Cần có một công cuộc đổi mới trong văn hóa

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS, TS Bùi Hoài Sơn đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật xung quanh ý nghĩa, giá trị và việc vận dụng những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vào thực tiễn công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa hôm nay, để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Ông bày tỏ:

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ảnh tư liệu

- Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, sau 13 năm Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đã trở thành đường hướng văn hóa cách mạng soi đường, cùng với các mặt trận: kinh tế và chính trị, để từ đó Đảng ta phát huy sức mạnh của dân tộc trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập đất nước và xây dựng Tổ quốc sau này. Ngay trong thời điểm đó, Đảng ta đã xác định văn hóa cùng với chính trị và kinh tế là ba mặt trận quan trọng, mà những người cộng sản phải hoạt động. Năm 1943 là giai đoạn hết sức khốc liệt trong lịch sử của đất nước, khi nước ta phải sống dưới ách nô lệ “một cổ, hai tròng” của phát xít Nhật và thực dân Pháp, văn hóa phong kiến thì đè nặng lên dân tộc ta trong rất nhiều năm. Đi kèm với đó là tác động của chiến tranh thế giới lần thứ hai, văn hóa phát xít ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư tưởng của nhân dân thời kỳ đó. Chính vì thế, giải phóng tư tưởng, giải phóng về mặt văn hóa cũng giúp cho giải phóng đất nước. Trong định nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, văn hóa được hiểu ở ba lĩnh vực tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, những người cộng sản cũng phải tranh đấu trên ba mặt trận đó. Chính vì thế, bản Đề cương cũng đưa ra ba nguyên tập tắc quan trọng: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Ba nguyên tắc đó là những nguyên tắc rất căn bản, vẫn còn có giá trị đến ngày hôm nay. Những nguyên tắc đó như một “kim chỉ nam” dẫn đường cho phát triển văn hóa từ năm 1943 đến nay.

*  Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã được phát huy như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

- Tiếp nối giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức, tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Và đến Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948, đã bàn về vấn đề quan trọng là Chủ nghĩa Mác - Lên nin và văn hóa Việt Nam. Cùng với đó là các hội nghị cụ thể hóa những nguyên tắc trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.

Cùng với sự ra đời của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Hội Văn hóa cứu quốc cũng được thành lập, nhằm đưa văn hóa thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của sự đời sống xã hội. Với việc dồn toàn tâm toàn lực của cả đất nước cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, văn hóa đã đóng vai trò quan trọng và hình thành nền văn hóa cách mạng. Với các sản phẩm của văn học nghệ thuật như những bài thơ, bài hát, truyện ngắn, tiểu thuyết, các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật và các loại hình nghệ thuật khác đã góp vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, để vượt qua khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù.

Tiếp theo đó, sự phát triển của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được bồi đắp thêm những màu sắc mới, cập nhật và phù hợp hơn với những điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta qua các  thời kỳ cụ thể như Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là giai đoạn đất nước ta trong quá trình đổi mới, cùng với sự toàn cầu hóa, sự xâm lăng văn hóa đến từ nhiều  nền văn hóa lớn trở thành nguy cơ và thách thức. Với mong muốn đón những “cơn gió lành”- đó là tinh hoa của văn hóa thế giới, đó cũng chính là lý do và quan điểm của Đảng ta là “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Điều đó có ý nghĩa rất lớn, đồng thời là kế thừa giá trị từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.

Tiếp đó, có thể kể đến Nghị quyết số 23 -NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, nhấn mạnh về mối quan hệ biện chứng giữa “xây dựng văn hóa để phát triển con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Trong đó đề cập tới sự xuống cấp đạo đức trong xã hội đang có nguy cơ lan rộng, báo động trong việc mang đến nhiều hệ lụy trong phát triển văn hóa, mà con người và văn hóa là mục đích của mọi sự phát triển. Vì thế, cần phải tập trung phát triển con người với thế giới quan, nhân sinh quan để phù hợp với sự phát triển của đất nước. Điều đó, được định hướng bởi các hệ giá trị như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, từ đó chúng ta phát triển đất nước một cách bền vững hơn, khơi dậy những khát vọng của con người, xây dựng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Tinh thần của Nghị quyết lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương khóa XI cũng bắt nguồn từ tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, trong việc đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển văn hóa. Cùng với các hệ giá trị, trong hệ giá trị văn hóa cũng được xác định 4 giá trị chính là dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học. 4 giá trị này cũng trùng khớp với các nguyên tắc được đề ra tại Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Đó chính là sự vận động, phát triển của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 trong lịch sử và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay và để từ đó dẫn dắt đất nước ta phát triển bền vững hơn trong thời gian sắp tới.

* Vậy còn đánh giá của ông về sự phát triển của văn hóa sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021?

- Đảng ta luôn quan tâm đến sự phát triển văn hóa, với việc ban hành hai Nghị quyết chuyên đề về văn hóa mà như trên tôi đã nói, đó là  Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) và Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Trong các văn kiện của Đảng thì yếu tố văn hóa cũng được nhiều lần nhấn mạnh, đồng thời đặt ra những chỉ tiêu cho phát triển văn hóa. Đảng coi văn hóa là nền tảng tinh thần của sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, đã tổng kết lại quá trình phát triển văn hóa, những quan điểm định hướng phát triển của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước những năm vừa qua, đồng thời đưa ra những quan điểm cho sự phát triển văn hóa trong những năm sắp tới.

Việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Đảng với bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lĩnh vực văn hóa. Trong Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một số quan điểm mà tôi thấy rất tâm đắc, như khẳng định “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn, dân tộc còn”… cùng với đó Tổng Bí thư cũng chỉ ra 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp  phát triển văn hóa trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn cuộc sống. Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội thảo quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, nhằm cụ thể hóa những nhận thức và định hướng về các hệ giá trị, để từ đó định hướng sự phát triển của đất nước nói chung, của mỗi cá nhân nói riêng.

Ngày hội của đồng bào Thái - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Tiếp đó, Quốc hội với vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, đã tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Thông qua Hội thảo, tìm cách tháo gỡ những vấn đề liên quan đến thể chế (luật pháp), các chính sách và những nguồn lực, qua đó khai thông các điểm nghẽn, để văn hóa có sức sống mới và khả năng phát triển mới.

Ở các địa phương như: Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… cũng đã ban hành những nghị quyết về văn hóa, tổ chức các hội nghị văn hóa toàn tỉnh, để từ đó huy động sự quan tâm của toàn xã hội đối với lĩnh vực văn hóa.  Sự chuyển biến trong các lĩnh vực nghệ thuật cũng cho thấy được rất nhiều kết quả đạt được về văn hóa sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Như trong lĩnh vực âm nhạc, có nhiều ca khúc mang âm hưởng dân gian với sự sáng tạo mới của những người trẻ. Các tác phẩm đó không chỉ chiếm trọn sự quan tâm của khán giả trong nước,  còn  thu hút sự quan tâm của khán giả thế giới; hay trong lĩnh vực điện ảnh, có những bộ phim bom tấn; và các loại hình nghệ thuật khác nhau đều có những điểm nhấn… Điều đó cho thấy, từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, đã có sự chuyển biến về nhận thức, hành động và cũng có sự chuyển biến trong kết quả từ thực tiễn cuộc sống. Hy vọng rằng,  từ những hoạt động mang tính đột phá, sẽ trở thành trào lưu mới đối với sự phát triển văn hóa con người Việt Nam. Từ đó, văn hóa sẽ có thêm những thời cơ, động lực để  phát triển đất nước bền vững.

* Để kế thừa, phát huy những giá trị của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, theo ông, cần có những biện pháp gì để văn hóa phát triển ngang hàng (trở thành trụ cột cùng với) với kinh tế, chính trị và xã hội trong thời gian tới?

- Phát triển văn hóa trong thời gian tới là một công việc hết sức phức tạp và khó khăn, chính vì thế đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm và nỗ lực của toàn xã hội. Với mong muốn văn hóa sẽ đóng vai trò quan trọng và tích cực đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trước tiên chúng ta cần phải phát triển văn hóa theo hướng bền vững. Vì văn hóa có bền vững và trong lành thì mới tạo ra những đóng góp tích cực vào sự phát triển trong lành và bền vững của đất nước. Nếu văn hóa vẫn còn có những vẩn đục, những tiêu cực lệch chuẩn, thì văn hóa khó có góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Chính vì thế, chúng ta cần phải làm rất là nhiều việc như: cần có một công cuộc đổi mới trong văn hóa, trong tư duy về quản lý văn hóa. Nước ta đã thành công trong đổi mới kinh tế, thành công trong đổi mới về chính trị và đây là thời điểm chín muồi để có những đổi mới thành công về văn hóa. Muốn thành công trong phát triển văn hóa thì phải có sự cởi trói, đột phá về tư duy, để từ đó có những cách tiếp cận và giải pháp mới.

Đổi mới tư duy, đó là phải xem văn hóa là một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực khác trong xã hội, nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng tác động của mọi lĩnh vực trong xã hội. Văn hóa chịu ảnh hưởng của kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, giáo dục, y tế, giao thông vận tải…  Nên khi phát triển văn hóa thì không thể để ngành Văn hóa đơn độc phát triển, mà cần có sự quan tâm của tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục… đối với lĩnh vực văn hóa, để có thể tạo sự lan  tỏa những thông điệp tốt đẹp, những giá trị Chân - Thiện - Mỹ của văn hóa đến tất cả các lĩnh vực khác nhau trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy quản lý văn hóa theo xu thế quản lý văn hóa trên thế giới, đó là xu thế phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong quản lý văn hóa; xu thế về tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm, xu thế về quan tâm nhiều hơn đến quyền văn hóa của người dân. Từ đó, các công cụ quản lý văn hóa, các kế hoạch, đề án phát triển văn hóa đều xoay quanh quyền văn hóa của người dân.

Để làm được những việc này, cần có những giải pháp mang tính tổng thể, trong đó giải pháp đầu tiên là thể chế, chính sách. Đó là, phải tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa phát triển. Khuyến khích sự tự do sáng tạo trong phát triển văn hóa.

Các hành lang pháp lý có thể đến từ các bộ luật về văn hóa, ví dụ như Luật Điện ảnh đã được ban hành thời gian vừa qua. Sắp tới sẽ tiếp tục ban hành thêm các văn bản quy phạm pháp luật về: Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, hay Hiến tặng và tài trợ trong lĩnh vực văn hóa và các bộ luật khác liên quan trực tiếp đến văn hóa. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý không chỉ nằm trong những bộ luật liên quan trực tiếp đến văn hóa, mà cả các bộ luật khác tưởng chừng như ít liên quan đến văn hóa, nhưng lại có tác động rất nhiều đến văn hóa như: Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Đối tác công tư PPP, Luật Tài sản công… Các luật đó, mỗi khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung thì cần phải tính toán đến các yếu tố văn hóa như cơ sở vật chất, thiết chế, sự phù hợp với văn hóa của từng vùng miền, từng đơn vị… từ đó mới lan tỏa, tác động sang lĩnh vực văn hóa.

Thứ hai, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa trong toàn xã hội. Khi thấy được tầm quan trọng của văn hóa, mới có kế hoạch, đầu tư cho văn hóa.

Thứ ba, cần tăng cường nguồn lực cho phát triển văn hóa. Đầu tiên là nguồn lực tài chính, đã được ghi rõ trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với mức đầu tư phấn đấu 2% chi thường xuyên cho lĩnh vực văn hóa. Để đạt được chỉ tiêu, chúng ta cố gắng có thêm những nguồn đầu tư tài chính, từ đó sẽ có thêm nguồn lực, động lực cho phát triển văn hóa.

Không chỉ nguồn lực tài chính, cần phải đầu tư về cơ sở vật chất. Chúng ta tự hào khi đang được ở trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ, vị trí, vị thế uy tín như ngày hôm nay. Để cho những giá trị đó được phát huy, rất cần có những thiết chế văn hóa tương xứng với thời đại Hồ Chí Minh, đó là các bảo tàng quốc gia, nhà hát quốc gia, thư viện quốc gia và các thiết chế văn hóa khác. Vì thế cần đầu tư cho các thiết chế đó xứng tầm với thời đại, đó là nơi tổ chức các hoạt động một cách phù hợp, có thương hiệu, tạo điều kiện cho chúng ta không chỉ là tổ chức sự kiện ở trong nước, mà còn hướng tới các đối tác quốc tế. Khi có những thiết chế xứng tầm, mới xây dựng được thương hiệu về văn hóa nghệ thuật, từ đó dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước, tỏa sáng những giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới.

Nguồn lực quan trọng hơn hai nguồn lực trên chính là nguồn nhân lực. Trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nhấn mạnh yêu cầu: “Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Bác Hồ đã từng nói “cán bộ là gốc của mọi việc, mọi việc thành hay bại đều do cán bộ”, vì thế chúng ta rất cần gây dựng những cán bộ hiểu, tâm huyết, cống hiến để từ đó dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

NGỌC BÍCH thực hiện

 

;