Dân ca nghi lễ đám cưới được hình thành, phát triển, tồn tại trong môi trường diễn xướng, trong đó vai trò của chủ thể diễn xướng là cơ sở quan trọng cho việc sáng tạo, ứng tác các bài dân ca nghi lễ. Chủ thể diễn xướng giúp cho việc sáng tạo, ứng tác các bài dân ca nghi lễ được dễ dàng hơn, đồng thời cũng quy định cả khuôn khổ, lề lối ứng tác. Nằm trong khuôn khổ, quy luật đó, dân ca nghi lễ đám cưới của người Dao Tuyển được sáng tác, lưu truyền dựa trên cơ sở của truyền thống, phong tục của dân tộc, góp phần bảo lưu các nghi thức đẹp trong đám cưới của người Dao Tuyển.
Lễ cưới của người Dao Tuyển được tiến hành qua nhiều bước với những nghi lễ bắt buộc như: so tuổi, dạm ngõ, ăn hỏi, cưới. Để thực hiện các nghi lễ này, nhà trai phải nhờ ông mối hiểu biết các nghi thức cưới xin, thuộc nhiều bài hát, có khả năng ứng tác, khéo léo trong cư xử. Ông mối có nhiệm vụ thay mặt nhà trai thảo luận, hát đối đáp với thày cúng của nhà gái trong từng nghi lễ.
1. Lễ so tuổi
Sau một thời gian tìm hiểu, nếu chàng trai thấy ưng cô gái nào thì về thưa chuyện với bố mẹ để làm lễ so tuổi. Cha chàng trai sẽ trực tiếp đến nhà cô gái để xin cho hai người được đi lại, tìm hiểu nhau. Nếu cha mẹ cô gái đồng ý sẽ trực tiếp trao cho bố chàng trai tờ giấy đỏ ghi họ tên, tuổi cô gái. Nhà trai nhận tờ lộc mệnh của cô gái, đem đến nhờ thày cúng so tuổi cho hai người, nếu hợp tuổi thày cúng sẽ viết vào tờ lộc mệnh của cô gái những lời sau: “Thái thú mở rộng đường hôn lễ/ Âm dương trần - thánh thuận chiêu bang/ Y theo giấy hồng tiền hiền định/ Linh phu tiền định hợp chu nam” (1).
Nếu đôi trai gái không hợp tuổi, thày cúng sẽ không viết bất kỳ chữ gì vào tờ lộc mệnh. Người Dao Tuyển quan niệm vợ chồng phải hợp tuổi thì làm ăn mới gặp may mắn, sớm có quý tử, “Đinh Nhâm hòa hợp Chu Công tạo/ Phối duyên tùy mệnh thế gian truyền”. Chính vì quan niệm duyên, mệnh luôn đi với nhau nên đây được coi là một nghi thức quan trọng trong đám cưới của người Dao Tuyển vì ảnh hưởng trực tiếp đến hôn sự của hai người sau này. Người Dao Tuyển cũng như người Dao nói chung có quan hệ hôn nhân bền vững bởi theo quan niệm xưa, đã làm vợ chồng bên dương thì khi về bên âm vẫn là vợ chồng. Điều này được ghi thành sớ âm, sớ dương trong nghi lễ thăng chức của người đàn ông Dao. Trong lễ so tuổi, do chỉ có cha chàng trai và cha cô gái thực hiện nghi lễ nên họ không hát đối đáp, hai người chủ yếu trò chuyện hỏi han để hiểu hơn về gia đình, hoàn cảnh sống, tính nết của chàng trai, cô gái.
2. Lễ dạm ngõ (ăn pầu)
Dựa trên kết quả điền dã đám cưới của Phàm Văn Cương, Lý Thị Thương ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Lào Cai và Hoàng Văn Cao, Đặng Thị Phượng ở thôn Ải Giõng thị trấn Phong Hải, Bảo Thắng, Lào Cai, chúng tôi thấy: sau lễ so tuổi, đôi trai gái thấy duyên, mệnh hợp nhau, gia đình nhà trai sẽ nhờ một ông mối có tài hát đối đáp đến nhà gái để làm lễ dạm ngõ (ăn pầu). Trong lễ ăn pầu, nhà trai trao cho nhà gái tờ lộc mệnh, hai đồng bạc trắng làm tin, bởi: “Bạc trắng trời sinh Lô Bảo làm… Tự cổ hai nhà thông hòa hiếu/ Mà vẫn nhận tiền công bằng sao?”. Đồng thời, thông báo với nhà gái tuổi của đôi nam nữ hợp nhau để nhà gái tạo điều kiện cho họ tự do đi lại. Nhà gái nhận lại tờ lộc mệnh, hai đồng bạc trắng từ nhà trai đồng nghĩa với việc từ nay con gái của họ đã có nơi có chốn, không được nhận lời so tuổi với gia đình khác. Khi đó, cha cô gái hát rằng: “Ai người truyền ngôn và tên họ/ Đem đến sân rồng (nhà gái) hôn lễ này/ Phục Nghi phân khai khôn duyên lộ/ Họ nào hôn hợp nhận duyên trời”. Vừa hát, cha cô gái vừa ghi những lời này vào mặt sau tờ lộc mệnh, rồi trao lại cho nhà trai như một bản giao ước hôn nhân giữa hai gia đình.
3. Lễ ăn hỏi
Sau lễ dạm ngõ (ăn pầu), nhà trai nhờ thầy cúng xem ngày đẹp để làm lễ ăn hỏi. Kết quả điền dã cho thấy: trong lễ ăn hỏi, ông mối của nhà trai sẽ hát đối đáp với thày cúng nhà gái (hoặc ông cậu cô dâu) về các lễ vật trong đám cưới. Cuộc thách cưới thường diễn ra giằng co giữa hai bên nhưng không căng thẳng mà rất vui vẻ, thể hiện nhiều quan niệm truyền thống về phong tục, tập quán của đồng bào qua các lời hát đối đáp. Khi thày cúng của nhà gái thách cưới, sẽ hát rằng: “Một đôi lợn sắt (tiền kẽm) mười hai chữ (hồng lễ)/ Mấy đôi dành âm (thánh), mấy dành người?/ Trình lên bàn nào đồ lễ chi?/ Ngàn năm son ngọt, bốn mùa thơm”. Nếu nhà trai đồng ý với lễ vật thách cưới của nhà gái thì đáp rằng: “Một đôi lợn sắt mười hai chữ/ Bốn dành cho âm, tám dành dương/ Dành cho Thành Hoàng cùng năm vị/ Suốt đời thiêng ngọt, bốn mùa thơm”. Nếu nhà trai thấy lời thách cưới của nhà gái quá nặng, khó lo nổi lễ vật thì hát những lời hát trình bày hoàn cảnh để nhà gái có thể rút bớt số lễ vật thách cưới như: “Bản quốc khó khăn đem lễ vật/ Đến châu môn để chư vị biết/ Trời đất cùng liền tám vạn trượng/ Nhưng địa lý phải hợp nguyên tiêu”. Khi đó, nhà gái sẽ bàn bạc xem có thể bớt lễ vật thách cưới cho nhà trai được hay không. Dù gia đình nhà trai có khó khăn đến mấy, nhà gái có thể rút bớt lễ vật thách cưới nhưng trong lễ rước dâu, nhà trai vẫn phải có đủ sáu lễ trong sáu nghi thức. Đó là nghi thức nghỉ trạm, vượt ải thôn, trình hồng thư, dâng trầu cau, vượt ải bố mẹ, nghi thức hợp cẩn. Ông mối của nhà trai bắt buộc phải đồng ý với sáu lễ vật đó: “Nhà trai vâng nộp đủ sáu lễ/ Dâng hiến Văn Hoàng xét nhận thu/ Rất mong quí vị khai hồng lễ/ Để nộp lễ vật và đón dâu”. Lời hát của ông mối cũng là lời giao ước sẽ chuẩn bị đủ sáu lễ cho sáu nghi thức quan trọng trong lễ cưới. Đồng thời, việc tổ chức lễ cưới do nhà trai quyết định thời gian.
4. Lễ cưới
Theo kết quả quan sát thực tế diễn biến lễ cưới của anh Phàm Văn Cương và chị Lý Thị Thương tại bản Pạc Po, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, chúng tôi thấy có các nghi thức sau: nghi thức nghỉ trạm, vượt ải thôn, trao lễ vật cưới, lễ trầu cau, lễ trao tờ bản mệnh, lễ vượt ải bố mẹ, lễ hợp cẩn… song chỉ có một số nghi thức có sử dụng các bài dân ca để thực hành nghi lễ. Cụ thể như sau:
Nghi thức vượt ải thôn
Từ nơi nghỉ trạm đến nhà gái, đoàn nhà trai phải vượt qua một chiếc cổng tượng trưng do nhà gái dựng lên ở đầu bản (đầu thôn) gọi là ải thôn. Muốn qua được ải thôn, ông mối của nhà trai phải hát đối đáp một số vấn đề liên quan đến nguồn gốc, tên gọi, chức năng… của cửa ải với thày cúng nhà gái. Thày cúng hát rằng: “Ải trấn quan trường thành vạn lý/ Đây là đâu, quân tử động binh?/ Người đẹp, biển xanh quân vui hát/ Chẳng dong quan tướng nhiễu loạn hành”. Ông mối bên nhà trai đáp: “Dưới trướng tam quan thành hoàng điện/ Chư vị linh hùng khẽ dạy rõ/ Đoàn ở Bính Châu đi đường hoa/ Chính theo ngày trước, động thế kinh”. Cũng có khi thày cúng nhà gái hát hỏi về nguồn gốc các lễ vật dâng lên thần thổ địa: “Ai kẻ làm ra châu đề bảo/ Đem đi tiêu thụ ở nơi nào/ Thầy nào thêm ba chữ tam thủy/ Ai người trị thế tạo tân bình”, ông mối nhà trai đáp: “Dân dùng tiền kẽm do Ti Lộ/ Miếng trầu Lô Bảo xưa truyền giao/ Dậu ba nét Kinh Trạo thêm thủy/ Ông Nhụy Mau làm ra bình bạc”. Thày cúng nhà gái hát đến vấn đề nào thì ông mối nhà trai phải hát trả lời vấn đề đó. Nếu thày mối không đối đáp được, sẽ phải nộp phạt theo lệ của người Dao Tuyển, tiền phạt đó được già bản dùng để mua đồ cúng trong miếu thờ thần thổ địa của bản. Nếu ông mối nhà trai hát đối được những thử thách thì thày cúng sẽ hát: “Vạn sự không nói, nay mở cửa/ Dẫn các ông trình chuyện âm dương/ Thực người quân tử làm việc tốt/ Thuyền các ông đảm bảo thành công”. Kết thúc lời hát, ông mối nhà trai sẽ dỡ ải thôn, hai thày cúng phụ đốt tiền vàng, câu đối trên cổng ải, kết thúc nghi thức ở ải thôn.
Nghi thức trao lễ vật cưới
Sau khi vượt qua ải thôn, người dẫn đường đưa nhà trai vào trong nhà để trao sáu lễ đã được hai gia đình bàn bạc thống nhất, ghi vào hai tờ giấy đỏ (hồng thư) trong lễ ăn hỏi. Khi đó, thày cúng nhà gái sẽ hát: “Lễ vật trình hôn phần chia mấy/ Định tiến vua nao, sảnh đường nào?/ Tiếng đàn lương duyên gẩy minh bạch/ Đem chứa lễ phẩm tạ ơn ai?”. Ông mối nhà trai đáp rằng: “Nhà trai vâng nộp đủ sáu lễ/ Dâng hiến Văn Hoàng xét nhận thu/ Rất mong quí vị khai hồng lễ/ Để nộp lễ vật và đón dâu”. Sau khi trao lễ vật xong, ông mối nhà trai sẽ hát những bài hát không theo môtip sẵn có, mà tự ứng tác lời bài hát để hỏi về gia đình chú rể, ý nghĩa ba mâm cỗ, người làm ra cây hương…, chẳng hạn: “Nước nào cử ai về trình đây?/ Lễ cưới này tiến trao họ nào?/ Bên ấy cha mẹ họ tên gì?/ Mẹ là ai, họ gì, lễ đâu?”, hoặc “Cây hương khai thắp ai làm thế?/ Bát hương thơm khói họ nào tạo/ Phối hợp bày bàn ai kẻ sinh/ Chăm sóc hương lô ai quản lý”. Các bài dân ca được ứng tác trong nghi thức này đều xoay quanh nguồn gốc nghi thức trao hồng thư, các loại sản vật đồng thời ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất.
Nghi thức dâng trầu cau
Sau nghi thức trình hồng thư, là nghi thức dâng lễ trầu cau. Gọi là lễ trầu cau bởi trầu cau được gói thành 12 gói đựng trong clong gai, sáu gói tượng trưng cho phần âm, sáu gọi tượng trưng cho phần dương. Mở đầu nghi thức, thày cúng nhà gái hát: “Hoài đan mấy phần được khai khởi/ Mấy phần hiến âm, mấy phần dương/ Trên án rồng vàng là ai chế/ Người nào trị thế tạo lòng quyền”, ông mối đáp: “Phân ra mười hai phần đan lễ/ Sáu phần hiến âm, sáu phần dương/ Hiến lên ngọc bàn Thiên Đế điện/ Rồng vàng Đàm Đế chế sơ nguyên”. Tiếp theo thày cúng nhà gái sẽ hát hỏi về nguồn gốc ra đời của tục trầu cau: “Cây cau, biển nào trồng được nó?/ Ông nào sinh được vỏ ăn trầu?/ Muốn hỏi ngày xưa ai đục đá?/ Người nào châm lửa hóa thành vôi?”, ông mối đáp rằng: “Cây cau ngày xưa La Ẩn trồng/ Vỏ đỏ, Tiên Phu biết trước tiên/ Thái cổ đập đá xếp vào lò/ Đài Nam phóng hỏa hóa thành vôi”. Không chỉ hát hỏi về tục trầu cau, thày cúng có thể hát hỏi về các lễ vật khác trong clong gai như: ai là người làm ra đồng xèng, rượu, chợ, núi, sông… Tùy vào thời gian hát đối, nhà gái sẽ có những lời hát hỏi, ông mối nhà trai phải ứng tác thật nhanh để đáp được các lời hỏi của nhà gái. Diễn xướng trong nghi lễ này phần lớn là những bài hát nghi lễ gắn chặt với bối cảnh diễn xướng.
Nghi thức trao tờ bản mệnh
Nghi thức trao tờ bản mệnh là một nghi thức quan trọng trong đám cưới của người Dao Tuyển. Khi tờ bản mệnh của cô gái đã chính thức trao cho nhà trai thì hai bên đã công nhận sự đính hôn của đôi trẻ. Nếu sau này vì một lý do nào đó khiến đôi vợ chồng không ở được với nhau thì nhà trai phải trả lại tờ bản mệnh cho nhà gái, đồng thời phải kèm theo một trăm đồng bạc trắng để nhà gái mời họ hàng đến dự lễ hủy bỏ hôn lễ. Sau đó, cô gái mới được quyền đi bước nữa. Nếu hai vợ chồng không ở được với nhau mà lỗi thuộc về người vợ thì nhà gái phải trả lại toàn bộ lễ vật cưới cho nhà trai, đồng thời phải nộp phạt theo yêu cầu của nhà trai thì mới trả lại tờ bản mệnh cho cô gái. Ở nghi thức này, theo kết quả điền dã, không có bài hát nghi thức nào được diễn xướng, chủ yếu là những lời đối đáp của ông mối với thày cúng (hoặc ông cậu của cô dâu).
Nghi thức vượt ải bố mẹ
Đạo giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Dao Tuyển. Do ảnh hưởng của Đạo giáo trộn lẫn với văn hóa, tín ngưỡng bản địa nên người Dao Tuyển quan niệm: cha mẹ đã cực khổ suốt chín tháng cưu mang, ba năm ẵm bồng, nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta trở thành người tốt để vững bước trên đường đời. Vì vậy, con cái phải hiếu thảo, phục dưỡng, kính thờ cha mẹ. Ở nghi thức này, chủ yếu là lời đối đáp của hai phù dâu với thày cúng nhà gái về sự tích ra đời của ải bố mẹ, sự tích bình lạy éng, đoàn đón dâu gồm những ai hay các nghi thức trong lễ cưới... Chẳng hạn hát về sự tích ải bố mẹ, thày cúng sẽ hát: “Trấn điện ngọ môn rừng rực sáng/ Sứ bộ nào kinh động triều đình?/ Đánh động Đông Hoa quang xán lạn/ Gây thất kinh phủ lý trang nghiêm”. Hai phù dâu đáp: “Điểm tay khấu ơn Quốc Thừa Tướng/ Khoan nghiêm xử sự người đừng sợ/ Chúng tôi đi tìm con đường hiền/ Cùng theo cầu ân (đón dâu) có nam nữ”. Đối đáp được đúng yêu cầu của nhà gái, nhà trai sẽ được vào nhà làm lễ hợp cẩn.
Khi khảo sát các bài dân ca trong nghi lễ đám cưới, chúng tôi thấy ông mối phải dùng lời các bài hát để trình bày những vấn đề liên quan đến hôn sự của đôi trai gái. Các bài hát trong các nghi lễ đó thường là các bài hát đã có sẵn từ trước hoặc theo các môtip ổn định. Song trong cuộc hát đối đáp của từng nghi thức cưới hỏi, ông mối có thể ứng tác, sáng tác thêm cho phù hợp với các nghi thức đó. Vì thế, số lượng bài dân ca đám cưới khá lớn, góp phần làm phong phú cho kho tàng dân ca của người Dao Tuyển. Những lời bài hát dân ca đám cưới của người Dao Tuyển được chia làm hai loại, mỗi loại có tính chất, đặc điểm khác nhau nên phương thức, nội dung diễn xướng của chúng cũng khác nhau. Đó là các bài hát mang tính chất cố định, gắn với thực hành nghi lễ và các bài hát giao duyên tự do.
Các bài hát mang tính chất cố định gắn với thực hành các nghi lễ có 3 kiểu bài hát cơ bản. Trước tiên, những bài hát đối có sẵn trong từng nghi lễ được ông mối nhà trai hát đối đáp với thày cúng nhà gái trong lễ ăn hỏi, lễ cưới. Lời các bài hát đối này thường xoay quanh việc thách cưới, lễ vật cưới, công đức của cha mẹ, phẩm chất của cô dâu, chú rể, đưa dâu và trao dâu. Tiếp theo là những bài hát đơn được ông mối nhà trai dùng để hát trước khi sang nhà gái. Các bài hát ở loại này có số lượng ít, chủ yếu tập trung vào việc mong muốn vai trò làm ông mối gặp thuận lợi. Cuối cùng là loại bài hát đối được ông mối, thày cúng ứng tác trong khi thực hành các nghi lễ. Loại bài hát này chủ yếu được đối đáp để nhà trai, nhà gái hiểu nhau hơn, cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn khi thực hành các nghi lễ.
Các bài hát giao duyên tự do là loại bài hát vui trong đám cưới: hát để mừng gia đình hai họ, hát mừng hạnh phúc đôi trẻ, hát mời uống rượu, hát trêu ghẹo nhau, hát để trai gái đi dự đám cưới giao duyên với nhau… Đây là những bài hát tự do, mọi người trong đám cưới đều có thể tham gia kể cả những người đã có gia đình. Do vậy, lời của loại bài hát này không mang tính chất cố định, khá đa dạng, phong phú song cũng có rất nhiều dị bản. Đề tài của loại bài hát này thường xoay quanh vấn đề về tình yêu, hôn nhân, gia đình, sức khỏe, công việc…
_______________
1. Toàn bộ lời các bài dân ca trong bài viết này được trích từ cuốn sách: Trần Hữu Sơn, Đám cưới người Dao Tuyển, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2011.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : BÀN QUỲNH GIAO