Chùa Tiêu, tỉnh Bắc Ninh, còn gọi là chùa Thiên Tâm hay chùa Ba Sơn, từ lâu đã trở thành một danh lam cổ tự, thu hút sự chú ý và chiêm bái của du khách, phật tử cả nước, bởi ngôi chùa gắn với các nhân vật lịch sử nổi tiếng như thiền sư Lý Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, thiền sư Như Trí. Ngoài ra, nơi đây còn bảo lưu nhiều tài liệu khảo cổ học và sách Phật giáo có giá trị.
Chùa Tiêu trước có tên là chùa Thiên Tâm ở núi Tiêu Sơn, ngoài ra, chùa còn có tên gọi khác là chùa Tiêu Sơn hay chùa Ba Sơn. Tên gọi chùa Tiêu được lý giải là gọi theo tên đất, tên làng, tên núi nơi đây. Một tên gọi khác của chùa là chùa Ba Sơn được nhắc trong chính sử, sách Việt sử lược, Thiền uyển tập anh… đề cập đến thông tin: Ba Sơn tức là Tiêu Sơn, nơi Vạn Hạnh trụ trì. Ở đây vốn trước có ba làng gọi là Tiêu: Tiêu Sơn, Tiêu Long, Tiêu Thượng. Thời Nguyễn thuộc một xã Tiêu Sơn thượng. Cho nên chùa Thiên Tâm còn gọi là chùa Tiêu hay chùa Ba Sơn. Nội dung câu đối ở chùa hiện nay cũng phản ánh điều này.
Giá trị lịch sử - khảo cổ
Chùa Tiêu là di tích lịch sử lâu đời, được khởi dựng từ trước thời Lý. Chùa là nơi khởi sự của Thiền sư Lý Vạn Hạnh - một trong những thiền sư có ảnh hưởng đặc biệt đến triều nhà Lý. Đồng thời, ông cũng là người góp phần đào tạo nhiều nhân tài đức độ giúp sức cho dân, cho nước. Nơi đây lưu giữ nhiều dấu tích có liên quan đến nhà Lý, đặc biệt là dấu tích liên quan đến lai lịch, công trạng của vua Lý Công Uẩn. Chính ở nơi đây, Quốc sư Lý Vạn Hạnh đã có công nuôi dưỡng, giáo dục Lý Công Uẩn từ thơ ấu cho tới lớn khôn, trưởng thành, sau trở thành bậc minh vương có công khai lập vương triều Lý và nền văn minh Đại Việt.
Các hiện vật, tư liệu tiêu biểu tồn tại đến ngày nay, liên quan tới các danh nhân tiêu biểu thời Lý ở chùa Tiêu phải kể đến: bia Lý gia linh thạch, chuông Tràng Liêu Tự Chung, bài vị ghi công danh đức độ, tài năng của Thiền sư Lý Vạn Hạnh Lý Triều nhập nội tể tướng - Lý Vạn Hạnh thiền sư thần vị và tượng đồng Lý Vạn Hạnh… cùng nhiều câu đối, hoành phi, đại tự, văn cúng các vị sư tổ…
Bên cạnh giá trị lịch sử, chùa Tiêu còn có nhiều giá trị khảo cổ độc đáo. Đây là nơi đang lưu giữ và bảo quản pho tượng nhục thân của Thiền sư Như Trí. Ngài từng là trụ trì chùa Tiêu Sơn, người có công khắc in bộ Thiền uyển tập anh năm 1715, một bộ sử thiền có giá trị về văn hóa phật học ở nước ta. Điều độc đáo của pho tượng táng thiền sư Như Trí chính là hình thức thiền táng - một hình thức rất hiếm thấy trên thế giới. Theo đó, khi một vị thiền tăng đạt đến một mức độ nhập thiền cao siêu mới có thể có được “nhục thân” - nghĩa là sau khi đã viên tịch, cơ thể sẽ không bị phân hủy theo thời gian. Cho đến nay, thiền táng vẫn còn là bí ẩn và gắn liền với cách an táng có phần kỳ bí này chính là câu chuyện về nhục thân của bốn vị thiền sư ở Việt Nam, trong đó, có Thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu ở Bắc Ninh.
Tượng của ngài được phát hiện trong một tháp cổ tại vườn tháp của chùa. Ngôi tháp có niên đại khoảng năm 1723 thời vua Lê Dụ Tông. Đến nay, ngôi tháp và pho tượng đã gần 300 tuổi. Trên tháp có một viên gạch đề tên người ngồi trong tháp là “Ma Ha Đại Tỳ kheo Như Trí Nhục thân Bồ Tát”, tức là trong tháp này có nhục thân của Ma Ha Đại Tỳ kheo Như Trí. Trải qua thời gian dài dưới sự khắc nghiệt của thời tiết, pho tượng đã bị hư hỏng nặng. Bởi vậy, năm 2004, tượng đã được đưa về chùa Duệ Khánh, huyện Tiên Du để tu bổ. Công việc này do PGS, TS Nguyễn Lân Cường làm chủ nhiệm và họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng kỹ thuật sơn mài vào bảo quản tượng nhục thân của thiền sư Như Trí tại chùa Tiêu. Theo họa sĩ Đào Ngọc Hân: “Chất liệu để làm pho tượng và bó vào nhục thân của ngài chủ yếu là sơn và các phụ gia như vải, đất, mùn cưa. Trong quá trình xem mảnh vỡ của ngài, mình thấy hoàn toàn nằm trong quy trình và chất liệu sơn mài. Mình xin phép được xem xét một mảnh bột, mang kính lúp đi soi kỹ thì thấy có rất nhiều các thớ vải, ở phía ngoài cùng là sơn và có những mảnh vàng bạc. Như vậy, mình thấy cái này hoàn toàn là chất liệu sơn mài”.
Pho tượng sau khi tu bổ nặng 34kg, chiều cao tư thế ngồi 78,5cm, được đặt trong một khám sơn son thếp vàng có hộp kính kín, dày 10mm, chứa đầy khí ni - tơ để bảo vệ và được đặt ở nhà tổ chùa Tiêu. Phật tử đến chùa Tiêu không chỉ vãn cảnh, mà còn để tìm hiểu thêm về giá trị văn hóa ẩn chứa đằng sau pho tượng nhục thân thiền sư - một di sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt.
Giá trị kiến trúc nghệ thuật
Chùa Tiêu là công trình văn hóa chứa đựng giá trị nghệ thuật và thắng cảnh du lịch địa phương khá tiêu biểu. Các tượng phật, tượng tổ ở đây là những tác phẩm nghệ thuật thời Lê rất có giá trị: tượng tổ Lý Vạn Hạnh, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay biến thể, tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Thị Kính… được thể hiện độc đáo, khác với nhiều chùa ở các nơi trong và ngoài địa phương.
Số lượng, hình thức xây dựng, kiến thiết tháp đã thể hiện sự phong phú đa dạng của kiến trúc chùa Tiêu. Chùa Tiêu hiện nay nổi bật với tòa tam bảo, được xây dựng và tu bổ vào thời nhà Nguyễn với kiến trúc, chạm khắc nghệ thuật đơn giản. Diện tích mặt bằng tòa tam bảo là 142,82m2, gồm 5 gian, gian giữa rộng 2,8m, các gian cạnh rộng bằng nhau là 2,7m. Kết cấu vì kèo: khoảng cách giữa 2 cột cái là 2,2m, từ cột cái đến cột quân là 1.3m. Hậu cung bao gồm 3 gian rộng trung bình 2,2m, gian cuối sát tường rộng hơn là 2,6m; tam bảo cao 5m, cột cái cao 4,1m, cầu vi 90 cm; cột quân cao 3,3m, chu vi là 8,5m; cột hiên cao 6,2m.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy, duy chỉ có kiến trúc chùa ở sườn núi còn khá nguyên vẹn với 14 ngọn tháp, là nơi yên nghỉ của các vị sư tổ. Vào những năm 80, TK XX, chùa Tiêu đã được dựng lại đơn sơ trên nền móng cũ. Năm 1992, nhân dân địa phương công đức tiền của dựng ngôi bảo tháp thờ vọng Lý Vạn Hạnh ở trước tòa tam bảo; lại dựng tượng vị thiền sư trên đỉnh núi Tiêu. Tượng Lý Vạn Hạnh được tạc ở thế tọa thiền, cao 8m, mặt hướng về phía Kinh thành Thăng Long. Năm 2001, lầu Bồ Tát được dựng giữa hồ nước lớn trước chùa; năm 2002: dựng nhà tổ; năm 2003: dựng tam bảo theo kiến trúc xưa. Đến nay, chùa đã được trùng tu và mở rộng trên nền của những công trình xưa. Nhiều hạng mục công trình được đầu tư với quy mô bề thế, khang trang như tượng thiền sư, tam quan,… tạo không gian chiêm bái đậm chất phật giáo.
Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di tích chùa Tiêu không chỉ mang ý nghĩa với hiện tại, mà còn là cách chúng ta gìn giữ cho mai sau. Vì vậy, việc tu bổ và tôn tạo di tích cần đảm bảo nguyên tắc giúp nhận diện chính xác và toàn diện về di tích, tạo sự bền vững và kéo dài tuổi thọ của di tích, cũng như phát huy tốt giá trị của di tích, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Tác giả: Trương Mai Ngọc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019