Thông tin 20 chuyên ngành trong nhóm nghệ thuật trình diễn có mặt trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH vừa được ban hành khiến người quan tâm tới nghệ thuật nước nhà, nhất là nghệ thuật sân khấu truyền thống rất vui mừng. Chưa phải là giải pháp trọn vẹn, nhưng đây vẫn được đánh giá là chính sách góp phần gỡ bí cho đầu vào của nhiều chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật.
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn trích đoạn tuồng Đào Tam Xuân đề cờ tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Nhân lực cho nghệ thuật truyền thống - Thiếu ngay từ đầu vào
Khẩu hiệu giữ gìn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống được đưa ra từ rất lâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngành nghệ thuật đều gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với những phương tiện giải trí mới của xã hội hiện đại thì khẩu hiệu đó bỗng trở nên khó thực hiện. Thực trạng khan hiếm nhân lực trong ngành nghệ thuật biểu diễn đã ở mức báo động, như ý kiến của NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tại một hội thảo về văn hóa: “Trong khi truyền hình, điện ảnh đang “nở rộ” những gương mặt trẻ thì sân khấu lại phải đối mặt với bài toán khủng hoảng diễn viên trẻ, nhất là diễn viên tài năng đủ sức để gìn giữ “ngón nghề cha ông”. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Bất cập dễ nhận thấy là nhiều diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Cho nên, xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế thì khan hiếm đến mức báo động nguồn nhân lực sung sức. Ngay với các cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà nước cũng buộc phải đưa ra quy định về độ tuổi thí sinh tham dự là dưới 33 - lứa tuổi mà ở loại hình nghệ thuật nào cũng không còn được coi là trẻ”.
Thiếu diễn viên trẻ kế nghiệp là điều đáng sợ đối với nghệ thuật biểu diễn, ngành nghệ thuật lấy con người diễn viên làm trung tâm, mọi yếu tố chỉ là phụ trợ. Trước đây các nghệ nhân là những người gìn giữ, truyền nghề để nghệ thuật truyền thống mãi trường tồn trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Vậy mà hiện nay, nguy cơ đứt gãy vẫn tồn tại, và nếu đứt đoạn kế thừa, nghệ thuật truyền thống sẽ mất vốn liếng, không còn tồn tại. Tình trạng này trở thành cấp bách khi đầu vào của các trường đang gặp rất nhiều khó khăn ở khâu tuyển sinh. Nhiều đơn vị đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu hằng năm, có trường vì vậy phải cho giáo viên nghỉ bớt vì quá ít sinh viên, như Trường Đại học Nghệ thuật Huế; một số trường phải đóng ngành đào tạo vì không có người học. NSND Quốc Chiêm lo lắng: “Nhiều năm qua, các đơn vị sân khấu truyền thống hàng đầu như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam... luôn không tuyển đủ chỉ tiêu diễn viên. Đó là chưa kể trong thời gian học, nhiều người đã bỏ dở giữa chừng vì tự thấy không đủ khả năng, hoặc sau khi “suy đi tính lại” đã xin rút để lựa chọn con đường khác. Các trường nghệ thuật đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống cũng rất khó tuyển sinh. Đơn cử như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhiều năm qua không có khóa đào tạo diễn viên Tuồng vì không có học viên. Tình hình đào tạo diễn viên Cải lương, Chèo, Múa rối khá phập phù, có năm tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh, có năm không. Việc đào tạo nhạc công cho kịch hát dân tộc cũng buộc phải ngừng bởi không có người học. Các môn biểu diễn nhạc cụ như đàn tì bà, sáo, đàn bầu tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hiện cũng không có người đăng ký theo học”. TS Phạm Trí Thành, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đưa thêm thông tin, chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn Tuồng suốt 10 năm nay không tuyển được sinh viên; nghệ thuật biểu diễn Cải lương cũng đã 3 năm nay không tuyển được sinh viên, mặc dù đây là những chuyên ngành rất mạnh, có truyền thống từ khi thành lập trường (năm 1959). Nghệ thuật Chèo vẫn tuyển được sinh viên, nhưng mỗi năm số lượng lại giảm dần.
Nguyên nhân
Từ lâu, những nam thanh, nữ tú có tài năng, có thanh, có sắc đã không còn đầu quân cho nghệ thuật truyền thống vốn bị đánh giá là có phần lạc hậu trong xã hội hiện nay. Với tố chất tài năng và thanh sắc, họ tìm đến với những ngành nghệ thuật dễ nổi tiếng, dễ kiếm sống và thành đạt hơn. Ngược lại nghệ thuật truyền thống, để thành đạt, được người trong nghề thừa nhận quá vất vả, đòi hỏi phải rèn luyện, học tập không ngừng nghỉ hàng chục năm mà cuộc sống vẫn không “thoát nghèo” vì đồng lương eo hẹp, vì cát xê rất thấp. Chế độ phụ cấp cho việc luyện tập và biểu diễn dù đã được nâng lên nhưng vẫn ở mức rất thấp, chưa có tác dụng kích thích, động viên người nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý với công việc, lại càng khó trở thành viễn cảnh tươi đẹp mà các bạn trẻ có thanh có sắc, có tài năng thiên phú yêu thích và phấn đấu. Những tâm sự đắng đót của những NSND được người người biết mặt thuộc tên về mức lương, sự ưu đãi ngành nghề khiến các bạn trẻ lại càng khó hạ quyết tâm dấn thân, “bỏ” cuộc đời mình để học hỏi, để hết tâm hết sức với nghệ thuật truyền thống. Chưa kể, quá trình học hỏi, cũng có sự thanh lọc nhất định vì khả năng của mỗi người chưa thật phù hợp.
Những chính sách hỗ trợ ngành học
Không phải tới bây giờ, các chuyên ngành sân khấu truyền thống mới nhận được sự hỗ trợ về vật chất trong quá trình học. Hàng chục năm gần đây, Nhà nước đã có chính sách thiết thực hỗ trợ như miễn giảm học phí, chế độ bồi dưỡng nghề và hỗ trợ trang phục, phụ kiện biểu diễn cho học sinh, sinh viên. Ở các trường nghệ thuật, người học các chuyên ngành Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối… được giảm 70% học phí, được nhận học bổng, hỗ trợ tác phẩm tốt nghiệp... Với những gia đình có thu nhập thấp, đây quả thực cũng là điều mà nhiều thanh niên tính đến. Nhiều NSND đã thành danh vẫn còn rưng rưng khi kể, ngày đó gia nhập ngành học vì trúng tuyển và vì đi học không phải đóng học phí, gia cảnh nghèo nên thành có duyên với nghề. Đó cũng là lý do để khá nhiều diễn viên các ngành sân khấu kịch hát thường ở những địa phương kinh tế chưa phát triển. Và vì thế, thông tin Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 05/2023/TTBLĐTBXH ngày 15/6/2023, về việc quy định danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đã bổ sung thêm nhiều chuyên ngành mới, đáng chú ý, 20 chuyên ngành (trình độ Trung cấp) thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn (Dân ca, Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch múa, Múa dân gian dân tộc, Xiếc… ) được xếp vào danh mục này khiến các chuyên gia, nhà hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật rất vui mừng. NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, trước đây, Bộ VHTTDL, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế từng tiến hành đo cường độ lao động dựa trên nhịp tim và các chỉ số khác của nghệ sĩ biểu diễn và thấy rằng, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực Xiếc, Tuồng và bộ hơi là vất vả, nặng nhọc nhất. Chưa kể, rất nhiều nghệ sĩ tâm sự, khi nhập vai diễn, họ bị ảnh hưởng rất lớn tới tâm trạng, khó xả vai nếu vai diễn quá thuyết phục và bi thương… Lao động nghệ thuật đòi hỏi sự xả thân, hết tâm sức cho hình tượng, và nhiều nghệ sĩ bị ảnh hưởng lớn trong cuộc sống do sinh hoạt không bình thường để thích ứng với nghề. Vì thế, việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa 20 chuyên ngành thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn vào danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được hưởng chế độ ưu đãi trong đào tạo là rất cần thiết.
Các sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trong buổi tốt nghiệp
Vẫn cần nhiều hơn nữa để thu hút nhân lực có tài cho ngành
Rõ ràng, có những chính sách ưu tiên, ưu đãi cho những ngành nghệ thuật đặc thù là rất cần thiết nhưng chưa đủ. Với sự thay đổi về thị hiếu khán giả hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã và đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục phát triển, biểu diễn, có đời sống nghệ thuật bình thường. Muốn thu hút nhân tài tới với ngành, cần thực hiện đồng bộ rất nhiều biện pháp, có thêm nhiều chính sách tốt hơn nữa để chấn hưng nghệ thuật truyền thống, để các tác phẩm sân khấu truyền thống hấp dẫn người xem, đời sống nghệ sĩ được đảm bảo, vị thế của ngành sân khấu truyền thống được nâng cao trong xã hội hiện đại… thì mới thu hút được người trẻ. Những tấm gương tích cực của các thế hệ nghệ sĩ thành danh đi trước cũng là một trong những nguyên nhân để các bạn trẻ chú ý hơn tới nghệ thuật truyền thống. Và khi đã thu hút được người tài thì vòng quay với những tín hiệu tích cực sẽ đến, tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội để ngành phát triển mạnh mẽ hơn. Chỉ khi đó, nghệ thuật truyền thống mới hết nỗi lo thiếu nhân lực kế thừa, không còn sự canh cánh nỗi lo mai một nghệ thuật ông bà ta dày công vun đắp qua bao thế hệ.
NGỌC BẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023