CẤT ĐẤT ĐỔ VÀNG, MỘT THỰC TRẠNG TRÙNG TU DI TÍCH HIỆN NAY

LTS: Việc trùng tu thành công đình Chu Quyến (Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội) trong năm 2010 là sự cố gắng đáng ghi nhận của công tác bảo tồn di tích, của các kiến trúc sư cùng hiệp thợ thi công sau một thời gian dài điều tra, nghiên cứu và thi công cẩn trọng với kỹ thuật gần sát với các kỹ thuật xây dựng kiến trúc cổ. Điều đó cũng cho thấy rằng ở Việt Nam, tuy còn nhiều hạn chế về phương diện nghiên cứu và khả năng thi công nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn tự tu sửa các di tích và hiện vật nghệ thuật cổ, một khi tổng thể vấn đề được xem xét và tiến hành nghiêm túc cùng một nguồn kinh phí được đảm bảo chắc chắn.

Nỗ lực của Viện Bảo tồn di tích là đáng trân trọng. Họ thực sự có cái nhìn cầu thị trong việc điều nghiên tỉ mỉ kéo dài hàng năm và việc tiến hành duy tu sửa chữa cẩn trọng với từng cấu kiện kiến trúc, từng loại vật liệu cổ hay chi tiết hoa văn. Tuy vậy, đây lại là điểm sáng có lẽ duy nhất trong bức tranh ảm đạm của công cuộc bảo tồn di sản và di tích nhiều năm qua. Các công trình quan trọng vẫn xuống cấp và bị xâm hại, bỗng sau một hồi tu sửa, lại biến thành những bức tường gạch trát vữa tinh khôi, lợp mái ngói Bát Tràng mới toe. Nhớ lại câu chuyện một nhà thám hiểm phương Tây khi điền dã trong rừng Phi châu, phát hiện một bộ lạc ít người hoang dã, ông ta reo lên sung sướng và muốn khai sáng văn minh cho họ. Để đáp lại, người tù trưởng bộ lạc nói đại ý, sự phát hiện và khai sáng văn minh của người phương Tây là điều bất hạnh cho dân tộc của ông. Có lẽ, tình cảnh tương tự vậy lại đúng với các di tích cổ của chúng ta, thà để nguyên tình trạng hư hỏng nhưng vẫn giữ được phần nào vẻ đẹp thẩm mỹ và giá trị văn hóa, cảm thấy may mắn khi chưa bị các nhà tu sửa phát hiện ra và đụng tay vào.

Thực tế, một di tích có niên đại chừng 200-300 năm trong quá khứ cũng trải qua vài lần trùng tu, và cũng không ít trường hợp bị làm hỏng. Tháp Phổ Minh thời Trần được xây dựng trong TK XIII, là nơi đặt xá lị của vua Trần Nhân Tông (1258-1308). Nguyên thủy, tháp xây 11 tầng, theo kinh điển Phật giáo tương ứng với cấp độ tu hành của vua Trần Nhân Tông là Bích Chi Phật. Vào thời này, hầu hết các ngôi tháp được xây bằng gạch trần, đào móng rất sâu, bề mặt được ốp các tượng đá và phù điêu đá hoặc đất nung trang trí, mang vẻ đẹp tương tự như các tháp cổ Champa ở miền Trung hay ngôi tháp Bình Sơn ở Việt Trì, Phú Thọ. TK XIX, sau một đợt đại trùng tu, tháp Phổ Minh bị biến thành 13 tầng và một tay nhà giàu bỏ tiền ra trát vữa lên toàn bộ ngôi tháp. Kiến trúc chùa, đình cũng luôn được thay đổi theo phong cách và quan niệm thẩm mỹ của từng thời. Một ngôi đình có niên đại thuộc TK XVI-XVII, khởi thủy có dạng hình chữ nhất, sau khi được trùng tu vào TK XVIII hay XIX lại thường biến thành chữ đinh (kiểu chuôi vồ) do được nối thêm tòa hậu cung, hoặc kiểu chữ nhị - tức là được xây thêm một tòa tiền tế phía trước đại đình. Thuật ngữ tô tượng trong việc trùng tu cổ, vừa có nghĩa là tu sửa tượng cổ, vừa có nghĩa là sơn phết lên các pho tượng đã bong tróc một lớp sơn mới. Tuy thế, không phải thợ nào cũng tô được tượng sao cho đẹp, và nhất là với các tượng chân dung thời Hậu Lê thuộc TK XVII- XVIII, khuôn mặt luôn được tạo tác dựa theo khoa nhân tướng học cổ trên một tinh thần thẩm mỹ rất cao. Chỉ có họa sĩ và nghệ sĩ truyền thần mới có khả năng nắm bắt được vẻ đẹp ấy để tô lại sao cho đạt. Chùa Bút Tháp được tu sửa trong năm 1995 rất cẩn thận do có sự đầu tư về tiền và kỹ thuật của chuyên gia Đức, tuy nhiên, riêng việc tô lại các tượng chân dung quý tộc họ Trịnh vẫn không đạt yêu cầu, gần như bóc mất thần thái của tượng cổ. Thời Mạc tuy ngắn ngủi, nhưng cũng tạo được nhiều tượng đá quý tộc khá hiện thực. Tượng bà hoàng hậu nhà Mạc ở chùa Phổ Minh, tượng vua Mạc Đăng Dung và hoàng hậu Trà Phương ở Kiến An (Hải Phòng) được làm bằng đá xanh, trên thân và quần áo chạm khắc rất nhiều hoa văn trang trí, là cơ sở cho ngành nghiên cứu trang phục và hoa văn cổ. Nhưng trong những đợt trùng tu chùa vào các thế kỷ sau đó, người ta vẫn sơn son và màu lên tượng, tô chân dung và vẽ mắt khiến cho vẻ bên ngoài thay đổi hoàn toàn và các hoa văn chạm nông thì bị màu bịt kín, khó lòng mà nhận ra được. Tượng Phật Adiđà ở chùa tháp Chương Sơn (Nam Định), một trong hai pho tượng đá thời Lý còn lại đến nay, cùng với tượng Adiđà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), bị phủ sơn son thếp vàng đến độ không thể nhìn ra vẻ đẹp của tượng đá thời Lý. Nhiều tượng cổ bị sơn phết nhiều lần, sơn bên ngoài đóng lại thành một lớp dày, trong khi cốt gỗ bên trong có xu hướng co ngót lại theo thời gian tạo thành một khoảng rỗng giữa gỗ và sơn, cho nên tượng có vẻ ngoài nhăn nheo hoặc rạn nứt, nhìn như bình gốm men rạn, đặc biệt là ở khuôn mặt. Quan niệm về trùng tu, như vậy, đã có sự sai lệch từ thời cổ, khi người ta cho rằng sửa chữa là làm mới, mới là đẹp hơn, chứ không phải là giữ nguyên vẹn vẻ đẹp của pho tượng, ngôi đình, ngôi chùa như nó vốn có mới là quan trọng.

Thời hiện đại, những tưởng khi kinh tế đi lên sẽ kéo theo cuộc sống nhiều chất lượng và nhu cầu hưởng thụ văn hóa cao, nhưng sự thực, công việc trùng tu di tích chưa bao giờ gặp nhiều vấn nạn như những năm gần đây, xét ở cả ba phương diện: quan điểm của việc trùng tu di tích, thẩm mỹ và chất lượng thi công. Quan niệm trùng tu rõ ràng là một sai lầm có hệ thống từ thời cổ, khi trùng tu có nghĩa là việc làm to, làm mới di tích, chứ không phải bảo tồn nguyên vẹn di tích. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa cổ dẫn đến sự suy thoái về thẩm mỹ trong công tác trùng tu là mặt tiếp theo của vấn đề, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ trong việc tu sửa công trình cổ mà cả trong việc xây các công trình mới. Kiến trúc cổ phương Đông coi trọng sự hòa hợp giữa công trình và thiên nhiên ngoại cảnh, coi trọng ý cảnh của công trình trước, sau mới đến chức năng sử dụng và quy mô xây dựng. Bởi vậy mới có những ngôi chùa tựa vào núi, quay ra hồ hoặc trải dài theo triền đê dưới những tán cây như chùa Thày, chùa Bút Tháp, ngôi đình với mái tầu đao cong vút bay bổng như đình Bảng, đình Hương Canh, Tây Đằng, những đình kiều, đình tạ lửng lơ trên mặt hồ sen hay những cây cầu lợp mái cong bắc qua dòng sông để nam thanh nữ tú có thể đứng trên cầu ngắm mưa rơi trên mặt nước. Vậy mà ngày nay, người ta có thể dựng một ngôi chùa đồ sộ chòng chọc trên triền núi trơ trọi, kiểu thức mô phỏng như chùa Trung Quốc.

Văn Miếu (Hà Nội) vốn là một miếu thờ Khổng Tử, xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc vườn cảnh kết hợp đền thờ, mà trong đó sự phân bố khoảng cách và độ cao của các dãy nhà, tường bao, đường đi, ao sen và cây cối hết sức hài hòa, tương xứng với cả tầm vóc và chiều cao vừa phải của người Việt. Mỗi khi ở đó, con người có thể cảm nhận được tinh thần thung dung của Khổng giáo bao trùm lên cả khung cảnh kiến trúc. Giờ đây, nhà bái đường, nơi đặt tượng thờ chính, được xây hai tầng, mái ngói đồ sộ, lấn át hết những bức tường và các ngọn cây, hoàn toàn xa lạ với tinh thần thẩm mỹ vốn có của công trình. Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, thành cổ Sơn Tây với lớp tường đá ong và cổng thành bị bao trùm bởi những cây đa, cây si cổ thụ - sự xâm hại của tự nhiên vô tình lại tạo nên vẻ đẹp cho kiến trúc khi chỉ còn là di tích để hoài niệm - sau khi tu sửa, biến thành những bức tường gạch mới trát vữa mà dân gian gọi là lò gạch mới nung. Đền Đinh Tiên Hoàng - Lê Đại Hành (Ninh Bình) vốn cũng là một dạng công trình đền đài tưởng niệm có quy mô và vẻ đẹp như Văn Miếu (Hà Nội), sau khi tu sửa, có thêm một tam quan đá hai tầng trắng phau, đồ sộ như Ngọ Môn ở Huế, chẳng ăn nhập gì với vẻ đẹp sôngnúi bao phủ xung quanh hai ngôi đền.

Các ngôi chùa ngày nay sau khi trùng tu đều được làm cổng tam quan, ngũ quan bằng bê tông đồ sộ, kẻ vẽ và đắp nổi các hình trang trí rồng phượng, màu sắc tô bằng sơn hộp rực rỡ. Nếu sân chùa rộng sẽ được đặt vào đấy một pho tượng Quan thế âm đứng bằng đá hoặc xi măng trắng theo phong cách chùa miền Nam. Nền thượng điện chùa và đình giờ đây thường được lát gạch men bóng để mùa hè ngồi tụng kinh cho mát và tiện, gian thờ Phật sẽ có đèn nến nhiều màu của Trung Quốc nhấp nháy, cùng với hoa nhựa cắm thành từng lọ to trên ban thờ. Ở đây, khó có thể đổ hết cho các nhà trùng tu khi sự suy thoái thẩm mỹ đến ngay từ người dân và giới tu hành. Người dân không còn biết đến tôn giáo mà chỉ có những tín điều dị đoan, cung tiến vô tội vạ cho đình chùa mà không cần biết cái mình cung tiến sẽ như thế nào. Nhà tu hành thì ngày càng quan tâm đến cái thân hơn là cái tâm, hưng công và kêu gọi công đức để xây những ngôi chùa rất bề thế, hết sức xa lạ với tinh thần sắc khôngtừ bỏ của đạo Phật.

Chất lượng trùng tu cũng là một vấn nạn lớn đối với các di tích. Đình xứ Đoài có hệ thống cột rất to, thường làm nguyên bằng cả một thân cây gỗ lớn, nếu bị hư hại sẽ trở nên rất khó kiếm trong trường hợp phải thay thế. Chuyên gia Nhật Bản thường tư vấn giải pháp đổ dung dịch đặc vào thân cột gỗ đã mọt rỗng để giữ nguyên vẻ ngoài, nhưng lại làm mất đi khả năng thẩm thấu và co ngót tự nhiên theo mùa nóng, lạnh của cột gỗ. Tượng trong chùa Bắc Bộ, phần lớn được dựng trong TK XVII-XVIII, bằng gỗ và đất phủ sơn thếp vàng, vừa tạo vẻ đẹp và cũng là chất liệu bảo quản gỗ khỏi mối mọt, chống oxi hóa từ không khí ẩm. Thời trước, khi bước chân vào di tích cổ đang sơn thếp phải rất cẩn thận vì hơi sơn sống rất mạnh, dễ gây dị ứng cho người không quen, thậm chí có thể làm mù mắt. Ngày nay, có đi qua chỗ thợ làm sơn cũng chả cảm thấy gì vì chất lượng sơn ta đã rất loãng, hoặc thậm chí, người ta dùng sơn Nhật thay thế. Tượng Phật có bong tróc cần sơn lại, người ta thường dùng bạc thay cho vàng, sau đó là phủ sơn Nhật cho nhanh khô, nhưng màu rất rợ. Tôi từng thấy người ta phủ nguyên một lớp bạc thiếc lên cây cửu phẩm ở chùa Đồng Ngọ (thường gọi là chùa Cập Nhất, thôn Cập Nhất, xã Tiên Tiến, Thạnh Hà, Hải Dương); đây là một trong ba cây tháp quay Cửu phẩm liên hoa còn lại của miền Bắc, và sau đó sơn trực tiếp luôn bằng sơn Nhật nom như sơn hộp. Các khám thờ và cột đình cổ thường được phủ sơn son, sau đó vẽ các hình mây lửa, rồng mây bằng sơn đen, màu son hoặc dát vàng, Khám thờ tượng Pháp Vân ở chùa Dâu (Bắc Ninh), trong đợt trùng tu được vẽ lại bằng bột màu với một tay nghề rất vụng về, phản thẩm mỹ. Tình trạng ấy xảy ra ở rất nhiều di tích.

Xu hướng tu sửa hiện nay là bê tông hóa các kiến trúc, chứ không dùng hệ thống vì kèo gỗ và gạch ngói làm thành phần chịu lực chính. Tường, bờ nóc, sàn đều được xây đắp bằng bê tông, kẻ rất phẳng và sáng, những tưởng như thế là đẹp và bền vững mà không tính đến yếu tố địa lý tự nhiên. Đồng bằng sông Hồng là vùng đất thềm lục địa, kết cấu nền đất luôn không bền vững, thường xảy ra lún sụt sau thời gian dài, đặc biệt là trong trường hợp rất nhiều sông ngòi cổ hiện nay bị lấp thành dòng chảy ngầm dưới đất. Các kết cấu cổ bằng khung vì kèo gỗ, mái lợp ngói và nền đất có khả năng tự chống lún cục bộ hoặc tổng thể, lại tiện khi cần dịch chuyển hoặc tôn cao khi nền đất yếu hoặc bị lụt. Mặt bằng của một công trình cổ không bao giờ bằng phẳng, thường có xu hướng trũng vào giữa, điều nay tất cả những ai từng đo vẽ đình chùa đều biết, nhưng chính kết cấu giằng - kéo của khung vì kèo và nền đất, lát gạch hoặc đá sẽ chịu được tác động của yếu tố tự nhiên, điều mà kết cấu bê tông khó có thể làm được. Chất lượng của một công trình cổ sau trùng tu không thể đánh giá bằng kết quả nghiệm thu như một công trình xây dựng bình thường khi kết toán hợp đồng, mà phải bằng sự trải nghiệm của thời gian để kiểm chứng kiến trúc ấy có còn đứng vững không, pho tượng sau khi sơn thếp mới có đạt độ thẩm mỹ tương tự như tượng cổ không. Quá trình đó phải sau từ 5-10 năm. Nhưng ở ta không ai làm như vậy cả, nhà thầu mau chóng muốn kết thúc công trình để thanh toán và làm nơi khác, chủ đầu tư cũng muốn xong sớm để hoàn thành công trạng và sau đó không ai quay lại kiểm tra nữa.

Dự án trùng tu đình Chu Quyến đạt được thành công với kết quả khả quan là điều đáng mừng trong toàn cảnh nghiêm trọng của công cuộc trùng tu di tích. Đã đến lúc cần phải đưa các bước tiến hành trùng tu một di tích tương tự như dự án Chu Quyến thành quy ước luật pháp, có hệ thống giám sát và chế tài pháp lý xử phạt khi vi phạm. Bảo vệ di tích văn hóa cổ đã không còn chỉ bó gọn trong việc trùng tu khi hỏng hóc, bình thường dựa vào hoạt động của ban Quản lý di tích ở địa phương, mà cần tiến hành công việc ở nhiều phương diện quản lý, văn hóa, giáo dục trên quy mô quốc gia. Thứ nhất là phải tiến hành lập hồ sơ di sản cho tất cả các di tích trên toàn quốc có niên đại từ nửa đầu TK XX trở về trước, ở trên tất cả các hạng mục: kiến trúc, điêu khắc, đồ thờ tự, thần phả, ngọc phả, văn bia và thậm chí cả đất đai và môi trường văn hóa xung quanh. Ví dụ, chùa Bút Tháp có 9 công trình kiến trúc và gần 100 pho tượng cùng các đồ thờ tự khác, vậy cần phải lập từng bộ hồ sơ cho từng pho tượng, hiện vật thờ và từng công trình, tất cả những cái đó mới hình thành một bộ hồ sơ chung cho chùa. Trong hồ sơ mỗi hiện vật, ngoài các thông tin niên đại, số đo, giá trị lịch sử,… cần có thông tin chi tiết về chất liệu, kết cấu, tình trạng hiện tại, để từ đó có thể đưa vào lịch bảo dưỡng định kỳ. Sau đó phải tiếp tục tiến hành số hóa hồ sơ để tiếp tục quản lý và sử dụng theo dạng bảo tàng và thư viện điện tử. Đây sẽ là nền tảng dữ liệu và thông tin cho công việc trùng tu lớn hoặc tu sửa theo định kỳ. Khoanh vùng các khu di tích và vùng văn hóa cổ, khu vực dân sinh xung quanh di tích, tính đến các phương án bảo hộ về mặt kinh tế, nghề nghiệp để giữ được sự ổn định về môi trường dân sinh bên cạnh di tích theo dạng văn hóa vùng. Tổng thể việc trùng tu di tích còn bao gồm việc bảo vệ và khôi phục cả vùng văn hóa xung quanh di tích, chứ không đơn thuần chỉ là tu sửa mấy đơn vị kiến trúc hay pho tượng. Nhật Bản là quốc gia rất hiện đại, nhưng vẫn giữ kinh đô Nara ở Kyoto rất cổ xưa cả về phong cảnh, kiến trúc, môi trường và văn hóa sống. Đưa việc giảng dạy lịch sử mỹ thuật và di sản vào các chương trình học phổ thông thành một bộ môn riêng bên cạnh giảng dạy di sản văn học cổ điển như thơ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, văn của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Đối với các di tích quan trọng, khi cần nghiên cứu, nên chọn phương pháp khoanh vùng thực địa và tiến hành nghiên cứu theo nhiều chuyên ngành khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật, văn hóa… chứ không chỉ riêng một ngành khảo cổ như hiện nay. Nghiên cứu vùng có thể kéo dài 5-10 năm hoặc hơn nữa dựa vào quy mô và hiện trạng di tích. Di sản cổ Ai Cập có tiếng tăm lớn như vậy là do ngành Ai Cập học hết sức phát triển, và người ta vẫn tiến hành khai thác du lịch bên cạnh việc khảo sát và nghiên cứu di tích, lấy kinh phí đó để nuôi dưỡng nghiên cứu lâu dài.

         Đã đến lúc cần thay đổi cách suy nghĩ về vấn đề di sản và bảo vệ di sản. Đó không còn chỉ là một vài ngôi chùa, ngôi đình đổ vỡ, pho tượng bị bong tróc cần tu sửa, mà là cả vấn đề quản lý văn hóa, giáo dục văn hóa, tri thức, quy hoạch khoanh vùng. Trùng tu di tích cũng không phải là một công việc ngắn hạn, mà sẽ là một quá trình liên tục, song song với công tác nghiên cứu và khai thác du lịch. Đền Ăngkor ở Campuchia khi cần tu sửa, người ta có thể đóng cửa 10-20 năm, hoặc khoanh vùng tham quan theo từng bộ phận. Hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng (Trung Quốc) hàng ngày vẫn có đội họa sĩ tô vẽ lại từng mảng màu của tranh tường cổ, bên cạnh những khách du lịch và việc đó tiến hành không dưới 10 năm nay. Nói như R.G.Gamzatov trong Dagestan của tôi, khi đã coi di sản văn hóa là tấm hộ chiếu của dân tộc đi vào hội nhập nhân loại, thì đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cái nhìn, tư duy và thái độ đối xử với tấm hộ chiếu ấy rồi.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 322, tháng 4-2011

Tác giả : Nguyễn Anh Tuấn

;