Nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam: Truyền thống và hiện đại

Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở Thái Nguyên - Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia

1. Từ sự ra đời lịch sử của Đề cương văn hóa trong kháng chiến

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943 trong bối cảnh cuộc đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng chống phát xít Nhật và thực dân Pháp đang ở giai đoạn đấu tranh khốc liệt. Một mặt, chính sách ngu dân để cai trị của thực dân Pháp đã kéo dài gần một thế kỷ muốn dân ta quên lãng những giá trị văn hóa của dân tộc. Mặt khác, các chủ trương của đế quốc nhằm ru ngủ những trí thức, văn nghệ sĩ, muốn đưa họ sa đà vào lối sống vật chất và sự lãng mạn tinh thần, bi quan, bế tắc chôn vùi vào làn khói thuốc phiện, cô đầu... mà quên đi sự mất nước trong tay kẻ xâm lược, sự nô dịch của thực dân, đế quốc; làm họ quên đi truyền thống văn hóa và lịch sử dân tộc, mất phương hướng, chỉ biết đến nước mẹ Pháp đem văn minh đến khai phá cho người Việt, còn mọi thứ của dân tộc là lạc hậu, cổ hủ, dã man, không văn minh... Rồi một nước Nhật đế quốc với tham vọng Đại Đông Á, thuần chủng da vàng... thống lĩnh thế giới.

Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về các nguồn tư liệu về lý luận, điều kiện học tập, tham khảo trong việc nghiên cứu, lại đang ở trong tình trạng cấp bách của việc giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, số phận dân tộc trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, độc lập tự do là nhu cầu quan trọng nhất trong khi ấy, Đảng lại đưa ra được những vấn đề dân tộc, đại chúng và khoa học trong Đề cương về văn hóa Việt Nam. Những nguyên tắc mà cho đến hôm nay, giá trị về tầm nhìn và tính thời sự của Đề cương càng được khẳng định một cách mạnh mẽ. Mặc dù, giai đoạn này, tính chính trị của những nguyên tắc đã nêu được quan tâm coi trọng nhiều hơn, do bối cảnh lịch sử khi đó vì mục đích giành chính quyền, giải phóng dân tộc. Đúng như nhận xét của đồng chí Trường Chinh trong dịp kỷ niệm 40 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời (1943-1983): “Vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam... Nhưng Đề cương đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện lúc đó của Việt Nam” (1). Vì thế, ba nguyên tắc trong Đề cương lúc này chủ yếu hướng đến: “Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)” (2).

Song, từ những nguyên tắc đó, càng về sau này, trong quá trình phát triển của đất nước và thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, cho thấy thực sự Đề cương về văn hóa Việt Nam thể hiện tầm nhìn xa trông rộng về văn hóa Việt Nam mà đến hôm nay vẫn còn nguyên những giá trị của nó. Từ rất sớm, Đề cương đã khẳng định vai trò và vị trí của nó trong đường lối chính trị của một đảng cầm quyền xuất phát từ thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời, nó cũng chỉ ra tầm nhìn xa và tính bền vững đối với giai đoạn lịch sử sau này của đất nước, làm cho giá trị của Đề cương tồn tại bền bỉ và có ý nghĩa thực tiễn đối với đất nước.

2. Đến sự tồn tại bền vững của ba nguyên tắc trong Đề cương văn hóa trong tình hình mới

Giá trị cốt lõi của Đề cương thể hiện ở ba nguyên tắc bất di bất dịch: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa là kim chỉ nam cho đường lối văn hóa, văn nghệ của nước ta cho đến ngày nay, khi chúng ta đang bước vào công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Để thấy rõ điều này, chúng ta hãy xem xét các nguyên tắc đó của Đề cương trong quá trình phát triển của đất nước, đặc biệt từ quan điểm của Đảng về văn hóa ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hơn trong bối cảnh mới. Điều đó thể hiện ở trong các nghị quyết của Đảng trong suốt thời gian qua, điển hình là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo chúng tôi, đây là Nghị quyết bản lề của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Tiếp sau đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đánh giá văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ nhận thức về văn hóa thông qua các nghị quyết trên đây của Đảng, chúng ta thử đặt các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa của Đề cương văn hóa ở thời hiện tại trong bối cảnh hội nhập với quan điểm văn hóa quốc tế mà cụ thể nhất là qua nội dung các công ước về văn hóa của UNESCO. Đó là ba công ước cơ bản: Công ước 1972 về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới; Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa. Thông qua những công ước này, chúng ta có thể thấy các nguyên tắc của Đề cương văn hóa được thể hiện như thế nào trong bối cảnh mới.

Nguyên tắc dân tộc hóa hiện nay của chúng ta thể hiện ở việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc chung sống trên mảnh đất Việt Nam. Cùng với những vấn đề chính trị của dân tộc như quyền tự quyết, vai trò, vị trí bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới, thì văn hóa dân tộc được đặt lên hàng đầu đối với tổ chức quốc tế này. Nếu như chúng ta đề cao việc bảo vệ, khai thác văn hóa dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của đất nước, trong đó là việc giữ gìn, phát huy và đưa văn hóa dân tộc vào sự phát triển kinh tế, xã hội trong mọi giai đoạn lịch sử, thì vấn đề này càng thấy rõ ràng khi bước vào hội nhập quốc tế trong những năm đổi mới, khi tham gia vào các công ước của quốc tế, vai trò của dân tộc càng được mở rộng và coi trọng.

Theo công ước năm 1972 xét rằng: các công ước, khuyến nghị và quyết định quốc tế hiện có đối với các tài sản văn hóa và tự nhiên chứng minh tầm quan trọng đối với tất cả các dân tộc trên thế giới, của việc bảo tồn các tài sản độc nhất và không thể thay thế được, mặc dù chúng thuộc về dân tộc nào. Xét rằng: một số tài sản của di sản văn hóa và tự nhiên có một ý nghĩa đặc biệt cần thiết phải bảo tồn như là một yếu tố của di sản thế giới của toàn thể nhân loại (Công ước 1972).

Còn Công ước 2003 thì xét đến tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể như là động lực chính của đa dạng văn hóa và là một bảo đảm cho sự phát triển bền vững, như đã được nhấn mạnh tại Khuyến nghị của UNESCO về Bảo vệ văn hóa truyền thống và dân gian năm 1989, trong Tuyên bố toàn cầu của UNESCO về Đa dạng văn hóa năm 2001, và trong Tuyên bố Istanbul được Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng Văn hóa lần thứ Ba thông qua năm 2002. Cộng đồng quốc tế đã ý thức về nguyện vọng và mối quan tâm chung của nhân loại về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Ghi nhận rằng các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Xét đến vai trò tối quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể là yếu tố đưa nhân loại xích lại gần nhau hơn và bảo đảm sự giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa mọi người (Công ước 2003).

Như vậy, từ khởi đầu xuất phát của Đề cương, nguyên tắc dân tộc chủ yếu hướng tới việc “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập” thì ngày nay, vấn đề này đã được mở rộng để đưa đất nước ta hội nhập quốc tế với một tư cách hoàn toàn khác, với vị thế vững vàng, to lớn. Tham gia các công ước này là dịp chúng ta khẳng định được nguyên tắc dân tộc từ Đề cương văn hóa đề ra, đồng thời cũng là sự cập nhật với xu thế chung của thế giới về coi trọng vai trò của văn hóa trong tình hình mới. Vì thế, không những chúng ta có rất nhiều di sản văn hóa dân tộc được thế giới vinh danh, thu hút sự quan tâm của thế giới, góp phần vào di sản của nhân loại. Từ đó thu hút sự đầu tư của các công ty du lịch trên thế giới, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam... Còn về mặt tổ chức, chúng ta đã tham gia đắc lực vào các hoạt động quốc tế liên quan đến vấn đề này như Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc, các hội đồng chuyên môn của UNESCO như: năm 2021, được bầu là thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu cao nhất; năm 2022 được bầu là thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022-2026...

Gần đây nhất, ngày 10-2-2023, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005) của UNESCO... Những kết quả này đã chứng tỏ những đóng góp rất tích cực của chúng ta được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong thời gian qua. Cùng lúc đó, số lượng các di sản thiên nhiên thế giới và di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp mà UNESCO ghi nhận của nước ta là những minh chứng hùng hồn về sự hội nhập quốc tế của Việt Nam và mở rộng tầm của nguyên tắc dân tộc từ Đề cương văn hóa.

Nguyên tắc khoa học hóa nếu trước đây chỉ là “chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ” thì trong bối cảnh mới đã được mở rộng nâng cao lên ở một mức độ khác. Ngày nay, mỗi một hiện tượng hay một di sản văn hóa dù là vật thể hay phi vật thể đều được nghiên cứu một cách chi tiết, khoa học theo bài bản và những chuẩn mực quốc tế yêu cầu. Những người thực hiện nguyên tắc này đều là các chuyên gia, nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản và thực hiện những quy trình nghiên cứu theo quy chuẩn nghiêm ngặt, còn những người quản lý, ngoài việc được đào tạo chuyên môn là những người hiểu biết, nắm bắt được tình hình thực tiễn. Nguyên tắc khoa học hóa ngày nay được thực hiện theo quy trình nghiên cứu theo các quy định quốc tế, một quy trình mà như Công ước 2003 đã ghi rõ trong mục bảo vệ di sản phi vật thể bao gồm: việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này. Trên cơ sở nguyên tắc khoa học hóa theo tiêu chuẩn quốc tế khi nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua năm 2001 và sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đây là đạo luật chủ đạo, cập nhật những công ước quốc tế cũng như tình hình thực tế ở Việt Nam về việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, thể hiện sự tôn trọng các công ước quốc tế của Việt Nam; đồng thời cũng là sự nhìn nhận một cách khoa học nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh mới. Ở đạo luật này, những vấn đề xác định giá trị, quy định nghiên cứu, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa của đất nước đã được làm rõ và trở thành tính pháp quy cho việc nghiên cứu khoa học đối với tất cả các di sản văn hóa ở Việt Nam.

Trình diễn áo dài tại Hoàng Thành Thăng Long - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Thực tế từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập năm 1945, việc trước tiên mà Nhà nước làm theo nguyên tắc khoa học đối với văn hóa là những quy định, chỉ thị về giữ gìn và bảo vệ tất cả những di sản văn hóa của cha ông để lại, nhằm tránh sự thất thoát, hư hỏng, mất mát. Sau hòa bình lập lại, công cuộc nghiên cứu khoa học đã được tiến hành thông qua những cơ quan quản lý và nghiên cứu về văn hóa được thành lập ở trung ương và địa phương. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bên cạnh những văn nghệ sĩ với những sáng tác của mình phục vụ đắc lực cho cuộc trường chinh của dân tộc, thì những cơ quan nghiên cứu ở các viện, các trường đại học, đã làm được không ít những công trình sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Những công trình nghiên cứu văn hóa thời kỳ này một mặt khẳng định những truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; mặt khác chứng minh hùng hồn sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc để huy động sức mạnh tổng lực vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm.

Nguyên tắc khoa học hóa của Đề cương càng được thể hiện rõ trong giai đoạn từ đổi mới đến nay. Hàng loạt những dự án điều tra, sưu tầm, nghiên cứu các di sản văn hóa được thực hiện từ năm 1986 đến nay là những minh chứng thuyết phục nhất cho nguyên tắc này. Đó là những dự án khai quật khảo cổ học lớn như Hoàng thành, Óc Eo... những chương trình mục tiêu của Bộ VHTTDL, những dự án, chương trình nghiên cứu do các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện thời gian qua đã góp phần tìm hiểu, lưu giữ, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S. Điều đáng chú ý là các hoạt động này được tiến hành rộng khắp trên toàn bộ không gian của cả nước, ở tất cả các dân tộc và trong tất cả các loại hình văn hóa khác nhau, mà không có sự thiên vị cho bất kể một dân tộc hay một loại hình văn hóa nào. Từ đây cho thấy tính khoa học và tính toàn diện của việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Nguyên tắc đại chúng hóa nếu khi Đề cương ra đời là: chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng, thì ngày nay nguyên tắc này đã được nhìn nhận đa chiều hơn, sâu sắc hơn rất nhiều. Trước hết, đó là sự tôn trọng nền văn hóa đa sắc tộc của các cộng đồng cư dân sinh sống trên đất nước Việt Nam, bất kể là thiểu số hay đa số. Thứ hai, đó là sự tôn trọng tính đa dạng của mỗi nền văn hóa tộc người, tôn trọng sự đa dạng các biểu đạt của mỗi nền văn hóa đó. Đúng như Công ước 2005 đã khẳng định, đa dạng văn hóa là một đặc tính của nhân loại; nhận thức rằng đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại, cần được tôn vinh và bảo vệ vì lợi ích của tất cả mọi người; ý thức rằng đa dạng văn hóa tạo nên một thế giới phong phú và đa dạng, gia tăng các lựa chọn, nuôi dưỡng khả năng và giá trị của con người, và vì vậy, đa dạng văn hóa là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia (Công ước 2005). Thứ ba, sự tôn trọng tính chủ thể của mỗi nền văn hóa ấy, dù tộc người đó là ít người hay đông người. Không có sự áp đặt văn hóa của tộc người này lên trên tộc người khác, không có sự cao thấp về văn hóa, mà chỉ là những sự khác nhau, đa dạng, không còn việc “làm cho đồng bào miền núi tiến kịp đồng bào miền xuôi” về văn hóa như một thời gian còn có suy nghĩ ấu trĩ... mà là sự bình đẳng và khai thác triệt để những truyền thống văn hóa của tất cả các tộc người vì một nước Việt Nam phồn thịnh và phát triển “xứng vai với các cường quốc năm châu”, đó mới là mục đích cao cả của nguyên tắc này. Hơn thế, sự tôn trọng văn hóa tộc người và tạo sự chủ động làm chủ vận mệnh của họ về văn hóa mới thực sự là cách làm cho họ biết trân quý và phát huy các giá trị của nó cho sự phát triển của đất nước. Thực tế thời gian gần đây, việc người dân làm du lịch homestay ở các địa phương đã chứng minh điều đó, họ đã có điều kiện để phô diễn toàn bộ những giá trị văn hóa của mình cho du khách, khai thác những giá trị văn hóa ấy phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống tinh thần của mình. Đại chúng ở đây không phải là dung tục hóa, đồng nhất hóa các hiện tượng văn hóa và phổ cập nó cào bằng ở mọi nơi, mà là sự khai thác những sắc thái riêng của từng cộng đồng, từng nhóm người khác nhau tạo nên bản sắc của họ, bản sắc đó góp phần vào vườn hoa đầy hương sắc của văn hóa quốc gia. Đó mới là nguyên tắc đại chúng hóa đáng phải làm nhất. Từ những giá trị văn hóa dân tộc được nghiên cứu một cách khoa học, áp dụng vào thực tiễn để các chủ thể văn hóa tự quyết và tự xử lý những giá trị đó phục vụ cho bản thân mình thông qua những thực hành sinh hoạt hằng ngày của họ trong cuộc sống, tạo thành máu thịt họ thì những giá trị văn hóa đó mới được duy trì bền vững, trường tồn và được phát huy hết tiềm năng của nó. Bởi vì, nó xuất phát từ đại chúng và vì đại chúng mà nó tồn tại và phát triển, thiết nghĩ đó là nguyên tắc đại chúng được tồn tại sinh động nhất. Những lễ hội dân gian, những sinh hoạt nghệ thuật trình diễn, những thực hành tín ngưỡng, nghề thủ công, ẩm thực, tri thức dân gian và tất cả mọi truyền thống dân gian đó được tồn tại và phục vụ người dân, đó là nguyên tắc đại chúng cao nhất mà Đề cương văn hóa đặt ra cho chúng ta hôm nay.

Những phân tích trên đây cho thấy dù đã qua nhiều thời gian nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ được nguyên giá trị, luôn mang tính thời sự và tầm nhìn của nó. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đô thị hóa và sự biến đổi mạnh mẽ của môi trường, biến đổi khí hậu thì những giá trị văn hóa dân tộc, tính đa dạng và nhìn nhận vai trò chủ thể của người dân trên toàn thế giới càng ngày càng được coi trọng. Tri thức bản địa, văn hóa tộc người càng được coi trọng và cần được nghiên cứu một cách khoa học để khai thác hết tiềm năng đó cho sự phát triển bền vững của thế giới. Vấn đề trở về với tri thức dân tộc, hòa mình với thiên nhiên, gần gũi nương theo thiên nhiên đang là việc được các nước từ văn minh đến “lạc hậu” nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Con người từ chỗ tìm cách chế ngự, bóc lột, phá hoại đến kiệt quệ môi trường tự nhiên để có được cuộc sống sung túc cho mình, ngày nay đã có cái nhìn khác bằng cách khai thác những tri thức văn hóa của mỗi tộc người một cách khoa học, đặt cuộc sống, vị trí của người dân lên trên hết, sống chậm lại cùng với tự nhiên để có một cuộc sống an bình, thanh thản. Đó chính là sự phát triển hay tiếp nối hoặc vận dụng phương châm dân tộc, đại chúng và khoa học mà Đề cương về văn hóa Việt Nam đã chỉ ra từ 80 năm về trước.

Nhìn từ góc độ văn hóa, vấn đề dân tộc của chúng ta càng ngày càng được Đảng và Nhà nước chú trọng hơn bao giờ hết. Văn hóa dân tộc được coi trọng trong mọi vấn đề quốc sách của đất nước. Từ chỗ nhìn nhận các vấn đề chủ yếu trên nền tảng kinh nghiệm, đến nay tất cả các vấn đề dân tộc được xem xét một cách khoa học, bài bản bằng những cơ quan nghiên cứu, những đề tài, dự án, những ứng dụng thử nghiệm thực tế để tìm ra phương án tốt nhất. Tuy chưa phải thành công tất cả, song, quy trình và ý thức nghiên cứu khoa học trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã được chú trọng một cách nghiêm túc. Vấn đề đại chúng ở đây là việc nhìn nhận một cách khoa học vai trò chủ thể của người dân trong xã hội đương đại. Những chủ trương, đường lối, chính sách đưa ra được xem xét tính phù hợp, đáp ứng hay không cuộc sống của người dân, mà không còn là sự áp đặt hay vô cảm do không được xem xét, nghiên cứu một cách khoa học. Việc coi người dân là chủ thể đích thực của sự phát triển, lấy chất lượng cuộc sống của họ làm thước đo cho tất cả những hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội chính là tầm nhìn cao nhất của nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong đường lối của Đảng hiện nay từ Đề cương về văn hóa Việt Nam.

__________________

1. Trường Chinh tuyển tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, tr.509.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.319.

GS, TS LÊ HỒNG LÝ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;