Giá trị hướng nguồn trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

1. Đặt vấn đề

Hướng về cội nguồn là giá trị trường tồn của mọi cộng đồng người trên thế giới. Bằng những cách khác nhau, người ta đều đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ở mỗi không gian văn hóa, các dân tộc lại có những cách lý giải khác nhau về nguồn gốc tộc người. Việc ai cũng quan tâm đến nguồn gốc thực chất là để khẳng định, tự tôn cái bản ngã của cộng đồng, dân tộc, đồng thời lưu giữ bản sắc văn hóa của mình không bị hòa tan trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các cộng đồng khác trong hội nhập với quốc tế.

Đối với dân tộc Việt Nam, hướng về cội nguồn là một nhu cầu xuyên suốt trong chiều dài dựng nước và giữ nước. Nếu quan sát một cách tổng thể toàn bộ kho tàng tri thức dân gian của ông cha ta để lại, có thể thấy người Việt Nam hầu như không quan tâm nhiều lắm đến vấn đề vũ trụ quan (nguồn gốc của thế giới ra sao? vật chất có trước hay ý thức có trước?...) mà luôn đặt câu hỏi: tổ tiên ta là ai? Họ truyền đời từ hàng ngàn năm lịch sử truyền thuyết về cha Rồng - mẹ Tiên (Lạc Long Quân - Âu Cơ). Đây chính là yếu tố nền tảng tạo nên giá trị đặc trưng, cốt lõi của tín ngưỡng Hùng Vương và các di sản văn hóa gắn với tín ngưỡng này trên khắp đất nước Việt Nam, trong đó Phú Thọ chính là vùng đất của nhà nước Văn Lang, vùng lõi của không gian văn hóa Đất Tổ.

2. Nội dung

Nghiên cứu giá trị hướng nguồn trong tín ngưỡng và lễ hội thờ cúng Hùng Vương, chúng tôi đi từ những truyền thuyết dân gian đến tín ngưỡng và sự hiện hữu trong sinh hoạt lễ hội. Nghĩa là, chúng tôi tập trung nhấn mạnh giá trị này trong tâm thức dân gian của người Việt Nam. Mặc dù những kết quả nghiên cứu hiện đại, đặc biệt là khảo cổ học đã làm sáng tỏ dần diện mạo thực sự và tính xác thực của thời kỳ Hùng Vương, nhưng có lẽ giá trị trong tín ngưỡng dân gian mới là quan trọng hơn cả và quyết định sự trường tồn của tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng. Theo GS Phan Huy Lê: “Vai trò của vương triều trước kia và nhất là của nhà nước hiện nay rất quan trọng nhưng nền tảng và sức sống của tín ngưỡng là trong lòng dân, trong tín ngưỡng dân gian. Sự bảo tồn và phát huy các giá trị của việc thờ cúng vua Hùng vì thế cũng cần coi trọng cội nguồn và sức sống dân gian của nó”(1).

Truyền thuyết Hùng Vương - cơ sở hình thành tín ngưỡng

Trước khi những bộ sách về lịch sử dân tộc được biên soạn có ghi chép về thời đại các vua Hùng, thì trong dân gian đã lưu truyền những truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa, dựng nước thời Hùng Vương. Trong đó có những truyền thuyết kể về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam đó là thời Hồng Bàng. Nhiều câu chuyện được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Các truyền thuyết giải thích việc hình thành nhà nước đầu tiên ở nước ta, nói đến tổ tiên người Việt là các vua Hùng, đồng thời nói đến nhiều khía cạnh đời sống văn hóa và chính trị ở Việt Nam thời kỳ này.

Sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (TK XIII) ghi chép về những truyện cổ tích và truyền thuyết Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng - Lạc Long Quân cho rằng: thủy tổ dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương, làm vua vào khoảng năm Nhâm Tuất (hơn 2000 năm TCN). Kinh Dương Vương lấy con gái vua hồ Động Đình tên là Thần Long, sinh một con trai đặt tên là Sùng Lãm, sau nối ngôi vua cha, niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một bọc một trăm trứng, nở ra một trăm người con trai là tổ tiên của người Bách Việt. Về sau, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó, bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là Nam Hải), phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua” (2). Hùng Vương lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ). Các đời sau đều gọi là Hùng Vương, gồm 18 đời.

Thời Hùng Vương còn gắn với nhiều truyền thuyết khác như: Bánh chưng bánh dày gửi gắm trong đó những “mã số văn hóa” về chính trị, nông nghiệp và triết lý nhân sinh…; Sơn Tinh - Thủy Tinh phản ánh phần nào cuộc đấu tranh chống lại bão lũ, trị thủy của người Việt; Phù Đổng Thiên Vương dù khởi nguyên mang ý nghĩa nông nghiệp nhưng đã phản ánh nỗ lực đoàn kết của cộng đồng dân cư Việt cổ đấu tranh chống giặc ngoại xâm; Truyền thuyết Mai An Tiêm lại “ảnh xạ” công cuộc lao động kiên cường khai phá các vùng đất mới, thuần hóa giống hoa quả mới (dưa hấu). Trong khi đó, sự tích Trầu Cau không chỉ là một sự giải thích về tục ăn trầu của người Việt mà còn gửi gắm vào đó những “mã số văn hóa” trong cuộc chuyển mình của quan hệ hôn nhân - gia đình tiền phụ hệ sang phụ hệ…

Tập hợp những truyền thuyết đó có thể được xem như một bộ sử dân gian vừa đượm màu sắc huyền thoại, vừa chứa đựng những cốt lõi lịch sử trong ký ức hồi cố và truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Từ lõi lịch sử của truyền thuyết về thời đại Hùng Vương đến tâm thức và tín ngưỡng thờ vua Hùng là quá trình phát triển liên tục trong cộng đồng người Việt qua bao thế hệ nối tiếp nhau.

Từ truyền thuyết đến tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương

Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ đến thời nhà Trần (1225-1400). Đặc biệt trong Đại Việt sử lược viết vào khoảng năm 1377, lưu giữ trong Tứ khố toàn thư của triều Mãn Thanh, Trung Quốc chép rằng: “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696-681 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương” (3). Niên đại TK VII TCN mà Đại Việt sử lược ghi chép phù hợp với những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cho sự ra đời của một nhà nước đầu tiên.

Trải qua hàng trăm năm, từ TK XIII - TK XV từ ngữ danh xưng Hùng Vương đã được tích tụ từ truyền thuyết dân gian dần trở thành “chính thống”. Bằng việc soạn dựng Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng năm 1470, triều đại Hậu Lê đã khẳng định vị trí Quốc Tổ - dựng nước, sinh dân của các vua Hùng. Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Lê Sơ, xuất hiện năm 1479 dưới đời vua Lê Thánh Tông, chính là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, rồi Hùng Vương vào phần “ngoại kỷ”.

Dưới thời phong kiến, một số nhà sử học đã đưa thời đại Hùng Vương vào các công trình sử học và xem đó như một phần lịch sử của dân tộc, chẳng hạn như cuốn Đại Việt sử lược thời Trần, Dư địa chí ở thời Lê. Đặc biệt, nhà sử học Ngô Sĩ Liên khi biên soạn công trình đồ sộ Đại Việt sử ký toàn thư đã đưa thời Hùng Vương thành một phần quan trọng trong tác phẩm này. Các sách: Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1840); Việt Nam sử học (1919); Việt Nam văn hóa sử cương (1938); Thần linh Đất Việt (2002); Truyền thuyết Hùng Vương (1971-2003)... đều ghi chép lại việc Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con trai, hình thành hai tiếng “đồng bào”.

Đến năm 1942, trong quá trình gây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã biên soạn bài diễn ca Lịch sử nước ta, trong đó có nói về cội nguồn dân tộc:

Hồng Bàng là tổ nước ta,

Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang (4).

Trải qua diễn trình lịch sử, tháng 3-2007, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (khóa XII), ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã chính thức được công nhận là một trong những ngày quốc lễ.

Trong những năm gần đây, với những phát hiện về văn hóa Đông Sơn, các nhà khoa học có thể dựng nên bức tranh toàn thể về thời đại Hùng Vương dựa vào vật chứng khai quật được. Chính văn hóa Đông Sơn là nền tảng cho thời này, khi niên đại của nó cũng khá trùng hợp với những gì mà truyền thuyết và sử sách chép lại về thời Hùng Vương (vào khoảng TK VII TCN). Cùng với các thành tựu khảo cổ học, những khám phá về ngôn ngữ học, văn hóa học... đã chứng minh một cách thuyết phục rằng tâm thức hướng về cội nguồn của dân tộc Việt Nam mà tín ngưỡng Hùng Vương là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Vì vậy, ngày Giỗ Tổ hằng năm, đã trở thành một ngày lễ lớn của nhân dân.

 Lễ hội đền Hùng - biểu hiện tập trung của giá trị hướng nguồn

Tín ngưỡng và đức tin tâm linh vào ngày Giỗ Tổ của người Việt Nam bắt nguồn từ truyền thuyết thời Hùng Vương. Từ đó hình thành hệ thống tín ngưỡng thờ Quốc Tổ với niềm tôn kính thiêng liêng. Lễ hội đền Hùng được tổ chức thường niên ở đất kinh đô Văn Lang xưa chính là không gian thực hành tín ngưỡng một cách tập trung nhất, rõ nét nhất.

Theo thống kê của tỉnh Phú Thọ, trung bình mỗi năm có khoảng từ 4 đến 5 triệu lượt khách đi lễ, riêng lễ hội đền Hùng năm 2016 đã thu hút hơn 7 triệu lượt người. Đóng góp vào Giỗ Tổ Hùng Vương, ngoài tỉnh Phú Thọ là đơn vị chủ lễ (với sự góp mặt của rất nhiều làng xã tham gia rước kiệu lễ) còn có sự đóng góp và tham gia của nhiều tỉnh, thành trong cả nước...

Hướng về cội nguồn thể hiện đạo lý, cốt cách con người Việt Nam

Có thể khẳng định, đây vừa là đạo lý, vừa là lẽ sống không chỉ của những người đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ tới tất cả con Lạc cháu Hồng. Trong cuốn sổ lưu niệm của Bảo tàng Hùng Vương hiện còn để lại rất nhiều dòng lưu bút xúc động của đồng bào. Ngày 7-5-1976, một người đến từ đồng bằng sông Cửu Long ghi: “Chúng tôi đến đây với tất cả ước mơ của những người con từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tất cả tấm lòng của những người con vùng đất cuối cùng của Tổ quốc”... “Chúng tôi muốn thưa với Tổ tiên và với Bác Hồ rằng: Miền Nam đã sắt son chung thủy trở về nguyên vẹn với cội nguồn”...; 39 linh mục và 85 tu sĩ từ TP.HCM, kính cẩn khấn rằng: “Trước khi là người công giáo, chúng tôi là người Việt Nam. Đã là người Việt Nam thì phải có Tổ tiên và gia đình”; ông Vũ Ngọc Sơn, Việt kiều từ Mỹ ghi: “Đến viếng đền Hùng, chúng tôi như những giọt máu trở về tim”.

Như vậy, khi trở về đền Hùng, một mặt là dịp để mỗi người Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đã có công dựng nước, mặt khác thể hiện trách nhiệm lâu dài của họ đối với đất nước. Trách nhiệm ấy không chỉ ở suy nghĩ, hành vi mà còn thể hiện rõ trong cốt cách con người Việt Nam.

Hướng về cội nguồn hun đúc thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Trong tâm thức của nhân dân ta từ bao đời nay, vua Hùng là vị vua Thủy Tổ của dân tộc Việt Nam. Dân tôn thờ vua là Thánh Tổ Hùng Vương. Dựa vào uy linh của Thánh, ý thức cộng đồng đã được hình thành và phát triển, từ trong gia đình đến gia tộc, hàng xóm láng giềng rồi mở rộng ra cả nước theo quan hệ huyết thống: Dòng máu Lạc Hồng, con cháu Lạc Hồng. Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam, ai cũng luôn quan niệm rằng: tất cả đều được sinh ra từ một bọc (đồng bào) - người dân cả nước đều là anh em một nhà.Nhiều thế kỷ nay, với người Việt Nam, “đồng bào” đã trở thành khái niệm có tính đại diện cho ý thức cố kết cộng đồng dân tộc, niềm tự hào dân tộc; có sức mạnh to lớn trong việc hội tụ, khơi dậy, củng cố và nuôi dưỡng ý thức quốc gia - dân tộc.

Như vậy, hướng về cội nguồn là giá trị tinh thần cốt lõi nhất, căn bản nhất của dân tộc Việt Nam, là hạt nhân hình thành chủ nghĩa yêu nước, dân tộc. Giá trị hướng nguồn của lễ hội thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ tạo nên sức sống mãnh liệt và tính lan tỏa rộng, trở thành biểu tượng quốc gia - dân tộc, có sức mạnh cố kết cộng đồng mạnh mẽ qua đó củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. GS Phan Huy Lê từng cho rằng: “Nó giữ vai trò như chất kết dính dân tộc, như một sức mạnh tâm linh, sợi chỉ thiêng gắn bó cộng đồng trong một vận mệnh chung, xuất phát từ một Quốc Tổ dựng nước đầu tiên” (5).

3. Kết luận

Trong tâm thức của người Việt từ ngàn đời nay, niềm tin, đức tin vào Quốc Tổ Hùng Vương luôn được đan xen hòa quyện với những yếu tố linh thiêng, huyền ảo từ truyền thuyết về thời đại Hùng Vương. Vua Hùng từ truyền thuyết đến tín ngưỡng đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, trường tồn cùng lịch sử, trong tâm thức của người Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng là sự phát triển cao có tính chất trừu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình. Triết lý cội nguồn trên phạm vi quốc gia ấy cũng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc củng cố về mặt lý luận cho sự liên kết các quan hệ máu mủ thân tộc. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ gia đình, dòng họ đến Tổ quốc đã không ngừng được giữ gìn, bảo tồn qua các bước thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Tín ngưỡng và lễ hội thờ cúng Hùng Vương trong quá trình hình thành, tồn tại đã góp phần tạo nên những giá trị đạo đức truyền thống, tính cộng đồng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc... Đây là những giá trị rất cần được giữ gìn, phát huy trong xã hội hiện đại nay.

__________________

1, 5. Phan Huy Lê, Di sản văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, tr.61.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.132.

3. Đại Việt sử lược, Bản Tứ khố toàn thư, QI-1a, bản dịch của Trần Quốc Vượng, Nxb Văn sử địa, Hà Nội, 1960, tr.14.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.221.

Tác giả: Bùi Huy Toàn - Cao Văn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

;