Đi qua thời xuân sắc

Họ đều là những diễn viên đã đi qua thời xuân sắc, đã đến lúc phải sống chung với bệnh tật của tuổi già. Nhưng đam mê với nghệ thuật thì như gió mùa thổi mãi, khiến cho mỗi người như con tằm, ngày ngày vẫn cần mẫn nhả chút tơ cho đời để thỏa niềm đam mê từng là động lực để họ sống chết với nghề một thuở.

 Nghệ sĩ ưu tú Lê Mai

Lê Mai sinh ở Hải Phòng, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha của bà là nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh - một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1954, Lê Mai thi đỗ vào Đoàn Kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam). Tới năm 1959, bà lại chuyển sang Đoàn Kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Rồi một thời gian sau, bà cảm thấy dường như mình không có duyên với sân khấu nên quyết định “về hưu non”. Thật may mắn khi tấm màn nhung của sân khấu tưởng như khép lại cuộc đời nghệ thuật của bà thì cánh cửa điện ảnh lại mở ra. Đạo diễn Hà Văn Trọng đang cần một diễn viên nữ có thân hình gầy gò cho bộ phim Đứa con người hàng xóm nên đã “nhắm” ngay đến bà - người phụ nữ “liễu yếu đào tơ” có lúc chỉ nặng hơn 30 ký.

NSƯT Lê Mai (thứ ba từ trái sang) và bạn bè nghệ sĩ chụp ảnh cùng nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda

Ly hôn từ khi mới ngoài 30, đang ở tuổi sung sức nhất thì buộc phải chia tay sàn diễn, lại thêm nỗi “sinh con một bề” (từng là ám ảnh với phụ nữ một thời vì nỗi không sinh được “đích tôn” nối dõi cho gia đình chồng) - những tưởng chừng ấy trớ trêu của số phận đủ làm gục ngã một người phụ nữ mảnh mai yếu đuối như bà Lê Mai. Nhưng người đàn bà kiên cường ấy đã chèo chống nuôi dạy đàn con trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng (khiến nhiều người bảo nhau: “Cứ đẻ con gái như bà Mai có phải sướng không!”). Cho đến khi tuổi đã ngoài bát thập, bà vẫn giữ được ngọn lửa đam mê với nghiệp diễn, nối dài sự nghiệp tưởng như đã “đứt gánh giữa chừng” vì nỗi “áo cơm ghì sát đất”. 

Bà Lê Mai từng có lần tâm sự: “Tôi “nhớ đời” câu nói của Vân trong tự truyện: “Tôi đã lên đến đỉnh cao và tôi biết dừng lại ở đây”, bà bảo rằng bà phục con gái vì bản lĩnh, nhưng bà không làm được như thế và sự nghiệp của bà cũng không giống như vậy.Vì chưa bao giờ lên đến đỉnh cao, nên đến già bà vẫn chưa bao giờ chán nghề. Sống quây quần với gia đình con gái Lê Khanh ở ngôi nhà xưa 20 Phan Đình Phùng, có một dạo bà mở quán nước ngồi bán cho vui. Nhưng rồi quán cứ đóng cửa liên miên vì chủ quán bận đi… đóng phim, lại thêm con cái cứ gàn vì sợ bà ôm đồm nhiều việc. Thế là dẹp quán, từ đó bà rảnh rang, lúc rỗi rãi thì chơi với cháu, khi có lời mời thì vi vu đóng phim. 

Còn nhớ hồi đang dở vai trong phim Nhà có nhiều cửa sổ, bà Lê Mai ngã bệnh. Chạy chữa châm cứu đủ cả mà vẫn không khỏi, bà không lo bệnh tật, cũng chẳng lo “méo mồm thì xấu” mà lo không biết có đóng phim được nữa hay không. Bà bày tỏ với đạo diễn “mồm tôi méo nhưng tiếng tôi không méo, các anh còn mời thì tôi còn đóng phim”. Cảm phục cái tình với nghề của bà, đạo diễn đã sửa kịch bản để bà Khuê cũng bị gió méo miệng. Cùng lúc ấy, bà vẫn được mời đóng quảng cáo như thường. Xuất hiện trong ba clip ngắn hướng dẫn cách tiết kiệm điện trên kênh VTV1, bà Lê Mai vừa đóng vừa… lấy tay che mồm “không khéo khán giả lại tưởng mình… e thẹn”. Sắc vóc không còn nữa nhưng cái duyên vẫn khiến bà ngày càng được nhiều đạo diễn tin tưởng. 

Vai diễn bà nội trong phim Bà nội không ăn pizza mang lại cho bà rất nhiều niềm vui. Đôi khi, bà trộm nghĩ có lẽ những gì khi trẻ mình không có thì lúc về già trời lại “dun dủi” cho. 73 tuổi, bà vẫn có một vai diễn hay, một vai diễn có thể xếp vào hàng “để đời” trong sự nghiệp đứt gãy của bà. Một bà cụ tưởng lẫn cẫn nhưng lại rất sáng suốt; lưng còng, mắt kém, lãng tai - tưởng như bà chả biết gì, ấy vậy mà thực ra bà lại tỉnh táo và sáng suốt ăn đứt đám con cháu, khiến đôi khi chúng tỉnh ngộ, giật mình hỏi bà: “Bà không biết thật hay giả vờ không biết?”. Đây là chi tiết bà Lê Mai “sướng” nhất bởi sự hài hước, dí dỏm mà rất đời thường của nó.

NSƯT Lê Mai bên ba con gái Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi

Vốn đề cao tính độc lập, tuy đã già, bà Lê Mai chẳng muốn phải lụy ai. Tiếng là ở gần Lê Khanh nhưng bà vẫn sống riêng biệt hoàn toàn. Đi đóng phim cũng vậy, bà chẳng muốn người ta đưa đón vì “có phải vườn trẻ đâu mà phải đi kèm”. Bà khác đi xe máy cho rảnh rang. Ngặt một nỗi, lịch quay phim rất thất thường, đâu như giờ công chức đi làm, khi thì đi từ sáng sớm, lức lại nửa đêm mới về. Thế là đoàn phim Bà nội không ăn pizza phải bí mật cắt cử người đi theo bà về nhà đề phòng bất trắc. Đến đây thì bà Mai cảm động, bà rút ra kết luận rằng: “Quả là có tình, ắt sẽ có tình đáp trả!”.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thủy

Là thành viên của lớp diễn viên khóa I tài sắc nhưng bà Thanh Thủy không “có phúc có phận” được nổi tiếng như Trà Giang - người bạn thân từ thuở hàn vi. Được làm nghề đúng vào thời hưng thịnh, nhưng mỗi năm cũng chỉ có vài phim nhựa, mà Thanh Thủy lại không thuộc vào hàng đào chính được “vua quen mặt chúa biết tên” nên ngoại trừ vai chính trong Câu chuyện quê hương, bà toàn vai phụ mà diễn quanh năm. Vóc dáng khỏe mạnh (có lần từng bị chuyên gia người Nga chê là “diễn viên gì mà người như… cái thùng”), thói quen ăn sóng nói gió của người vùng biển khiến bà vào vai những phụ nữ đáo để rất ngọt. Nhắc lại những vai diễn năm xưa, bà nhớ nhất vai bà góa trong phim Người cầu may - một vai diễn từng được đạo diễn Hải Ninh (khi ấy là Giám đốc Xưởng phim truyện VN) dành cho lời khen ngợi trong buổi họp tổng kết cuối năm: “Vai ấy Thanh Thủy đóng rất đậm đà”.

NSƯT Thanh Thủy trong phim Tướng tình báo và hai bà vợ

Rồi thời xuân sắc nhất cũng đi qua, bà Thanh Thủy về hưu mà chưa bao giờ giành được một giải thưởng, cũng chưa được phong danh hiệu nghệ sĩ, càng không được nhiều khán giả biết đến… Nhưng bà chẳng lấy thế làm buồn. Bà từng bảo, ở lớp học nổi tiếng của bà, ngoài những chị nổi đình nổi đám, còn lại chỉ như “một đám gà đàn” (và cười sung sướng bảo rằng mình cũng ở trong đám gà đàn đó). Một người biết nhìn đời, nhìn người và nhìn mình một cách tỉnh táo, hài hước như vậy, mặc nhiên sẽ chẳng lấy những thua thiệt của mình làm buồn. Ngôi nhà tập thể năm xưa, nay đã xây lên kiên cố. Ông mất đã chục năm nay, bà ở với con trai lớn, còn cô con gái cũng lấy chồng gần, thường xuyên ríu rít qua lại, vậy nên bà cũng chẳng mấy khi buồn. Mà buồn sao được khi thỉnh thoảng lại có lời mời đóng phim, thậm chí còn đóng cả quảng cáo (cho hãng điện thoại nào đó bà quên rồi, nhưng clip quảng cáo của nó vẫn đều đều phát sóng hình ảnh bà tươi cười vui vẻ vừa đi vừa “buôn chuyện” bằng điện thoại). 

Vốn con nhà lao động nên bà Thanh Thủy tiếng là diễn viên nhưng lại rất giản dị. Tính cách bà cũng vậy, chả mấy khi câu nệ điều gì. Nhà ở gần hãng phim, bà kể có nhiều lần thiếu người đóng vai phụ, các đạo diễn lại cho mời bà tới để gọi là “ủng hộ”. Đang dở tay nội trợ, bà Thanh Thủy chẳng nề hà đi luôn dù cát xê có khi chỉ vài trăm ngàn. 

Trời không phụ lòng người, đến cái tuổi xấp xỉ “cổ lai hy” rồi, bà lại có được một vai diễn hay - vai bà mẹ trong phim Sinh mệnh, vai diễn này không chỉ mang lại cho bà vinh quang mà đem tới cả niềm hạnh phúc muộn màng. Suốt đêm hôm ấy, bà không ngủ. Phần vì bạn bè trong lớp tíu tít gọi điện, phần vì bà vui và bỗng thấy… tủi thân. 

Gia đình NSƯT Thanh Thủy 

 Những năm sau này, bà Thanh Thủy lại “đắt sô” truyền hình. Bà đi đóng phim quanh năm, toàn phim dài tập và toàn những vai già cả quê mùa nhưng cũng không kém phần “đậm đà”. Nếu vai bà “điếc” trong phim Ngõ lỗ thủng từng khiến người ta cảm thương thì bà Ngật trong Bí thư tỉnh ủy lại làm nhiều người ghét. Bà Ngật đanh đá chua ngoa, “mồm loa mép giải” mà lại rất tham lam. Bà Thanh Thủy kể, tuy chẳng lạ gì công việc đồng áng nhưng đóng bà Ngật, bà sợ nhất cảnh đi gánh lúa. Chả là bà Ngật rất tư lợi, đi gặt lúa thì gặt dối để con còn đi mót, gánh lúa thì người ta chỉ gánh 10 kg, bà ấy gánh 15, 20 kg để tạt qua nhà rút bớt lúa lại. Nhìn gánh lúa to mà bà Thủy sợ quá, dù đạo cụ đã độn thêm nhiều rơm vào nhưng vẫn rất nặng. “Mình già rồi, không quen gồng gánh, không may sụn lưng thì nguy”. 

Đóng phim nguy hiểm và vất vả làm vậy mà chưa bao giờ bà từ chối. Bất cứ vai diễn gì, bà đều nghĩ “chắc đạo diễn thấy hợp thì mới mời”. Vậy nên tuy về hưu đã lâu mà thực ra, bà chưa bao giờ “hưu” cả, vì niềm đam mê làm gì có tuổi! 

LƯƠNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;