Biến đổi văn hóa là một quá trình mà qua đó, những khuôn mẫu của các hoạt động về nhận thức xã hội, giao tiếp, ứng xử giữa người với người và môi trường xã hội, cách thức tổ chức hoạt động của cộng đồng được thay đổi theo thời gian. Theo đó, sự thay đổi của điều kiện đời sống xã hội hiển nhiên sẽ tác động đến hoàn cảnh cuộc sống, điều kiện sống của các vị tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer tại vùng Tây Nam Bộ là điều tất yếu, khó tránh khỏi.
Tây Nam Bộ là vùng đất cộng cư của nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống, như người Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Trong quá trình sinh sống và lập nghiệp, các tộc người này đã mang theo những phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của mình cùng bổ sung cho văn hóa địa phương, làm cho đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Nam Bộ nói chung Tây Nam Bộ nói riêng rất đa dạng và phong phú. Trong đó, người Khmer Tây Nam Bộ luôn có bản sắc văn hóa và tôn giáo truyền thống đặc sắc.
Các yếu tố biến đổi trong đời sống văn hóa vật chất của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay
Do nhu cầu đổi mới của đất nước, nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa đã được thay đổi. Mọi hoạt động trong các hệ phái Phật giáo, trong đó có hệ phái Nam tông Khmer, cũng chuyển biến theo đà phát triển chung. Cũng trong quá trình đó, đời sống văn hóa vật chất của các tu sĩ cũng đã thay đổi theo xu thế của thời đại trong nhiều lĩnh vực: trang phục, đi lại, cư trú.
Về trang phục
Sau ba tháng hạ (từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9 Âm lịch), lễ Dâng y Kathina được tổ chức. Đây được xem là một trong những lễ lớn nhất và quan trọng nhất của Phật giáo Nam tông Khmer. Sư Danh Năng cho biết: “Ngày xưa, khó khăn, y áo rất hiếm, nên trong lễ Dâng y, chỉ có một bộ thôi. Nên một năm, sư nào có y áo bị rách, cũ… mà hiểu biết về các điều luật trong lễ Dâng y Kathina thì mới được thọ y đó. Còn lại thì mấy vị sư kia có khi tu hành suốt đời cũng chưa được thọ bộ y nào hết” (1). Hiện nay, phật tử dâng cúng nhiều hơn, nên thường sẽ dâng cho Hòa thượng hoặc sư cả, như trường hợp ở Chùa thứ 5 (An Biên - Kiên Giang), “phật tử dâng y cho Hòa thượng, Hòa thượng nhận và phân phát cho các nhà sư trong chùa” (2).
Trước đây, chỉ có phật tử trong phum sóc mới dâng cúng y trong chùa, nhưng hiện nay, số lượng phật tử được mở rộng hơn, phật tử ở các vùng khác cũng đến dâng y. Phật tử dâng cúng rất nhiều bộ, có khi tới hàng trăm bộ ở một chùa. Vì vậy, các sư trong chùa chia nhau dùng đủ, còn lại, trữ trong kho, có thể dành phân phát cho những chùa khó khăn hơn. Cũng có trường hợp, nếu số lượng y dâng không đủ phân chia cho chư tăng trong chùa thì “tăng chúng sẽ phân chia theo hình thức bốc thăm. Nếu số lượng y không đủ thì sẽ bốc thăm, ví dụ như tổng cộng có 40 vị mà có 10 y dâng thì trong đó, có 10 vị có y và 30 vị không có y” (3). Theo quy định, một vị sư không được giữ nhiều y. Những y do phật tử dâng lên sẽ được sư trụ trì hoặc sư cả tổng kết và cất lại trong kho. Khi sư nào có y bị rách, bị thiếu…thì sẽ được thay y mới. Hoặc những người mới xuất gia, mới tu mà chưa có y thì cũng được nhận y mới, đặc biệt là những người đi tu để trả lễ do trong gia đình, có người thân mới qua đời, sẽ được nhà chùa chuẩn bị y.
Y phục ngày nay mà các tu sĩ mặc là y phục được quy định trong Luật tạng Pāli, dựa trên thiết kế như thửa ruộng. Thửa ruộng vốn có nhiều bờ đê, nên y phục cũng có các vách ngăn dọc, ngang, dài, ngắn khác nhau. Quy định đó như sau: y 5 điều (5 khanda), y 7 điều, y 9 điều, y 11 điều. Qua khảo sát có thể thấy, tại chùa Kompong, chùa Kompong San thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh, đa số chư tăng đắp y 5 điều.
Hai màu sắc y phục chủ đạo của tu sĩ Nam tông Khmer thường là vàng nghệ và màu cam. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy, ở một số chùa, sư cả là người quyết định là sư trong chùa sẽ mặc y màu gì, như chùa Sóc Xoài (Kiên Giang), chùa Phnom Kombat và chùa Kompongduôn (Trà Vinh)... “Trong chùa, sư cả quy định cho các sư chỉ mặc một màu. Ở chùa khác thì có sư mặc màu này, màu kia theo sở thích của các sư. Nhưng ở chùa này thì chỉ quy định một màu, là màu cam” (4).
Về đi lại
Theo phong tục tập quán truyền thống, các sư khi ra ngoài chùa (đi khất thực) không được đội nón, không mang dù (đầu đội trời, chân đạp đất). Tuy nhiên, thời gian gần đây, có khá nhiều sư sử dụng dù che khi đi bộ đến nhà phật tử nhận vật thực, họ không đi khất thực nữa. Nhiều sư đã sử dụng dép chứ không đi chân đất nữa.
Bên cạnh đó, phương tiện đi lại của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer cũng có nhiều biến đổi so với trước đây. Nếu như trước đây, tu sĩ chỉ đi bộ vì họ chỉ ra ngoài khuôn viên chùa khi đi khất thực thì ngày nay, tại một số chùa đã có sự chuyển biến trong việc tổ chức và cách thức đi khất thực và cho phép các nhà sư dùng phương tiện giao thông.
Đối với một số chùa nằm trong khu vực đô thị, lại có số lượng tu sĩ đông, hoặc chùa cách quá xa nhà phật tử, như chùa Kompong (thành phố Trà Vinh), chùa Phnokombut (huyện Châu Thành, Trà Vinh), nhà sư có thể sử dụng phương tiện xe gắn máy thuê chở (“xe ôm”) hoặc xe taxi để hằng ngày, có thể lấy lượng thức ăn lớn về cho các tu sĩ kịp dùng bữa trước giờ ngọ. Ở một số chùa tọa lạc trong khu vực thành thị, có nhiều sư ở các tỉnh xa về tu học nên đa số phật tử thường cúng dường bằng tiền mặt để các sư thuận tiện trong việc độ thực. Nếu không cúng dường tiền mặt thì các Phật tử trong khu vực tự phân công nhau mỗi ngày đều đến dâng vật thực cho chư tăng. Chùa Pitu Khôsa Răng Sây (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) hiện là nơi lưu trú cho tu sĩ khắp các tỉnh miền Tây về tu học. Do thời gian tu học xuyên suốt, nhà chùa không thể duy trì việc đi khất thực theo truyền thống nên phật tử quanh vùng phân công nhau dâng vật thực cho quý sư hằng ngày.
Việc khất thực theo luật định xưa kia, diễn ra quanh phum sóc, hiện nay khó thực hiện. Ngày nay, các tu sĩ, đặc biệt là các tu sĩ trẻ, bận học tập trung, không có thời gian đi khất thực mà chủ yếu dựa vào các Wên. Vì thế, việc đề cử, phân công các nhà sư đi nhận vật thực từ các hộ gia đình thuộc các Wên trong phum sóc đã trở nên phổ biến. Sự thay đổi phương cách khất thực này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh đặc thù ở từng tỉnh, từng vùng. Việc này đưa đến vấn đề nề nếp trì bình khất thực khó được tiếp tục.
Như vậy, sinh hoạt trong đời sống văn hóa vật chất của tu sĩ Nam tông Khmer, đặc biệt là việc đi khất thực đã có những biến đổi, không còn là một trong những hoạt động chủ yếu của họ nữa. Đi khất thực, nhằm rèn luyện lòng vị tha, hạnh bố thí cho tín đồ chỉ còn được giữ lại như một tập tục truyền thống. Vài chùa đã không còn thực hiện việc khất thực nữa. Việc khất thực trong các ngôi chùa Khmer đang chuyển dần sang sinh hoạt tự túc: tự túc về thức ăn và tự túc nấu ăn trong chùa.
Về cư trú
Trước đây, chùa được hình thành trong phum sóc, các thanh thiếu niên Khmer đến tuổi đều xuất gia trong thời gian 3 năm để báo hiếu ân cha mẹ. Do đó, trong chùa, ngoài sư trụ trì, luôn có các tăng sĩ tu học là người thuộc phum sóc đó. Mọi sinh hoạt đều diễn ra dưới mái chùa, từ tu học, thực hành các nghi lễ, tổ chức lễ hội... Ngôi chùa thật sự là trung tâm văn hóa, nơi sinh hoạt và diễn ra mọi hoạt động của cộng đồng người Khmer.
Hiện nay, một số chùa chỉ là nơi cư trú tạm thời, nơi lưu lại trong một thời gian ngắn để tu học của một số tăng sĩ. Do nhu cầu học tập trung và để thuận tiện cho việc tu học, tăng sĩ ở khắp các tỉnh miền Tây thường tập trung về các chùa ở đô thị lớn, như thành phố Cần Thơ, tham gia các chương trình học của Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer hoặc tham gia các chương trình học tại các trường đại học khác. Để lý giải cho hai hiện tượng trên, phải xét đến nhu cầu thực tế và những thay đổi trong suy nghĩ của tăng sĩ. Ngoài tu học giáo lý cơ bản tại chùa ở địa phương, nhu cầu học thêm Pāli, những kiến thức phổ thông, ngành nghề chuyên môn của tăng sĩ ngày càng cao. Điều này không còn là nhu cầu mà trở thành yêu cầu chung của xã hội đối với các tu sĩ.
Khi xuất gia, bên cạnh tâm lý để báo hiếu cha mẹ, các vị luôn ý thức rằng, thời gian xuất gia là thời gian học tập, rèn luyện, có được ít nhất một nghề chuyên môn để tiếp tục cuộc sống, tự lo cho mình và gia đình sau này. Mặt khác, việc di chuyển tu sĩ từ chùa này sang chùa khác do nhu cầu học tập dẫn đến hiện tượng, ở một số chùa, chỉ còn lại sư trụ trì là người địa phương, các tăng sĩ đều ở nơi khác đến lưu trú. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở các chùa tại thành phố trung tâm và những tỉnh có các cơ sở đào tạo. Tại đây, do quá trình cộng cư và tác động của quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch dân cư, chùa Phật giáo Nam Tông lại nằm trong khu vực sinh sống của cộng đồng các dân tộc khác như người Hoa, người Kinh... nên không có ai đến để xuất gia theo truyền thống như người Khmer. Họ chỉ đến lễ Phật viếng chùa, có chăng là phụ giúp làm công quả. Vấn đề đặt ra là nếu vị trụ trì ở tại chùa đó viên tịch, hoàn tục hoặc di chuyển đến một chùa khác, Giáo hội phải tìm vị khác thay thế, có thể cũng là di chuyển từ một ngôi chùa khác đến. Việc di chuyển như thế ít nhiều ảnh hưởng đến việc tu tập của các sư và quản lý chùa.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, sự quan tâm của chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan và Phật tử, nhiều ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã được trùng tu sửa chữa, như sala (5) chùa Kompong, chùa Ô (Trà Vinh), chính điện chùa Thôn Dôn, chùa Sóc Xoài (Kiên Giang) có thêm một số công trình phụ trợ khác như nhà thuốc nam, lớp học... Việc trùng tu và xây mới nhiều công trình trong khuôn viên nhà chùa giúp các tu sĩ có điều kiện tu học tốt hơn, nhà chùa có nhiều hoạt động hoằng pháp và giúp đỡ Phật tử, người dân địa phương được dễ dàng hơn.
Có thể nói, thay đổi đáng kể nhất về cư trú của các tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam Bộ hiện nay là việc di chuyển đến các chùa khác để tu tập thuận tiện, một số chùa chỉ có sư trụ trì mà không có các tu sĩ khác. Những thay đổi này nhìn chung đều tích cực, thể hiện tính chủ động linh hoạt thích nghi với điều kiện sống thay đổi. Tuy nhiên, về lâu dài cần có biện pháp hỗ trợ các chùa chỉ có một sư trụ trì để có thể duy trì hoạt động tại các ngôi chùa trên.
Nguyên nhân của sự biến đổi
Văn hóa là một sản phẩm của xã hội loài người, do con người tạo ra để phục vụ cho cuộc sống của chính họ được tốt đẹp hơn. Vì được tạo ra bởi bàn tay và trí tuệ của con người nên nó cũng dễ dàng bị thay đổi bởi chính con người, khi mà thời đại và điều kiện sống đã thay đổi. Biến đổi trong đời sống văn hóa vật chất của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer là một ví dụ điển hình trong sự biến đổi văn hóa đó.
Thứ nhất là do xã hội, hoàn cảnh sống mới, quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ. Trước năm 1975, hầu hết tu sĩ Nam tông Khmer mỗi ngày đều tự đi khất thực vào buổi sáng quanh phum sóc, trở về chùa trước giờ Ngọ, thọ thực những gì có được. Trong ngày, sư chỉ thọ thực một lần. Buổi sáng và chiều, các sư chỉ dùng thức ăn loãng như cháo, sữa… Sau năm 1975, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là từ nhu cầu tu học của sư sãi, các trường đào tạo sư sãi được khai mở ngày một nhiều, như Trường Pali cấp cao khu vực Nam Bộ (nay là Trường Trung cấp Pali), thành lập ở Sóc Trăng vào năm 1994, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được xây dựng vào năm 2006 tại thành phố Cần Thơ, đã thu hút một số lượng lớn tu sĩ từ các tỉnh Tây Nam Bộ tập trung về. Có thể thấy, thời đại thay đổi là một trong những nhân tố cho sự thay đổi của văn hóa vật chất.
Thứ hai là do ý thức và sự lựa chọn của con người. Khi phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, con người sẽ thực hiện việc lựa chọn phương thức hành xử hợp lý nhất để dung hòa tốt hơn giữa khó khăn và lợi ích sống còn. Thời kỳ mông muội, con người chọn cách hiến tế các sinh vật khác hay thậm chí cả đồng loại để cầu sự bình an mỗi khi có thiên tai hay họa hại. Đến khi phát triển hơn về trí tuệ, để đối mặt với môi trường sống khó khăn, bấp bênh, người phương Đông nói chung chọn cho mình con đường thần phục thiên nhiên để cầu xin, dựa dẫm; trong khi người phương Tây thì lại chọn con đường chinh phục thiên nhiên, khám phá thế giới. Khi sự chọn lựa đó được cả cộng đồng chấp thuận và duy trì lâu dài đến một mức độ nhất định, nó sẽ trở thành một yếu tố văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, sự lựa chọn của con người lại luôn biến đổi liên tục trong quá trình sống, dưới sự tác động của không ít các yếu tố vật chất xung quanh. Chính sự tiến bộ của xã hội được nâng cao với những điều kiện mới, như những phát minh tiến bộ hơn, những thay đổi về trật tự và trạng thái xã hội mới, nền tảng kinh tế mới, những mối quan tâm mới... cùng với tâm lý mong muốn những điều giản tiện, nhanh chóng của con người trong đời sống tất bật hiện nay, con người sẽ lại lựa chọn những giá trị mới để hình thành nên văn hóa sống mới.
Những giá trị văn hóa vật chất trong đời sống sinh hoạt của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer được họ chấp nhận thay đổi và cho đó là sự chuyển đổi tất yếu trong sự thay đổi chung của xã hội. Một cộng đồng người phải có tổ chức, có quy tắc hoạt động, nên việc chuyển biến trong đời sống văn hóa là một việc tuân theo quy luật phát triển chung của xã hội, mang tính hệ thống - đồng nhất. Rõ ràng, rất khó có thể giữ gìn một truyền thống nguyên bản của một tổ chức tôn giáo trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển như ở nước ta hiện nay. Tôn giáo phải chuyển mình để thích nghi với môi trường xã hội phát triển và để tồn tại phù hợp với quy luật chung. Đó là những vấn đề chung mang tính kinh tế - xã hội của cả cộng đồng, chứ không riêng cá nhân nào, cộng đồng tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer cũng vậy.
Việc biến đổi trong đời sống văn hóa vật chất của tu sĩ là điều tất yếu, khó tránh khỏi xảy ra trong môi trường xã hội phát triển, điều kiện về vật chất phong phú, đa dạng, khoa học - kỹ thuật hiện đại ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, sự biến đổi đời sống văn hóa vật chất của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer cũng luôn tồn tại hai mặt: tích cực và tiêu cực. Về thay đổi tích cực, sự biến đổi văn hóa đó sẽ làm cho môi trường hoạt động phát triển năng động hơn, tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, tiếp cận được khoa học - kỹ thuật nhanh hơn và đặc biệt, có thể hội nhập được với đời sống tu sĩ của Phật giáo Nam tông ở các quốc gia trên thế giới. Mặt hạn chế là tu sĩ dễ bị mất phương hướng, pha tạp, hòa tan trong môi trường luôn biến đổi, nếu không giữ gìn thì rất dễ đánh mất giới luật nhà tu, giáo lý cơ bản của Phật giáo Nam tông Khmer.
__________________
1. Ý kiến của sư Danh Năng, tác giả phỏng vấn ngày 3-11- 2020, ở Kiên Giang.
2. Ý kiến của sư Danh Hữu Giang, tác giả phỏng vấn ngày 3-11- 2020, ở Kiên Giang.
3. Ý kiến của Thạch Hen, tác giả phỏng vấn ngày 1-11-2020, ở Trà Vinh.
4. Ý kiến của sư Danh Bảo, tác giả phỏng vấn ngày 22-3-2020, ở Kiên Giang.
5. Theo tiếng Khmer: Sala có nghĩa là trường học, giảng đường, chòi nghỉ bên đường để khách nghỉ chân.
DANH ÚT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021