Xây dựng môi trường văn hóa tại các thiết chế văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam

Mỗi dân tộc ở Việt Nam có đặc trưng riêng, cùng với đó là các sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các thiết chế văn hóa (TCVH). Tìm hiểu môi trường văn hóa (MTVH), xây dựng MTVH tại các TCVH tín ngưỡng nhằm làm rõ hơn vai trò, vị trí, giá trị của các TCVH cũng như ý nghĩa của các sinh hoạt tín ngưỡng tại các TCVH đó đối với cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Trên cơ sở làm rõ một số khái niệm như: TCVH, TCVH tín ngưỡng, MTVH, xây dựng MTVH, tác giả sẽ phân tích thực trạng của MTVH tại các TCVH tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Từ đó, bài tham luận đề xuất một số giải pháp, tiêu chí xây dựng MTVH tại các TCVH ở Việt Nam nói chung và TCVH tín ngưỡng của các dân tộc nói riêng.

1. Một số khái niệm

Theo quan điểm của tác giả, TCVH không chỉ đơn thuần là những công trình vật chất cụ thể mà bao hàm trong đó là hệ thống cơ chế, chính sách vận hành; đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, tổ chức; nguồn lực tài chính và các chủ thể hoạt động. Trong dạng thức văn hóa cộng đồng, các TCVH lập ra sẽ đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của cộng đồng, khu vực đó, góp phần xây MTVH ở địa phương.

Như vậy, TCVH là tập hợp các khuôn mẫu văn hóa được cộng đồng chấp nhận nhằm thỏa mãn các nhu cầu của con người. Trong nội hàm khái niệm này thường được sử dụng ở hai trường hợp: TCVH cơ sởTCVH truyền thống. TCVH cơ sở là hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị để đảm bảo cho các hoạt động văn hóa có thể diễn ra, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân; còn TCVH truyền thống thường đề cập đến các cấu trúc văn hóa có khả năng bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (bao gồm môi trường xã hội, hệ thống giáo dục, thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, dòng tộc, gia phong…).

Đảng, Nhà nước ta trong những năm qua đã quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực cần thiết để xây dựng và hoàn thiện hệ thống TCVH. Điều này được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) và tiếp tục được khẳng định trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ, Nghị quyết số 33/NQ-TW, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2014) về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Văn kiện Đại hội XII của Đảng đều nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống TCVH: “Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và TCVH bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (1).

Có nhiều cách hiểu khác nhau về MTVH, trong đó, tác giả đồng tình với khái niệm MTVH như sau: MTVH là tổng thể sống động các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian, thời gian xác định, các yếu tố đó tác động lẫn nhau và có quan hệ tương tác đối với con người, nhằm phát triển, phát huy vai trò con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể văn hóa.

MTVH trong các TCVH tín ngưỡng (TCVH truyền thống) của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam được hiểu là: tổng hòa những yếu tố văn hóa vật thể, như các công trình kiến trúc nhà thờ đạo Kitô, chùa Phật giáo, thánh thất đạo Cao Đài, thánh đường Hồi giáo, các dạng đình, đền, am, miếu, tháp…; các hình thức trang trí kiến trúc, tranh thờ, tượng thờ, các đồ thờ phù hợp với từng loại tôn giáo tín ngưỡng; các loại trang phục, lễ phục phù hợp với các hình thức nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng… và các yếu tố văn hóa phi vật thể như: các giáo lý, kinh sách chứa đựng các nội dụng vũ trụ luận, nhân sinh, đạo đức, chuẩn mực ứng xử xã hội… các hình thái văn học, chữ viết cổ xưa gắn liền với đời sống tôn giáo tín ngưỡng; các hình thức diễn xướng nghi lễ như tế tự, rước xách, lễ hội mà trong đó thường chứa đựng các hình thức hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú như nhạc lễ, múa nghi lễ, các trò diễn nghi lễ (2). TCVH tín ngưỡng gồm các yếu tố văn hóa vật thể văn hóa phi vật thể đó tác động lẫn nhau và có quan hệ tương tác với con người, nhằm phát huy vai trò của con người vừa là chủ thể thực hành văn hóa, vừa là khách thể hưởng thụ, thẩm định các giá trị văn hóa.

Từ cách hiểu này và trong giới hạn của bài viết, tác giả sẽ xem xét các thành tố (cấu trúc) của MTVH trong các TCVH tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam bao gồm: Các công trình kiến trúc (cơ sở tín ngưỡng như đình, chùa, đền, am, miếu, tháp….); Các hình thức trang trí kiến trúc, tranh thờ, tượng thờ, các đồ thờ phù hợp với từng loại tôn giáo tín ngưỡng; Các loại trang phục, lễ phục phù hợp với các hình thức nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng; Các hình thức diễn xướng nghi lễ như tế tự, rước xách, lễ hội (trong đó có nhạc lễ, múa nghi lễ, các trò diễn nghi lễ…). Như vậy, MTVH là một chỉnh thể thống nhất, có sự vận động và biến đổi, trong đó, các yếu tố có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại và có ảnh hưởng lẫn nhau.

Xây dựng MTVH là quá trình tìm tòi, sáng tạo, thực hành, phát huy, xây dựng các thành tố, yếu tố cấu thành của MTVH nhằm mục đích phát triển sự nghiệp văn hóa giàu mạnh hơn. Ví dụ như xây dựng MTVH tại các TCVH tín ngưỡng ở Việt Nam là quá trình bao gồm: việc duy trì, tu bổ, tôn tạo các công trình kiến trúc (cơ sở tín ngưỡng như đình, chùa, đền, am, miếu, tháp…); giữ gìn các hình thức trang trí kiến trúc, tranh thờ, tượng thờ, các đồ thờ phù hợp với từng loại tôn giáo tín ngưỡng; các loại trang phục, lễ phục phù hợp với các hình thức nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng; gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy các hình thức diễn xướng nghi lễ như tế tự, rước xách, lễ hội (trong đó có nhạc lễ, múa nghi lễ, các trò diễn nghi lễ…). Mỗi yếu tố của MTVH tại các TCVH tín ngưỡng sẽ có đặc trưng riêng, cần căn cứ vào hiện trạng thực tiễn để đề xuất, xây dựng các tiêu chí, nội dung, hoạt động cho phù hợp.

Giỗ tổ Hùng Vương ở Đà Lạt - Ảnh: Hà Hữu Nết

2. Vị trí, vai trò của các thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng

TCVH tín ngưỡng trong cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức, xây dựng, phát triển văn hóa quốc gia, vùng lãnh thổ, văn hóa làng, cũng như văn hóa gia đình, dòng họ và văn hóa cá nhân của người Việt Nam.

Thứ nhất, TCVH tín ngưỡng trong cộng đồng vừa phản ánh diện mạo văn hóa của cộng đồng, quốc gia, vừa thể hiện chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân cũng như tài nghệ sáng tạo của chủ thể văn hóa. Nhiều TCVH tín ngưỡng truyền thống như đình, chùa, am, miếu, điện... đã trở thành biểu tượng, di sản văn hóa, phản ánh trình độ phát triển trong những giai đoạn, thời kỳ lịch sử cụ thể, là tài sản vô giá chứa đựng giá trị mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, có ảnh hưởng lớn đến giáo dục, hình thành nhân cách con người.

Thứ hai, TCVH tín ngưỡng trong cộng đồng không chỉ là nơi người dân hưởng thụ các giá trị văn hóa mà còn là nơi kích thích, ươm mầm cho những ý tưởng, khát vọng sáng tạo; nơi trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa; nơi người dân trình diễn, sinh hoạt nghệ thuật dân gian.

Thứ ba, TCVH tín ngưỡng trong cộng đồng đóng vai trò như trung tâm chính trị - hành chính, duy trì sự thống nhất, ổn định trong bộ máy quản lý của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

TCVH tín ngưỡng trong cộng đồng (TCVH truyền thống) thường đề cập đến các cấu trúc văn hóa có khả năng bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Sơ đồ các yếu tố trong TCVH tín ngưỡng trong cộng đồng (TCVH truyền thống) tác động đến MTVH và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam:

3. Thực trạng hoạt động và xây dựng MTVH tại các TCVH tín ngưỡng ở Việt Nam

Để đánh giá MTVH tại các TCVH nói chung và đặt ra các tiêu chí xây dựng MTVH tại các TCVH tín ngưỡng nói riêng, cần tìm hiều về các mặt hoạt động tại các TCVH tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay.

Thực trạng hoạt động tại các TCVH tín ngưỡng

Các công trình kiến trúc (cơ sở tín ngưỡng như đình, chùa, đền, am, miếu, tháp….).

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Người dân Việt Nam có truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng từ lâu đời. Các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có những tín ngưỡng riêng gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh.

Về tín ngưỡng dân gian, đặc trưng nhất là các hình thái tín ngưỡng nguyên thủy và tín ngưỡng dân gian ngày nay còn lưu giữ được trong các nhóm dân tộc như nhóm Tày - Thái, nhóm Mông - Dao; nhóm Hoa - Sán Dìu - Ngái; nhóm Chăm - Ê đê - Gia Rai; nhóm Môn - Khmer.

Bên cạnh đó, một phong tục, tập quán lâu đời phổ biến nhất của người Việt và một số dân tộc thiểu số khác là việc thờ cúng tổ tiên và cúng giỗ những người đã mất.

Các tôn giáo: Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 38 tổ chức, hệ phái tôn giáo và 1 pháp môn tu hành thuộc 13 tôn giáo, với trên 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 trường đào tạo chức sắc tôn giáo (tương đương từ bậc trung cấp đến trên đại học), 25.000 cơ sở thờ tự (3).

Ở Việt Nam hiện có 6 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo.

Như vậy, văn hóa dân tộc, tính cách, lối sống của con người Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu đậm từ đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Bên cạnh hệ thống các cơ sở tôn giáo, các tín ngưỡng và lễ hội dân gian cũng là một thành tố của thiết chế văn hóa có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như việc giáo dục lối sống đạo đức cho thế hệ thanh thiếu niên.

Các hình thức trang trí kiến trúc, tranh thờ, tượng thờ, các đồ thờ phù hợp với từng loại tôn giáo tín ngưỡng.

Cơ sở của mọi tôn giáo, tín ngưỡng ra đời và tồn tại, phát triển cùng với con người, nó là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người.

Chùa tháp là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, bao gồm một tổng thể nhiều công trình đơn lẻ, có hành lang bao quanh hoặc tường vây kín.

Công trình đền đài, miếu mạo là nơi thờ cúng của Đạo giáo (Lão giáo). Kiến trúc bên ngoài của đền miếu có những đặc điểm cơ bản giống của kiến trúc đình chùa, nhưng nội dung thờ cúng và trang trí nội thất có khác nhau.

Văn miếu, tự miếu, văn chỉ là những công trình kiến trúc Nho giáo thời Khổng Tử.

Kiến trúc lăng mộ là các công trình lăng tẩm và mộ táng cổ xưa. Một số dân tộc còn có nhà mồ. Có hai loại mộ táng: mộ của những người thế tục; mộ của những người tu hành.

Đình làng nguyên là nơi thờ Thành hoàng theo phong tục tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam cổ đại. Vì vậy, nó thường được xếp vào thể loại công trình phục vụ cho tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, đình làng còn là một công trình thuộc thể loại kiến trúc công cộng dân dụng do tính chất phục vụ đa chức năng của nó. Ngoài là nơi thờ Thành hoàng làng, đình làng còn là trung tâm hành chính, quản trị phục vụ cho mọi hoạt động thuộc về cộng đồng làng xã; là nơi làm việc của Hội đồng kỳ mục trước đây (trong thời phong kiến); là nơi hội họp của dân làng... Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội làng truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của làng. Nói chung, với ba chức năng cơ bản trên (tín ngưỡng, hành chính, văn hóa - văn nghệ), đình làng là nơi diễn ra nhiều hoạt động của làng xã Việt Nam dưới thời phong kiến. Đình làng không những có giá trị cao về mặt kiến trúc, là kiến trúc thuần Việt nhất của dân tộc, mà còn là kho tàng hết sức giá trị về mặt điêu khắc dân gian.

Tháp Chàm là những đền miếu cổ, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm, sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay).

Các loại trang phục, lễ phục phù hợp với các hình thức nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng.

Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng sẽ có nghi lễ, tổ chức, phong tục khác nhau, cùng với đó là các loại trang phục, lễ phục phù hợp với các hình thức nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng. Trong thực tế, khi tổ chức các lễ hội, hình thức diễn xướng nghi lễ, nhân dân đã duy trì, thực hành trên cơ sở truyền thống. Vì thế, tiêu chí về các loại trang phục, lễ phục phù hợp với các hình thức nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng cũng được đặt ra khi xây dựng MTVH tại các TCVH tín ngưỡng.

Như trường hợp di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các trang phục dân tộc, các điệu xá thượng trong hát văn mang sắc thái văn hóa dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Theo sự phát triển của xã hội và nhu cầu đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lên trình diễn sân khấu, nên các trang phục hầu thánh, hầu đồng được làm đẹp mắt bằng các chất liệu, màu sắc rực rỡ hơn, nhưng ý nghĩa và cốt cách của từng nhân vật trong giá hầu không thay đổi.

Các hình thức diễn xướng nghi lễ như tế tự, lễ rước, lễ hội - trong đó có nhạc lễ, múa nghi lễ, các trò diễn nghi lễ…

Việt Nam có nhiều cộng đồng dân cư, ngoài sự tồn tại của các tôn giáo lớn, phần lớn người dân còn duy trì các loại hình tín ngưỡng dân gian, lễ hội truyền thống. Tôn giáo, tín ngưỡng giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, ảnh hưởng, chi phối trực tiếp đến văn hóa, tập quán, cũng như lối sống của người dân.

Ở Việt Nam, 95% dân số có đời sống tín ngưỡng. Hằng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức.

Căn cứ vào đặc điểm thờ cúng và sinh hoạt tín ngưỡng, có thể phân loại một số loại hình tín ngưỡng như sau:

Tín ngưỡng thờ cúng tại gia đình, bao gồm: thờ cúng ông bà, tổ tiên; thờ các vị thần; thờ các danh nhân, anh hùng lịch sử, liệt sĩ cách mạng.

Tín ngưỡng thờ cúng tại các đình, đền, miếu, bao gồm: thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và các tổ nghề.

Thờ Thành hoàng nông nghiệp là tục thờ cúng của cư dân nông nghiệp, nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng thịnh vượng.

Thờ Mẫu, trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Việt Nam: tại các điện thờ Thánh Mẫu, nghi thức thờ cúng hằng ngày do các thủ nhang thực hiện. Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.

Các vấn đề đặt ra trong xây dựng và hoàn thiện TCVH

Trong những năm gần đây, một số cơ sở tôn giáo tín ngưỡng và lễ hội trên đất nước ta do tác động của quá trình toàn cầu hóa, đang có tình trạng bị mai một, suy thoái. Cơ sở tôn giáo và hoạt động tôn giáo có nơi, có lúc bị thương mại hóa. Các tín ngưỡng, lễ hội dân gian cũng ít nhiều bị mai một và biến đổi. Nhiều tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái con người, tín ngưỡng chu kỳ đời người bị mai một, sức sống của nó ngày nay đã bị biến dạng theo hình thức mê tín. Các hình thức lễ hội dân gian cũng bị biến dạng, nặng về phần hội, nhẹ về phần lễ, cấu trúc cờ phướn, trang phục, món ăn và cả những trò chơi dân gian truyền thống không được tuân thủ, tôn trọng, thay vào đó là những trang phục tân tiến, món ăn hiện đại, những hình thức ca múa nhạc của xã hội hiện đại. Vì thế, tín ngưỡng và lễ hội dân gian trong không ít trường hợp đã không còn giữ gìn được chức năng bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, giá trị đạo đức cho các thế hệ trẻ tương lai. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong thời gian gần đây, có nhiều trường hợp các nghi lễ thờ cúng phát triển theo hướng phô trương hình thức.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức về công tác quản lý đối với các cơ sở tín ngưỡng, do đó công tác giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích còn hạn chế. Nhân sự ban quản lý di tích còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, thiếu người kế thừa. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc, kiến thức chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Việc phân định chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và quản lý lễ hội tín ngưỡng của hai ngành: Nội vụ và Văn hóa còn gặp nhiều lúng túng. Ngân sách bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các công trình di tích còn hạn chế.

4. Một số giải pháp, tiêu chí xây dựng MTVH tại các TCVH tín ngưỡng

Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hóa mới với những đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, một trong những giải pháp quan trọng mà Đảng đề ra là: “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCVH” (4), cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, các cấp, ngành cần quán triệt sâu rộng nghị quyết của Đảng về chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với không ngừng phát triển văn hóa.

Thứ hai, bên cạnh việc đầu tư về nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng cho các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cần có những nghiên cứu, đánh giá khảo sát về nhu cầu, tâm lý của người dân trong xây dựng TCVH. Việc xây dựng TCVH phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tộc người và đáp ứng nhu cầu, lợi ích của người dân.

Thứ ba, song song với quá trình xây mới các TCVH hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển thì việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các TCVH truyền thống mang dấu ấn lịch sử, gắn liền với quá trình đánh giặc, giữ nước của cha ông cũng cần được quan tâm.

Thứ tư, xã hội hóa các hoạt động, phong trào xây dựng nhà văn hóa, làng văn hóa và các TCVH nhằm huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, đồng thời, phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể văn hóa trong xây dựng nội dung, chương trình hành động.

Thứ năm, trong quản lý, vận hành các TCVH, cần xây dựng những mô hình thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng, học tập những mô hình hoạt động hiệu quả.

Các TCVH tín ngưỡng truyền thống đã và đang phát huy được vai trò trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như giáo dục nhân cách đạo đức cho con người.

Để xây dựng MTVH phù hợp tại các TCVH tín ngưỡng, cần lưu ý một số tiêu chí sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến tín ngưỡng.

Hai là, tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không cấp phép tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, kiên quyết không để các hành vi phản cảm, hoạt động mê tín dị đoan... xảy ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia lễ hội.

Bốn là, tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp, tăng cường tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của cán bộ, công chức.

Năm là, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng; đồng thời hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng.

Tóm lại, TCVH tín ngưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần kết tinh và lan tỏa ý chí dân tộc - sức mạnh mềm của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, các TCVH tín ngưỡng trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, ít nhiều đã có sự thay đổi, biến dạng, làm cho nó, trong nhiều trường hợp, không còn là nhân tố thúc đẩy các giá trị tốt đẹp của truyền thống ông cha. Từ đó, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị chuẩn mực trong lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên. Vì vậy, đánh giá vai trò/ vị trí của từng thành tố trong TCVH truyền thống (trong đó có TCVH tín ngưỡng), đánh giá những xu hướng biến đổi tất yếu và xây dựng tiêu chí cụ thể nhằm góp phần phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt trái tác động đến văn hóa truyền thống của dân tộc. Đảm bảo mục tiêu giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

_____________

1. thuvienphapluat.vn.

2. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

3. Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Tiểu ban Tuyên truyền - Văn hóa, Tín ngưỡng - Tôn giáo, asean2020.vn.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.257

Ths NGUYỄN THỊ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;