lên.
2. Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam
Chuẩn mực xã hội (hoặc chuẩn mực con người trong xã hội) là thuật ngữ dùng để miêu tả những tiêu chuẩn chung hoặc ý tưởng hướng dẫn con người đáp ứng những yêu cầu của xã hội. Các cá nhân trong xã hội chấp nhận các chuẩn mực, tuân thủ qua các hành động đơn giản hoặc trong sự phán xét về mặt đạo đức nhằm tăng cường tính thống nhất của các nhóm. Người ta gọi một hành động là chuẩn có ý nghĩa là nhấn mạnh đến sự đáp ứng được những yêu cầu về hành vi đối với cộng đồng. Bất cứ nhóm nào được xác lập đều có các chuẩn mực riêng cho chính nhóm đó và nói rộng hơn là cả với cộng đồng. Tiêu chuẩn nhóm có thể khác giữa nhóm này với nhóm khác, và các bộ phận nhỏ của nhóm có thể áp dụng các chuẩn mực khác nhau trong cùng một hoàn cảnh (7).
Hệ giá trị chuẩn mực là cái cụ thể hóa của giá trị văn hóa, được biểu hiện thông qua một loạt những suy nghĩ, quan niệm, hành vi (như: ăn, nói, đi lại, xử lý các tình huống…). Nếu hệ giá trị văn hóa là những cái tiềm ẩn thì hệ giá trị chuẩn mực là cái con người thực hiện hàng ngày.
Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau: hệ giá trị văn hóa định hướng cho hệ giá trị chuẩn mực; ngược lại, hệ giá trị chuẩn mực củng cố, khẳng định sự tồn tại của hệ giá trị văn hóa; nếu thiếu hệ giá trị chuẩn mực thì hệ giá trị văn hóa dù cao đẹp đến mấy cũng không thể trở thành hiện thực. Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử khác nhau hoặc ở các giai tầng xã hội khác nhau cũng được thể hiện khác nhau. Mỗi một không gian văn hóa đòi hỏi phải có những chuẩn mực tương ứng: không gian văn hóa làng xã khác với không gian văn hóa đô thị, không gian văn hóa gia đình khác với không gian văn hóa học đường, không gian văn hóa công sở khác với không gian văn hóa doanh nghiệp… Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam là một vấn đề rộng lớn và đa dạng, phức tạp. Trong mỗi không gian văn hóa (như học đường, doanh nghiệp…) cũng hình thành những hệ giá trị chuẩn mực khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính, trình độ, điều kiện sinh hoạt…
3. Xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế
Hệ giá trị văn hóa Việt Nam tiêu biểu cho phẩm chất của người Việt Nam hiện nay
Chúng tôi cho rằng, hiện nay cái yếu và thiếu của chúng ta là một nền công nghiệp hiện đại, một nền khoa học tiên tiến làm cơ sở, nền tảng cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Từ đó, chúng tôi nhận thấy và mạnh dạn đưa ra một công thức vắn tắt cho sự phát triển trong tương lai của nước ta: Nước Việt Nam hiện đại = Văn hóa Việt Nam + KHCN hiện đại.
Hiện nay, có khá nhiều công trình khoa học nghiên cứu hệ giá trị văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến đương đại. Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau, song đa số các tác giả đều nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, tình đoàn kết giữa các dân tộc, cần cù lao động, có tính khoan dung, trọng tĩnh, trọng nghĩa tình, đạo lý… Chúng tôi nhận thấy sự lựa chọn này là đúng đắn, nhưng nếu tiếp cận giá trị văn hóa theo cách thống kê như trên thì không thể nào hết được; hơn nữa, những giá trị văn hóa này cũng biến đổi phức tạp, đa dạng, làm cho chúng ta khó theo dõi và không thể định tính một cách chính xác cho các nhóm xã hội và các giai tầng khác nhau. Vì vậy, chúng tôi nêu ra một cách tiếp cận mới dựa trên quan niệm giá trị văn hóa Việt Nam là những cái chung nhất, cái tinh hoa và bao quát nhất tạo nên tính cách và nhân cách của con người Việt Nam mới. Còn hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam là sự cụ thể hóa của hệ giá trị văn hóa đối với các giai tầng khác nhau trong hệ thống thiết chế xã hội.
Đến nay, trên thế giới đã xuất hiện nhiều lý thuyết nêu lên những hệ giá trị văn hóa khác nhau. Ví dụ, ở châu Âu thời Hy Lạp - La Mã cổ đại đề cao chân - thiện - mỹ; đến thời Phục hưng lại suy tôn tự do - bình đẳng - bác ái; đến thời hiện đại đề ra khẩu hiệu “dân chủ, nhân quyền…”. Hoặc ở Trung Quốc thời tiên Tần, Nho giáo đưa ra khuôn vàng thước ngọc “tam tòng, tứ đức” đối với phụ nữ và “tam cương, ngũ thường” đối với nam giới. Tuy nhiên, đến Hán Nho thì Đổng Trọng Thư đã vượt qua tất cả để nhấn mạnh đến giá trị “thiên nhân hợp nhất” nhằm thống nhất Đại Hán sau bao nhiêu năm tao loạn, nội chiến.
Mặc dù nhận thấy hệ giá trị văn hóa Việt Nam rất đa dạng và phong phú, nhưng để cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, cũng để cho dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện, chúng tôi đưa ra hệ giá trị văn hóa Việt Nam tiêu biểu cho phẩm chất của người Việt Nam hiện nay theo công thức sau: Người Việt Nam mới = đức + tài + chí
Nội dung cụ thể của đức là: trung thành với Đảng, với tổ quốc, với nhân dân; hiếu với mẹ cha, yêu thương đồng loại; nguyện phấn đấu hy sinh suốt đời vì tổ quốc, vì nhân dân theo tinh thần tổ quốc trên hết.
Nội dung cụ thể của tài là: có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao về một công việc, một lĩnh vực nhất định, có khả năng tổ chức, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học độc lập, mang lại lợi ích cho gia đình và cho xã hội.
Nội dung cụ thể của chí là: có ý chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện bằng được nhiệm vụ đã được phân công hoặc ý tưởng đã được nêu ra.
Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thiết chế xã hội hiện nay
Trong thiết chế chính trị, đòi hỏi mỗi cá nhân phải thực hiện những chuẩn mực tâm, tầm: có khát vọng phấn đấu vươn lên và có niềm tin vào thắng lợi của cách mạng XHCN; trung thành với Đảng, tổ quốc và nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật cao; hết lòng phụng vụ nhân dân; không được tham nhũng, lãng phí.
Trong thiết chế kinh tế, đòi hỏi mỗi người phải xây dựng chuẩn mực tín: trung thực, không được lừa dối; yêu nghề một cách say mê; chăm chỉ, cần cù, không được lười nhác; tiết kiệm và luôn có sự sáng tạo; mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trong áp dụng KHCN hiện đại; xây dựng tác phong công nghiệp.
Trong thiết chế văn hóa, tư tưởng, tinh thần, đòi hỏi mỗi cá nhân văn nghệ sĩ, trí thức phải thực hiện những chuẩn mực trí: có sự đam mê và có tinh thần khổ luyện; có tinh thần hiếu học và sáng tạo không ngừng; dám đấu tranh chống lại các sai, bảo vệ cái đúng; rèn luyện thành tâm, hướng tới cái tốt đẹp; là tấm gương mẫu mực cho mọi người noi theo.
Trong thiết chế giao tiếp công cộng và giao tiếp gia đình, mỗi người phải làm theo chuẩn mực khoan dung, nhân từ, hiếu thảo: cư xử lễ độ, tôn trọng mọi người; kính trên, nhường dưới; bao dung, độ lượng; yêu thương, giúp đỡ mọi người; biết hy sinh vì người khác; không được sống cá nhân, ích kỷ, đố kỵ.
Một vài suy nghĩ
Muốn nước ta phát triển ổn định và bền vững, thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, chúng tôi nhận thấy những cách trình bày, phân tích và đánh giá ở các Nghị quyết của Đảng là khoa học, có hệ thống và ngày càng tiếp cận chân lý khách quan, có tác dụng hướng dẫn cho toàn dân ta từng bước thực hiện thắng lợi những mục tiêu quan trọng, làm cho vị thế đất nước ta, nhân dân ta ngày càng cao và có uy tín trên trường quốc tế. Trong khuôn khổ hiểu biết của mình, xin phép được nhấn mạnh một vài định hướng như sau, mong được góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc.
Thứ nhất, để văn hóa Việt Nam được tỏa sáng, để kinh tế Việt Nam được phát triển, đồng thời nhân dân có thời cơ học hỏi, tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại, Đảng và Nhà nước tiếp tục kiên trì đẩy mạnh cải cách ở bên trong, mở cửa ra bên ngoài một cách mạnh dạn hơn nữa. Thông qua cải cách, mở cửa, chúng ta mới có thể tiếp thu để cải cách hệ thống hành chính, cải cách hệ thống tổ chức, cải cách hệ thống các doanh nghiệp… theo hướng chặt chẽ, công khai, dân chủ. Và cũng thông qua đó, chúng ta mới tiếp thu được những tri thức khoa học công nghệ, kỹ thuật để thực hiện thành công CNH, HĐH đất nước.
Thứ hai, để con người Việt Nam thực sự được làm chủ bản thân và làm chủ xã hội, phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đề ra những chính sách đề cao con người, coi con người là trung tâm của đất nước. Rất cần có cơ chế chính sách và có những không gian rộng mở để mọi người dân và đặc biệt là tầng lớp trí thức tinh hoa có nhiệt huyết, trí tuệ và trách nhiệm công dân được tự do trao đổi những suy nghĩ, tình cảm, tâm tư của mình cùng những thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất. Thông qua đó, có thể có những hướng đi mới, sát thực với tình hình đất nước, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển.
Thứ ba, trong hơn 30 năm kiên trì đổi mới, đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, những lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ và nguồn tài nguyên phong phú đã ngày bị suy yếu. Do đó, Đảng và Nhà nước cần thực hiện khẩu hiệu dân giàu, nước mạnh, bằng mọi cách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, thực hiện cổ phần hóa triệt để những DNNN để tránh lợi ích nhóm, tham ô, lãng phí. Mạnh dạn trao quyền sử dụng ruộng đất cho người nông dân trong khoảng thời gian dài trên 50 năm và cho phép họ có thể dùng để góp vốn, trao đổi và có thể được mua bán trong một phạm vi nào đó. Như vậy, những người nông dân biết làm kinh tế nông nghiệp mới có điều kiện đầu tư lâu dài và hiệu quả. Cần làm cho kinh tế tư nhân trở thành nền tảng của kinh tế nước nhà thực sự.
Thứ tư, trong thiết chế chính trị ở nước ta thời gian vừa qua đã nảy sinh một số tệ nạn tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; Một số nơi tìm đủ mọi cách đưa con cháu vào cơ quan quyền lực để tham nhũng. Hiện tượng này hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng có những nguyên nhân xuất phát từ khía cạnh văn hóa, đó là tâm lý một người làm quan, cả họ được nhờ, là vì tính cục bộ, địa phương, tính cá nhân, tư lợi, chỉ lo thu vén cho cá nhân của người tiểu nông khi được ngồi lên ghế quyền lực ở ngay chính quê hương của mình. Trong gần 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã phần nào dẹp được nạn quan liêu, lộng hành ở một số bộ, ngành và địa phương. Nay cần phải làm mạnh mẽ, quyết liệt và thường xuyên hơn nữa theo một định hướng là: Nghiêm cấm bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo ở các địa phương làm việc trên quê hương của bản thân và quê hương của vợ hoặc chồng. Trước hết, có thể thí điểm ở cấp huyện, thị xã; sau đó có thể mở rộng ra các cấp khác như quận, tỉnh, thành phố. Nếu làm được như vậy, sẽ hạn chế và ngăn chặn một cách hữu hiệu sự cố kết quyền lực ở địa phương để thực hiện ý đồ cá nhân.
Thứ năm, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan mà quan hệ giữa con người với con người ở nước ta đang có những biến đổi mạnh mẽ theo hướng xấu: nếp nhà bị suy vi; tình cảm cha con, vợ chồng, anh em ngày càng lạnh lùng, xa lạ và vô cảm. Những mối quan hệ xã hội cũng bị đảo lộn làm cho người dân lo lắng, nhiều khi cảm thấy bất an. Chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước tăng cường kết hợp giữa pháp trị và đức trị để từng bước thiết lập lại trật tự, tôn ti trong gia đình và ngoài xã hội. Hãy tích cực xây dựng văn hóa học đường ở các trường học, kết hợp với việc củng cố gia phong, gia lễ để đạo đức xã hội được thấm nhuần vào mỗi cá nhân ngay từ khi còn bé.
______________
1. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002, tr. 97.
2, 4, 5, 6. Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2015, tr.14, 26, 191, 431.
3. Phùng Hữu Phú (chủ biên), Phát triển văn hóa sức mạng nội sinh của dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.39,41.
7. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, Trung tâm biên soạn TĐBKVN, Hà Nội, 1995, tr.528
8. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.231.
Tác giả: Phạm Ngọc Trung
Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 - 2018