Nguyễn Văn Nam là một trong những nhạc sĩ xuất sắc của nền khí nhạc Việt Nam, được đào tạo chính quy tại Nhạc viện Leningrad, nay là Nhạc viện Sankt - Peterburg (Cộng hòa Liên bang Nga). Ông là hội viên của Hội Nhạc sĩ Nga và Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau khi về nước, ông tham gia công tác giảng dạy bậc Đại học và Cao học chuyên ngành Sáng tác, Lý luận tại Nhạc viện TP.HCM. Cho đến thời điểm hiện tại, ông vẫn được coi là người viết nhiều giao hưởng nhất Việt Nam, với 9 bản đã hoàn thành và bản số 10 đang viết dở. Một số tác phẩm của ông đã được biểu diễn trong và ngoài nước, được giới chuyên môn đánh giá cao bởi những giai điệu, chủ đề độc đáo (1).
Âm điệu
Giai điệu trong âm nhạc chuyên nghiệp phương Tây TK XVIII-XIX chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi hệ thống hòa âm công năng T - S - D. Có thể thấy, âm hưởng của hòa âm xuất hiện trong nét nhạc dưới đây của Johann Sebastian Bach (1685-1750). Các âm điệu nằm ở vị trí đầu hoặc 1/2 của phách, hay đầu và cuối của một làn sóng giai điệu đều là các âm chính của hợp âm được chuyển tới.
Invention II, in Cm, J.S.Bach
Cho đến TK XX, khi các nhạc sĩ chú trọng nhiều hơn đến âm nhạc dân gian, hòa âm công năng dần mất đi vai trò chi phối, thay vào đó là màu sắc riêng biệt của điệu thức các dân tộc. Các âm điệu không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi hướng chuyển động của hòa âm, tiêu biểu là các giai điệu của Claude Debussy (1862-1918), Béla Bartók (1881-1945)...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam cũng nằm trong trường hợp này. Khi phân tích 9 bản giao hưởng với trên 80 giai điệu của ông, chúng tôi không nhận thấy có yếu tố hòa âm tác động lên giai điệu. Các giai điệu chủ đề của ông thường được xây dựng trên các điệu thức 3, 4 và 5 âm, cùng với cách xây dựng giai điệu theo lối riêng gần với âm nhạc dân gian Việt Nam. Các âm điệu được phát triển theo sự lặp lại hoặc biến đổi của các quãng chủ đạo mà không chịu sự chi phối của những nối tiếp hòa âm. Những chủ đề của ông sau khi trình bày có thể biến đổi âm điệu rất xa, chuyển sang toàn cung hoặc bán cung.
Chủ đề chương 2, bản giao hưởng số 1 Tặng đồng bào miền Nam anh dũng của Nguyễn Văn Nam mở đầu chỉ bằng 3 âm điệu (Rê - Mi - Si). Sau 5 ô nhịp chuyển động, âm điệu bắt đầu biến đổi, tới ô thứ 7 thì chuyển hẳn sang điệu thức toàn cung (F - G - A - B - Cis - Dis). Toàn bộ giai điệu đặt trên nền trì tục của chồng âm quãng 5 đúng và 2 trưởng ở phần đệm. Từ những ô nhịp đầu, tác giả đã khéo léo khi lồng những âm điệu của chủ đề nằm trong âm điệu của bè đệm, nhưng sau đó đã phát triển rất xa với sự thay đổi liên tục về tiết tấu. Nhịp điệu ban đầu tương đối ổn định bởi những tiết tấu móc đơn đều đặn và nốt nghỉ dài, nhưng cũng bị xáo trộn bởi sự thay đổi luật nhịp giữa 3 và 2. Sau đó, nhịp điệu trở nên rất phức tạp bởi những đảo phách và nhấn lệch diễn ra liên tục. Ở đây, tạm chia thành: giai đoạn một, gồm 5 ô đầu là sự trần thuật, ổn định; giai đoạn hai gồm 2 ô tiếp theo là giai đoạn chuyển biến; giai đoạn ba gồm 4 ô nhịp cuối hoàn toàn mới, biến động và không ổn định.
Symphony 1, Chương 2 (nhịp 4-15), Nguyễn Văn Nam
Dân ca Việt Nam cũng được xây dựng trên điệu thức 3, 4 hoặc 5 âm và không bị ảnh hưởng của hướng đi hòa âm. Nhà nghiên cứu Tú Ngọc đã tổng kết 5 phương thức phát triển giai điệu của dân ca bao gồm: đơn (đơn nhất), biến (biến tấu), lặp (lặp lại), đảo (đảo hướng) và phỏng (mô phỏng). Đơn là loại mà giai điệu chỉ gồm một nhân tố đơn giản, lặp đi lặp lại, xuất hiện trong những bài bản cổ theo phong cách kể hoặc ngâm; biến là giai điệu trong đó có những thành phần lặp lại phần nào đó của câu trước, mức độ lặp lại có thể nhiều hoặc ít; lặp là một thành phần được lặp lại ngay sau khi nó được trình bày trước đó (trong cùng câu nhạc); đảo là sự đảo hướng chuyển động âm điệu của một hạt nhân ngay sau khi nó được trình bày; phỏng là sự mô phỏng phần nào nhân tố có trước (2).
Quay lại với giai điệu chủ đề của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, chúng ta có thể thấy các bước phát triển trong giai điệu của ông như sau: A - A1 là lặp, A1 - A2 là biến, A2 - A3 là biến, A2 - A4 là biến, A4 - A5 là lặp, A5 - A6 là phỏng, B - B1 là phỏng. Đây chính là cách mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam dùng để phát triển giai điệu trong các tác phẩm giao hưởng của mình. Ông sử dụng những phương thức phát triển từ xa xưa trong âm nhạc dân gian, biến đổi âm điệu và nhịp điệu từng bước trong những thành phần nhỏ. Tất nhiên, so với dân ca, sự phát triển của ông trong giai điệu này liên hoàn và phức tạp hơn nhiều, âm điệu và tiết tấu cũng đa dạng hơn, không chỉ bó gọn trong 5 âm như dân ca.
Trong một số tác phẩm giao hưởng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sử dụng âm điệu tiếng Việt để xây dựng giai điệu. Ví dụ như chủ đề chính trong giao hưởng số 7 Chuyện nàng Kiều, ông sử dụng âm điệu của câu hát “Ngày xưa, nhớ ngày xưa có nàng Kiều”; Chương 2, giao hưởng số 5 Mẹ Việt Nam mang âm điệu của câu thơ “Trong đầm gì đẹp bằng sen”…
Chủ đề chính trong giao hưởng số 3 Tặng những em bé mồ côi do đàn cello độc tấu được hình thành từ âm điệu của tiếng rao “Đậu xanh nấu đường” của người bán hàng rong. Tuy nhiên, ta thấy các âm điệu ở phần đầu của giai điệu (A) đều thuộc các âm của điệu thức ngũ cung La oán trong dân ca Nam Bộ. Hình tượng chính của chủ đề nằm ở 5 ô nhịp đầu, bao gồm các bước nhảy đi lên và đi xuống. Bước nhảy quãng 4 đúng đầu tiên, gợi mở như một tiếng gọi chắc nịch vang lên trong không gian tĩnh lặng. Nhưng sau đó là bước đi xuống quãng 5 giảm và kế tiếp là quãng 2 thứ, tạo cảm giác ai oán, não nùng. Quãng 3 thứ đi lên ở cuối, trở về âm Mi ban đầu làm cân đối lại cảm xúc của câu nhạc. Các âm điệu được ngân dài tự do càng làm tăng giá trị của các mối tương quan quãng giữa chúng. Cách xây dựng giai điệu ngắn nhưng hiệu quả đã mô tả được đúng hình tượng âm nhạc mà nhạc sĩ muốn diễn tả.
Sang phần B, giai điệu phát triển mang màu sắc điệu thức bán cung, không rõ âm chủ. Âm điệu ngân rất tự do, loại nhịp chuyển đổi không theo chu kỳ, cho thấy nhịp điệu ở giai điệu này cũng không rõ ràng. Hai bước nhảy quãng 7 thứ đi lên ở cuối câu mô phỏng một chút hướng chuyển động của âm điệu mở đầu. Âm điệu chủ yếu dùng quãng 2 thứ, 3 thứ, 5 giảm đi xuống, tạo cảm giác u uất, bi thương.
Symphony 3, Chương 1 (nhịp 1 - 8), Nguyễn Văn Nam
Nhịp điệu
Xét về mặt nhịp điệu, âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam khá phức tạp, hay có thể gọi là không ổn định. Ông hay sử dụng nhịp biến đổi và không có chu kỳ. Sự thay đổi nhịp phụ thuộc bởi phát triển giai điệu, mà giai điệu của ông thường có tiết tấu thay đổi liên tục.
Trong chương 1, giao hưởng số 1, chủ đề chính được xây dựng trên hai nhân tố tiết tấu A và B đều có tính chất mạnh mẽ, dứt khoát. Chủ đề do 4 kèn cor và 1 trumpet diễn tấu đồng âm, không có phần đệm. Tuy nhiên, ngay từ lần đầu tiên trình bày chủ đề này, tác giả đã luôn biến đổi hai nhân tố chính, tạo những kết hợp khác nhau, phát triển cùng với thay đổi loại nhịp liên tục 2/4, 3/4, 4/4, làm người nghe không thể đếm nhịp và không tạo ra chu kỳ nhịp điệu.
Giao hưởng số 1, chương 1 (nhịp 1-11), Nguyễn Văn Nam
Chủ đề chính trong chương 3, của giao hưởng này cũng vậy, dường như ông cố tình làm cho người nghe không thể đếm nhịp, bởi sự thay đổi loại nhịp liên tục sau mỗi một hoặc hai ô nhịp. Những loại nhịp ông sử dụng gồm có 2/4, 3/4, 4/4 và cả 5/4. Chủ đề được diễn tấu bởi đàn cello chậm, da diết trên nền dàn dây tremolo, bồi âm điểm xuyết bởi piano, harp và flute.
Giao hưởng số 1, chương 3 (nhịp 7-14), Nguyễn Văn Nam
Ở ô nhịp 2, tiết tấu A’ lặp lại A với sự rút ngắn một phách của nốt đầu tiên; Ô nhịp 4, tiết tấu A” giống với A’ nhưng lại bị cắt ngắn 1/2 phách ở cuối; Ô nhịp 6, tiết tấu A’” nhắc lại A’ ở giữa ô 6 và ô 7, với âm cuối ngân dài thêm 1/2 phách. Tiết tấu B là sự phát triển của tiết tấu A’, có nốt mở đầu giống tiết tấu A’ nhưng lại bắt đầu ở phách yếu. Sự thay đổi liên tục tiết tấu, trọng âm của các nhóm nốt như vậy đã làm cho giai điệu không hề thống nhất về mặt nhịp điệu.
Như vậy, trong hầu hết các trường hợp, giai điệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đều bắt đầu với nốt ngân dài ở phách mạnh (có hoặc không có lấy đà), và sau đó là sự ngân dài tùy ý của nó. Chính sự ngân dài tùy ý này đã gây ra những biến đổi về loại nhịp, chứ không phải sự biến đổi của loại nhịp ảnh hưởng đến phát triển giai điệu.
Nhạc sĩ nổi tiếng người Hungari, Béla Bartók (1881-1945), là người rất hay sử dụng nhịp biến đổi, nhưng có chu kỳ. Có thể thấy rõ sự biến đổi loại nhịp của nhạc sĩ này đã ảnh hưởng đến tính chất giai điệu như sau đây.
Mikrokosmos, quyển 6, bài 151 (nhịp 1- 4), Béla Bartók
Kể từ giao hưởng số 5 trở về sau, âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam dường như ổn định hơn. Ông ít khi sử dụng nhịp biến đổi, loại nhịp mà ông hay sử dụng thường là 2/4 hoặc 4/4, không sử dụng nhịp 3/4. Nhịp độ xuyên suốt trong các tác phẩm này là chậm và rất chậm. Trong những chương nhạc này, giai điệu dài với tiết tấu ngân nga tự do vẫn là yếu tố chủ đạo.
Trong chương 2, giao hưởng số 5 có chủ đề mang âm điệu của câu thơ: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”, tác giả sử dụng kèn cor độc tấu ở sắc thái nhỏ với tiết tấu ngân dài, giống như một giọng ngâm thơ. Giai điệu được đặt trên nền chuyển động nhẹ nhàng của đàn harp, kèn clarinet và bộ dây âm vực cao có sử dụng âm bồi. Trong hai nốt đầu tiên của giai điệu (Sol - Đô), nếu như nốt Đô ngân dài hơn nốt Sol sẽ tạo nên sự chắc chắn hơn vì là âm chủ của hòa âm. Tuy nhiên, tác giả đã để nốt Sol ngân dài hơn và để nốt Đô rơi vào phách yếu của luật nhịp, tạo ra cảm giác hụt hẫng, mất nhịp và phải chờ đến phần sau của giai điệu mới đưa chúng ta trở lại sự ổn định nhịp điệu. Trên nền tiết tấu chùm ba kéo dài triền miên, giai điệu của kèn cor có phần lẻ loi, đơn độc.
Giao hưởng số 5, chương 2 (nhịp 5-10), Nguyễn Văn Nam
Tuy được trang bị các kỹ thuật sáng tác âm nhạc của phương Tây nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sử dụng chất liệu lại hoàn toàn mang tính dân tộc. Hầu hết các giai điệu chủ đề trong các bản giao hưởng của ông đều xây dựng từ âm điệu của điệu thức ngũ cung Việt Nam. Các giai điệu được phát triển theo những nguyên tắc giống như cách mà các làn điệu dân ca Việt Nam vận động và hình thành, không chịu ảnh hưởng của hòa âm công năng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã vận dụng đặc điểm đa thanh trong ngôn ngữ tiếng Việt để xây dựng giai điệu, làm cho âm nhạc có cảm giác gần gũi như đang nói chuyện. Các đề tài mà ông thường quan tâm là những đau thương, mất mát trong chiến tranh, hình ảnh các em bé mồ côi và mẹ Việt Nam anh hùng, những thân phận như nàng Kiều… nên âm nhạc của ông nghe đượm buồn, man mác và sâu thẳm...
Các giai điệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam có cấu trúc tự do, phần lớn có nhịp độ chậm, ngân nga theo lối ngâm thơ hoặc giống những điệu hò của vùng sông nước Nam Bộ. Ông sử dụng tiết tấu không quá phức tạp, nhưng loại nhịp thay đổi liên tục không có chu kỳ cộng thêm sự ngân dài tự do của âm điệu làm cho nhịp điệu trở nên bất ổn, tạo một âm hưởng riêng. Những giai điệu chủ đề đậm chất dân tộc, sâu nặng tình cảm, buồn man mác chính là đặc điểm âm nhạc trong các bản giao hưởng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
_______________
1. Nguyễn Văn Nam, Các bản Giao hưởng từ số 1 đến số 9, Tài liệu tại Thư viện Nhạc viện TP. HCM.
2. Tú Ngọc, Tìm hiểu giai điệu dân ca Việt Nam, Trong Hợp tuyển nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Việt Nam TK XX, tập 2a, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội, 1979, tr.1251-1289.
Tác giả: Trần Đinh Lăng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 - 2019