Trong những năm gần đây, vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ) có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Hậu quả gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự và tâm lý không chỉ của nạn nhân mà còn của các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, dư luận xã hội đã tìm hiểu nguyên nhân và xây dựng những giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế BLGĐ trong đời sống xã hội. Trên cơ sở khái quát tình hình BLGĐ ở Việt Nam, bài viết đi sâu nghiên cứu thực tế vấn đề BLGĐ tại tỉnh Vĩnh Long trong những năm qua.
Vài nét khái quát về vấn đề BLGĐ ở Việt Nam
BLGĐ được xem là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến việc phòng, chống BLGĐ, ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Bộ luật Dân sự… và đặc biệt là Luật phòng, chống BLGĐ 2007. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội nhất là trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ. Tuy nhiên, vẫn cần có sự chung tay tích cực của cơ quan chức năng và toàn xã hội.
Từ nhiều năm trước, ở nước ta thực trạng BLGĐ đã được quan tâm, nghiên cứu. Theo Nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện, 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị BLGĐ ít nhất một lần trong cuộc đời. Theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình - Bộ VHTTDL, từ năm 2011 đến năm 2015, cả nước xảy ra 157.859 vụ; trung bình mỗi năm nước ta xảy ra hơn 31.500 vụ, mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em, 7 người cao tuổi là nạn nhân của hành vi bạo lực và khoảng 2 - 3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến vấn đề này. Trong tổng số vụ BLGĐ được phát hiện từ năm 2011 đến năm 2015, trường hợp nạn nhân là phụ nữ từ 16 tuổi đến 59 tuổi chiếm đến 74,24% (1). Từ năm 2013 đến hết 2017, cả nước xảy ra 139.395 vụ; trong đó bạo lực về thân thể 69.133 vụ, bạo lực về tinh thần 51.227 vụ, bạo lực về kinh tế 14.331 vụ, bạo lực tình dục 4.338 vụ (2).
Như vậy, có thể thấy, trong những năm qua, vấn đề BLGĐ vẫn còn xảy ra ở nước ta và đối tượng chính, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. BLGĐ xuất phát từ nhiều nguyên nhân: bất bình đẳng giới; nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế; tư tưởng gia trưởng; cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, coi BLGĐ là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng; kinh tế khó khăn đi kèm với tệ nạn xã hội (nghiện rượu, cờ bạc, ma túy…). Tuy nhiên, dù là với bất kỳ lý do gì đi nữa thì BLGĐ đều để lại những hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng cho các thành viên, gia đình và xã hội như: vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, đến danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân; làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội và ảnh hưởng đến thế hệ tương lai; phá hỏng mối các quan hệ trong gia đình (vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - cháu); gây ra những tổn thất về kinh tế, tác động xấu đến trật tự xã hội và văn hóa cộng đồng…
2. Vấn đề BLGĐ qua thực tế nghiên cứu tại tỉnh Vĩnh Long
Cùng với nhiều địa phương khác trên phạm vi cả nước, vấn đề BLGĐ ở Vĩnh Long đã và đang là một trong những vấn đề xã hội bức xúc, nhức nhối. Tuy nhiên, một trong những điểm nổi bật của vấn đề này ở Vĩnh Long những năm gần đây là tình trạng BLGĐ ngày càng có chiều hướng giảm cả về số vụ và số người bị bạo lực. Cụ thể, năm 2013 trên địa bàn tỉnh có 1.207 vụ với 1.209 nạn nhân bị bạo lực thì đến năm 2014 giảm xuống còn 297 vụ với 299 nạn nhân và đến năm 2019 chỉ còn 33 vụ với 33 nạn nhân được cho là bị bạo lực. Như vậy, tính từ năm 2013 đến năm 2019 số vụ BLGĐ ở Vĩnh Long giảm 1.173 vụ (3). Sự sụt giảm này cho thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, ban ngành trong tỉnh; nhận thức của người dân về tác hại, hậu quả của BLGĐ ngày càng được nâng lên.
Song, phải thấy rằng, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, ở Vĩnh Long số người được cho là nạn nhân của BLGĐ chủ yếu vẫn là phụ nữ và người cao tuổi. Cụ thể, năm 2013 trong số 1.209 nạn nhân bị bạo lực thì phụ nữ là 1.143 người (chiếm 94,5%), chỉ có 66 nạn nhân là nam (chiếm 4,5%), người cao tuổi là 112 người (chiếm 9,2%). Năm 2014 trong số 229 nạn nhân bị bạo lực thì phụ nữ là 271 người (chiếm 90,6%), chỉ có 28 nạn nhân là nam (chiếm 9,4%), có 26 người ở độ tuổi từ 60 trở lên (chiếm 8,6%). Năm 2019 trong số 33 nạn nhân bị bạo lực thì phụ nữ là 28 người (chiếm 84,8%), chỉ có 5 nạn nhân là nam (chiếm 15,1%), 5 nạn nhân là người có độ tuổi từ 60 trở lên (chiếm 15,1%). Như vậy, ở Vĩnh Long phụ nữ bị bạo lực gia đình chiếm từ trên 80% qua các năm. Song, một điều cũng cần phải quan tâm, đó là, mặc dù số nạn nhân, số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm và nạn nhân bị bạo lực không chỉ chủ yếu là phụ nữ mà còn là những người già, người cao tuổi, những người mà đáng lẽ ra họ phải nhận được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của gia đình, của con cháu, được thụ hưởng cuộc sống an yên, hạnh phúc lúc tuổi già (4).
Bị bạo lực vốn đã là nỗi đau, tổn thương cho các nạn nhân và nó càng lớn hơn khi nạn nhân chính là những người cha, người mẹ, người ông, người bà. Không còn nỗi đau nào lớn hơn khi người làm cha mẹ bị chính những đứa con do mình sinh ra, nuôi dưỡng; bị chính những đứa cháu mình từng yêu thương hành hạ, đánh đập, chửi mắng. Thực tế đó một lần nữa cho thấy vấn đề truyền thống đạo đức, các giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hôn nhân gia đình đã và đang bị rạn nứt và xuống cấp ở mức rất nghiêm trọng. Dẫu biết rằng việc chăm sóc người già là việc không phải dễ dàng và đơn giản, nhưng không có lý lẽ nào biện minh việc con, cháu ngược đãi cha mẹ, ông bà. Hành động ngược đãi người già, hành vi bạo hành đối với con cái, hay giữa vợ chồng với nhau đều là những hành động đáng cần phải được lên án ở bất kỳ xã hội nào và dù với bất kỳ hình thức gì.
Nạn nhân của các vụ BLGĐ ở Vĩnh Long dưới nhiều hình thức khác nhau từ bạo lực về tinh thần, thân thể, kinh tế cho đến tình dục. Từ năm 2015 cho đến nay các vụ bạo lực về thân thể là chủ yếu, chiếm hơn 40% qua các năm. Năm 2015, trong số 152 vụ, bạo lực về thân thể là 75 vụ (chiếm 49,3%); năm 2016 là 38 vụ (chiếm 42,6%); năm 2017: 48 vụ (chiếm 52,7%); năm 2018: 32 vụ (chiếm 52,4%) và năm 2019 là 19 vụ (chiếm 57,5%) (5). Tuy nhiên, dù bị bạo lực với bất kỳ hình thức và nguyên nhân gì thì nạn nhân vẫn phải chịu những tổn thương nghiêm trọng về cả tinh thần lẫn vật chất.
Có thể khẳng định rằng, BLGĐ là vấn đề của gia đình, cộng đồng và xã hội, trước hết là của từng thành viên trong gia đình, nhất là người vợ, người mẹ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn cũng như loại bỏ tệ nạn này ra khỏi cộng đồng xã hội luôn là việc làm có ý nghĩa cấp bách trong giai đoạn hiện nay khi mà nạn BLGĐ vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi và đang ở mức báo động. Chỉ khi nào công tác phòng, chống BLGĐ được triển khai một cách có hiệu quả trong đời sống xã hội thì khi đó mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và phát triển bền vững. Xuất phát từ thực tế của vấn đề này, nhằm góp phần phòng, chống và xóa bỏ nạn BLGĐ trong thời gian tới, Vĩnh Long cần tập trung vào một số nội dung như sau:
Tiếp tục nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết trong phòng chống BLGĐ
Để thực hiện nội dung này, chính quyền, địa phương, các ban ngành đoàn thể trong tỉnh cần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về giới, bình đẳng giới cho cả nam và nữ, vợ và chồng để họ nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội cũng như trong gia đình. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của mọi người dân để họ không coi BLGĐ là chuyện riêng của các gia đình hay là vấn đề thuộc về cá nhân mà phải nhận thức đây là vấn đề của xã hội, cần giải quyết nó bằng các chính sách, luật pháp thích hợp. Thực tế cho thấy, những năm qua nạn nhân chủ yếu trong các vụ BLGĐ ở Vĩnh Long là phụ nữ. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp vì nhiều nguyên nhân, lý do trong đó phải kể đến là do tâm lý tự ti, cam chịu, an phận nên ngay cả chính bản thân bị bạo hành, thậm chí bị bạo hành thường xuyên, họ vẫn tiếp tục chấp nhận và xem đó như là một hướng giải quyết riêng cho mình.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình đến các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân
Để làm được điều này, các cấp, ban ngành trong tỉnh, nhất là Sở VHTTDL, Ủy ban phòng chống BLGĐ cần thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục, truyền thông về giới, bình đẳng dưới nhiều hình thức cho cán bộ lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, các báo cáo viên, từng hộ gia đình và từng phụ nữ. Nội dung các buổi tuyên truyền là vấn đề bình đẳng giới và bạo lực ở Việt Nam cũng như trên thế giới; nguyên nhân, hậu quả của BLGĐ; các hoạt động của Liên Hiệp quốc, chính phủ, phong trào phụ nữ quốc tế và các lực lượng tiến bộ trong việc ngăn chặn BLGĐ; pháp luật Việt Nam đối với việc xử lý các trường hợp có hành vi BLGĐ…. Đồng thời, cần tăng cường đăng tải tin, bài trên trang web, tờ tin văn hóa của Sở VHTTDL; phối hợp Báo Vĩnh Long và Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long thực hiện chuyên trang, chuyên mục, phóng sự… tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận thông tin, kiến thức, sự hiểu biết để cùng tham gia phòng, chống BLGĐ hiệu quả.
Tiếp tục duy trì, phát huy và nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ và đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam cho các địa phương
Những năm vừa qua, vấn đề BLGĐ ở Vĩnh Long có xu hướng ngày càng giảm. Có được kết quả đó không thể không kể đến vai trò của việc thành lập các mô hình, tổ nhóm, câu lạc bộ, đề án… về phòng chống BLGĐ. Việc tiếp tục nhân rộng những mô hình này sẽ góp phần tạo sức lan tỏa đến người dân trong cộng đồng dân cư từ đó không chỉ nâng cao kiến thức, sự hiểu biết cho người dân mà còn góp phần giáo dục, phát hiện, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến BLGĐ.
Tăng cường hiệu lực pháp luật thông qua các cơ quan tư pháp ở địa phương
Mặc dù, nạn BLGĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có giảm nhưng hiện tượng đánh đập, ngược đãi phụ nữ, trẻ em và đặc biệt là người già trong gia đình vẫn còn xảy ra. Trong số đó có những vụ việc để lại hậu quả rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, để lại những nỗi đau khó có thể bù đắp cho gia đình, người thân. Vì vậy, cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh cần phát huy vai trò của mình trong xử lý, răn đe, phòng chống BLGĐ cũng như thường xuyên tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật, tư vấn cho phụ nữ để giúp họ có thể tự bảo vệ mình cũng như tránh được nguy cơ là nạn nhân của BLGĐ.
Cần lập quỹ phòng chống BLGĐ
Để các chương trình phòng chống BLGĐ có thể triển khai và đạt hiệu quả trong thực tiễn, việc xây dựng quỹ phòng chống BLGĐ tại các địa phương rất cần thiết. Để có nguồn quỹ này, một mặt có thể xin hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước, mặt khác cần huy động mạnh mẽ nguồn lực đóng góp của các cá nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội và quốc tế. Số tiền gây quỹ dành để chi trả cho việc chăm sóc, hỗ trợ và cứu giúp các nạn nhân bị bạo hành trong các chương trình hành động của địa phương. Nếu quỹ này vận hành hiệu quả, sẽ giúp cho các nạn nhân đặc biệt là phụ nữ phụ thuộc kinh tế mạnh dạn tố cáo những kẻ gây ra hành vi bạo lực.
Tóm lại, BLGĐ là một vấn đề bức thiết của xã hội, làm tổn hại đến thể chất và tinh thần của con người. Vì vậy, chúng ta cần chung tay loại bỏ ngay hành vi này để cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình hạnh phúc, tốt đẹp hơn, xã hội văn minh, tiến bộ hơn.
________________
1. Minh Châu, Bạo lực gia đình không phải là “chuyện trong nhà”, 14-9-2019, nhandan.com.vn.
2. Nguyễn Thông, Cả nước xảy ra 139.000 vụ bạo lực gia đình, 19-11-2018, hoinongdan.org.vn.
3, 4. Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long, Báo cáo tình hình thực hiện công tác gia đình năm 2013 - 2019.
5. Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long, Báo cáo tình hình thực hiện công tác gia đình năm 2015 - 2019.
Tác giả: Lê Thị Hồng Nhiên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021