Ngày 26-5-2023, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học “Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển”.
Chủ trì tọa đàm có: Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng, nhà báo Trần Thanh Lâm; Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng, PGS, TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
Tham dự dự có các thành viên Hội đồng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, cùng nhiều phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội.
Các đồng chí chủ trì Tọa đàm
Vấn đề “xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam”, trong đó có đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình, là 1 trong 3 mục tiêu và 5 chủ trương, giải pháp lớn mà Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) đã nhấn mạnh. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23, việc nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học, nghiêm túc về nhân tố con người và công tác xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT là công việc cần thiết. Từ nâng cao chất lượng mảng công tác này, sẽ tác động nhiều mặt đến mảng sáng tác, sáng tạo tác phẩm VHNT và cả mảng tiếp nhận, thụ hưởng giá trị tác phẩm VHNT của công chúng.
Toàn cảnh Tọa đàm
Phát biểu khai mạc, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ đã thay mặt Hội đồng bày tỏ mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT; các nhà lãnh đạo, quản lý về thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình VHNT nước ta hiện nay; thấy rõ những ưu điểm, kết quả; những hạn chế, yếu kém, bất cập; và điều quan trọng hơn là đề xuất các định hướng và giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT nước ta vững mạnh toàn diện trong thời gian tới.
Ban tổ chức Tọa đàm đã nhận được hơn 20 bản tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT; các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ công tác ở nhiều cơ quan trung ương, địa phương. Các tham luận cũng như ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều dựa trên tinh thần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của đội ngũ lý luận, phê bình VHNT, từ đó đưa ra những giải pháp có tính thiết thực.
Lực lượng lý luận, phê bình VHNT hiện nay đang thiếu và yếu
Hầu hết các đại biểu đều có chung nhận định, đó là sự thiếu hụt về đội ngũ lý luận, phê bình; đang có khoảng trống lớn giữa hai thế hệ, khi thế hệ trước hoặc đã lớn tuổi, hoặc đã khuất; thế hệ kế cận đang chịu nhiều ảnh hưởng từ quá trình đổi mới, nền kinh tế thị trường.
PGS, TS Đào Duy Quát: “Cần nhìn thẳng vào sự thật của thực trạng hoạt động phê bình VHNT ở nước ta, để trân trọng những cái làm được, và nhìn nhận sâu sắc những cái chưa làm được”.
PGS, TS Phan Trọng Thưởng - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương nhận định: “Đội ngũ phê bình của ta hiện nay quá “èo uột”, không tương xứng với đội ngũ sáng tác, không đáp ứng yêu cầu của công chúng thưởng thức nghệ thuật. Căn bệnh này đã trở thành “trầm kha” trong đời sống văn học nước ta”. “Đã ít, đã thiếu về số lượng (đội ngũ), chất lượng, phẩm cấp chuyên môn của hoạt động phê bình còn thiếu hơn. Phê bình theo kiểu “bẻo mép”, “ngoa ngôn”, “đao búa”… có vẻ giảm dần những vẫn còn tồn tại trong những định kiến dai dẳng”.
PGS, TS Phan Trọng Thưởng phát biểu tại Tọa đàm
Tại Tọa đàm, nhà văn Niê Thanh Mai đã có đánh giá về thực trạng công tác lý luận, phê bình tại khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên hiện nay. Theo bà: “Lực lượng nghiên cứu lý luận, phê bình các chuyên ngành nghệ thuật khác nhau ở khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên phân bổ không đồng đều về số lượng và chất lượng. Trong đó, chuyên ngành văn học có được lực lượng nghiên cứu, lý luận phê bình nhiều hơn các chuyên ngành khác cộng lại. Tuy nhiên, đây mới là nhận định chủ quan vì những người thực sự làm công tác nghiên cứu và phê bình tác phẩm văn học chuyên nghiệp rất ít ỏi. Chủ yếu là tập trung giới thiệu, bình tác phẩm văn học đơn thuần. Đối với các chuyên ngành khác như mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh… thì con số này càng ít hơn nữa”.
Nhà văn Niê Thanh với nhiều ý kiến về phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT tại địa phương
Những trăn trở về công tác lý luận, phê bình VHNT
Nói về phê bình âm nhạc từ góc nhìn của người sáng tác, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đặt ra một vấn đề, đó là: “Đối tượng được hưởng thụ hoặc sử dụng sản phẩm âm nhạc là ai? Có phải chỉ là các nhà chuyên môn trong phạm vi hẹp, hạn chế về số lượng hay đông đảo công chúng yêu nhạc, quan tâm đến đời sống âm nhạc? Tồn tại nghịch lý giữa nhà lý luận chuyên nghiệp và nhà báo, nhà phê bình không chuyên nghiệp chính ở chỗ này. Việc xác định đối tượng tiếp nhận những sản phẩm của công việc lý luận, phê bình âm nhạc là ai? sẽ định hướng cho ngòi bút của nhà phê bình. Trong khi các nhà lý luận chuyên nghiệp “ngủ quên” trên tháp ngà nghiên cứu thì các nhà báo đã trở thành lực lượng chính, thường trực “gác gôn” đời sống âm nhạc. Từ đây dẫn đến những hiện tượng phiến diện, đôi khi lệch lạc, bình luận âm nhạc trở thành bài giới thiệu, quảng bá như tô hồng, PR, đánh bóng tên tuổi hoặc khai thác chi tiết scandal, đời tư của một vài nhân vật, mà tài năng chưa xứng với những lời khen ngợi “có cánh”. Vì thiếu hụt kiến thức chuyên môn âm nhạc nên họ thường tránh những lĩnh vực hàn lâm, bác học, ít khi đề cập tới.
PGS, TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tại Tọa đàm
Nói về chất lượng chuyên môn của các bài phê bình âm nhạc mà chủ yếu là xuất hiện trên các báo ngày hoặc một vài tạp chí chuyên ngành… ta thấy rõ 2 cách phê bình. Một là, chỉ đơn thuần như thông báo một sự kiện, điểm qua tên một vài ca sĩ, một vài tiết mục, rồi khen chê qua loa, thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. Hai là, nặng về học thuật, khô khan khó hiểu đối với công chúng, xem nhẹ yếu tố không chuyên, đưa những chuẩn mực cao để đo đấm các hiện tượng âm nhạc xã hội. Cách này ít gây được cảm tình của công chúng và cũng không khuyến khích được phong trào âm nhạc”.
Trước những thực trạng của phê bình VHNT nước nhà, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Cần tiếp tục xây dựng một đội ngũ phê bình âm nhạc đích thực, đó là những nhà lý luận phê bình âm nhạc có chuyên môn cao về nghề và tư duy - kỹ năng cần thiết của một nhà báo… Sự có mặt của nhà phê bình trong quá trình giới thiệu, dẫn giải, quảng bá tác phẩm thì công chúng sẽ thưởng thức tốt hơn, chính xác hơn và hào hứng hơn. Phê bình phải sống trong đời sống báo chí…”
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã có nhiều trao đổi, tìm ra những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt về đội ngũ lý luận, phê bình. Nhà văn Nguyễn Hoài Nam cho rằng, có những nguyên nhân chủ yếu như: Sự “khô đạo” với văn chương, điều này liên quan đến một thực tế xã hội mà lâu nay người ta vẫn chỉ định bằng cụm từ “sự xuống cấp của văn hóa đọc”. Tính nghiệp dư của hoạt động phê bình văn học: ở Việt Nam chưa bao giờ có nhà phê bình văn học chuyên nghiệp, những người phê bình văn học vốn xuất thân là nhà báo, nhà giáo, biên tập viên ở các nhà xuất bản, là chuyên viên ở các viện nghiên cứu… họ đến với phê bình văn học chỉ bởi tình yêu văn chương; In ở đâu? Ai đọc?, nghĩa là “đầu ra” của phê bình văn học, chẳng có mấy sự kích thích để những người trẻ tuổi muốn viết phê bình chịu lao vào công việc này.
Bàn về vấn đề đào tạo phê bình âm nhạc hiện nay, PGS, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Đại học Sài Gòn) cho rằng: “Có một khoảng cách lớn giữa đào tạo và thực hành nghề nghiệp, một khoảng cách lớn giữa đời sống âm nhạc với ngành phê bình âm nhạc. Lý thuyết trong nhà trường và kể cả những nghiên cứu được thực hiện trong nhà trường có chưa trùng khớp với những vấn đề của đời sống âm nhạc; kiến thức trong nhà trường không đủ và không tạo được cho người học kỹ năng hành nghề; số lượng người tham gia học tập chưa hợp lý giữa các bậc học; bất hợp lý cũng xảy ra giữa nhu cầu và nội dung đào tạo. Phê bình là khoảng trống không chỉ trong đời sống âm nhạc đang sôi nổi mà còn là khoảng lặng của nội dung chương trình đào tạo cũng như đội ngũ người làm công tác phê bình vừa thiếu, vừa chưa đủ chuyên nghiệp và hầu như không được đào tạo”. PGS, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm bỏ ngỏ những câu hỏi liên quan đến thực trạng đào tạo ngành lý luận, phê bình VHNT: Ai sống được bằng nghề lý luận, phê bình? Sinh viên có muốn học ngành lý luận, phê bình không? Ai sẽ bảo vệ các em khi các em nói đúng?
PGS, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm phát biểu tại Tọa đàm
Cần thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT
Kết luận tại tọa đàm, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: Các ý kiến và bài tham luận đã đánh giá toàn diện, sâu sắc thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình nước ta ở nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhau - từ góc độ lý luận, phê bình văn nghệ nói chung đến lý luận, phê bình ở từng chuyên ngành VHNT; nhận rõ những nỗ lực và kết quả; thấy được những hạn chế, yếu kém; kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ làm lý luận, phê bình VHNT Việt Nam những năm sắp tới.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ kết luận Tọa đàm
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đều thống nhất cho rằng việc định hướng, đề ra giải pháp và nội dung cần thiết để xây dựng và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ lý luận, phê bình VHNT, góp phần xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ và nhân văn là vô cùng quan trọng. Từ đó, các ý kiến đề xuất tập trung vào một số các định hướng cơ bản như: nâng cao trình độ chuyên môn về lý luận, phê bình; khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ lý luận, phê bình phát huy tài năng, tâm huyết của mình; xây dựng và phát triển các hội, câu lạc bộ, các diễn đàn học thuật, các tổ chức chuyên môn liên quan đến lý luận, phê bình VHNT; thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT.
Để hiện thực hóa các định hướng đó, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như: chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT, nhất là ở các loại hình, các địa phương, các khu vực còn thiếu về lực lượng, yếu về chất lượng.
Bên cạnh đó, cần tạo các sân chơi, cuộc thi, giải thưởng để khuyến khích đội ngũ lý luận, phê bình sáng tạo; tăng cường việc liên kết giữa đội ngũ lý luận, phê bình với các tổ chức văn hóa, nghệ thuật; tạo diễn đàn phê bình tranh luận dân chủ, nhân văn; hỗ trợ cho đội ngũ lý luận, phê bình tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu, các lý thuyết mới, phù hợp trên thế giới, tham gia vào các hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật quốc tế; xây dựng môi trường làm việc cởi mở, sáng tạo; chọn lọc và tiếp thu có hệ thống các lý thuyết phê bình hiện đại; đổi mới cơ chế đào tạo ngành lý luận, phê bình; đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài lý luận, phê bình VHNT để có được đội ngũ vừa có lý luận vững chắc, vừa có kỹ năng phê bình bản lĩnh, sáng tạo; tập trung xây dựng hệ thống giáo trình lý luận, phê bình phù hợp với thực tiễn vận động của đời sống VHNT; có chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo, sử dung đội ngũ, giải quyết đầu ra cho sinh viên ngành lý luận, phê bình VHNT.
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện văn hóa phê bình, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của nhà nghiên cứu, phê bình VHNT, khắc phục mọi biểu hiện phi văn hóa trong hoạt động phê bình; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương với Ban lý luận, phê bình hoặc Hội đồng Lý luận, phê bình ở các hội VHNT trung ương và địa phương…
Đầu tư đúng mức các nguồn lực, nhất là chế độ, chính sách lương, phụ cấp, nhuận bút, thù lao…cho hoạt động lý luận, phê bình VHNT, trong đó có chế độ ưu đãi cho đội ngũ lý luận, phê bình VHNT nước nhà.
“Các ý kiến thảo luận, trao đổi tại cuộc tọa đàm đã thể hiện cách nhìn, cách đánh giá khách quan, khoa học, tâm huyết với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT nước nhà theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW và các nghị quyết quan trọng khác của Đảng về văn hóa, văn nghệ” - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: VÂN ANH