Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng, có sức lan tỏa; trở thành nền tảng vững chắc, bao trùm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII (7-12-2015) chủ trương: “Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện” (1). Thực hiện chủ trương trên, Đại hội nhấn mạnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI. Quan tâm giáo dục tư tưởng, lối sống cao đẹp cho thanh thiếu niên. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình, làng bản, tổ dân phố văn hóa. Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, văn minh đô thị và nơi công cộng.
Cụ thể hóa Nghị quyết XVIII của tỉnh, Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Chương trình hành động số 01- CTr/TU, xác định mục tiêu: “Tỷ lệ gia đình, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn gia đình, cơ quan văn hóa đạt 85%. Tỷ lệ làng, bản, khu phố đạt danh hiệu làng, bản, khu phố văn hóa đạt 65-70%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (NTM); phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đạt 35-40%” (2).
Thực hiện mục tiêu trên, nhằm nâng cao chất lượng các mô hình xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, ngày 18-1-2018, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 05/KH-BCĐ xác định phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn hóa công sở, nếp sống văn minh đô thị và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 74/2013/ QĐ-UBN của UBND tỉnh Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Đến năm 2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX tiếp tục chủ trương: “Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện; quan tâm giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa” (3). Thực hiện chủ trương trên, Đại hội nhấn mạnh cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, quan tâm giáo dục tư tưởng, lối sống cao đẹp cho người dân. Chú trọng công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm bình đẳng giới trên các lĩnh vực; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Cùng với đó, chăm lo sự nghiệp văn hóa, trọng tâm là xây dựng đời sống mới ở khu dân cư gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Điển hình như thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật được chú trọng và tăng cường. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được quan tâm chỉ đạo, trong quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình văn minh, tiết kiệm trong tổ chức việc cưới, việc tang; công tác quản lý và tổ chức lễ hội cơ bản đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, đi vào nề nếp. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ trong phạm vi thôn, bản, tổ dân phố và được ví như “cánh tay nối dài” của pháp luật, cùng pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình, thôn, bản, khu phố văn hóa, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương. Việc chấp hành kỷ cương pháp luật đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, không phát sinh phức tạp về an ninh trật tự. An ninh nông thôn cơ bản được giữ vững. Công tác phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội được đẩy mạnh, qua đó góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, giảm trọng án, số vụ phạm tội được điều tra làm rõ đạt tỷ lệ cao, các tệ nạn cờ bạc, mại dâm, ma túy được tăng cường truy quét và khởi tố trước pháp luật.
Tiết mục văn nghệ thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi TP. Bắc Giang
Ảnh: baobacgiang.com
Từ việc triển khai thực hiện xây dựng gia đình văn hóa; thôn, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa NTM; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đã tạo cho người dân ý thức cộng đồng, tuân thủ pháp luật, có lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, có lối sống văn hóa, có mối quan hệ hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình; kỷ cương của xã hội được đề cao, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào đời sống. Các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan được hạn chế; việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội được thực hiện theo quy định; cảnh quan, môi trường sống ngày càng được quan tâm, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp đã tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát nhằm phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện; việc đẩy mạnh thực hiện phong trào gắn với Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tạo sức “đề kháng” đối với các sản phẩm văn hóa độc hại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn tỉnh.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các cấp chủ động lồng ghép với các phong trào thi đua khác như: Chung sức xây dựng NTM, Xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền... đã tạo được hiệu ứng tích cực trong việc triển khai thực hiện phong trào. Đến năm 2020, toàn tỉnh có “89,7% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa” (4). Nhiều hộ gia đình có từ ba đến bốn thế hệ cùng chung sống hòa thuận, hạnh phúc, làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương và các chương trình an sinh xã hội, có nhiều năm liền được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Công tác biểu dương, khen thưởng các gia đình văn hóa có nhiều thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa cũng được các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hằng năm, các địa phương tổ chức công bố danh hiệu “Gia đình văn hóa”, khen thưởng những gia đình văn hóa tiêu biểu, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã góp phần tích cực trong xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy ước, hương ước của cộng đồng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của gia đình truyền thống.
Phong trào xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai sâu rộng và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Hằng năm, các địa phương triển khai nhiều hoạt động như: bám sát các tiêu chí để xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa với nhiều hình thức phong phú và đa dạng; thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát; hướng dẫn cơ sở xây dựng hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố và áp dụng vào thực tiễn... Bên cạnh đó, công tác xét tặng danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa” luôn được quan tâm chỉ đạo, kiên quyết không tặng danh hiệu văn hóa cho các thôn, tổ dân phố không đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng phong trào. Qua triển khai thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình thôn, tổ dân phố văn hóa mới như: “Làng văn hóa điển hình”, “Làng văn hóa xanh - sạch - đẹp”, “Làng văn hóa không có ô nhiễm môi trường”, “Làng văn hóa thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, không có tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình”, “Làng văn hóa ca hát”, “Làng văn hóa thể dục thể thao”, “Làng văn hóa NTM”… Theo đó, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy, góp phần ổn định và từng bước phát triển về vật chất, tinh thần, xây dựng đời sống mới từ nông thôn đến thành thị.
Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xã hội, qua đó tạo nên sức mạnh tổng hợp và tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện; vận động nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu hợp pháp, góp công xây dựng cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; hiến trên 7.000 m² đất, góp 40.692 triệu đồng và 16.680 ngày công làm các công trình phúc lợi xã hội; hỗ trợ lắp lò đốt rác và xây dựng bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức hàng nghìn buổi quét dọn đường làng, ngõ xóm, làm sạch đường dài gần 1.000 km, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý trên 30.000m3 rác thải… điển hình như huyện Yên Dũng, Lạng Giang, thành phố Bắc Giang… Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phối hợp triển khai tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế theo hướng VietGAP, GlobalGAP, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương; đồng thời phối hợp hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng người dân về kết quả xây dựng huyện NTM trên địa bàn huyện Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên; hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến đối với các xã về đích NTM với 11 nội dung đều đạt tỷ lệ cao, từ 90% trở lên. Từ những việc làm cụ thể góp phần hoàn thành các tiêu chí, nâng tổng số huyện NTM của tỉnh lên 3 huyện; 18 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM của toàn tỉnh đến hết năm 2020 có “127/184 xã (chiếm tỷ lệ 69%); có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10/10 huyện, thành phố có xã đạt chuẩn NTM; có 72 thôn đạt NTM kiểu mẫu” (5). Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư chủ trì, phối hợp tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở 100% khu dân cư, qua đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tổ chức các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Đặc biệt, năm 2020, MTTQ các cấp và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong toàn tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực, chủ động tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19 với tinh thần đảm bảo đúng theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, của tỉnh và ngành Y tế, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn; vận động nhân dân ủng hộ tiền, vật chất để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với số tiền 33,8 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư tỉnh Bắc Giang vẫn còn hạn chế như: Tổ chức đăng ký và xét công nhận các danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ, thiếu thực chất, không bền vững. Phong trào Xây dựng gia đình văn hóa một số đang có xu hướng mang nặng tính hình thức, tác dụng thực tế giảm dần. Phong trào Xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, Xã đạt chuẩn văn hóa NTM, Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đang ngày càng ít hấp dẫn, thiếu động lực, thực hiện chưa đồng đều, thiếu tính bền vững và ít đổi mới; còn tình trạng chạy theo thành tích.
Để việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư tỉnh Bắc Giang đạt những kết quả tốt hơn, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, đưa nội dung vào sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ, đảng bộ cơ sở, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của từng cán bộ, đảng viên; Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; các ban ngành, đoàn thể các cấp đối với kết quả lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động mở chuyên trang, chuyên mục “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”; in và phát hành tài liệu tuyên truyền về các mô hình điển hình… để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và tham gia hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Tổ chức tốt các hình thức phát động, đăng ký các danh hiệu văn hóa, kịp thời biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc tham gia xây dựng phong trào. Coi trọng bồi dưỡng các nhân tố mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Bốn là, gắn việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư với phong trào xây dựng NTM vào cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân gương mẫu thực hiện nhằm đưa phong trào phát triển toàn diện, rộng khắp trên các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.
__________________
1. Tỉnh ủy Bắc Giang, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, Bắc Giang, 2015, tr.62.
2. Tỉnh ủy Bắc Giang, Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 7-12-2015 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.
3, 4. Tỉnh ủy Bắc Giang, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, Bắc Giang.
5. Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Bắc Giang, Báo cáo số 120/BC-BCĐ, ngày 30-12-2020 Kết quả Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2020 Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bắc Giang, tr.4
Ths ĐINH THỊ THANH HÀ - Ths HOÀNG CÔNG VŨ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021