Hà Nam là vùng đất nổi tiếng với nền văn hiến lâu đời, khung cảnh hữu tình với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nguyên sơ và nhiều lễ hội truyền thống đậm bản sắc dân tộc. Đây là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú và đặc sắc của nhiều tầng văn hóa cổ giàu bản sắc. Sau khi được tái lập, Hà Nam đã bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu tăng trưởng kinh tế cao, trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước, tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
1. Hà Nam, vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử
Hà Nam nằm ở phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, là vùng chiêm trũng cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội. Vùng đất Hà Nam được thiên nhiên ưu ái với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, non nước hữu tình, danh lam thắng cảnh và những dấu tích xưa còn lại. Đây cũng là tỉnh có hệ thống giao thông thủy bộ phát triển từ rất sớm, nhất là giao thông đường thủy, do có hệ thống sông ngòi thuận lợi và do phần lớn địa hình của tỉnh là đồng đất trũng thường ngập nước vào mùa mưa. Lịch sử phát triển địa chất lãnh thổ tỉnh Hà Nam gắn liền với lịch sử phát triển địa chất của vùng Ninh Bình và vùng đồng bằng sụt võng Hà Nội. Từ thời tiền sử (cách nay trên dưới 5.000 năm), ở Hà Nam đã có sự giao thoa, tiếp nối của văn hóa Đông Sơn (thời đại đồng thau), văn hóa Hòa Bình để hình thành nên nền văn minh lúa nước đặc sắc, tiêu biểu của người Việt ở đồng bằng sông Hồng. Thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc, vùng đất Hà Nam lúc đó thuộc huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ (thời Hán) (1). Sau những lần điều chỉnh dưới các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn, ngày 20-10-1890 (năm Thành Thái thứ I), Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định về việc thành lập tỉnh Hà Nam (mới) trên cơ sở phủ Lý Nhân được mở rộng thêm về phía Hà Nội và Nam Định. Sau nhiều lần tách, nhập thành Hà Nam Ninh và Nam Hà, ngày 1-1-1997, tỉnh Hà Nam được tái lập với 6 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện; trong đó, Phủ Lý - “Thành phố ngã ba sông” là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh.
So với một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, Hà Nam là tỉnh ít dân nhất, nhưng lại có số lượng di tích khá lớn, mật độ di tích tương đối dày đặc được phân bố đều khắp ở hơn 1.200 thôn, xóm, với trên 1.784 di tích lịch sử - văn hóa gồm đủ các loại hình: di tích khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật; hệ thống đình, đền và các danh lam thắng cảnh... Hà Nam còn là quê hương của các làn điệu dân ca độc đáo như: múa hát Dậm Quyển Sơn, múa hát Lải Lèn, hát trống quân, hát chèo, chầu văn, “Hoàn vương ca tích” (2), hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng. Sự phong phú, đặc sắc với những nét riêng của kho tàng văn hóa (hữu hình và vô hình) đã được các thế hệ người Hà Nam sáng tạo nên qua trường kỳ lịch sử phản ánh công cuộc khai phá vùng đồng chiêm trũng “chiêm khê, mùa thối” và công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc với những giá trị tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ “đồng trắng, nước trong”, lắng đọng những tinh hoa văn hóa đặc sắc (3).
Trong suốt thời kỳ phong kiến, Hà Nam không những có ý nghĩa quan trọng về chiến lược phòng thủ, mà còn có ý nghĩa to lớn về kinh tế, là vùng đất luôn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của triều đình trung ương kể từ khi hình thành quốc gia độc lập. Là nơi các hoạt động nông nghiệp xuất hiện và phát triển từ rất sớm, Hà Nam luôn là một vùng nông nghiệp với hơn 90% dân số và hộ gia đình sinh sống ở nông thôn, trong đó 81,62% số hộ là hộ nông nghiệp; 74,9% số hộ có nguồn thu nhập chính từ các nghề nông - lâm nghiệp và thủy sản (4). Đa số dân cư hoạt động và sinh sống bằng các nghề trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thả và đánh bắt thủy sản, khai thác lâm thổ sản và các sản vật tự nhiên... Bên cạnh nghề nông, người Hà Nam còn rất khéo tay, làm nên những công cụ lao động, vật dụng hằng ngày, đã hình thành nên những làng nghề thủ công nổi tiếng, sản phẩm được ưa chuộng trong và ngoài tỉnh, có văn hóa ẩm thực được khách khen ngợi. Đến cuối TK XIX, bên cạnh những nghề tiểu thủ công gia đình trong các làng xã, ở Hà Nam có thêm các loại hình công nghiệp công xưởng, có quy mô lớn của nhiều chủ tư bản người Pháp và một số tiểu chủ, tiểu tư sản trong nước.
2. Hà Nam, điểm sáng ở vùng đồng bằng sông Hồng trong thời kỳ đổi mới
Bước chuyển mình và phát triển đột phá
Hà Nam sau khi được tái lập (1997) là một tỉnh nhỏ thuần nông, kinh tế chậm phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng với số dân gần 80 vạn người, nhưng có đến 90% dân số sống ở khu vực nông thôn. Nông nghiệp nói chung (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản) vẫn là lĩnh vực kinh tế có vị trí quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc tái lập tỉnh là sự kiện quan trọng gắn liền với thời kỳ phát triển mới của tỉnh. Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới toàn diện của Đảng và các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Hà Nam đã cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mang tính đột phá; đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ một tỉnh thuần nông nằm trong vùng chiêm trũng của đồng bằng Bắc Bộ có quy mô nhỏ cả về diện tích, dân số và ít tiềm lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tương đối chậm (nông nghiệp chiếm trên 52% cơ cấu kinh tế, cả tỉnh có khoảng gần 100 doanh nghiệp), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã đột phá đổi mới tư duy, nhạy bén, sáng tạo, đoàn kết quyết tâm, khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những bước tiến vượt bậc và thành tựu quan trọng. Tỉnh đã thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của Hà Nam đạt 11,14%/năm (cao hơn nhiều so với bình quân cả nước); là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 của vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 toàn quốc. Thu ngân sách tăng trưởng cao và về đích trước hai năm so với mục tiêu đầu nhiệm kỳ, tăng bình quân 28,7%/năm; quy mô nền kinh tế tăng 1,7 lần so với nhiệm kỳ trước. Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 90,3%, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm 64%; tỷ trọng nông nghiệp giảm nhanh còn 10%. Công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Thương mại, dịch vụ phát triển, bước đầu tạo tiền đề đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp của vùng về y tế, giáo dục đào tạo và du lịch. Hoạt động xuất khẩu phát triển mạnh mẽ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 năm đạt 12.484 triệu USD, tăng bình quân 24,4%/năm. Hà Nam nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và là một trong 7 địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%. Chương trình phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (5).
Hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị và nông thôn được đầu tư xây dựng, từng bước thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh - Ảnh: quanlynhanuoc.vn
Đến nay sau 24 năm phát triển, Hà Nam đã bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá và quy mô kinh tế ngày càng lớn; là một trong những địa phương đi đầu tăng trưởng kinh tế cao, trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước. Hà Nam đã khẳng định được vị thế của một tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại, bền vững; là một trong những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển công nghiệp cao của cả nước. Những thành tựu, kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua đã tạo nền tảng quan trọng để Hà Nam tiếp tục phát triển nhanh, đạt được những mục tiêu nhiệm kỳ tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XIII của Đảng và sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, cũng để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng của địa phương (gồm: vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên) và phát huy tiềm năng về nguồn lực con người trong thời gian qua.
Những vấn đề đặt ra cho sự phát triển của Hà Nam trong thời gian tới
Bước vào chặng đường phát triển mới, Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong tăng trưởng kinh tế cao, đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước. Để nâng cao quy mô, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; quan tâm chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế, hướng vào các ngành có giá trị gia tăng cao, Hà Nam cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp; công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; một số ngành dịch vụ; công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ công nghiệp sạch; thu hút các dự án công nghệ hiện đại, nhà đầu tư lớn có giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ tiên tiến vào đầu tư phát triển. Phát triển một số ngành dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là những dịch vụ có giá trị gia tăng cao (du lịch, thương mại...) tạo chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển chuỗi liên kết giá trị trong những lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; các cơ chế, chính sách chuyển đổi cây trồng, tích tụ ruộng đất, đổi mới tổ chức sản xuất phát triển kinh tế hợp tác (các hợp tác xã), các mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng, nâng cao chất lượng, giá trị tăng trưởng ngành nông nghiệp. Cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu trồng trọt, ứng dụng công nghệ sinh học; phát triển kinh tế nông thôn gắn với nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản theo các chuỗi giá trị, phát triển hệ thống hạ tầng, kết nối nông thôn với đô thị.
Tập trung xây dựng hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để chủ động đón dòng vốn FDI dịch chuyển đến đầu tư trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp; khu du lịch Tam Chúc, cơ sở II của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Lão khoa… sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính (trọng tâm là thủ tục hành chính) và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thương mại - du lịch nhằm thu hút đầu tư (nhất là các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ), đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do. Chủ động tìm kiếm thêm thị trường mới như châu Âu, châu Úc, thực hiện xúc tiến đầu tư theo địa chỉ. Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng…; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng quy hoạch khu y tế chất lượng cao, khu đô thị Đại học Nam Cao; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng khai thác, chế biến vật liệu xây dựng; quy hoạch phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hỗ trợ cho các sản phẩm du lịch chính như: du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, giải trí, sáng tạo, văn hóa, lễ hội...
Quan tâm xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy. Tăng cường xã hội hóa, thực hiện đa dạng hóa nhiều hình thức đầu tư; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm liên kết vùng, tạo động lực phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục đào tạo, du lịch. Rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch; tập trung huy động nguồn lực để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bước vào thời kỳ phát triển mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nam cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc các yếu tố tác động để tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh (nhất là vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; nguồn lực văn hóa, con người, tiềm năng du lịch); đột phá, quyết liệt, đổi mới tư duy, sáng tạo trong lãnh đạo; phát huy truyền thống văn hiến của quê hương, khơi dậy khát vọng phồn vinh và động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thủ đô, sánh bước với các tỉnh trong cả nước và khu vực.
______________
1. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1964, tr.27.
2. Gồm trên 9.000 câu thơ về người con của đấtThanh Liêm Lê Hoàn - Đại Hành Hoàng đế vị vua bình Chiêm, phá Tống ở TK X.
3. Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Hà Nam, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Văn hiến Hà Nam - Truyền thống và hiện đại (P.1), Nxb Dân trí, 2015, tr.7.
4. Nông - lâm nghiệp và thủy lợi, baohanam.com.vn, 28-8-2019.
5. Thương Huyền, Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2020, hanam.gov.vn, 29-12-2020.
TS VÕ THỊ HOA - PGS,TS ĐỖ ĐỨC MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021