LTS: Các chi tiết trang trí trên mái của một công trình kiến trúc không đơn thuần chỉ để trang trí, làm đẹp cho riêng công trình đó. Chúng thể hiện đậm nét trình độ thẩm mỹ song hành cùng tư tưởng sống của người dân và tư tưởng chủ đạo của thiết chế xã hội đương thời. Để có khảo cứu mang tính bao quát về chủ đề này trong kiến trúc truyền thống Việt Nam theo tiến trình thời gian là một việc làm mất nhiều công sức và đôi khi là bất khả bởi nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu của một vương triều đã bị phá hủy hoàn toàn do chiến tranh. Chính vì vậy, dù chỉ là một nghiên cứu đề cập đến số lượng nhỏ những phân loại công trình đã và đang tồn tại trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, bài viết dưới đây hé mở nhiều thông tin quý về trình độ thẩm mỹ và tư tưởng sống của cha ông thông qua các chi tiết trang trí trên mái của một số dạng công trình kiến trúc truyền thống.
1. Tầm quan trọng và vị trí
Có thể nói, để nhận diện xuất xứ của một công trình kiến trúc, tốt nhất, ta nên căn cứ vào diện mạo của bộ mái kiến trúc đó. Trên bộ mái, nhiều khi chỉ nhìn vào các chi tiết trang trí, ta lại nhận ra bộ mái đó có nguồn gốc từ đâu. Điều này khẳng định là đúng đối với văn hóa kiến trúc phương Đông. Trong điều kiện thời tiết có vẻ tương tự, với nắng mưa, gió bão, khối dáng mái được chọn tương đối giống nhau như bộ mái Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Bhutan. Điều quan trọng hơn cả quyết định hình dáng bộ mái cụ thể xuất phát từ những quan niệm xã hội, tôn giáo, văn hóa, tín ngưỡng và trình độ thẩm mỹ. Với những xã hội có nguồn gốc hình thành và phát triển lâu đời, sự tích lũy văn hóa ngày càng lớn, và kéo theo đó là sự khẳng định của bộ mặt văn hóa xã hội ấy lên trên một công trình vật thể, đặc biệt là lĩnh vực kiến trúc. Các chi tiết trang trí trên mái có lẽ là đối tượng cụ thể tích tụ khá nhiều thành quả của văn hóa. Bằng chứng là quan sát ở các mẫu mái truyền thống các nước, ta thu thập được rất nhiều các dạng trang trí đặc thù của mỗi quốc gia. Từ những hình rồng, lân trên bộ mái của người Trung Hoa, đến những Makara trên bộ mái ở Campuchia, Lào,… tất cả dường như có một khuôn mẫu văn hóa riêng. Cùng một chủ đề trang trí rồng, nhưng rồng trên mái nhà Trung Hoa khác với rồng trên mái nhà Việt Nam, Thái Lan.
Riêng Việt Nam, chúng tôi cho rằng đó là một trường hợp đặc biệt và riêng rẽ, bởi, có lẽ Việt Nam là trường hợp duy nhất mà các chi tiết trang trí trên mái phát triển song hành cùng với khối dáng, vật liệu làm nên vẻ đẹp của kiến trúc. Nếu so sánh tương quan giữa chiều cao chi tiết trang trí mái với chiều cao toàn bộ công trình truyền thống (trên mặt đứng) của Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, thì tỉ lệ này ở kiến trúc Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Đơn cử như ở kiến trúc chùa Tây Phương tỉ lệ này là 1/8 trong khi đó, ở cố cung Bắc Kinh, đền Bulguksa Hàn Quốc, tỉ lệ này hầu như rất nhỏ. Trong đợt khảo sát các công trình kiến trúc truyền thống ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, chúng tôi thu thập được hơn 60 mẫu trang trí khác nhau trên 20 công trình, cụm công trình. Hơn nữa, trên bộ mái, các chi tiết trang trí được phân bố một cách có quy luật trên các vị trí trang trí tương ứng. Nếu ta tách rời những chi tiết trang trí trên mái ra khỏi bộ mái thì đương nhiên, giá trị thẩm mỹ cũng như sự hài hòa về mặt tỉ lệ sẽ bị phá bỏ. Điều nàyđược thể hiện rõ nhất qua kiến trúc Khuê Văn Các (Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội).
Như vậy, có thể kết luận rằng các chi tiết trang trí trên mái có vai trò rất quan trọng trong việc định hình diện mạo, bản sắc kiến trúc truyền thống, phản ánh tính chất dân tộc Việt Nam trong kiến trúc.
Trên đại thể, ba bộ phận của mái truyền thống có các chi tiết trang trí, đó là bờ nóc, bờ quyết và khu đĩ. Trong bờ nóc, ta lưu ý hai vị trí là giữa bờ nóc và đầu bờ nóc. Trên bờ quyết, ta lưu ý hai vị trí là góc khúc khuỷu và góc mái.
Bờ nóc là phần giao giữa hai mái lớn và dài nhất trong bộ mái. Thường, bờ nóc gần như thẳng, không chỉ có ý nghĩa về hình thức (trang trí làm đẹp cho bộ mái) mà còn là nơi bám giữ ngói ở phần giao hai mái, giúp chúng liên kết thống nhất trong bộ khung mái, khắc phục tình trạng thấm nước.
Bờ quyết là phần giao giữa mái lớn và mái nhỏ liền kề trong bộ mái, có thể thẳng hoặc gấp khúc, cong, kết hợp giữa đường thẳng và đường cong.
2. Đôi nét riêng về bộ mái cong
Nguồn gốc của nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa sơ khai của người Việt, gắn liền với hoạt động trồng lúa nước dọc theo các vùng sông nước rộng lớn. Trong hoàn cảnh như thế, người Việt thường lựa chọn phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền, bởi tính thuận tiện, cơ động và sẵn có nguyên liệu. Trên trống đồng Đông Sơn, có hình nhiều người cùng chèo thuyền, với đầu mũi thuyền cong lên, như đang chung sức cho một cuộc đua thuyền trong lễ hội. Trong Lĩnh Nam chích quái có truyền thuyết họ Hồng Bàng, nhắc đến chi tiết Lạc Long Quân giúp dân giết thủy quái trên sông và nhắc nhở dân chúng khi đi thuyền hãy vẽ hai con mắt trước mạn thuyền cho loài yêu quái khiếp sợ mà lánh đi. Yếu tố sông nước chi phối, thâm nhập vào mọi mặt của đời sống con người. Đi bằng thuyền, sản xuất lao động gắn với thuyền, thậm chí có khi người ta còn sinh ra, lớn lên và mất đi trên thuyền. Như vậy, không lạ khi nói văn hóa kiến trúc cũng chịu ảnh hưởng từ hình ảnh con thuyền. Mặt trống đồng có vẽ hình nhà sàn của người Đông Sơn với chiếc mái cong như mạn thuyền, trên đó có hai người đang đánh trống đồng vui vẻ như khi người ta đua thuyền. Qua các di vật bằng đồng trong mộ táng ở Thanh Hóa, Nghệ An, người ta cũng tìm thấy mô hình nhà sàn với đầu nóc cong lên. Có thể nói, các hình vẽ nhà sàn thuở sơ khai trên trống đồng là bằng chứng về những chiếc mái cong và nghệ thuật trang trí kiến trúc truyền thống.
Đối chiếu với kiến trúc cổ Trung Hoa cùng thời, ở các lăng mộ, tượng tán phát hiện nhiều nơi cũng tìm thấy những mô hình nhà cửa bằng kim loại, đất nung, gốm, nhưng nóc mái thẳng chứ không cong. Cho đến thời nhà Tần, Hán, qua các tranh khắc, vật dụng bằng gốm, di vật kim loại phát hiện ở Tây An, cũng không thấy hình những ngôi nhà có mái cong. Vì vậy, có thể nói, hình ảnh chiếc mái cong mô phỏng chiếc thuyền là đặc điểm nội sinh truyền thống của người Việt, mang bản sắc Việt chứ không chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Trung Hoa.
Như vậy, hình ảnh chiếc thuyền đã đi vào ngôn ngữ kiến trúc, được hình tượng hóa trên bộ mái của công trình từ rất lâu. Trong nhiều hình ảnh, hiện vật, công trình cổ điển Việt Nam, hình ảnh mái cong luôn gắn với các hình tượng trang trí, mặc dù qua các thời kỳ khác nhau, các chủ đề, vật thể trang trí có thay đổi. Việc hình thành, phát triển các hình tượng trang trí trên bộ mái công trình là một quá trình diễn ra từ rất sớm và theo con đường tự nhiên, không gượng ép. Đây là đặc điểm nội sinh, làm tăng thêm sức mạnh biểu cảm của những mái thuyền truyền thống.
3. Chi tiết trang trí trên mái kiến trúc cung đình
Các chi tiết trang trí trên mái trong kiến trúc cung đình thường lấy chủ đề từ hình tượng rồng phượng, được thể hiện hết sức công phu, sinh động, màu sắc rực rỡ. Theo quy ước, rồng phượng tượng trưng cho quyền lực của vua chúa. Phân tích kỹ, ta lại thấy bên trong các chi tiết ấy là một hệ thống các quan điểm trị nước (lấy dân làm gốc trong chi tiết rồng chầu ngọc), thống trị tư tưởng (lấy Nho giáo làm trọng tâm trong chi tiết rồng chầu hồ lô), biểu dương sự đoàn kết trong triều đình (mây rồng quấn quýt trong rồng ngang), khát vọng cầu mưa cho mùa màng tươi tốt (chi tiết rồng thời Lý, giao long)… Như vậy, việc sử dụng chi tiết trong từng vị trí trang trí, cũng như cách thể hiện bố cục, kích thước, màu sắc… hầu như đều có dụng ý. Cùng với kiểu thức bên ngoài của các công trình kiến trúc, các chi tiết trang trí trên mái đã làm tôn thêm dáng vẻ kiến trúc Việt, vừa đẹp về hình thức vừa thâm thúy về nội dung.
Một ví dụ điển hình là chi tiết rồng chầu mặt trời (lưỡng long chầu nhật) phổ biến ở bờ nóc của một số cung điện như Thái Bình Lâu, cung Thiên Định trong lăng Khải Định. Chi tiết trang trí này là một phức hợp đối xứng: hai rồng và hình ảnh mặt trời đỏ rực với các tia lửa hướng lên trên. Hai rồng có hình dáng dũng mãnh bay đến, bờm vảy tung bay uy nghiêm, dáng dấp chuyển động như muốn thoát khỏi cái giới hạn chiều ngang để thăng thiên. Hình ảnh mặt trời, có khi được mô tả dưới dạng hổ phù như ở điện Long An, chứa đựng nhiều hàm nghĩa: Thứ nhất, nói lên sự uy nghiêm, trang trọng của các cung điện. Rồng được xem là tổ tiên của người Trung Hoa, đồng thời cũng là hình ảnh của Lạc Long Quân trong tâm thức người Việt. Thứ hai, nó là biểu trưng của sự thống nhất và vươn lên. Hình ảnh rồng đã là một vật linh trong văn hóa truyền thống. Rồng có thể bay trên mây, lội trong nước, di chuyển trên đồng bằng. Hình tượng của rồng bao gồm: thân rắn, đùi thằn lằn, móng vuốt chim ưng, đuôi rắn, sừng hươu, vẩy cá. Có người cho rằng sau khi Hoa Hạ thống nhất các bộ tộc trung nguyên đã kết hợp vật tổ của mình cùng với vật tổ của các bộ tộc đó thành con rồng. Hình ảnh mặt trời là biểu trưng của sức mạnh siêu nhiên mà con người luôn muốn khám phá, vừa mạnh mẽ, vừa huyền bí. Thứ ba, rồng chầu mặt trời là biểu trưng cho vương quyền. Vua Hán Vũ Đế của Trung Hoa đã từng nhận mình là con của rồng. Sau đó, rồng được xem là biểu tượng của vua, và chỉ có vua mới được sử dụng chúng trong các lĩnh vực. Người Việt xem mình có gốc cha rồng mẹ tiên. Tiếp đó, do sự ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, dần hình ảnh của rồng gắn liền với hình ảnh của vua chúa Việt Nam. Các vua nhà Trần có tục xăm hình rồng trên đùi để phân biệt với dân chúng. Thêm cái vô thường của mặt trời rực lửa, thì rõ ràng, tính chất thị uy quyền lực nhà vua càng tăng lên nhiều lần. Thứ tư, riêng với Việt Nam, rồng chầu mặt trời còn nói lên khát vọng cầu mưa. Hình ảnh con rồng ở Việt Nam thân thuộc gắn liền với cư dân nông nghiệp lúa nước. Luận điểm này xuất phát từ việc lý giải hình ảnh rồng - thằn lằn xuất hiện trên trống đồng Đông Sơn mang hơi thở của cư dân nông nghiệp. Hình rồng thời Lý có kế thừa hình rồng - thằn lằn, đồng thời được tiếp thu hình ảnh rồng Trung Hoa, với đặc điểm mềm mại uyển chuyển, thân rồng lượn hình sin đúng 12 khúc, biểu tượng của 12 tháng trong năm, vảy lưng nhỏ, mềm, đặc biệt trên chỏm đầu có ký hiệu hình chữ S được coi là ký hiệu cầu mưa, một quyền năng của rồng giúp cho mùa màng tươi tốt. Hình rồng ở các thời Trần, Lê sau này cũng kế thừa hình ảnh rồng Lý. Đến đời Nguyễn, do chuộng văn hóa phương Bắc, các vua Nguyễn đã cho lưu hành rồng đời Thanh của Trung Hoa. Tuy nhiên, khát vọng cầu mưa, mong muốn thời tiết thuận hòa qua hình ảnh rồng là có thực và tồn tại khá lâu. Mặt trời là hình ảnh của thiên nhiên, quyết định thời tiết tốt hay xấu, thuận hay tai ương.
Một ví dụ điển hình khác là chi tiết rồng chầu hồ lô, hình ảnh trang trí rất đặc trưng cho nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình Huế. Chi tiết trang trí này gồm ba đối tượng: hai rồng hai bên trong tư thế chuyển động về phía bầu rượu hồ lô được đội bởi một con rồng thứ ba. Có thể quan sát trong chi tiết này là hình ảnh chiếc bầu rượu hồ lô được đặt ở trung tâm. Nghệ thuật tạo hình rồng điêu luyện, màu sắc tươi sáng với gam vàng đậm làm chủ đạo do nghệ thuật ghép gốm sứ nổi đanh tạo nên. Chi tiết trang trí này được phân bố ở giữa bờ nóc trên các cung điện, đền đài như điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các.
Việc trang trí hình rồng chầu hồ lô trên nóc điện Thái Hòa mang ý nghĩa quan trọng, như một lời tuyên thệ về chính sách quản lý tư tưởng của nhà nước phong kiến. Bầu hồ lô là thể hiện tinh hoa thanh khiết của Nho giáo. Rồng đội hồ lô thể hiện ý thức trọng Nho của triều đình. Hai rồng chầu hồ lô thể hiện sự thống lĩnh của Nho giáo trong xã hội. Qua hình ảnh này, ta biết thêm về hoàn cảnh xã hội cũng như tư tưởng của vương triều được thể hiện qua chi tiết trang trí. Thêm nữa, hình ảnh rồng đội bầu rượu với mặt rồng tạc từ hướng chính diện, nhe răng, bấu vuốt chân trên bờ nóc rất gần với hình ảnh thần Rahu của Hindu giáo, vị thần có sức mạnh nuốt cả mặt trăng, mặt trời, bảo hộ cho cuộc sống nhân dân. Hình ảnh này có thể đã du nhập vào Việt Nam qua Chămpa từ sớm, được lưu hành rộng rãi từ trước đó và đến thời này được sử dụng lại. Theo đó, chi tiết này được sử dụng như một biểu tượng trấn áp các thế lực đen tối, bảo vệ cơ nghiệp, tư tưởng Nho giáo của vương triều.
Điện Thái Hòa có thể coi là công trình điển hình về nghệ thuật trang trí bộ mái trong kiến trúc cung đình. Tòa điện mang đầy đủ các cách thức tiêu biểu trong trang trí mái, đồng thời, về mặt thẩm mỹ nghệ thuật, các chi tiết trang trí mái cung điện cũng đạt tới mức hoàn hảo. Có tất cả 25 con rồng ngự trên các bờ nóc, bờ quyết. Dáng rồng uy nghiêm, dũng mãnh tung bay, làm các góc mái tuy thẳng (khác với mái cong của kiến trúc truyền thống trước đó ở miền Bắc) như muốn tung bay, bộ mái nhẹ nhàng và uyển chuyển. Đứng ở bậc thềm trước điện, quan sát bộ mái vàng rực, ta thấy có tất cả 9 con rồng hiện ra trước mắt, ý nói cửu ngũ chí tôn và sự tồn tại vĩnh cửu.
4. Chi tiết trang trí trên mái công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng
Chi tiết trang trí trên các công trình tôn giáo tín ngưỡng dân gian đa phần có hình thức mộc mạc, giản dị, nhưng uyển chuyển, nhẹ nhàng, góp phần vào vẻ đẹp của các công trình cổ. Về hàm nghĩa, nhiều khi mỗi chi tiết trang trí mang quan điểm, cách nhìn nhận về nhân sinh quan, thế giới quan rất đặc trưng của dân gian. Từ tư tưởng triết học của những tôn giáo cổ (bánh xe pháp, chữ vạn nói về sự luân hồi của nhà Phật, cá chép chầu hồ lô nói lên ý chí rèn luyện của bậc quân tử nho gia, sự vô thường trong chi tiết trang trí mặt trời lửa của Đạo giáo), đến những suy ngẫm về cuộc sống của thường dân (hình tượng thủy quái, nghê…), tất cả nói lên cuộc sống tâm tưởng, tư duy nghệ thuật kiến trúc của người Việt xưa.
Chung quy, ta thấy cách dùng các chi tiết trang trí trên mái các công trình tôn giáo, tín ngưỡng biểu hiện ở những điểm cơ bản nhất: giữa bờ nóc sử dụng chi tiết rồng chầu mặt trời, đầu bờ nóc sử dụng chi tiết thủy quái, con sô khúc khuỷu sử dụng hình con lân, con nghê, góc mái dùng chi tiết hoa lá hoặc phức hợp thủy quái, rồng.
Chùa Tây Phương có thể xem là ngôi chùa thể hiện sinh động và độc đáo nhất các chi tiết trang trí trên mái. Từ lâu, nhắc đến hình ảnh đóa hoa đao là ta nghĩ ngay đến ngôi chùa này. Có 24 đóa hoa đao được tạo nên bởi 24 cặp phức hợp thủy quái - rồng, tất cả đều được tạo tác một cách công phu, tinh tế, sắc nét đến từng lớp vảy, từng dãy lông bờm dựng ngược tung bay. Hình tượng con rồng trên đầu đao cong vút, bờm tóc lởm chởm, dữ tợn, như bay lên, rất phù hợp với thế chung của kiến trúc. Hình thủy quái với những vân lông xoắn đẹp, sinh động. Buổi sớm, khi vầng thái dương còn ẩn hiện sau chân mây, 24 đóa đao hoa thấp thoáng phơn phớt hồng, mở dần theo độ sáng. Mái chùa quay ra tứ phía, trùng điệp, mái lại mái, những cánh hoa đao cong vút cao 2,2m. Hai đóa hoa đao của hai lớp chồng diêm làm cho chiều cao được nhân đôi, cao tới 4,4m, có tỉ lệ tương quan đến chiều cao ngôi chùa là 8,5m.
Bên cạnh các chi tiết tương tự như trên mái các công trình kiến trúc cung đình (rồng chầu mặt trời, rồng đội hồ lô, giao long,...), hình ảnh phức hợp thủy quái - rồng hết sức độc đáo. Chi tiết này thấy xuất hiện nhiều ở đình, chùa, một số ở đền, miếu, thường ở góc mái.
Hiện chưa có lý giải nào thỏa đáng về việc tại sao hai hình ảnh rồng và thủy quái cùng đứng chung. Có thể là do ý nghĩa riêng lẻ của từng hình ảnh và sự gần gũi giữa chúng mà người xưa quyết định gộp chúng lại trong một chi tiết trang trí. Ý nghĩa của hình ảnh thủy quái ở vị trí góc mái là để đề phòng hỏa hoạn. Còn hình tượng rồng đứng ở vị trí góc mái chùa coi như là vật linh che chở pháp giáo. Rồng trang trí ở bốn góc mái ngôi chùa có thể bảo vệ nơi thờ tự từ bốn phương, trấn yểm mọi tà ma yêu quái. Chính vì ý nghĩa bảo vệ ấy, hình ảnh rồng trang trí góc mái dần được sử dụng ở khắp các công trình truyền thống ngoài chùa chiền như đình, đền, miếu.
5. Kết luận
Qua việc phân tích chi tiết trang trí trên mái các loại công trình kiến trúc truyền thống, ta thấy các chi tiết trang trí ở vị trí đầu bờ nóc, con sô khúc khuỷu và các góc mái giống nhau. Có những chi tiết mang tính đại trà, phổ rộng, bất kỳ công trình nào cũng có thể sử dụng và dễ chấp nhận. Có những chi tiết được xem là đặc thù. Nhưng ranh giới giữa tính phổ rộng và tính đặc thù của các chi tiết trang trí trên mái chỉ ở mức tương đối, ví dụ, cá chép chầu hồ lô trong kiến trúc Văn Miếu cũng nhìn thấy ở đền Quán Thánh. Không lấy làm lạ khi bắt gặp những chi tiết trang trí lẽ ra phải thuộc về công trình này, nhưng thực tế lại bắt gặp ở công trình khác, nếu đi sâu tìm hiểu về ý nghĩa hình tượng của chúng có khi lại khập khiễng. Do vậy, ta nên nắm chắc cái gốc của vấn đề để có thể linh động đánh giá đúng đối tượng mà áp dụng. Xuất phát từ lập luận như vậy, xin giới thiệu bảng nhận xét tổng quan về hai tính chất phổ rộng và đặc thù của các chi tiết trang trí trên mái công trình kiến trúc truyền thống:
|
Tên chi tiết |
Ghi chú |
Chi tiết phổ rộng |
Rồng chầu mặt trời, giao long, thủy quái, thủy quái - rồng, thủy quái - chim, nghê/ lân, hoa lá cách điệu, hình học đơn giản |
|
Chi tiết đặc thù |
Rồng chầu mặt trời, rồng chầu ngọc, rồng chầu chữ thọ, rồng chầu hồ lô, phượng chầu mặt trăng |
Cung điện |
Hồ lô và rồng đội hồ lô Chữ vạn Bánh xe pháp |
Công trình Phật giáo (chùa) |
|
Cá chép chầu hồ lô |
Công trình Nho giáo (Văn Miếu) |
|
Mặt trời lửa |
Công trình Lão giáo (miếu, đền) |
Các chi tiết trong một công trình thường kết hợp với chức năng, ý nghĩa của nó mà có hình thức trang trí hợp lý, góp phần làm nên cái đẹp cả về hình thức lẫn chiều sâu thể hiện. Ông cha ta từ xưa đã lưu ý đến vấn đề này khi áp dụng làm những công trình đền đài, miếu mạo. Tuy nhiên, người xưa cũng không tuyệt đối hóa mà áp dụng cách uyển chuyển các chi tiết trang trí, cách nhìn của phường thợ, của dân địa phương mà tạo tác các chi tiết trang trí trên mái, làm chúng trở nên sống động, có hồn, cộng sinh tồn tại cùng với kiến trúc. Do vậy, tìm hiểu về chi tiết trang trí trên mái giúp ta có được cách nhìn đúng đắn về mặt tư tưởng, văn hóa nghệ thuật của cha ông.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011
Tác giả : Nguyễn Bích Hoàn - Danh Trung Toàn