Chùa Đại Bi, thôn An Lạc, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là danh lam cổ tích, được UBND tỉnh Thái Bình xếp hạng di tích cấp tỉnh, năm 2003. Chùa hiện có nhiều di vật quý, trong đó có cụm bia đá. Trong khi phần lớn bia đá ở các địa phương tỉnh Thái Bình bị hủy hoại thì ngược lại, bia đá ở chùa này được giữ gìn khá tốt. Cả thảy có 8 bia đá, trong đó có 6 bia được dựng vào TK XVI, 2 bia được dựng vào TK XVII. Trong hoàn cảnh các nguồn tư liệu thư tịch cổ về ngôi chùa cũng như địa phương đều không còn, có thể nói tư liệu văn bia này càng thêm phần quý giá. Bài viết giới thiệu khái quát về những bia đá này và giá trị thông tin tư liệu văn bia phản ánh về lịch sử và sự kiện liên quan đến ngôi chùa trong lịch sử cũng như vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản bi ký này.
Hiện trạng bia chùa Đại Bi- Ảnh: Đỗ Tuyết Nhung
1. Khái quát về cụm bia chùa Đại Bi
Chùa Đại Bi hiện có 8 bia đá được thu thập dựng trước sân chùa, bao gồm:
Đại Bi tự bi ký/ 大悲寺碑記. Bia 2 mặt, khổ 1,15m x 0,75m, toàn văn chữ Hán, chia thành 35 cột, mỗi cột khoảng 35 chữ. Văn bia khắc năm Sùng Khang 9 (1575) do Tiến sĩ Cập Đệ khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo (1557) Binh bộ Triều liệt đại phu trong phủ Ứng Vương, quê xã Đoan Lâm, Bình Giang, Hải Dương, là Đỗ Uông soạn. Môn đệ của ông là Bảng nhãn Lều Quang Bật viết chữ để khắc bia. Nội dung: Ghi lại lịch sử ngôi chùa có từ thời Trần và quá trình trùng tu chùa.
Đại Bi tự bi/ 大悲寺碑. Bia hai mặt, khổ 1m x 0,6m, dựng năm Hưng Trị 1 (1588). Toàn văn chữ Hán, chia thành 6 cột từ phải qua trái, trung bình mỗi cột có 24 chữ. Văn bia do Nguyễn Sơn ở xã Tây Am, Vĩnh Bảo soạn và khắc. Nội dung: Ghi việc tạo mới 16 pho tượng, tô lại 6 pho tượng cũ và việc sơn son thiếp vàng toàn bộ tượng chùa.
Tân tạo các bi minh ký/ 新造閣碑銘記. Bia hai mặt, khổ 1,35m x 0,75m, 24 cột dọc, trung bình mỗi cột có 30 chữ. Bia được tạo năm Hưng Trị thứ 2 (1589). Văn bia do Giám sinh Quốc tử giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuần soạn. Nội dung: ghi lại lịch sử chùa và việc dựng gác chuông chùa.
Tân tạo thiết kình đăng/ 新造鐵檠燈. Bia hai mặt, khổ 0,9m x 0,6m, 24 cột dọc, trung bình mỗi cột có 25 chữ. Bia được tạo năm Hồng Ninh thứ 2 (1592). Văn bia do Giám sinh Quốc Tử Giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuần soạn. Nội dung: ghi lại việc làm cột đèn bằng sắt để thay thế cột đèn bằng gỗ đã hư hại.
Tạo Đại Bi tự hành lang tả hữu lưỡng vũ bi ký/ 造大悲寺行廊兩廡碑記造大悲寺行廊兩廡碑記. Bia hai mặt, khổ 1,1m x 0,7m, 22 cột dọc, trung bình mỗi cột có 34 chữ. Bia được tạo năm Quang Hưng thứ 17 (1594), đời vua Lê Thế Tông. Văn bia do Giám sinh Quốc Tử Giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuần soạn. Nội dung: ghi lịch việc dựng hai dãy hành lang và hai tòa giải vũ chùa.
San kinh bi minh ký/ 刊經碑銘記. Bia hai mặt, khổ 1,1m x 0,81m, 23 cột dọc, trung bình mỗi cột có 29 chữ. Bia được tạo năm Quang Hưng thứ 17 (1594), đời vua Lê Thế Tông. Văn bia do Giám sinh Quốc Tử Giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuần soạn. Nội dung: ghi lại việc khắc, in kinh Phật.
Đại Bi tự chú đồng Phật bi/ 大悲寺鑄銅佛碑 do Giám sinh Quốc Tử Giám Tô Vũ Lan soạn năm Vĩnh Tộ thứ nhất (1621). Nội dung: ghi lại việc đúc tượng bằng đồng.
Hậu Phật bi ký/ 後佛碑記, khắc năm Cảnh Trị thứ 3 (1665), đời Lê Huyền Tông. Bia 2 mặt, kích thước 1m x 0,50m, 24 hàng chữ, trong mỗi hàng có 30 chữ. Nội dung: Mặt tiền là bức phù điêu tượng hậu Phật bà Nguyễn Thị Huy. Bà đã bàn bạc cùng con cháu phát tâm cúng tiến 45 quan cho chùa làng. Làng dùng tiền đó mua được 4 thửa ruộng, rộng 2 mẫu, để làm ruộng hương hỏa cho nội tự.
Như vậy, trong số tám văn bia chùa Đại Bi, có 4 văn bia mang niên hiệu nhà Mạc. TK XVI, vùng đất này theo nhà Mạc, nên văn bia khắc trong thời gian nhà Mạc trị vì, đều ghi theo niên hiệu nhà Mạc. Sau khi nhà Mạc bị nhà Lê thay thế, năm 1592, những văn bia dựng sau năm này, cụ thể là năm 1594, được ghi theo niên hiệu nhà Lê (Quang Hưng thứ 17: 1594) mà không ghi niên hiệu nhà Mạc; điều này thể hiện thái độ chính trị rõ ràng với các vương triều chấp chính.
2. Thông tin tư liệu văn bia
Văn bia chùa Đại Bi, nhất là vào thời Mạc, đều được các bậc Nho học soạn, trong đó tiêu biểu là Bảng nhãn Đỗ Uông. Trong lần trùng tu lần đầu dưới thời Mạc, địa phương đã mời được Đỗ Uông soạn văn bia ghi lại việc trùng tu chùa này vào năm Sùng Khang thứ 9 (1576).
Tài liệu khoa bảng cho biết, Đỗ Uông (1523-1600), người xã Đoàn Lâm (tục gọi là xã Miếu Thông), huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Đoàn Lâm, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn), khoa Bính Thìn, niên hiệu Quang Bảo thứ 3 (1556), đời vua Mạc Phúc Nguyên. Ông làm quan nhà Mạc, năm Giáp Tuất 1574, giữ chức Hữu thị lang Bộ Binh, kiêm Vương phó, là thày của các bậc vương công, sau đổi làm Tả thị lang Bộ Công. Trên văn bia năm Sùng Khang thứ 9 (1576), chức tước của ông được ghi đầy đủ là Đỗ Tiến sĩ cập đệ khoa Bính Thìn (1556), chức Binh bộ Hữu thị lang, kiêm Ngũ phủ Triều liệt đại phu, Phúc Tùng viện; có nghĩa là, năm 1576, ông mới giữ chức Binh Bộ Hữu Thị lang (1).
Theo một nghiên cứu tổng quan về tư liệu văn bia thời Mạc, văn bia chùa Đại Bi là văn bia đầu tiên do Đỗ Uông soạn, cũng là văn bia sớm nhất của chùa này. Sau khi soạn văn bia Đại Bi, Đỗ Uông còn soạn một số văn bia thời Mạc khác, như năm Diên Thành thứ 2 (1579) soạn văn bia Tô Quận công Thần đạo bi/ 蘇郡公神道碑, xã Mộ Trạch, huyện Bình Giang, Hải Dương (ký hiệu thác bản Hán Nôm 4339), văn bia Trùng tu Mỗi Nhu kiều bi/重修每猱橋碑, soạn năm Diên Thành thứ 3 (1580) ở xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (ký hiệu thác bản văn bia 10234); văn bia Phú Cốc kiều bi/ 富穀橋碑, soạn năm Đoan Thái thứ 3 (1587) ở xã Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, tỉnh Bắc Giang (ký hiệu thác bản văn bia 10234)... Trên văn bia năm 1587, chức tước của ông được ghi như sau: “Đỗ Uông, chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lại bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, Phúc Quận công, Thượng trụ quốc Hồng phúc tùng viện” (2).
Một vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao địa phương lại mời được Đỗ Uông, một vị đại khoa và quan chức cao trong triều vốn không có quan hệ gì với làng xã này về soạn văn bia chùa làng. Thực tế, khi soạn văn bia, ông giữ chức Binh bộ Hữu thị lang, kiêm Ngũ phủ Triều liệt đại phu, nghĩa là làm Phó tướng bộ Binh, kiêm quản quân Ngũ phủ. Theo nội dung văn bia này, trong việc tham gia trùng tu chùa, có các vị quan chức quân sự thuộc phủ Tây Quân, như “Tây quân phủ Ưng Dương vệ, hiệu Lôi Tiền sở Võ úy Đô Mỹ bá Nguyễn Duy Hòa; Triều Đông vệ Bổng Nhật ty Phấn Lâm bá Nguyễn Đáp...”. Thực tế, phủ Tân Hưng vốn thuộc lộ Sơn Nam thời Lê, nhưng sang nhà Mạc thì đổi thuộc đạo Hải Dương. Do đó, Đỗ Uông cai quản quân đội địa phương vùng Hải Dương, quê của ông, kiêm quản quân đội các địa phương thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình ngày nay. Mặt khác, người hưng công trùng tu chùa là quan võ dưới trướng của Đỗ Uông như Nguyễn Duy Hòa, có thể là người địa phương (3), nên đã mời được vị võ quan kiêm quản quân đội địa phương về soạn văn bia.
Người tham gia hưng công và công đức trùng tu, xây dựng chùa là quan chức người địa phương và dân làng, cùng thập phương tín thí. Có lẽ chùa này là danh lam cổ tích rất linh ứng, nên liên tục được trùng tu, mở mang quy mô chùa, đúc tượng Phật, cúng tiền mua ruộng làm của Tam bảo. Điều đó được tư liệu văn bia phản ánh khá cụ thể. Văn bia khắc năm 1575 cho biết: “Xã An Lạc, huyện Thần Khê có chùa Đại Bi, là danh lam bậc nhất đất Tân Hưng ta vậy. Trước đây chùa vớt được một quả chuông lớn nổi ở sông, có khắc chữ là chuông do Hoàng Thái hậu thời vua Trần Anh Tông (1290-1292) đúc. Chuông đánh lên âm vang xa rộng, nay hiện còn” (4). Cũng trong lần đào móng làm lại chùa, phát hiện bia đá thời Trần bị vùi lấp...
Như vậy, bà Hoàng Thái hậu được nhắc đến trong văn bia chính là Bảo Thánh Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu của vua Trần Nhân Tông và là thân mẫu của vua Trần Anh Tông. Bà là con gái Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa. Về cuối đời, bà sống và tạ thế ở hành cung Lỗ Giang. Hành cung này, theo sử sách, chính là di tích khảo cổ học Hành cung Lỗ Giang, mới được phát hiện năm 2014 tại khu vực đền Thái Lăng, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, cùng ven tuyến đường sông nối từ phủ Thiên Trường đến trung tâm Long Hưng (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Tuy nhiên, hành cung Lỗ Giang không còn vết tích gì trên mặt đất, duy có ngôi đền Thái Lăng được xây dựng về sau. Kết quả khai quật cho hay, hành cung Lỗ Giang là một hành cung lớn, với một hệ thống công trình kiến trúc đặc biệt trên hệ thống móng trụ kép hình chữ nhật có kích thước lớn gấp ba móng trụ vuông thông thường, cùng nhiều vật liệu kiến trúc, trang trí, như những viên ngói úp đầu bờ dải trang trí mặt sư tử, trán có khắc chữ Vương. Ngoài ra, còn rất nhiều di vật được trang trí đề tài rồng, phượng.
Như vậy, ngôi chùa Đại Bi này có từ thời Trần, bị hư hại và hủy hoại dưới thời thuộc Minh, đến thời Mạc được khôi phục, tôn tạo lại theo quy mô khá lớn, có thượng điện, gác chuông, hành lang, đặc biệt là Phật điện với khá nhiều tượng. Theo Văn bia khắc năm Đoan Thái thứ hai (1586), chùa hưng công tạo mới 16 pho tượng Phật và trùng tu 6 pho tượng cũ; năm Đinh Hợi, ngày 15 tháng Giáp Trung (tháng 2 âm lịch) đã sơn son thếp vàng, ánh hào quang tỏa chiếu. Công việc hoàn thành, ngày 15 mở hội mừng công hoàn tất. Sau đó chùa liên tục được tu bổ thêm, như dựng đèn sắt bệ đá, san khắc kinh Phật, làm gác chuông, đào giếng bắc cầu, quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô chùa này vào thời Trần. Rất tiếc là hiện nay, chùa cũng bị mất mát nhiều kiến trúc cổ, kể cả những ván khắc kinh Phật. Xưa kia, việc san khắc kinh Phật hết sức khó khăn, chỉ là những ngôi chùa lớn, như chùa tổ thì mới tổ chức san khắc, tàng trữ kinh Phật và truyền giảng đạo pháp. Rõ ràng, chùa Đại Bi vào TK XVI đầu TK XVII là ngôi chùa lớn, là trung tâm của hoạt động Phật giáo trong vùng.
Chùa có bia Hậu Phật mà mặt trước chạm chân dung của vị Hậu Phật vào năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời Lê Huyền Tông. Đó là bà Nguyễn Thị Huy, người đã phát tâm cúng tiến 45 quan để chùa làng mua được 2 mẫu ruộng hương hỏa cho nội tự. Bức bia Hậu Phật này được chạm khắc khá tinh xảo, hiện vẫn được lưu giữ ở chùa.
Cũng có thể, ngôi chùa Đại Bi này vốn thời Trần gắn với Hoàng Thái hậu, phu nhân của Trần Nhân Tông, sư tổ Thiền phái Trúc Lâm, nên chùa cùng thuộc hệ thống Thiền phái Trúc Lâm. Theo truyền thuyết địa phương, vào thời Trần, sư tổ Huyền Quang từng đến chùa giảng đạo. Chính vì thế, chùa làng của sư tổ Huyền Quang ở Hải Dương cũng có tên là Đại Bi như tên chùa Đại Bi ở Đông Hưng, Thái Bình.
3. Thay lời kết
Chùa Đại Bi thôn An Lạc, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vốn là ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần gắn với Hoàng tộc nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đến thời Mạc, chùa trở thành chùa làng được dân làng trùng tu tôn tạo, mở rộng quy mô, duy trì trong các thời kỳ sau đó và đến ngày nay. Tiếc rằng, tư liệu ghi chép về ngôi chùa và vùng đất này rất hiếm hoi, những văn bia cũng mờ mòn nhiều. Đặc biệt, cụm bia đá này được dồn lại dựng trước sân chùa giữa mưa nắng, nguy cơ mờ mòn, hư hại rất lớn. Do vậy, cần thiết phải có giải pháp quy hoạch và bảo vệ cụm bia đá, tổ chức sao chép, in dập văn bia, dịch chú, khai thác giá trị tư liệu văn bia để làm tài liệu giáo dục con em địa phương, cũng như bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị di sản văn hóa địa phương (5).
____________________
1. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb Văn học, 2006, tr.379.
2. Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc: Tư liệu và khảo cứu, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021, tr.54.
3. Theo thông lệ, người hưng công hội chủ trùng tu danh thắng địa phương thường là người địa phương, có địa vị, tiền bạc, hoặc người có mối quan hệ nào đó với địa phương đó.
4. 神溪安樂有大悲寺寔新郡之第一名藍。前時得浮鐘一口,顏曰陳英宗時皇太后所鑄。洪音大響,至今由存。Văn bia chùa Đại Bi (Bia số 1 chùa Đại Bi).
5. Tác giả gửi lời cảm ơn chân thành tới GS, TS Đinh Khắc Thuân, người đã giúp chỉnh lý, bổ sung bài viết.
Tài liệu tham khảo
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, 1998.
2. Kỷ yếu hội thảo Hành cung Lỗ Giang, Hưng Hà, Thái Bình trong lịch sử nhà Trần, Thái Bình, 2019.
3. Tài liệu Địa chí Thái Bình, tập 1, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, 2006.
Ths ĐỖ TUYẾT NHUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021