Cần vận dụng khoa học, thực tiễn 3 nguyên tắc của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vào nghệ thuật chèo

TS, NSƯT Lê Tuấn Cường, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật về những vấn đề đặt ra từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943.

TS, NSƯT Lê Tuấn Cường, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Năm 2023 là một năm đặc biệt, kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023). Dưới góc độ là người quản lý đơn vị nghệ thuật, ông có thể cho biết thời gian qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã vận dụng 3 nguyên tắc cốt lõi: dân tộc, khoa học và đại chúng trong Đề cương về văn hóa Việt Nam thế nào?

- Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử to lớn. Từ đó đến nay, các luận điểm, quan điểm của bản Đề cương vẫn tiếp tục được đặt ra, làm sáng tỏ và hiện thực hóa. Những thành quả của văn hóa hiện nay đạt được là dựa trên các quan điểm từ bản Đề cương này. Trong đó đặc biệt 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóakhoa học hóa cho đến nay vẫn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam.

Dân tộc hóa chính là giữ gìn cái hồn cốt của dân tộc. Chúng ta luôn phải giữ gìn bản sắc vì đó cũng chính là dòng chảy văn hóa của cả dân tộc. Nguyên tắc khoa học hóa trong bản Đề cương nhằm chống lại những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ. Đại chúng hóa là kim chỉ nam cho hoạt động văn hóa ở Việt Nam, nhấn mạnh mọi hoạt động văn hóa phải hướng về nhân dân.

Hiện nay, việc vận dụng 3 nguyên tắc này trong các Nhà hát cần uyển chuyển, thực tiễn, không thể vận dụng một cách cứng nhắc. Chèo là một nghệ thuật sân khấu truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, cần được giữ gìn, bảo tồn, kế thừa phát triển song song với sự phát triển của xã hội. Vì chèo là hồn cốt của dân tộc nên khi “đại chúng hóa”, chúng ta cần phải giới thiệu, quảng bá nghệ thuật chèo không chỉ trong nước mà cần vươn tầm đến với năm châu.

* Nhằm “đại chúng hóa”, quảng bá ở Việt Nam và quốc tế, thì hiện nay Nhà hát có những phương cách nào để ngày càng thu hút nhiều người biết đến nghệ thuật chèo?

Nhà hát Chèo Việt Nam là cái nôi của nghệ thuật sân khấu Chèo cả nước, nơi bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa đặc sắc của nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà. Hiện nay, Nhà hát có riêng một trang fanpage cung cấp thông tin các vở diễn. Ngoài ra còn một số nền tảng mạng xã hội khác như Tiktok, YouTube… Nhà hát luôn có 7 vở truyền thống kinh điển trong kịch mục và tới đây, Nhà hát sẽ sưu tầm, nghiên cứu và làm thêm nhiều vở diễn đặc sắc, làm phong phú hơn cho kho tàng nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Hằng năm, Nhà hát có liên kết với các trường để giới thiệu nghệ thuật chèo tới học sinh, sinh viên. Thông qua các buổi sân khấu học đường, các bạn học sinh, sinh viên được bồi đắp thêm về tư duy sân khấu truyền thống. Nhà hát đã kết hợp với nhiều trường phổ thông để xây dựng các buổi sân khấu hóa văn học dân gian, hướng dẫn, trao đổi giúp các bạn sinh viên, học sinh hiểu thêm về những tinh hoa sân khấu nước nhà. Khi hiểu và quý trọng giá trị truyền thống, các bạn sinh viên, học sinh sẽ say sưa tìm hiểu và rất tích cực tham gia các buổi sân khấu học đường thế này.

Các vở chèo diễn ở nước ngoài đều được biên dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp... Nhà hát chủ yếu biểu diễn các trích đoạn ngắn, ca hát dân gian, hầu đồng khi lưu diễn trong và ngoài nước. Năm 2017, Nhà hát tham gia Liên hoan giao lưu Nghệ thuật với nhiều nước bạn, tại Hàn Quốc với những trích đoạn truyền thống kinh điển và tích diễn Quan Âm Thị Kính (diễn một vở hoàn chỉnh). Ngoài ra, Nhà hát còn biểu diễn phục vụ bà con kiều bào, các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại Pháp, Anh, Mỹ, Canada, Đức, Thụy Sỹ… Qua các trích đoạn, vở chèo, khán giả nước ngoài hiểu thêm về truyền thống, các tích truyện của Việt Nam, hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam. Sân khấu truyền thống hay ở chỗ: mạch truyện diễn rất mạch lạc. Và sân khấu chèo truyền thống luôn mang tính giáo huấn đạo đức.

Vở chèo Bắc Lệ đền thiêng hiện đang công diễn là một trong số những vở chèo đặc sắc, thể hiện rõ tình yêu văn hóa Việt Nam và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hình tượng Bà đền, Thị Nhường, cháu bé yêu tiếng hát quê hương, dân tộc ở vở diễn này chính là hiện thân của văn hóa truyền thống, của hồn thiêng dân tộc đời đời còn mãi.

Cảnh trong vở chèo "Bắc Lệ đền thiêng" - Ảnh: Liên Hương

* Theo ông, giải pháp nào để phát huy được giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam, đặc biệt đối với nghệ thuật chèo truyền thống, để văn hóa Việt Nam phát triển bền vững, thể hiện được bản sắc, sức mạnh của con người, dân tộc Việt Nam và hội nhập với thế giới?

Điều cốt lõi chính là xây dựng và phát huy thiết chế văn hóa. Không có thiết chế văn hóa thì việc sáng tạo quảng bá, hưởng thụ các giá trị văn hóa trở nên đơn điệu, nhàm chán. Thiết chế văn hóa có vai trò thực sự quan trọng, quyết định đến sự thành công trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, cần chú ý vấn đề văn hóa gia đình. Từ văn hóa gia đình - nơi nhập thân văn hóa của mỗi chủ thể, mối quan hệ đó mới nhân rộng, lan tỏa ra văn hóa làng xã. Văn hóa gia đình được thể hiện ở thuần phong, mỹ tục, nếp sống, tác phong của các thành viên trong gia đình…, được biểu hiện ở sự hiếu thuận của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, ở sự nêu gương về nhân cách văn hóa trong gia đình và ở truyền thống gia phong của gia đình, dòng họ, mỗi chủ thể phải có trách nhiệm với lịch sử, truyền thống, văn hóa nước nhà.

Mỗi vở chèo đều mang trong đó một triết lý nhân sinh. Ví dụ vở Quan Âm Thị Kính nói tới chữ “nhẫn”. Tính giáo huấn đạo đức trong vở chèo truyền thống rất hay, thể hiện cách ứng xử, cách ăn mặc, lề lối, cốt cách của đạo làm người. Tích chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, ca ngợi phẩm chất trung thực, có trách nhiệm với quê hương, đất nước, liêm chính, tinh thần lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống, tràn đầy niềm tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Chèo luôn mang trong mình chức năng giáo huấn đạo đức, được ra đời từ cuộc sống và rồi quay lại phục vụ đời sống. Vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy và lan tỏa nghệ thuật chèo truyền thống đến với nhiều người xem. Đặc biệt hiện nay, chúng ta cần có những chế độ đãi ngộ kịp thời quan tâm tới những nghệ sĩ với thể loại sân khấu truyền thống đặc thù để luôn khơi gợi lòng sáng tạo trong họ. Khi công nghệ thông tin phát triển, chúng ta cần tận dụng các kênh truyền thông để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật chèo đến với khán giả trong nước và quốc tế.

Vào giai đoạn của những năm 80, 90 thế kỷ trước, tưởng như những vở chèo cải biên đã chinh phục được một số tầng lớp khán giả. Nhưng rồi những giá trị đích thực của nghệ thuật sân khấu dân tộc vẫn luôn là hồn cốt trong mọi sáng tạo. Dòng chảy văn hóa của dân tộc, những tinh hoa truyền thống luôn được kế thừa và phát triển, lấy chất liệu truyền thống làm hồn cốt, kim chỉ nam cho mọi sáng tạo, phát triển những vở diễn mới phù hợp với hiện thực xã hội, thời đại.

* Xin cảm ơn ông!

LIÊN HƯƠNG thực hiện

;