Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại nói chung, với mỗi con người và mỗi dân tộc nói riêng. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, trong thế kiềng ba chân của mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong đó, văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước.
Văn hóa Việt Nam là thành quả của quá trình lao động sáng tạo, đấu tranh dựng nước, giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới và đã tạo nên tâm hồn, khí phách con người Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam. Với tầm quan trọng như vậy, Đảng và Nhà nước ta coi văn hóa là sợi chỉ hồng xuyên suốt quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước bền vững. Đã có nhiều nghị quyết của Đảng tập trung về chuyên đề văn hóa, con người Việt Nam. Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31-12-2014 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đề ra mục tiêu chung là: Triển khai Nghị quyết 33 góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai các nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; trong đó đưa ra mục tiêu: “Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc… Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển…”.
Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đi sâu vào nội dung: Chính sách thuế, phí cho phát triển văn hóa, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; đánh giá chính sách tài chính, thuế phí hiện hành tại Việt Nam, cũng như kinh nghiệm quốc tế để từ đó đề xuất các giải pháp về chính sách tài chính, thuế, phí nhằm tạo nguồn lực cho phát triển văn hóa theo các mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng, quyết định của Chính phủ đã đặt ra.
Tiết mục của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
1. Thực trạng chính sách thuế, phí liên quan đến hoạt động kinh doanh sản phẩm dịch vụ trong ngành Văn hóa
Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, Luật phí và lệ phí và các khoản thu về đất các doanh nghiệp, doanh nhân, hộ, cá nhân kinh doanh hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa có nghĩa vụ thực hiện kê khai nộp thuế, phí, các khoản thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật tương ứng.
Chính phủ không ban hành riêng văn bản pháp quy về chế độ ưu đãi, khuyến khích các khoản thuế, phí, thu NSNN với riêng hoạt động văn hóa, nhưng Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16-6-2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa, trong đó có các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa đang áp dụng khoản thu NSNN.
Các khoản thu về đất
Ngoài Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP thì hoạt động văn hóa được hưởng một số ưu đãi đối với các khoản thu về đất như sau:
Cơ sở thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực văn hóa được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo các hình thức: giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất và miễn tiền thuê đất; Giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn với đất; được miễn các khoản phí, lệ phí khác liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất.
Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được miễn đối với: đất xây dựng công trình văn hóa… phục vụ lợi ích công cộng, bao gồm đất sử dụng làm quảng trường, công trình văn hóa, tượng đài, bảo tàng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng bảo vệ; đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội… của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức sự nghiệp công lập.
Thuế GTGT
Theo quy định của Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thực hiện, không thu thuế GTGT đối với các hoạt động: dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật, bao gồm cả dạy múa, hát, hội họa, kịch, xiếc…; dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp; duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân và vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật.
Mức thuế suất 5% (là mức thuế suất ưu đãi thấp nhất, chỉ bằng 50% thuế suất cơ bản là 10%) áp dụng đối với: hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu phát hành và chiếu phim; sách các loại.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ sở thực hiện xã hội hóa có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa (bao gồm hoạt động văn hóa, thể thao) đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ: được áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp không quá 9 năm tiếp theo.
Các loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo tỷ lệ xác định quy định; phần còn lại (nếu có) nộp NSNN.
Phí thẩm định văn hóa phẩm gồm: phí thẩm định nội dung văn hóa phẩm xuất khẩu, nhập khẩu; phí thẩm định kịch bản phim và phân loại phim; phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; phí thẩm định nội dung chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên các vật liệu khác; phí thẩm định nội dung tài liệu xuất bản phẩm không kinh doanh; phí thẩm định cấp giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; phí thư viện; phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng…
Lệ phí gồm: lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim; lệ phí sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm (lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh; lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên).
2. Kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách thuế, phí đối với lĩnh vực văn hóa
Cũng như nước ta, hầu hết các nước trên thế giới đều có chính sách ưu đãi về chính sách điều tiết khoản thu, chi đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có chính sách ưu đãi khác nhau, cụ thể:
Đài Loan (Trung Quốc)
Đài Loan (Trung Quốc) thực hiện chính sách miễn thu thuế giải trí (tương tự như thuế GTGT) đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật, bao gồm cả hoạt động trưng bày, biểu diễn, chiếu hoặc phát sóng, đấu giá… (1).
Miễn thu thuế đối với đất đai, nhà cửa của các đối tượng kinh doanh trong lĩnh vực này (2).
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài ngành Văn hóa, đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng được xem xét giảm thuế tùy theo mức độ đầu tư.
Hàn Quốc
Được miễn, giảm thuế quốc gia, thuế địa phương cho các đối tượng đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và tham gia hoạt động khôi phục và phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nội dung này được quy định cả “Đạo luật hỗ trợ và bảo tồn các hoạt động văn hóa và nghệ thuật” và Luật thuế (3).
Đức
Thuế suất thuế GTGT được áp dụng mức thuế suất thấp, ưu đãi là 7% được áp dụng đối với sách giáo khoa và báo; sản phẩm nghệ thuật và sưu tầm; phí tham quan vào các di sản văn hóa. Mức điều tiết thuế giá trị gia tăng với sản phẩm văn hóa chỉ bằng 36% so với mức thuế suất phổ thông với các sản phẩm khác là 19% (4).
Trung Quốc
Thuế GTGT áp dụng mức 13% trên thuế suất cơ bản là 17% đối với sách, báo, tạp chí, văn hóa. Riêng ở một thời điểm cụ thể và cần khuyến khích cho một số vùng thì Trung Quốc còn áp dụng chính sách ưu đãi riêng. Ví dụ như thành phố Thâm Quyến được áp dụng thuế suất 3% đối với sách, báo, tạp chí, văn hóa, nghệ thuật theo Luật Khuyến khích ưu đãi ngành Văn hóa nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Trung Quốc áp dụng không thu thuế GTGT đối với: doanh thu bán vé năm đầu đối với tham quan đài tưởng niệm, bảo tàng kèm cung cấp dịch vụ văn hóa, nghệ thuật…; doanh thu bán vé tham dự các sự kiện văn hóa, tôn giáo tại tu viện, cung điện, nhà thờ (5). Ngoài ra, đất đai, tài sản sử dụng tại đền thờ tôn giáo, công viên, danh lam thắng cảnh được miễn thu thuế các loại đất và tài sản (6).
Áo
Mức thuế suất thuế GTGT phổ thông là 20%. Đối với báo chí, sách in, truyền hình cáp và truyền hình thu phí, dịch vụ xã hội, văn hóa nghệ thuật được áp dụng mức thuế suất thấp là 10% (7).
Ác-hen-ti-na
Mức thuế suất thuế GTGT phổ thông là 21%. Đối với báo, tạp chí in/điện tử, dịch vụ quảng cáo trên các báo, tạp chí in/điện tử, văn hóa nghệ thuật áp dụng mức thuế suất rất thấp, chỉ 2,5% (8).
Anh
Nước Anh có chính sách khuyến khích được hoàn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, nhưng theo đối tượng và điều kiện khác nhau. Cụ thể như sau:
Đối với các doanh nghiệp tham gia tổ chức các hoạt động trình diễn trực tiếp trong rạp hát (ví dụ: vở kịch/ opera/ âm nhạc, biểu diễn ballet…), việc hoàn thuế chỉ áp dụng cho doanh nghiệp tham gia tổ chức các hoạt động trình diễn trong rạp thỏa mãn các điều kiện quy định như: ít nhất 25% chi phí đến từ hàng hóa dịch vụ tại Anh, Khu Kinh tế châu Âu gọi là “Chi phí phát sinh tại UK và EEA”; buổi biểu diễn được tổ chức trực tiếp không áp dụng với trường hợp trực tuyến; nếu đủ điều kiện thì trong trường hợp doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế sẽ được hoàn một khoản giảm trừ (gọi là X) nhằm mục đích giảm thu nhập tính thuế với nguyên tắc cơ bản: X = Giá trị tối thiểu (“Minimum”) giữa (Chi phí phát sinh tại UK và EEA; 80% tổng chi phí đã phát sinh).
Trường hợp nếu doanh nghiệp lỗ, được lựa chọn hoàn lại một phần hoặc toàn bộ khoản lỗ hoặc bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau. Đối với các doanh nghiệp tham gia tổ chức hòa nhạc (“Orchestra Tax”), hoàn thuế với doanh nghiệp tham gia tổ chức biểu diễn hòa nhạc, áp dụng với doanh nghiệp tham gia tổ chức biểu diễn hòa nhạc thỏa mãn các điều kiện quy định trong hoàn thuế (Claiming Orchestra Tax Relief for Corporation Tax), trong đó một số điều kiện đáng chú ý như: có ít nhất 12 người biểu diễn nhạc cụ tham dự; ít nhất 25% chi phí chính đến từ hàng hóa dịch vụ tại Anh, Khu Kinh tế châu Âu. Buổi biểu diễn được tổ chức trực tiếp cho khán giả hoặc cho mục đích giáo dục.
Nếu doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế sẽ được đề nghị một khoản giảm trừ (gọi là X) nhằm mục đích giảm thu nhập tính thuế với nguyên tắc cơ bản như sau: X = Giá trị tối thiểu (“Minimum”) giữa (Chi phí phát sinh tại UK và EEA; 80% tổng chi phí đã phát sinh). Nếu doanh nghiệp lỗ, được lựa chọn hoàn lại một phần hoặc toàn bộ khoản lỗ hoặc khấu trừ vào số thuế phải trả của kỳ sau.
Đối với các doanh nghiệp tham gia trưng bày tại bảo tàng và triển lãm, áp dụng với doanh nghiệp tham gia tổ chức triển lãm tại bảo tàng hoặc phòng trưng bày thỏa mãn các điều kiện quy định, trong đó một số điều kiện đáng chú ý như sau: Công ty tổ chức triển lãm là một công ty từ thiện hoặc được sở hữu bởi một tổ chức từ thiện hoặc cơ quan nhà nước tại địa phương. Nếu doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế sẽ được hoàn lại một khoản giảm trừ (gọi là X) nhằm mục đích giảm thu nhập tính thuế với nguyên tắc cơ bản: X = Giá trị tối thiểu (“Minimum”) giữa (Chi phí phát sinh tại UK và EEA; 80% tổng chi phí đã phát sinh). Nếu doanh nghiệp lỗ, được lựa chọn hoàn lại một phần hoặc toàn bộ khoản lỗ hoặc bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau (9).
Nhìn chung, việc ưu đãi thuế đối với hoạt động văn hóa nghệ thuật theo kinh nghiệm quốc tế thường được áp dụng đối với thuế gián thu: thuế GTGT, thuế tiêu dùng, thuế hàng hóa dịch vụ. Việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ít thực hiện hơn, riêng nước Anh việc quy định về giảm, hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định rất chi tiết.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, hầu hết các quốc gia vùng lãnh thổ đều áp dụng chung biểu thuế thu nhập cá nhân, không phân biệt thuế đối với các ca sĩ, nghệ sĩ. Tuy nhiên, các ca sĩ, nghệ sĩ được trừ các chi phí biểu diễn như trang phục, đạo cụ… khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
3. Kiến nghị đề xuất chính sách thuế, phí cho phát triển văn hóa và bài học cho Việt Nam
Để phát huy vai trò, vị thế của văn hóa trong tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế của nước ta trong thế kiềng ba chân (chính trị, kinh tế, văn hóa), bên cạnh chính sách phát triển kinh tế, ổn định chính trị cần thiết phải xây dựng thể chế, chính sách nhằm tạo nguồn cho phát triển văn hóa.
Trên cơ sở thực trạng chính sách hiện hành tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế của một số nước trên thế giới, xin đề xuất chính sách thuế, phí và bài học kinh nghiệm cho phát triển văn hóa nước nhà trên cơ sở gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính liên quan do hoạt động kinh tế của lĩnh vực văn hóa tạo ra để hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời đảm bảo yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo đó, thực hiện cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ (hoạt động thể thao, dịch vụ văn hóa…), tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, cần có cơ chế, chế độ hỗ trợ đặc thù như chính sách thuế, phí. Cần có ưu đãi trong việc sử dụng đất đai, ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; có cơ chế riêng với lĩnh vực thu, sử dụng các khoản thu phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực này.
Đối với các khoản thu về đất
Cơ sở thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực văn hóa được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng các công trình xã hội hóa: Đối với tiền cấp quyền sử dụng đất, Nhà nước giao đất mà không phải nộp tiền cấp quyền sử dụng đất. Đối với tiền thuế đất, Nhà nước cho thuê đất và được miễn tiền thuê đất. Lệ phí trước bạ được miễn khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn với đất; được miễn các khoản phí, lệ phí khác liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; không thu thuế đối với đất xây dựng công trình văn hóa, đất sử dụng làm quảng trường, công trình văn hóa, tượng đài, bảo tàng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, bảo vệ; đất xây dựng các nhà hát, khuôn viên, rạp biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; cung văn hóa.
Thuế GTGT
Do thuế suất thuế GTGT ở nước ta có thuế suất cơ bản là 10%, nên nếu sản phẩm, dịch vụ có thuế suất thấp hơn 10% thì sẽ được khấu trừ thuế đầu vào cao hơn thuế đầu ra, dẫn đến mức nộp thuế thấp và có thể có trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra (tổng thuế GTGT đầu vào cao hơn đầu ra), vì vậy đề nghị tiếp tục thực hiện mức thuế suất 5% áp dụng đối với: hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn văn hóa nghệ thuật; sản xuất, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim; sách các loại.
Bên cạnh đó, khi Quốc hội, Chính phủ có các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế như gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế GTGT… áp dụng với từng thời gian, hàng hóa dịch vụ cụ thể: như giảm, gia hạn thuế trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh… ; khuyến khích ngành nghề sản xuất kinh doanh nên bổ sung thêm ngành nghề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào được hưởng các quy định ưu đãi này.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Về thuế suất, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành: áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp không quá 9 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, các điều kiện quy định hưởng ưu đãi thuế như loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn cần được sửa đổi bổ sung theo hướng nới rộng tiêu chí, áp dụng cho đối tượng hoạt động có quy mô nhỏ, vừa, loại hình đa dạng để các cơ sở kinh doanh thực sự được hưởng ưu đãi thuế, tránh tình trạng đưa vào diện được ưu đãi thuế, nhưng các tiêu chí về quy mô, diện tích… hoặc một số tiêu chí đưa ra để đủ điều kiện ưu đãi thuế quá khó khăn, nên hầu như việc ưu đãi ít tính khả thi, thiếu đi vào thực tiễn, chỉ dừng lại trên giấy tờ.
Về chi phí được trừ làm cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp, việc quy định thêm các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chính là hình thức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp gián tiếp. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm một số khoản chi phí tính thuế:
Hiện, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép 5 khoản chi tài trợ của doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, gồm: tài trợ cho giáo dục; y tế; khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt; làm nhà tình nghĩa cho người nghèo; tài trợ nghiên cứu khoa học, chi tài trợ không theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo đó, đề nghị bổ sung thêm nội dung: khoản chi tài trợ cho văn hóa theo chương trình, kế hoạch phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo tồn, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa và các danh lam thắng cảnh được hạch toán vào chi phí tính thuế. Các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, được trích lập một khoản theo tỷ lệ trên doanh thu, hoặc chi phí để đóng góp quỹ văn hóa quốc gia, tạo thêm nguồn hỗ trợ tài chính cho phát triển văn hóa.
Thuế thu nhập cá nhân
Nên áp dụng thống nhất cùng một biểu thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức lũy tiến từng phần, nhưng cần nghiên cứu điều chỉnh khoảng cách giữa các bậc thuế cho phù hợp, đảm bảo tương ứng mức điều tiết giữa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
Nghiên cứu cải cách, sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân theo xu hướng nhiều nước trên thế giới đang áp dụng: cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ các chi phí tạo ra thu nhập, khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân; trong đó có các chi phí biểu diễn như trang phục, đạo cụ… của các ca sĩ, nghệ sĩ.
Về phí, lệ phí
Rà soát lại danh mục, mức thu các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động văn hóa nghệ thuật. Xem xét tỷ lệ để lại cho doanh nghiệp thu phí để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí theo quy định, phần còn lại (nếu có) thay vì nộp NSNN như hiện hành, được thay đổi theo hướng nộp về cho quỹ phát triển văn hóa nghệ thuật.
Cần nâng cao ý thức thực thi pháp luật về quyền tác giả trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và bảo vệ quyền tác giả, bản quyền của tác giả trong lĩnh vực này trong toàn xã hội, đặc biệt là đối tượng sử dụng tác quyền.
Theo đó, khoản phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả nên sử dụng đúng cho mục đích này, không nên điều tiết nộp NSNN.
Ngoài luật thuế, nhiều nước trên thế giới còn có thêm các đạo luật, nhằm khuyến khích và ưu đãi cho hoạt động văn hóa và nghệ thuật…
Để phát triển văn hóa theo các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể mà các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết, quyết định của Chính phủ đặt ra thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp về chính sách tài chính, thuế, phí là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo nguồn lực tài chính cho phát triển văn hóa, nghệ thuật. Để có được hệ thống chính sách tài chính, thuế, phí phù hợp với hoạt động văn hóa nghệ thuật, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ nguồn lực tài chính cho phát triển, Việt Nam cũng nên nghiên cứu đề xuất mới đi đôi với sửa đổi, bổ sung các Luật hiện hành trên cơ sở tham khảo học tập kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách tài chính, thuế, phí áp dụng cho lĩnh vực này theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Có cơ chế tài chính tích cực, phù hợp chắc chắc sẽ thêm nguồn lực tài chính giúp cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
____________________
1. Luật Thuế giải trí của Đài Loan (Trung Quốc)
2. Luật Thuế nhà đất của Đài Loan (Trung Quốc)
3. Luật Thuế trung ương và Luật Thuế địa phương của Hàn Quốc
4. Luật Thuế GTGT của Đức
5. Luật Thuế GTGT của Trung Quốc
6. Luật Thuế bất động sản và thuế sử dụng đất đô thị của Trung Quốc
7. Luật Thuế GTGT của Áo
8. Luật Thuế GTGT của Ác-hen-ti-na
9. Luật Thuế rạp hát, thuế hòa nhạc và thuế trưng bày bảo tàng của Anh
(Tài liệu do Hội Tư vấn thuế Việt Nam cung cấp)
NGUYỄN THỊ CÚC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023