Di sản văn hóa là tài sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau theo hướng tích lũy trong môi trường văn hóa. Sự tích lũy, kinh nghiệm hoạt động của nhiều thế hệ đã góp phần tạo ra sự phong phú, chất lượng, mang giá trị nhân văn cao cả. Di sản văn hóa chứa đựng vốn kinh nghiệm, tri thức sống của con người, hội tụ những yếu tố phẩm chất tốt đẹp, có bề dày về thời gian, phong phú về loại hình. Đây là bộ phận quan trọng tạo nên môi trường văn hóa của các cộng đồng, yếu tố cơ bản tạo nên truyền thống văn hóa, cơ sở cho sự sáng tạo cái mới.
Trong một nền văn hóa , nếu di sản bị xóa bỏ thì nền văn hóa ấy sẽ mất bản sắc, tự đánh mất mình. Bản sắc văn hóa được khẳng định, góp phần tạo nền tảng tinh thần xã hội phù hợp với đặc điểm của mỗi dân tộc.
Trong quá trình đổi mới, chúng ta luôn quan tâm đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa còn bộc lộ những hạn chế. Việc thể chế hóa các văn bản quản lý, cơ chế chính sách trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn nhiều bất cập; giải quyết giữa bảo tồn với khai thác, phát huy di sản văn hóa còn hạn chế, nặng về bảo tồn, phục cổ, coi nhẹ việc phát huy giá trị của di sản văn hóa. Tình trạng di tích bị vi phạm, cổ vật bị mất cắp vẫn diễn ra. Một số dự án kinh tế còn có hiện tượng xâm lấn di tích lịch sử, văn hóa. Hoạt động bảo tồn, nhất là bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, việc tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa ở một số nơi thực hiện chưa kịp thời, thiếu nghiêm túc. Công tác quản lý di sản chưa thống nhất. Đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, nhà nghiên cứu khoa học ở một số cơ quan quản lý di sản còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Nhận thức, sự tham gia của cộng đồng vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản chưa thực sự đồng đều, vững chắc. Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn thiếu thốn.
Để góp phần nâng cao công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thường xuyên quán triệt, thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc.
Tăng cường hợp tác giữa các cấp, các ngành ở trung ương, địa phương, trước hết là giữa ngành du lịch với Cục bảo tồn di sản văn hóa để tạo ra sự phát triển du lịch thực sự bền vững. Lồng ghép tốt giữa chương trình mục tiêu quốc gia về chống xuống cấp, tôn tạo di tích, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể với chương trình quốc gia về du lịch, môi trường, giáo dục, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực có di sản thế giới.
Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, song song với quá trình đào tạo các cán bộ chuyên môn, cần có kế hoạch tập huấn về chuyên môn, thái độ ứng xử đối với di sản, với khách tham quan cho cán bộ, nhân dân các địa phương có di sản thế giới, các đối tượng tham gia khai thác du lịch tại các di sản thế giới, không chỉ cán bộ du lịch mà cả đối với những người bán hàng, dân địa phương, hướng dẫn du lịch tự do..., để thực sự tạo ra những hoạt động du lịch bền vững tại các khu di sản thế giới. Tập trung đầu tư có trọng điểm cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi những điểm di tích vật thể, nghiên cứu, lập hồ sơ, tư liệu, phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể quan trọng tại các khu di sản thế giới. Đầu tư chiều sâu cho việc duy trì một số ngành nghề thủ công, lễ hội, nghệ thuật trình diễn tiêu biểu độc đáo tại các khu di sản. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cơ quan địa phương, đảm bảo cho môi trường di sản thế giới (môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội), tạo sự ổn định, bền vững cho di sản văn hóa.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa.
Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền, đoàn thể các cấp, toàn thể nhân dân về vai trò của di sản văn hóa. Chú trọng công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đặc biệt trong việc thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; áp dụng các biện pháp cần thiết của chính quyền các cấp để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Có chính sách tạo điều kiện bảo vệ, phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại, lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian... Khuyến khích việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; phục hồi, phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu, ứng dụng các tri thức về y, dược học cổ truyền; khôi phục, nâng cao các lễ hội truyền thống, bài trừ hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân; chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức các hoạt động lễ hội; duy trì, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc, các tri thức dân gian khác.
Xã hội hóa việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, trên thế giới.
Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cần phải gắn liền với nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp; nâng cao trình độ đội ngũ quản lý, chuyên môn ở các cấp. Các cơ quan chức năng văn hóa phải giữ vai trò quản lý, hướng dẫn theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân được tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Triển khai, thực hiện hiệu quả xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa để mọi tầng lớp nhân dân hiểu về quyền, nghĩa vụ của mình. Thường xuyên hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn vi phạm; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản; khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhà nước, tổ chức các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Để thực hiện những điều nêu trên, đòi hỏi phải có sự ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, giảm hoặc miễn thuế cho các hoạt động được thực hiện từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế. Xây dựng, ban hành chính sách quản lý, sử dụng các nguồn tài chính xã hội hóa: tiền công đức, tiền bán vé, tiền tài trợ, tiền kinh doanh dịch vụ..., có chính sách hỗ trợ, tôn vinh những nghệ nhân có nhiều đóng góp. Khi gia nhập Liên hợp quốc, chúng ta nhận được sự giúp đỡ to lớn của các nước trong khu vực, trên thế giới về việc bảo tồn di sản văn hóa . Thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu, giao lưu giới thiệu các bộ sưu tập hiện vật, nhiều tổ chức quốc tế đã hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích.
Giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Để có những biện pháp hiệu quả trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, cần căn cứ những quy định về di sản của UNESCO, hiến chương Liên hợp quốc.
Với quan điểm di sản là cái đang có, cái không thể thay thế, nên vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích cộng đồng, thì cái mới, cái xây dựng sau cần phải hết sức tôn trọng di sản gốc. Từ thực tiễn, những bài học có tính phổ quát trên phạm vi toàn thế giới, UNESCO đã ban hành nhiều công ước, hiến chương trong đó có nêu những nguyên tắc cơ bản để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển như: Hiến chương về bảo vệ thành phố, đô thị lịch sử, trong đó chức năng mới, các mạng kết cấu hạ tầng của đời sống đương đại đòi hỏi phải thích hợp với đặc trưng của thành phố lịch sử, bảo vệ di sản không có nghĩa bảo vệ một cách bất di bất dịch. Hiến chương cũng nêu rõ: “Việc đưa các yếu tố đương đại vào mà hài hòa được với tổng thể khung cảnh là có thể chấp nhận, bởi vì các yếu tố mới đó có thể góp phần làm cho khu vực thêm phong phú”.
Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa, di sản thiên nhiên đã thành một phức hợp đóng vai trò chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái, thẩm mỹ. Mối tương tác giữa du lịch, di sản văn hóa được nêu tại Công ước quốc tế về du lịch văn hóa, được thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ XII. Một số mục tiêu đáng chú ý của Công ước: tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích ngành kinh doanh du lịch đẩy mạnh, quản lý du lịch theo hướng tôn trọng, phát huy di sản cùng các hiện tượng văn hóa đang tồn tại; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đối thoại giữa những người chịu trách nhiệm về di sản với những người kinh doanh du lịch, nhằm làm họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng, tính chất mỏng manh dễ hỏng của các tổng thể di sản, các sưu tập, các văn hóa đang tồn tại, kể cả sự cần thiết phải đảm bảo một tương lai bền vững cho những di sản đó. Công ước đã đưa ra 6 nguyên tắc về du lịch văn hóa là: tạo ra những cơ hội quản lý tốt, có trách nhiệm cho các thành viên của cộng đồng, chủ nhà, các khách tham quan để họ thấu hiểu di sản văn hóa của cộng đồng đó; mối quan hệ giữa các địa điểm di sản, du lịch là có tính động, có thể có giá trị xung đột nhau nên cần quản lý mối quan hệ đó một cách bền vững cho hôm nay vì các thế hệ mai sau; lên kế hoạch bảo vệ, phát triển du lịch cho các địa điểm di sản, phải bảo đảm thu hút du khách;các cộng đồng chủ nhà, dân chúng bản địa phải được tham gia vào việc lập kế hoạch bảo vệ du lịch; hoạt động du lịch, bảo vệ phải có lợi cho cộng đồng chủ nhà; các chương trình xúc tiến du lịch phải bảo vệ, phát huy các đặc trưng của di sản thiên nhiên, di sản văn hóa. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hóa tại di tích, hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết. Nguồn tài nguyên di tích cũng sẽ bị cạn kiệt như những nguồn tài nguyên dầu mỏ, than đá... nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn. Bảo tồn, khai thác luôn là hai mặt của một vấn đề, nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới khai thác sẽ gây lãng phí tài nguyên, hạn chế việc phát huy giá trị; nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn thì sẽ gây hủy hoại di tích, hủy hoại môi trường, để lại hậu quả to lớn cho toàn xã hội. Vì thế, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di tích, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu về di tích, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ thuật viên, thợ nghề, nghệ nhân, những người làm công tác bảo vệ di tích ở cơ sở.
Di sản văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của cuộc sống đương đại. Bảo vệ, phát huy giá trị của di tích là nền tảng, là nguồn động lực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Đây cũng là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người cũng như của cả cộng đồng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016
Tác giả : BÙI BẠCH ĐẰNG - HOÀNG VĂN VÂN