Xây dựng, phát triển nông thôn là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất là từ khi Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008) của Đảng ra đời và được triển khai với chương trình Xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, trong đó, cơ sở vật chất văn hóa là một tiêu chí nền tảng. Tiêu chí này đã và đang được các tỉnh miền núi phía Bắc tích cực thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao mức thụ hưởng văn hóa tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên theo khảo sát, có khoảng 60% số xã chưa đạt tiêu chí này, tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (1). Nhằm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 16-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, bao gồm 19 tiêu chí, trong đó xác định chỉ tiêu về cơ sở vật chất văn hóa đối với miền núi phía Bắc. Cụ thể là nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VHTTDL; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VHTTDL với chỉ tiêu là 100% (2).
Triển khai Quyết định của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã ra các thông tư, như Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL, ngày 22-12- 2010, quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm văn hóa - thể thao xã; Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL, ngày 8-3-2011, quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa - khu thể thao thôn; Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL, ngày 30-5-2014, sửa đổi, bổ sung điều 6 của thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL, ngày 22-12- 2010 và Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL, ngày 8-3-2011.
Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các tỉnh miền núi phía Bắc tích cực tổ chức rà soát, thống kê thực trạng kinh tế xã hội, số lượng các nhà văn hóa, khu thể thao và hiện trạng… Trên cơ sở đó, từng địa phương lập đề án xây dựng nông thôn mới của mình. Hệ thống quản lý các cấp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được hình thành ở các địa phương. Cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Văn phòng điều phối giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Tương tự, các huyện thành lập Ban chỉ đạo và các xã thành lập Ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của hệ thống chính trị địa phương và người dân, các tỉnh miền núi phía Bắc đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Về số lượng, tính đến năm 2016, miền núi phía Bắc có tổng số 20.299 thôn (bản) có nhà văn hóa thôn (bản)/ nhà sinh hoạt cộng đồng (chiếm tỷ lệ 75,48%). Tỉnh có tỷ lệ số xã có nhà văn hóa cao là Tuyên Quang (89,15%), tiếp đến là Sơn La (85,64%) và tỉnh có tỷ lệ thôn (bản) có nhà văn hóa/ nhà sinh hoạt cộng đồng cao nhất là Phú Thọ (98,37%).
Về hệ thống sân/khu thể thao, xét theo địa phương, Phú Thọ là tỉnh có tỷ lệ xã có sân/khu thể thao cao nhất (72,58%), tiếp đến là Tuyên Quang (61,24%) và Hòa Bình có tỷ lệ thôn (bản) có sân/khu thể thao cao nhất (66,12%), tiếp đến là Bắc Giang (59,52%), Phú Thọ (59,29%) (Bảng 2).
Kết quả này càng làm rõ thêm thành tựu cũng như sự cố gắng, nỗ lực, quan tâm đáp ứng nhu cầu của người dân một cách toàn diện, về cả vật chất và tinh thần, của một số địa phương, nhất là trong điều kiện còn phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trên lĩnh vực kinh tế. Với hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao được hình thành ở xã, thôn, cơ hội cho nhiều người dân tham gia các hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần đã trở thành hiện thực. Nhà văn hóa, khu thể thao ở các địa phương đã đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp người dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, địa phương, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, lễ hội, sinh hoạt của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hội ở nông thôn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa còn nhiều hạn chế. Tính theo tỷ lệ chung của vùng, miền núi phía Bắc có tổng số xã có nhà văn hóa là 1.092 xã, chiếm tỷ lệ 47,83%. Cá biệt, ở một số địa phương, tỷ lệ này rất thấp, như tỉnh Bắc Kạn, chỉ là 12,73% và tỉnh Điện Biên, là 17,45% (theo bảng 1). Về sân/khu thể thao, toàn vùng có 6.841 thôn (bản) có sân/khu thể thao (chiếm tỷ lệ 25,4%) và đối với từng địa phương cụ thể, Lạng Sơn có tỷ lệ thôn (bản) có sân/khu thể thao là 0,80% và Cao Bằng là 0,85% (theo bảng 2). Như vậy, tỷ lệ xã có nhà văn hóa và thôn (bản) có sân/khu thể thao của toàn vùng là rất thấp, nhất là về sân/khu thể thao của thôn (bản) cũng như có sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ số xã có nhà văn hóa, sân/khu thể thao và tỷ lệ số thôn (bản) có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng, sân/khu thể thao giữa một số địa phương.
Về chất lượng, nhiều nhà văn hóa, khu thể thao chưa đạt chuẩn do diện tích nhỏ hẹp, chưa có công trình vệ sinh, khuôn viên cây xanh, tường rào, nhà xe, thư viện, trang thiết bị phục vụ xuống cấp, không đầy đủ, tường, trần nhà rạn nứt... Đến cuối năm 2015, Điện Biên có 1 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, chiếm 0,86%, trong khi mục tiêu là đến năm 2015 có 20% xã cơ bản đạt chuẩn (3).
Hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất văn hóa chưa cao. Một số xã có nhà văn hóa xã nhưng ít được sử dụng, có tủ sách, báo nhưng chưa thu hút được đông đảo bạn đọc. Ở nhiều nơi, việc quản lý nhà văn hóa được giao cho các cá nhân thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, chưa được tập huấn, bồi dưỡng về công tác văn hóa ảnh hưởng đến việc duy trì thường xuyên các hoạt động của nhà văn hóa.
Những tồn tại, hạn chế trong xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa ở miền núi phía Bắc do nhiều nguyên nhân. Địa hình trải rộng, chia cắt, hiểm trở, khí hậu, thời tiết thất thường gây khó khăn và tốn kém đối với thi công các công trình văn hóa, thể thao. Quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa còn bất cập do chưa có quy hoạch, hoặc quy hoạch chậm và liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng với giá trị lớn, do vị trí được lựa chọn để xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn thường ở nơi trung tâm, thuận lợi cho tham gia sinh hoạt của người dân. Một số xã, thôn sáp nhập dẫn đến nhà văn hóa, khu thể thao cũ không đủ diện tích quỹ đất cần thiết để xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao mới phù hợp. Tiêu chí xây dựng nhà văn hóa xã (diện tích 200m2), khu thể thao xã (diện tích 500m2) cũng là một khó khăn lớn do ở nhiều xã miền núi, không có vị trí có đủ diện tích mặt bằng và ở trung tâm của cả khu vực theo yêu cầu.
Một số cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hóa đối với phát triển nông thôn. Vì vậy, họ quan tâm chưa đầy đủ đối với công tác xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa. Người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc tuyên truyền, vận động hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng văn hóa gặp nhiều khó khăn. Nhà văn hóa xã được xây dựng tại địa điểm một thôn (bản) của xã, trong khi khoảng cách giữa các thôn (bản) ở miền núi rất lớn, đi lại không thuận tiện nên nhu cầu tham gia sinh hoạt ở nhà văn hóa của người dân ở thôn (bản) khác trên địa bàn xã không cao, từ đó ít tạo ra động lực trong việc tham gia đóng góp của người dân ở thôn (bản) khác khi xây dựng công trình.
Xuất phát điểm về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa của nhiều xã, thôn rất thấp. Theo khảo sát, năm 2011 ở Sơn La, số xã có nhà văn hóa và khu thể thao là 141 xã, chiếm 75%, trong đó 3/141 xã đạt chuẩn, chiếm 2,12%, và số xã chưa đạt chuẩn, cần nâng cấp là 138 xã, chiếm 97,88%. Số xã chưa có nhà văn hóa và khu thể thao, cần xây mới là 47 xã, chiếm 25%. Số bản có nhà văn hóa và khu thể thao là 1.510, chiếm 48,1%, trong đó đạt chuẩn là 64 bản, chiếm 4,4%, số bản chưa đạt chuẩn, cần nâng cấp là 1.443, chiếm 95,56%. Số bản chưa có nhà văn hóa và khu thể thao, cần xây mới là 1.630, chiếm 51,9% (4). Do đó, yêu cầu nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa là rất lớn, trong khi nhiều địa phương, kinh tế còn khó khăn, nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp, chủ yếu trông chờ vào ngân sách Trung ương. Việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực vốn từ phía người dân là không dễ dàng do địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, mức thu nhập của người dân thấp, dân cư phân bố thưa thớt... Sự tham gia đóng góp từ phía doanh nghiệp cũng rất hạn chế do số lượng các doanh nghiệp ở miền núi không nhiều, tiềm lực kinh tế có hạn. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 ở Lai Châu là 6.219 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 105 tỷ đồng (chiếm 1,7%), vốn huy động từ các doanh nghiệp là 34 tỷ đồng (chiếm 0,5%) (5). Các nguyên nhân trên đây có mối quan hệ với nhau, gây ra những bất lợi đối với thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa ở miền núi phía Bắc. Để có thể khắc phục, cần xây dựng được hệ thống giải pháp mang tính tổng thể và toàn diện.
Thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các tỉnh miền núi phía Bắc đã đạt được nhiều kết quả. Số lượng các nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn (bản) ngày càng tăng, góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần của người dân địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ xã có nhà văn hóa, thôn (bản), có sân/khu thể thao trong toàn vùng cũng như tỷ lệ nhà văn hóa, khu thể thao của xã, thôn (bản) của nhiều địa phương còn thấp, nhất là chất lượng của các công trình so với chuẩn đề ra, ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Những hạn chế trên đây do nhiều nguyên nhân, bao gồm điều kiện tự nhiên, quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất văn hóa không thuận lợi, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về vai trò, ý nghĩa của xây dựng cơ sở vật chất văn hóa chưa đầy đủ, xuất phát điểm để thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa quá thấp, cần thiết nguồn lực quá lớn so với khả năng thực tế của nhiều địa phương. Kết quả nghiên cứu trên đây góp phần hình thành cơ sở xây dựng các giải pháp trong thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung ở miền núi phía Bắc.
_______________
1. Ban chỉ đạo Trung ương tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, Báo cáo sơ bộ kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2016.
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 491/QĐ-TTg Về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, ngày 16-4-2009
3. HĐND tỉnh Điện Biên, số 251/BC-HĐND, Báo cáo Kết quả giám sát tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 - 2015, ngày 7 -11-2015.
4. UBND tỉnh Sơn La, số 2360/QĐ-UBND, Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La đến năm 2020, ngày 2-11-2012.
5. UBND tỉnh Lai Châu, số1095/QĐ-UBND, Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020, ngày 30-8-2016.
Tác giả: Trần Lê Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019