Đặc điểm cơ bản về nguồn gốc và bản chất của thần thánh trong đời sống tâm linh

Tôn sùng thần thánh là một đặc điểm cơ bản, riêng có của con người khi so sánh với các loài động vật khác có họ hàng với con người như tinh tinh, khỉ đột, đười ươi... Cùng với kinh tế, khoa học, nghệ thuật, việc tôn sùng thần thánh là một đặc điểm văn hóa riêng, tách biệt con người ra khỏi thế giới động vật. Các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới đã tìm hiểu kỹ lưỡng về vấn đề này. Bài viết này là một nỗ lực để hiểu biết thêm về nguồn gốc, bản chất của hiện tượng thần thánh trong đời sống tâm linh con người.

Trước tiên, cần phải có một định nghĩa chung về thần thánh. Thần thánh hay thần được hiểu là một thực thể siêu nhiên với quyền năng, sức mạnh hơn người. Đó có thể là các vị thần trong thần thoại, các vị chúa trong Thiên chúa giáo, các vị thánh trong Hồi giáo, các vị phật trong Phật giáo, Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Ở cấp độ thấp hơn, thành hoàng làng cũng là một vị thần với tầm ảnh hưởng chủ yếu ở làng xã, số lượng người tin theo có giới hạn, chủ yếu là cư dân trong làng xã đó. Đặc điểm chung của các vị thần là có sức mạnh lớn, có thể làm được nhiều điều mà con người bình thường không thể làm được như tạo ra, thay đổi tự nhiên, cứu giúp, mang lại hạnh phúc cho mọi người hay nói đơn giản là có sức mạnh siêu nhiên. Sự phát triển hình ảnh các vị thần đã trải qua một quá trình biến đổi lâu dài từ những huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, cho đến các tín ngưỡng, tôn giáo. Ở mỗi loại hình nhận thức, đặc điểm của các vị thần lại có những nét khác biệt. Nếu như trong huyền thoại, truyền thuyết hay cổ tích, các vị thần là những con người có sức mạnh siêu nhiên, có thể tạo ra thế giới, các hiện tượng thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp, bão, lụt... thì đến các tín ngưỡng, tôn giáo, sức mạnh của các vị thần bị giảm sút nhiều. Các vị thần tuy vẫn được coi là người sáng tạo ra thế giới như chúa trời trong Thiên chúa giáo, thánh Allah trong Hồi giáo, Yahweh trong đạo Do Thái, nhưng các hiện tượng tự nhiên không còn được giải thích bằng sức mạnh của các vị thần mà thay vào đó là cách giải thích có tính thực tế, đơn giản hơn, dù chưa phải là cách giải thích khoa học hiện đại như ngày nay.

Tín ngưỡng thờ thần tuy vẫn bảo lưu việc thờ các nhiên thần ở một số quốc gia nhưng đã dần chuyển sang thờ các nhân thần từ thành hoàng làng cho đến các anh hùng dân tộc hay người sáng lập quốc gia. Với nhiều quốc gia, việc thờ người trở nên phổ biến, tạo ra những hình thức tín ngưỡng bản địa như ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên...; nhưng với nhiều quốc gia khác, thay vào đó là thờ một thực thể không có thật với sức mạnh rất lớn, toàn năng là chúa như ở các quốc gia châu Âu hay Tây Á.

Trong giai đoạn phát triển sau này của nhận thức con người, đặc biệt là giai đoạn khoa học hiện nay, các hiện tượng tự nhiên hoàn toàn được giải thích bằng khoa học nhưng niềm tin vào các vị thần vẫn còn. Các vị thần như chúa hay thành hoàng làng vẫn tiếp tục tồn tại mạnh mẽ trong đời sống người dân hiện đại ngày nay.

Một trong những nguyên nhân căn bản của niềm tin vào các vị thần đó chính là nỗi sợ. Con người trong xã hội xa xưa, cũng như ngày nay sợ rất nhiều thứ. Những hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp, bão, lụt, sóng thần... gây ra những tai họa cho con người, là những nỗi sợ thường trực. Các loài động vật hung dữ như hổ, báo, sư tử, chó sói... cũng là những nỗi sợ khác. Bản thân con người cũng là những đối thủ, kẻ thù của nhau trong công việc, đời sống hàng ngày. Bệnh tật, cái chết là nỗi sợ thường trực thứ tư của con người. Tất cả những nỗi sợ này đòi hỏi phải có một sức mạnh hỗ trợ. Con người đã buộc phải tạo dựng ra những con người hay sinh vật tưởng tượng với quyền năng hữu hạn hay vô hạn nhằm bảo vệ, che chở cho mình. Sự tin tưởng này dĩ nhiên là không thật dưới cái nhìn khoa học bây giờ nhưng nó vẫn tồn tại, mang tính phổ biến. Đó là vì con người có một cách tư duy, niềm tin tưởng chừng nghịch lý nhưng lại rất hợp lý, những gì đúng mà không có lợi sẽ không được tin theo, những gì không đúng nhưng có lợi sẽ được tin theo. Chính cơ chế tâm lý này là cơ sở bên dưới cho sự xuất hiện niềm tin vào sự tồn tại của các vị thần, những thực thể không có thật nhưng lại được tin là có thật với mục đích giải thích nhiều sự việc, hiện tượng không giải thích được trong tự nhiên, xã hội.

Đặt niềm tin vào những thực thể không có thực này vừa là một việc làm có ý thức, vừa vô thức của con người. Tính chất vô thức thể hiện rõ trong thần thoại khi các vị thần được dùng để giải thích các sự kiện tự nhiên; tính chất ý thức thể hiện rõ hơn trong tín ngưỡng, tôn giáo hay truyền thuyết khi các vị thần có liên quan đến con người, gắn liền với những sự kiện lịch sử hay hoạt động xã hội. Nhưng dù là vô thức hay ý thức, việc đặt niềm tin vào những thực thể không có thật này là một nỗ lực, động cơ nhằm giúp con người có thể hiểu, giải thích được những hiện tượng xảy ra cho cuộc sống của mình, cũng như tạo dựng niềm tin, hy vọng vào những sức mạnh siêu nhiên có thể giúp con người sống sót, phát triển trong môi trường tự nhiên, xã hội luôn khó khăn, căng thẳng, phức tạp. Niềm tin vào các vị thần tự nhiên có thể mất đi nhưng những vị thần xã hội như chúa, phật, thánh hay thành hoàng làng, anh hùng dân tộc thì không hề mất. Lợi ích do các vị thần xã hội này mang lại cho con người rất lớn nên họ buộc phải tồn tại.

Không những vậy, sự xuất hiện của khoa học, công nghệ cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khác mà cuối cùng giải pháp cho chúng lại vẫn nằm trong niềm tin vào sức mạnh của các vị thần. Ngay cả khoa học, công nghệ hiện nay cũng không giúp giải thích được nhiều hiện tượng tự nhiên như sự xuất hiện của vũ trụ, sự sống... đây chính là chỗ cho niềm tin vào các vị thần xuất hiện nhằm giải thích các hiện tượng này. Nhưng yếu tố chủ đạo ở đây vẫn là sức mạnh sống mà con người cần phải có, các vị thần được con người sáng tạo ra nhằm tạo dựng, bổ sung cho sức mạnh hữu hạn của chính mình. Sức mạnh của các vị thần ở đây cũng chính là sức mạnh mà con người phóng chiếu ra bên ngoài từ chính bản thân mình. Với các vị thần khác, sức mạnh này bắt nguồn từ nỗi sợ những hiện tượng tự nhiên. Việc lý giải chúng nằm ngoài khả năng của con người cổ xưa nên việc gán một thuộc tính siêu nhiên cho nó là điều dễ hiểu. Cho đến giờ, việc hiểu biết, lý giải về mặt khoa học các hiện tượng tự nhiên đó đã khiến niềm tin vào các vị thần tự nhiên đó biến mất mặc dù những tàn tích của chúng vẫn còn tồn tại như những đặc điểm văn hóa tôn giáo của một dân tộc hay một quốc gia. Việc thờ cúng này không chứng tỏ niềm tin của người dân vào nguồn gốc thần thánh của các hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp... mà nó thể hiện một niềm tin tôn giáo được tiếp nối qua hàng ngàn năm không thể từ bỏ. Đây là niềm tin cần thiết, bởi chỉ khi gán cho các vị thần những sức mạnh to lớn hay vô hạn thì con người mới có thể có sức mạnh để đối đầu với môi trường tự nhiên hay xã hội xung quanh có tính nguy hiểm, bất trắc.

Nỗi sợ có tính đa dạng, ước muốn hạnh phúc cũng vậy. Việc tạo dựng các vị thần đáp ứng được nhu cầu này, đặc biệt, sự vượt qua các nỗi sợ, là chức năng căn bản của các vị thần, đó cũng có thể coi là một kiểu hạnh phúc của con người. Cảm giác hạnh phúc khi được tôn thờ các vị thần phổ biến ở mọi người dân thuộc mọi nền văn hóa trên thế giới. Đến đây, chúng ta thấy một đặc điểm mang tính tiến hóa là nếu các vị thần có lợi ích như vậy với con người thì phải được bảo vệ, gìn giữ. Tổ tiên của con người sống trong những điều kiện hoàn toàn khác với ngày nay, họ rất cần sự bảo trợ của các vị thần để có thể sống sót, khỏe mạnh. Con người hiện đại ngày nay tuy sống trong một điều kiện hoàn toàn khác với ngày xưa theo hướng tốt hơn nhưng do thừa hưởng một bộ gien của tổ tiên hữu thần, vẫn phải sống trong một môi trường có tính lặp lại những vấn đề cũ, mới với nhiều khó khăn, căng thẳng nên vẫn có xu hướng hành xử theo hướng tiếp tục tin vào các vị thần. Đó là điều đã xảy ra với những vị thần tự nhiên khi khoa học phát triển, còn đối với những vị thần xã hội như chúa, phật, thánh, thành hoàng làng, anh hùng dân tộc... thì niềm tin vào họ không những không mất mà còn tiếp tục được đẩy mạnh hơn trước. Sự lan tỏa của Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo trong 2000 năm qua vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm trong TK XXI ở trên thế giới, Việt Nam là minh chứng rõ nét của điều này.

Khi nói đến bản chất của thần thánh cũng là nói tới sức mạnh, giá trị của họ đối với những người dân. Trước hết là vấn đề sức mạnh của thần thánh. Có thể lấy ví dụ về chúa, phật, hai vị thần đại diện cho hai tôn giáo lớn của thế giới hiện nay là Thiên chúa giáo, Phật giáo. Chúa của phương Tây khác với phật của phương Đông về bản chất dù cả hai là những vị thần quyền uy được người dân của mỗi nền văn minh tin theo nồng nhiệt. Vị thần toàn năng là chúa không thích hợp với các cư dân Đông Á bằng phật, một con người không có sức mạnh toàn năng nhưng lại thiết thực hơn trong việc hỗ trợ, giải cứu con người khỏi nỗi khổ, đạt tới sự hạnh phúc, một điều mà chúa làm được ít hơn. Nhưng chúa lại thích hợp với những cư dân châu Âu do nhu cầu gắn kết cộng đồng, chia sẻ cảm xúc bên cạnh việc giải thích thế giới, cuộc sống cũng như sự chuẩn bị cho việc con người phải đương đầu với cái chết, một nỗi sợ lớn nhất, những tội lỗi trong cuộc sống cũng như những khó khăn khác trong công việc, hôn nhân, gia đình cao hơn các cư dân Đông Á. Điều dễ hiểu là người dân của mỗi nền văn minh phương Đông hay phương Tây thấy cần thiết phải tạo dựng, tin tưởng theo những vị thần với sức mạnh khác nhau, phù hợp với môi trường mà họ đang sống, đặc điểm chủng tộc, dân tộc, văn hóa của mình nhất. Niềm tin vào chúa, phật hay các vị thần bản địa khác là quá trình tâm lý hoàn toàn tự nhiên của từng cá nhân, nó được xây dựng trên một nền tảng chủng tộc, dân tộc, văn hóa có sẵn cho những cư dân đó. Những yếu tố chủng tộc, dân tộc có tính bất biến còn những yếu tố văn hóa tuy có tính biến đổi cao nhưng gặp phải những yếu tố tự nhiên, hai yếu tố xã hội mang tính thích nghi tiến hóa cao là dòng họ, quốc gia nên cũng bị giới hạn sức mạnh của chúng. Đây chính là nguyên nhân cơ bản cho ảnh hưởng yếu ớt của Thiên chúa giáo vào các xã hội Đông Á.

Khát vọng được che chở bởi sức mạnh bên ngoài của con người càng mạnh, càng đòi hỏi sức mạnh của các vị thần ngày càng lớn, thể hiện theo thứ bậc từ thành hoàng làng tới anh hùng dân tộc, các vị phật, cuối cùng là chúa với sức mạnh lớn nhất. Bên cạnh sức mạnh là vấn đề giá trị của thần thánh với người dân. Giá trị của các vị thần gắn liền với sức mạnh của các vị thần theo tương quan tỉ lệ thuận giữa giá trị với sức mạnh. Điều đó có nghĩa các vị thần có sức mạnh càng lớn thì có giá trị càng lớn, cũng như ngược lại. Nhưng như đã nói, do sự khác biệt giữa các chủng tộc, dân tộc, văn hóa nên một vị thần có giá trị đối với những cư dân thuộc một nhóm này có thể lại không có giá trị với những cư dân thuộc một nhóm khác. Đó là vì giá trị của thần thánh phụ thuộc vào niềm tin của những tín đồ. Niềm tin càng lớn thể hiện giá trị hay tầm quan trọng, ảnh hưởng của các vị thần tới người dân cũng càng lớn. Mà niềm tin vào bất cứ cái gì, xét dưới góc độ tâm lý học, đều là phản ánh sức mạnh của cái đó. Giá trị của các vị thần do vậy là thể hiện của khát vọng về sức mạnh mà một người muốn có xét ở cấp độ cá nhân, tập thể; nó là sức mạnh chung mà một nhóm người, một bộ phận của xã hội muốn có để bảo vệ, che chở cho cuộc sống của mình.

T rên đây là một số đặc điểm cơ bản về nguồn gốc, bản chất của thần thánh trong đời sống tâm linh của con người. Sự tồn tại của thần thánh trong thời đại khoa học phản ánh bản chất bảo thủ của niềm tin con người trong việc duy trì những gì là có lợi trong quá khứ, vẫn đang tiếp tục có lợi trong hiện tại, đặc biệt là với những vấn đề khoa học không giải quyết được trong vật lý, hóa học, sinh học... Nhưng vấn đề thật sự về sự tồn tại của thần thánh lại gắn chặt không chỉ với sự bất lực của khoa học mà là lợi ích của thần thánh đối với sự khỏe mạnh thể chất, tinh thần của các cá nhân trong xã hội, một phương pháp tiến hóa cũ dựa trên niềm tin tuyệt đối vào những con người hay sinh vật tưởng tượng được sáng tạo ra, được thừa hưởng từ những tổ tiên hữu thần của con người. Do đó, thần thánh vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển chừng nào những cơ sở là nguồn gốc cho sự xuất hiện của chúng vẫn chưa biến mất. Vì vậy, có thể nói, tôn giáo, tín ngưỡng sẽ vẫn tiếp tục tồn tại như một phương thức sống của con người bên cạnh khoa học, công nghệ. Đây là một kết quả mà chúng ta có thể thấy trước được không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả tương lai sau này của con người.

_______________

1. Hoàng Tâm Xuyên, 10 tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.

2. Sueki Fukimiho, Lịch sử tôn giáo Nhật Bản, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011.

 

Tác giả: Bùi Lưu Phi Khanh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

 

;