DỊCH VỤ KARAOKE, VŨ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TP.HCM

Dịch vụ karaoke, vũ trường là một trong những hoạt động văn hóa giải trí phổ biến, đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của loại hình dịch vụ này đã kéo theo nhiều bất cập, gây ra hệ lụy không nhỏ đối với đời sống xã hội. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học thực trạng dịch vụ karaoke, vũ trường để xây dựng một quy hoạch phát triển trên nguyên tắc gắn với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.

Trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tại TP.HCM đã hình thành những trung tâm văn hóa lớn, nhận được quan tâm của cộng đồng quốc tế và nhân dân trong nước. Những loại hình dịch vụ văn hóa như karaoke, vũ trường… xuất hiện, chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường, đặc điểm kinh tế, xã hội và dân cư địa phương. Bên cạnh việc góp phần nâng cao đời sống tinh thần của giới trẻ, hoạt động karaoke, vũ trường cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái, gây mất ổn định an ninh trật tự xã hội, tạo ra những xu hướng thị hiếu thiếu lành mạnh. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quản lý dịch vụ hoạt động văn hóa, việc vận dụng các chủ trương, chính sách đó đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tại TP.HCM, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao, các dịch vụ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, “trong quá trình phát triển, môi trường văn hóa của TP.HCM vẫn chưa được hoàn thiện, chưa thực sự là môi trường đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng với đô thị lớn nhất cả nước…(1). Trong những năm gần đây, thực tiễn công tác quản lý ở TP.HCM cho thấy, hoạt động dịch vụ văn hóa diễn ra càng ngày càng đa dạng, phức tạp, đòi hỏi phải có những nghiên cứu đánh giá sâu sắc về thực trạng kinh tế, xã hội, đặc điểm cộng đồng dân cư địa phương, từ đó làm luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, đề ra những giải pháp phù hợp.

Trước  năm 2000, hoạt động karaoke, vũ trường tại TP.HCM chưa phát triển rầm rộ như hiện nay, chỉ dưới 10 cơ sở dịch vụ mỗi quận, tập trung ở một vài quận đông dân cư, có nhịp độ phát triển mạnh như quận 1, quận 10, quận Tân Bình... Đến năm 2000, sau 10 năm phát triển, mạng lưới dịch vụ karaoke, vũ trường (đặc biệt là karaoke) đã phủ kín 24 quận, huyện của thành phố.

Trước tình trạng nở rộ các dịch vụ karaoke, vũ trường, năm 2002, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 105 và 106 về việc quản lý tổ chức và hoạt động khiêu vũ và karaoke trên địa bàn thành phố. Căn cứ vào thực tiễn tình hình hoạt động dịch vụ văn hóa ở các địa phương, tháng 11 - 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2009/NĐ-CP về quy chế hoạt động văn hóa kinh doanh dịch vụ công cộng, trong đó quy định đầy đủ các điều kiện đảm bảo cho hoạt động karaoke, vũ trường (2). Việc ban hành các văn bản pháp quy nói trên đã đưa dần các hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố vào nề nếp, đồng thời cũng tạo ra hành lang pháp lý để đầu tư phát triển loại hình dịch vụ này trên toàn thành phố. Có thể coi đây là một động thái quản lý tích cực và kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM phát triển loại hình dịch vụ này sớm và mạnh nhất so với các địa phương khác trên toàn quốc. Sau hai thập niên đầu phát triển thuận lợi, trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố đã có tới 424 cơ sở dịch vụ karaoke, 11 cơ sở dịch vụ vũ trường được đầu tư đúng quy chuẩn, có giấy phép hoạt động.

Về cơ bản, TP.HCM đã chấp hành đầy đủ quy định của UBND thành phố về quản lý tổ chức hoạt động karaoke, vũ trường, tạo ra một không khí sinh hoạt văn hóa lành mạnh, an toàn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đa số nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, những yếu tố tiêu cực, vấn nạn xã hội xuất hiện trong các loại hình dịch vụ giải trí dẫn đến nhiều bất cập cả trong quản lý và hoạt động dịch vụ.

Thứ nhất, việc bùng phát đầu tư dịch vụ karaoke, vũ trường đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát, hoạt động dưới vỏ bọc là các điểm thu âm trên nền nhạc karaoke, biến các khách sạn được xếp hạng sao, những tòa nhà văn phòng sang trọng thành các điểm karaoke… Do TP.HCM đã ngưng cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke trong thời gian quá dài nên quá trình thu thập số liệu về các cơ sở có hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường có và chưa có đăng ký, chính thức và biến tướng gặp rất nhiều khó khăn. Con số 424 cơ sở karaoke và 11 cơ sở vũ trường đang hoạt động tại địa bàn TP.HCM mới chỉ phản ánh số lượng của các cơ sở có trong đăng ký chính thức. Theo số liệu của Bộ VHTTDL, năm 2015, cả nước có khoảng 36 nghìn cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường theo quy hoạch, nhưng thực tế chỉ có 17.321 cơ sở hoạt động (3). Nếu so sánh số liệu này với số cơ sở karaoke, vũ trường do cơ quan quản lý cung cấp thì số liệu tại TP.HCM chưa tới 3% so với cả nước. Điều đó không thật sự phù hợp với vị thế của thành phố là một trong hai thành phố lớn nhất của cả nước.

Thứ hai, tình trạng vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường diễn ra ngày càng phổ biến. Trong kinh doanh karaoke, thường gặp những vi phạm như không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, hoạt động quá thời gian cho phép, không ký kết hợp đồng lao động với nhân viên, sử dụng vượt quá số nhân viên phục vụ cho phép, sử dụng nhân viên chưa đủ tuổi lao động, nhân viên nữ ngồi hát chung với khách, kinh doanh rượu và đồ uống cấm... Nhiều tổ chức, cá nhân trốn tránh việc đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương, cố tình chây ỳ không thực hiện các nghĩa vụ tài chính, tình trạng biến tướng trong hình thức kinh doanh, quán bar nhưng thực tế chuyển sang vũ trường, buôn bán sử dụng ma túy, rượu lậu, gái mại dâm… Không ít các cơ sở đã lắp đặt chuông báo động để đối phó với đoàn kiểm tra. Những lỗi vi phạm trên đây lặp lại nhiều lần nhưng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, cũng chỉ mang tính hình thức.

Trong năm 2014, chỉ tính riêng trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, quán bar, karaoke, vũ trường, đoàn thanh tra chuyên ngành Sở VHTT cùng hai đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản vi phạm 86 trường hợp. Lực lượng kiểm tra liên ngành quận, huyện đã tổ chức 3.430 lượt kiểm tra, trong đó kiểm tra karaoke 260 lượt, xử lý vi phạm hành chính hàng tỉ đồng.

Thông qua công tác xử lý hồ sơ vi phạm, thanh tra Sở VHTT TP.HCM đã ban hành 83 quyết định thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về văn hóa, xã hội của thành phố, đề nghị UBND thành phố ban hành 30 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thông qua các quyết định xử phạt nêu trên, đã tước quyền sử dụng giấy phép karaoke 3 cơ sở, buộc 8 cơ sở ngưng hoạt động các phòng karaoke dôi dư so với giấy phép. Từ năm 2006 đến nay, hội đồng xử lý vi phạm hành chính thành phố và các quận, huyện đã tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh karaoke của 67 cơ sở.

 Đặc biệt, sau vụ cháy cơ sở karaoke tại số nhà 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào đầu tháng 11 - 2016, ngày 11 - 11, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở VHTT về việc rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà hàng, quán bar trên địa bàn thành phố. Theo đó, nội dung kiểm tra tập trung các vấn đề: việc chấp hành các quy chuẩn, quy định của pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình hoạt động; các biện pháp quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, điều kiện ngăn cháy, nguồn nước phục vụ cho chữa cháy, thông tin liên lạc báo cháy và chữa cháy, kết cấu xây dựng công trình, kết cấu các bảng quảng cáo… Đây là một động thái kịp thời nhằm ngăn chặn những nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, những động thái này chưa đủ đến ngăn chặn những vấn nạn khác mà tác hại của nó nằm trong chiều sâu của đời sống xã hội.

Thứ ba, sự thiên lệch về phương thức và thị hiếu hưởng thụ văn hóa của một bộ phận không nhỏ người sử dụng dịch vụ karaoke, vũ trường. Hiện tượng này nảy sinh từ những bất cập trong quản lý và vận hành cơ sở dịch vụ karaoke, vũ trường. Nghiên cứu kỹ nội dung các văn bản pháp quy, các hướng dẫn hoạt động karaoke, vũ trường để tránh, hầu hết nội dung quy định về các thủ tục, các quy trình, các điều kiện; gần như không có quy định cụ thể về nội dung văn hóa chứa đựng trong các sản phẩm dịch vụ. Nhà quản lý và chủ cơ sở dịch vụ karaoke, vũ trường cũng chỉ thực hiện việc quản lý theo quy trình và thủ tục. Trong điều kiện đó, người sử dụng không bị hạn chế nội dung văn hóa chứa đựng trong sản phẩm dịch vụ nên có thể tự do lựa chọn các sản phẩm mà họ ưa thích. Theo đó, nhiều sản phẩm văn hóa không lành mạnh có cơ hội thâm nhập vào dịch vụ karaoke, vũ trường mà không bị xử lý hay hạn chế bởi không có chế tài. Như vậy, giữa xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa và đa dạng văn hóa với việc định hướng phát triển văn hóa lành mạnh chưa có ranh giới rõ ràng.

Bên cạnh sự thiếu chuẩn hóa về nội dung hưởng thụ văn hóa, phương thức hưởng thụ văn hóa cũng đang có nhiều lúng túng chưa được tháo gỡ. Dịch vụ karaoke, vũ trường có cùng mục đích hoạt động với các câu lạc bộ văn hóa, nhưng lại không có chương trình, kịch bản cụ thể mà hoạt động hoàn toàn ngẫu hứng. Chính yếu tố này cho thấy tính tổ chức trong hoạt động karaoke, vũ trường không cao, là nguyên nhân dẫn đến những va chạm bộc phát mà không có người giải quyết và không được giải quyết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho một bộ phận dân cư đánh giá hoạt động karaoke, vũ trường bằng góc nhìn tiêu cực.

Trước những thực tế nêu trên, để có một môi trường dịch vụ karaoke, vũ trường lành mạnh, thực sự là một hoạt động văn hóa hữu ích, đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa của một bộ phận dân cư, nhất là lớp trẻ thì đòi hỏi phải có những giải pháp có tính tổng hợp và toàn diện.

Trước hết, cần tiến hành một cuộc điều tra tổng thể để nắm được một cách đầy đủ số lượng thực tế các cơ sở hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường tại TP.HCM. Cuộc điều tra này không thể chỉ dừng lại ở những con số đăng ký mà phải nắm được các thuộc tính của cơ sở dịch vụ bao gồm các cơ sở chính thức, các cơ sở biến tướng, trá hình để đặt tất cả các cơ sở này vào trong tầm kiểm soát của nhà quản lý. Đi đôi với việc điều tra số lượng, cần một sự đánh giá nghiêm túc về thực trạng dịch vụ karaoke, vũ trường cả về các chỉ số điều kiện hoạt động, phương thức và nội dung hưởng thụ dịch vụ. Từ những thông số phản ánh đầy đủ hiện trạng và đánh giá chính xác thực trạng mới có thể xác lập được định hướng, từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch cho phát triển karaoke, vũ trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Có như thế mới có thể đưa dần hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường tại TP.HCM tránh được những vấn nạn và trở thành một hoạt động văn hóa lành mạnh, bổ ích đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần chính đáng của người dân thành phố.

___________

1. Phan Xuân Biên, Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Những vấn đề nghiên cứu ở TP.HCM, trong Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở TP.HCM, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2013, tr.63.

2. Công báo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tháng 12 - 2009.

3. Hiến kế hạn chế biến tướng karaoke, vũ trường, báo Tiền phong, ngày 30-1-2015.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : THÁI THU HOÀI

;