Chợ Ma Phường xưa trên đất Hà thành

Câu ca Nhất vui là chợ Ma Phường / Lắm hàng mọi chốn tìm đường đến mua đã cho hậu thế biết về một phiên chợ xưa với tên gọi ghê rợn: chợ Ma Phường. Đây là loại hình chợ phiên truyền thống của người dân Kẻ Bưởi. Cùng với các chợ phiên khác trên đất Hà thành trước đây, chợ Ma Phường xưa (nay gọi là chợ Bưởi) đã có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thương trên đất Kinh Kỳ.

1. Tổng quan về chợ Ma Phường

Những người dân ở làng cổ Yên Thái (hay còn gọi An Thái) thường gọi mảnh đất này là đất ba làng (làng Đông, làng Thọ và làng Yên Thái). Thời Lý, địa danh này có tên gọi là phường Tích Ma, thuộc huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Đến thời Minh Mạng, Tích Ma được đổi thành đơn vị hành chính mới với tên gọi Yên Thái. Ngôi làng cổ nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công như giấy dó, lĩnh hoa và sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa xa xưa của đất kinh kỳ.

Truyền thuyết vùng Bưởi kể rằng, dưới triều Lý Nhân Tông, tại nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, chi lưu của Nhị Hà (1), nước sông dâng cao xoáy vào chân thành Thăng Long. Nước lũ làm sạt lở đất nghiêm trọng, gây nguy cơ sụp thành. Thế nhưng việc đắp đê ngăn nước của triều đình bị thất bại. Lúc bấy giờ, có vợ chồng ông bà bán dầu tên là Vũ Phục đã vì nghĩa lớn, tự nguyện hiến thân làm vật phẩm hiến thần sông Tô Lịch, cầu mong cho góc thành Tây của thành Thăng Long khỏi bị thần sông làm xói lở và cũng là cầu mong cho nhà vua khỏi bệnh đau mắt. Sau khi sự việc diễn ra, dòng nước bắt đầu lặng sóng. Tuy nhiên, chính đoạn sông mà ông bà gieo mình, xuất hiện gò cát cao dần theo thời gian rồi lấp hẳn cửa sông Thiên Phù. Tưởng nhớ công ơn của đôi vợ chồng già đầy nghĩa khí, ngay trên bãi bồi đó, vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) đã cho xây dựng ngôi miếu thờ phụng họ và gia phong cho ông là Chiêu Ứng Phù Vận Đại Vương phúc thần và bà là Thuận Chính Phương Dung công chúa phúc thần. Sau tất cả mọi việc đã chu toàn, nhà vua đã cho tìm con cháu của ông bà từ Bạch Hạc (Việt Trì) xuống đây, tạo điều kiện sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mới và cũng là để trông nom hương khói phụng thờ.

Lúc đầu, bãi nổi hoang vắng và được triều Lý sử dụng làm pháp trường. Những tử tù sẽ bị chém đầu và vùi thây tại đây. Vì lẽ này, tên gọi ban đầu của bãi bồi là Đống Ma và về sau đổi thành Tích Ma. Theo thời gian, cái tên Tích Ma phường ghê rợn đã đi vào quên lãng. Đã có nhiều tên mới được đặt thay thế. Theo các nguồn tư liệu, từ đời Minh Mệnh, địa bàn này trở thành một đơn vị hành chính mới gọi là xã Yên Thái (gồm ba thôn An Đông, An Thọ và Yên Thái). Bãi nổi năm xưa nay là làng Yên Thái với 13 dòng họ chung sống, nhưng nòng cốt chính là dòng họ Vũ của Đức thành hoàng làng (Vũ Phục Đại Vương). Bên cạnh đó là dòng họ Cao, Hoàng, Nguyễn, Đặng - những dòng tộc của bốn người lính năm xưa được vua cử ra túc trực linh cữu ông bà bán dầu.

Người Việt xưa dựng chợ làng ở địa thế thuận lợi nhất, như khu vực gần đường cái quan thuận tiện cho việc giao thông đường bộ hoặc đường thủy. Có lẽ thế, một số đô thị cổ ở Việt Nam đã ở chính những nơi này: “Một số ít đô thị hình thành tự phát do ở những địa điểm giao thông buôn bán thuận tiện…” (2). Thời Trung đại, các cảng thị mọc lên từ việc các khu chợ được kết nối thông thương với bên ngoài. Nguyễn Quang Ngọc cho biết, đến TK XIX, khi nhiều tuyến đường bộ được mở mang, các ngã tư, ngã ba đường dần trở thành tụ điểm giao thương thuận lợi (3). Với vị trí địa lý thuận lợi, bãi Đống Ma ngày càng nhiều cư dân đến sinh sống. Nếp sống làng quê truyền thống đã được hình thành tại đây. Người dân mang các sản phẩm do mình sản xuất tụ họp trao đổi mua bán. Lâu dần, một khu chợ đã được hình thành với tên gọi chợ Ma Phường.

Chợ Ma Phường xưa kia tọa lạc ở trung tâm của vùng Kẻ Bưởi, phạm vi đất làng Yên Thái, bờ Tây Nam của Hồ Tây hiện nay. Với vị trí này, một cách rất tự nhiên, chợ Ma Phường đã nằm ở giữa một vùng làng nghề: làm giấy, trồng dâu, dệt lụa, dệt lĩnh, nấu nha, nuôi lợn. Do sự thuận lợi về vị trí địa lý cho việc giao thương trên bến dưới thuyền nên dân cư qua lại khá đông đúc. Theo các nghiên cứu, do chợ Ma Phường tọa lạc ở vị trí đặc biệt quan trọng nối cả một vùng nông thôn rộng lớn phía Bắc Hà thành với khoảng 60 phường hội của Thăng Long, nên từ lâu, nơi đây đã trở thành một điểm nút giao lưu kinh tế quan trọng bậc nhất Kinh Kỳ.

Tên chợ Ma Phường ra đời gắn với việc người địa phương đã sử dụng những khoảng đất trống cạnh bãi tha ma, nghĩa địa của phường Tích Ma để họp chợ. Còn theo các cụ cao niên trong làng Yên Thái, trong phiên chợ Tích Ma cuối năm, các hồn ma thoát khỏi cõi âm về trà trộn với người trần đi sắm hàng tết. Những người sinh sống gần đó cho biết, nhiều đêm ở bãi Đống Ma xuất hiện những khối ánh sáng nhỏ chập chờn bay liệng rồi vụt tắt. Hiện tượng như ma chơi cứ liên tục tái diễn. Các đốm lửa cứ lóe lên có lúc dàn trên diện rộng giống như từng tốp người âm cùng rủ nhau đi chợ tết. Cảnh tượng nhìn rất vui mắt, không có gì đáng sợ cả. Người dân địa phương biết rằng họ đang làm ăn, sinh sống trên mảnh đất linh thiêng nên “lòng thành, tâm trong” thì không có gì phải sợ. Ở bãi đất này, những quả bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta vớt lên bán. Theo thời gian, mọi người quen gọi địa danh này là vùng Bưởi và cũng bởi lẽ này, chợ Ma Phường cũng gọi là chợ Bưởi (4).

2. “Nhất vui là chợ Ma Phường”

Vùng Kẻ Bưởi xa xưa rất sầm uất và náo nhiệt. Tuy chợ Kẻ Bưởi đương thời, không phải là chợ đầu ô, nhưng cũng là chợ đầu mối, nổi tiếng. Những buổi chợ phiên ngày tư, ngày chín, người Kinh thành từ bên Bắc, từ Đông Ngàn qua bến đò Xù đến với chợ Bưởi. Người từ trấn Sơn Tây có thể xuống đây bằng con đường thiên lý, rồi men theo lối rẽ Cổ Nhuế; còn người từ Hà Đông theo lối đường thành Đại La (nay là đường Bưởi) mà lên.

Cũng giống như những chợ quê khác, trong chợ Ma Phường có hàng nước, hàng rau, hàng cá và các quầy bán hàng xén… Chợ của người dân ở Kẻ Bưởi luôn tấp nập. Ở chợ, phần lớn là những nông dân bán sản phẩm của chính mình làm ra, còn tiểu thương chuyên nghiệp chỉ là số ít. Đây chính là nét đặc trưng của chợ quê truyền thống.

Chợ Ma Phường xưa ra vào khá dễ dàng vì có không gian rộng. Chợ được thiết kế đơn giản thành những dãy hàng với những túp lều tranh, các sạp hàng bằng tre nứa tạm bợ. Thực ra, đó là nơi buôn bán cố định của các tiểu thương bán hàng khô, hàng tạp hóa. Theo các cụ cao tuổi ở Yên Thái, chỉ có một hoặc hai dãy nhà gỗ mà người đương thời gọi là cầu chợ.

Sản phẩm của những người nông dân thường được bày bán ở mặt cỏ vệ đường. Để bán hàng suôn sẻ cần có một vị trí thuận lợi. Do đó, mỗi khi đến phiên chợ, người bán phải đi thật sớm. Tuy không có những quy định cụ thể, nhưng người bán hàng thường tự giác ngồi thành từng dãy, từng hàng rất chỉnh tề và trật tự. Đầu TK XX, nhận thấy vai trò thương mại của chợ Ma Phường, chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng công trình kiên cố phục vụ cho việc mua bán tại đây. Năm 1905, công trình được khởi công bởi quan Tổng đốc Hà Đông - Hoàng Trọng Phu. Khu chợ được quy hoạch thành hàng lối rất rõ ràng với hai lô ngoài bằng bê tông cốt thép từ cột lên tận mái nhà. Chợ mới xây được đổ hai tầng theo kiểu chồng diềm trông khá đẹp mắt, đồng thời đảm bảo độ thoáng và ánh sáng vừa đủ.

Chợ truyền thống của người Việt (5) có hai loại: chợ phiên chợ hôm. Chợ hôm (còn gọi là chợ xép) thường họp vào buổi sáng sớm hay chiều hàng ngày. Người bán và người mua đều sống gần chợ và chỉ bày bán thực phẩm như rau cá, tôm cua và một số sản phẩm cây nhà, lá vườn của người dân quê. Nền kinh tế truyền thống của người Việt là nông nghiệp nên việc mua và bán hàng hóa được diễn ra ở những phiên chợ họp định kỳ được gọi là chợ phiên. Chợ phiên ở các tổng thường họp khoảng sáu lần một tháng. Người mua kẻ bán ở chợ đều thân mật gần gũi và ấm áp tình quê. Chợ Ma Phường cũng là loại hình chợ phiên, được họp theo chu kỳ vào ngày tư, ngày chín - tức là các ngày: mùng bốn, mùng chín; mười bốn, mười chín; hai bốn, hai chín âm lịch hàng tháng. Hiện nay, nhiều chợ chọn ngày chủ nhật làm phiên họp chính. Xét về số lượng người tham gia và lượng hàng hóa, chợ phiên bao giờ cũng đông người hơn và hàng hóa đa dạng.

Phiên chợ xưa ở Tích Ma phường có nhiều hàng hóa với đủ loại giá tùy theo túi tiền của từng người. Nhiều sản phẩm từ các làng nghề của bà con quanh vùng được hội tụ về đây. Đến chợ Ma Phường, người dân có thể tìm mua được mọi sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công của các vùng xung quanh, như: tranh Đông Hồ, tập giấy dó, vải lĩnh… Giấy dó là mặt hàng nổi tiếng của làng và thường được bán ở cả phiên chợ chính và chợ xép. Ngày ấy, dải sông Tô Lịch thơ mộng luôn là hình ảnh hiện lên gắn liền với làng nghề làm giấy dó.

Trên vùng đất của bãi Đống Ma, cư dân từ nhiều nơi đã về đây sinh cơ lập nghiệp với nhiều ngành nghề thủ công. Nghề làm giấy dó ở đây bắt đầu từ TK XV. Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết: phường Yên Thái ở Thăng Long đương thời gồm nhiều làng: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô chuyên làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ...

Thời Lê Thánh Tông, bà Phạm Thị Ngọc Đô - một mỹ nữ Chiêm Thành đã được nhà vua ban cho bảy mươi mẫu đất ở đây (nay là vùng Trích Sài), lập nên Thiên Niên Trang. Ngọc Đô chính là bà tổ của nghề dệt lĩnh của vùng Bưởi. Lĩnh Bưởi được coi như một thứ vải sang trọng và sành điệu nhất của kinh thành Thăng Long xưa.

Có thể nói, phiên chợ đã giúp bà con Yên Thái xưa tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất ra, góp phần cải thiện đời sống. Điểm nổi bật của chợ Ma Phường so với các chợ phiên khác ở Hà thành chính là cây giống các loại được lấy từ những làng trồng hoa, cây cảnh cổ truyền ven Hồ Tây như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân hoặc các xã vùng rau, hoa như Tây Tựu, Phú Thượng (6). Việc tề tựu nhiều giống loại hoa về đây tạo nên một khung cảnh đầy màu sắc. Không những thế, đầu bếp Hoàng gia thường sử dụng những thực phẩm tươi sống được mua từ chợ Ma phường. Các sản phẩm bày bán ở đây cũng được tin dùng cho cho việc tế lễ, hội hè, đình đám, khao vọng ở Hà thành xưa.

Ngoài cây giống, cây cảnh và thực phẩm, chợ Ma Phường còn đáp ứng nhu cầu sức kéo và vật nuôi cho khách hàng. Ở những phiên chợ chính, mọi người có thể mua bán chó, mèo, gà, lợn. Các cụ cao niên còn kể rằng, khi xưa vào phiên chợ 19 tháng Chạp âm lịch hàng năm, chợ còn bán cả các loại đại gia súc như trâu, bò, ngựa... Những gia súc này được các lái thương vận chuyển từ các tỉnh miền núi phía Bắc xuống và bày bán phía ngoài chợ, khu bãi Bưởi bên kia bờ sông Tô Lịch. Những phiên trâu bò, phiên chó mèo… chính là nét riêng, tạo nên điểm độc đáo và thú vị của chợ Ma Phường xưa. Có thể nói, giống cây trồng và vật nuôi là mặt hàng đặc trưng của chợ Ma Phường, nên ai cần con giống cây giống đều tìm đến tận đây mua mới an tâm.

Đầu TK XX, khu chợ mới đã được xây trên nền móng chợ Ma Phường trước kia. Có hai lô trong khu chợ: một lô dành cho các quầy hàng xén, vải vóc, tơ lụa… còn lô kia dành cho việc bày bán các mặt hàng khác như quang gánh, mũ nón, đồ sắt, rổ rá, nồi niêu… Tuy nhiều chủng loại, nhưng hàng hóa cơ bản là dành cho tầng lớp bình dân. Rất dễ dàng cho việc tìm mua những thứ cần thiết cho cuộc sống thường ngày ở đây.

Những người tham gia phiên chợ xưa thường thực hiện theo phương cách hàng đổi hàng (7). Họ có thể mang đồ vật của mình ra chợ và đổi lại là con vật hoặc cây giống với giá trị tương đương. Tiền chỉ đóng vai trò trung gian trong phạm vi chợ. Dạo quanh chợ Ma Phường, người mua ngắm nghía, so sánh rồi mới quyết định chọn mua cho mình chậu cây cảnh hoặc con thú cưng. Ai đi chợ cũng mong muốn mang về một sản phẩm đem lại cảm xúc ấm áp và đậm đà hương vị của làng quê.

Trong đơn vị hành chính thời Nguyễn, cấp làng tương đương và một tổng bao gồm ba đến bốn xã. Do đó, chợ tổng là chợ chung của các làng trong tổng và họp trên một bãi đất trống kề cận giữa các làng đó (8). Sự thuận lợi về địa lý đã đưa đến sự sôi động của chợ Ma phường. Người dân các khu vực lân cận kéo về đây bán cây, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề… Các phiên chợ luôn đầy ắp hàng hóa và của ngon vật lạ ở các nơi khác đến với đời sống ẩm thực của người dân Kẻ Bưởi. Hàng hóa phong phú của chợ Ma Phường khiến ta liên tưởng đến câu ca dao xưa:

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn…

 Giồ Chèm, nem Vẽ, chuối Sù

Bánh cuốn Thanh Trì, bành dì (dày) Quán Gánh…

Vải Quang, húng Láng, ngô Đăm

Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây…

Sự tụ hợp của các tiểu thương quanh vùng và cả những nơi xa đến đây khiến cho chợ Ma Phường ngày càng sầm uất. Ngoài những người có nhu cầu mua - bán, phiên chợ còn cớ sự góp mặt của nhiều người đến chơi. Họ tìm kiếm niềm vui khi dạo quanh khu chợ cổ. Không còn sự ảm đạm và nặng nề của bãi Đống Ma xa xưa mà thay vào đó là quang cảnh trên bến, dưới thuyền đông đúc và tấp nập.

Chốn kinh thành xưa, mỗi phiên chợ được coi như một ngày hội, nên người đi chợ ăn mặc tươm tất chứ không suồng sã dễ dãi. Người bán đon đả chào mời, gọi khách là mình và xưng tôi. Việc mua bán có nói thách nhưng theo phương cách thuận mua vừa bán không chèn hàng ép giá. Người bán, người mua ân cần và điềm đạm như những người tâm giao, tỉ tê trò chuyện. Không khí trong chợ đầy thân thiện và mộc mạc.

Với người dân Kẻ Bưởi, đi chợ phiên chính là cơ hội để họ mở rộng mối quan hệ giao tiếp, giao đãi với người trong làng ngoài ngõ. Nghề nông rất vất vả, không có nhiều cơ hội cho họ mở rộng quan hệ với cộng đồng. Do đó, mỗi phiên chợ là một dịp cho họ mở rộng lòng mình, giao hòa với xã hội. Những người nông dân đến chợ không chỉ để bán và mua, mà còn có cơ hội giao lưu, tâm sự với nhau về các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, những tâm tư, nỗi niềm cần chia sẻ. Đặc biệt với các chị em phụ nữ, khi tham gia vào mỗi phiên chợ, họ như được giải phóng khỏi những bề bộn của công việc gia đình và trở về với nhịp sống sôi động của cộng đồng. Ở một góc độ nào đó, có thể thấy, phiên chợ Ma Phường đã giữ được bản sắc tốt đẹp của làng Việt truyền thống.

Trong hành trình tìm về ký ức, nhiều người vẫn luyến tiếc những phiên chợ Ma Phường năm xưa. Cuộc sống hiện đại đã cuốn đi nhiều giá trị truyền thống, nhưng người Kẻ Bưởi vẫn cố gắng duy trì những di sản cha ông để lại. Trên dấu tích của chợ Ma Phường xưa là chợ Bưởi cùng phiên chợ ngày tư, ngày chín với sự thanh lịch và những nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội.

_______________

1. Sông Tô Lịch bắt đầu từ Giang Khẩu (nay là phố Hàng Buồm) chảy về phía Bắc, còn sông Thiên Phù từ bến Lâm Ấp (nay là phường Phú Thượng) chảy qua Bái Ân đến Nghĩa Đô thì gặp sông Tô Lịch, tạo nên ngã ba nước.

2. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.118.

3. Nguyễn Quang Ngọc, Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII- XIX, Hội Sử học Việt Nam xb, Hà Nội, 1993, tr.119-137.

4, 6. Bùi Thị Ánh Vân, Chợ Bưởi - một góc nhỏ của Hà thành, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Di sản văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - nhìn từ khía cạnh quản lý văn hóa, Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội, 2009, tr.112-120.

5, 7. Bùi Thị Ánh Vân, Chợ quê - nét văn hóa làng Việt, International Conference on Traditional Succession and Space Expansion of Literature, International Conference in Mongolia, Mongolia, 25 đến 26-7-2017, tr.197-204.

8. Nguyễn Đức Nghinh, Trần Thị Hòa, Chợ làng trước Cách mạng tháng Tám, Tạp chí Dân tộc học, số 2-1981.

 

Tác giả: Bùi Thị Ánh Vân

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

;